Seite auswählen

“dấu ấn của quỷ” từ những tháng ngày điêu linh trong quá khứ, đó là:  BÓNG TỐI. 

Dấu ấn đậm nét mà khi nhắc lại, dễ làm nhiều người rơi nước mắt!“

 

nguyenngocgia

 

Dù đã tròn 46 năm, tính từ 30 tháng Tư năm 1975; dù ký ức đã trở thành từng mảnh vỡ bị mài mòn, tôi vẫn cố mày mò để ghép lại “bức tranh kỳ quái” một thời, ám ảnh hàng triệu người Việt Nam. Chắc chắn đó không thể là bức tranh sắc nét (nhất là cho thế hệ trẻ) như mong muốn, bởi lẽ từng góc, từng cạnh của mảnh vỡ ký ức đã bị sứt mẻ theo thời gian, mòn cụt theo cuộc đời nổi trôi từng phận người ngay trên chính quê Cha đất Tổ.

 

Thế hệ được sinh trưởng trong những năm ’60 của thế kỷ trước, chắc chắn không đủ trải nghiệm với tư cách “người nhập cuộc” để luận bàn về chiến tranh – chính trị nhưng chắc chắn đủ thấm thía những hậu quả tàn khốc thời hậu chiến, sau khi “Bên Thắng Cuộc” cưỡng chiếm thành công Sài Gòn.

 

Chắc hẳn, nhiều người thấy lòng mình chùng xuống, se sắt và nhói đau khi nghĩ về một thời quá vãng kinh hoàng sau 1975!

 

Nếu ngồi kể cho nhau nghe những mảnh đời thương tâm làm cho thể xác biến dạng cùng tâm hồn tật nguyền – kể cả thù hận – bị gây ra bởi sự ngu xuẩn và hãnh tiến của người CSVN, thì nói cả tháng cũng không hết. Vậy hãy nói cho nhau nghe những gì phổ quát nhất, bao hàm nhất và ấn tượng nhất để cùng ngẫm lại một giai đoạn lịch sử thảm thương, sau khi Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ.

 

Không quá chủ quan, khi tôi cảm nhận về “dấu ấn của quỷ” từ những tháng ngày điêu linh trong quá khứ, đó là:  BÓNG TỐI.

 

Dấu ấn đậm nét mà khi nhắc lại, dễ làm nhiều người rơi nước mắt!

 

Bóng tối tôi muốn nói đến ở đây mang cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Nếu bóng tối hữu hình bao trùm cả Sài Gòn khi màn đêm buông xuống của những năm sau “giải phóng”, thì bóng tối vô hình bao phủ tất cả các lãnh vực, mà từ đó nó tạo ra Con Người Nhân Bản và văn minh: kinh tế, pháp luật, giáo dục, y tế, tôn giáo, văn hóa – nghệ thuật.

 

Tất cả các lãnh vực nói trên tha hóa, bệ rạc và để lại di chứng nặng nề cho đến nay, đều xuất phát từ cái đói thể xác và của hàng chục năm trời dân Sài Gòn đối mặt với bóng tối triền miên!

 

Đói về thể xác và tập quen dần với màn đêm tinh thần u ám, từ đó hủy hoại tất cả những gì thánh thiện, thanh cao, tốt đẹp nhất của Con Người đặt trong bối cảnh những năm sau 1975. Không phải miếng ăn quyết định tất cả trong mọi thời đại, mọi xã hội, mọi hoàn cảnh, do đó xin nhấn mạnh: Cái đói và bóng tối theo quan điểm riêng tôi, cần đặt trong bối cảnh xã hội Việt Nam vào những năm, sau khi nhà nước Việt Nam Cộng Hòa tan rã.

 

Quá khứ tồi tệ được tạo ra từ một thời u mê, nhiệt tình đến mức quá khích của cả một “hầm rượu chiến thắng” được cất từ cái thứ “men đặc quánh” gọi là: “tên đế quốc khét tiếng thế giới”, mà chẳng quốc gia nào đánh bại nỗi, chỉ có người Cộng sản Việt Nam làm nên điều “kỳ diệu” đó” (!) Câu cửa miệng một thời của Bên Thắng Cuộc vẫn dai dẳng và âm ỉ, nhắc đi nhắc lại nhiều lần ở thế đứng của bề trên. Vâng! Chính nó! Chính nó đã làm cho những người CSVN ngất ngây trên chín tầng mây xanh để tự tán dương, tự ca tụng bất tận. “Tự sướng” chưa đủ, họ buộc toàn dân phải hòa vào cùng “sướng chung” bằng bài ca chiến thắng:

 

Tổ quốc ơi ta yêu người mãi mãi

Từ trận thắng hôm nay ta xây lại bằng mười

Từ trận thắng hôm nay ta xây lại đẹp hơn!

(Tình đất đỏ miền Đông – Trần Long Ẩn)

 

Lúc đó, đám thanh niên chúng tôi đổi lời mà rằng:

 

Tổ quốc ơi! Ăn khoai mì ngán quá!

Từ giải phóng vô đây ta ăn độn dài dài!

Từ giải phóng vô đây ta ăn độn triền miên!

 

và còn hàng hà sa số bài hát dành cho những cơn say. Say khướt! Say quắc cần câu trong nhiều năm liền. Người CS càng say, càng sướng; Càng sướng, càng say. Trong lúc người dân ngày càng héo queo, trở nên lầm lũi để… bằng mọi giá phải sống!

 

Họ – những người CSVN – tự đưa vào trong não một thứ “hào quang lòe loẹt” về cái gọi là “chiến thắng” thì có gì mà họ không thể làm (và làm tốt nữa là khác!), bằng chứng [1]:

 

“Trong vòng mười năm nữa, mỗi gia đình ở Việt Nam sẽ có một radio, một TV và một tủ lạnh” – Lê Duẩn hào hứng vào Tết 1976.

 

Mười năm sau, Lê Duẩn xuống mồ và ôm theo câu nói “nổi tiếng” một thời! Người dân Sài Gòn còn phải bán tủ lạnh, tivi… nói gì người dân các vùng quê!

 

Nhiều người Sài Gòn cười khẩy và buông lửng: “Tưởng gì…!”. Lúc này (1976) chưa… bị đói! Miết sau này, nhiều người mới hiểu câu nói của Lê Duẩn, có lẽ dành riêng cho người dân miền Bắc từ vĩ tuyến 17 trở ra, vốn bị nhồi sọ từ tấm bé, cùng với hành trình mù quáng “xẻ dọc Trường Sơn” để  “chống Mỹ cứu nước” (!).

 

Một thời quá vãng mông muội với Trần Văn Trà giữ chức Chủ tịch Ủy ban Quân quản Sài Gòn – Gia Định, Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7, nhằm trấn áp và tiêu diệt bất cứ biểu hiện nào bị cho là “chống đối”. Tư tưởng “địch – ta” rõ mồn một như vậy, đã bác bỏ hoàn toàn thành ngữ “giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”. Thời đó, nói cho ngay, thường dân Sài Gòn, ai cũng xanh mặt khi nghe hai chữ “cách mạng”, nên tuyệt đại đa số lặng thầm làm quen với cuộc sống đói khổ nghèo nàn cùng văn hóa “xin xỏ – ban bố” tràn vô từ miền Bắc…

 

Từ một cô gái đoan chính và gia giáo, Sài Gòn nhanh chóng trở thành người đàn bà vô học và hung tợn, chỉ trong vòng 10 năm. Từ đó, lòng nhân ái của người Sài Gòn, dần dà bạc thếch theo thời gian, tựa như cơn lũ dữ trong ngày giông bão xuất hiện theo tốc độ nhanh dần – đều đặn, từ những hành vi hỗn xược, giọng nói trịch thượng, thái độ bề trên của Bên Thắng Cuộc – chúng nó là cội nguồn cuốn trôi tất cả phẩm giá làm Người Việt Nam. Tình đồng loại, nghĩa đồng bào mất dần và mất hút theo những dấu chân thị thành về vùng “kinh tế mới” hay những bàn tay mò mẫm trong từng đêm đen chôn dầu vượt biển…

 

Văn hóa là cội rễ, giáo dục là dưỡng chất cho bất kỳ dân tộc nào. Cội rễ Việt Nam bị bứng gốc từ lâu; dưỡng chất bị thay thành độc dược. Cành lá héo khô, trái đắng ngập tràn…

 

Một xã hội của thế kỷ 21 với đồng tiền ngự trị rộng khắp. Tiền bạc chễm chệ trong từng ngôi chùa mà ở đó các ông sư cạo trọc đầu còn mải miết tính toán lời lỗ với Phật tử. Học trò dù ở ngay những ngôi trường mang tên “quốc tế” cùng học phí cao ngất, vẫn có thể chết thật … ngẫu nhiên (!).

 

Tư duy “địch – ta” với điều 117 trong Bộ Luật Hình Sự (vẫn) mang tên “Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, trong khi “chính quyền nhân dân” hoàn toàn nằm gọn trong tay của người CSVN suốt 46 năm qua, thoát thai từ cuộc xâm lược bạo tàn thấm đầy máu và nước mắt của người dân Việt Nam!

 

Bóng tối ngày 30 Tháng Tư vẫn ngập ngụa trên dải đất ngày càng còi cọc và lụi tàn mang hình chữ S…

 

[1] https://vi.wikiquote.org/wiki/L%C3%AA_Du%E1%BA%A9n

 

nguyenngocgia’s blog

 

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen