Seite auswählen

 „Đối với người quân nhân VNCH tổ quốc là trên hết. Họ tự hào đem danh dự bảo vệ tổ quốc và hết sức hoàn thành trách nhiệm. Họ không bị đặt dưới một thể chế chính trị nào, lại càng không đặt mình dưới hay theo một đảng phái nào…

QĐNDVN phục vụ ưu tiên cho mục tiêu chính trị, cho chủ nghĩa cộng sản và sự sống còn của đảng. „

Nguyễn Đức Hạo Nhiên 

 

Mục đích chung của các quân đội là chiến đấu, đánh bại kẻ thù, bảo vệ lãnh thổ và chiếm đóng lãnh thổ địch. Hình như các quân đội chính quy của quốc gia Việt Nam qua các thời đại từ thời dựng nước Văn Lang cho đến sau này không khác nhau bao nhiêu dù như khi Việt Nam bị phân chia như thời 12 sứ quân, thời Trịnh Nguyễn phân tranh. Riêng Quân đội Nhân Dân Việt Nam (QĐNDVN) trong chế độ cộng sản lại khu biệt.

 

Quân đội Việt Nam Cộng Hòa tổ chức như một quân đội chuyên nghiệp, giữ gần như nguyên truyền thống ngàn xưa. Tín niệm của họ là Tổ Quốc-Danh Dự-Trách Nhiệm. Đối với người quân nhân VNCH tổ quốc là trên hết. Họ tự hào đem danh dự bảo vệ tổ quốc và hết sức hoàn thành trách nhiệm. Họ không bị đặt dưới một thể chế chính trị nào, lại càng không đặt mình dưới hay theo một đảng phái nào. Quân đội quốc gia VN tồn tại để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ các lợi ích của dân tộc, thực hiện các trách nhiệm quân sự quốc phòng và an ninh quốc gia.

 

QĐNDVN thề trung với đảng, hiếu với dân vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân. Quân đội đặt đảng chính trị lên trên hết, trung thành với đảng cộng sản, với lý thuyết Mác Lê, Họ chiến đấu vì chủ nghĩa xã hội. QĐNDVN phục vụ ưu tiên cho mục tiêu chính trị, cho chủ nghĩa cộng sản và sự sống còn của đảng. Họ đặt mục tiêu và sẵn sàng giải phóng các nước không cùng chế độ, các nước không cộng sản. Vì có mục đích và được huấn luyện như công cụ của đảng cộng sản cho nên họ có cùng chung mục tiêu với các quân đội trong các quốc gia cộng sản khác và sẵn sàng tham gia cùng quân đội các quốc gia cộng sản bạn để thực hiện nghĩa vụ giải phóng. Giải phóng quân Trung Quốc từng giúp QĐNDVN, QĐNDVN từng giúp quân Phathet Lào, quân Khmer Đỏ, quân Cuba và quân đội khối cộng từng giúp quân Bắc Việt xâm lược miền Nam Việt Nam.

 

Trong Chiến tranh giải phóng miền Nam, các lực lượng quân cộng sản quốc tế trợ giúp Bắc Việt đã góp phần đổ máu như QĐNDVN. Quân Bắc Hàn 14 phi công chết, 2 cố vấn bị thương. Trung cộng 1.446 công binh bị chết. Khoảng 6.000 quân nhân Xô Viết từng có mặt ở Việt Nam trong thời gian chiến tranh với vai trò cố vấn kỹ thuật và huấn luyện; 16 trong số đó thiệt mạng do bệnh tật hoặc tai nạn.(*)

 

QĐNDVN sẵn sàng nuốt chửng bạn.Trước 1975, Quân Giải Phóng Miền Nam của lực lượng quân sự của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được sự “trợ giúp” của quân đội Bắc Việt giải phóng miền Nam. Ngày 15 tháng 02 năm 1961, lực lượng này bị sáp nhập QĐNDVN, Tất cả các phiên hiệu đơn vị đều bị xóa bỏ.

 

Mười lời thề của quân nhân Quân Đội Nhân Dân Việt Nam rằng họ có nhiệm vụ “không ngừng nâng cao tinh thần yêu nước xã hội chủ nghĩa, tinh thần quốc tế vô sản, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.” Tất cả các cấp chỉ huy trong quân đội cộng sản đều phải là đảng viện, từng đơn vị lớn, nhỏ đều có chính ủy kèm sát, kiểm soát và điều chỉnh tư tưởng quân nhân. Người quân nhân cộng sản được võ trang thêm một bản năng ‘giải phóng’, bên cạnh các loại vũ khí tối tân và có sức sát thương mạnh nhất.

 

Trước chiến tranh ‘giải phóng miền Nam’ nhiệm vụ hàng đầu của quân đội nhân dân là phục vụ đảng, thi hành các chỉ thị của đảng. Từ cấp đại đội, tiểu đoàn trở lên đều có “2 thủ trưởng”, ngoài thủ trưởng quân sự (đại đội trưởng, tiểu đoàn trưởng…), còn có thủ trưởng chính trị, được gọi là chính trị viên (ở cấp đại đội và tiểu đoàn) hoặc chính ủy (ở cấp trung đoàn trở lên). Chính uỷ là người quyết định mọi việc trong đơn vị.  Đảng ủy trong các đơn vị QĐND thực hiện nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, quản lý tư tưởng bộ đội.

 

Sau khi chiếm được miền Nam VN, đảng nghĩ có thể nới lỏng được sư kiểm soát chính trị trong quân đội, các cấp thủ trưởng chính trị này đã chuyển thành cấp phó phụ trách công tác chính trị. Tuy vậy, theo nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ X, chế độ chính ủy – chính trị viên lại được khôi phục trong toàn quân từ năm 2006. Có vẻ như đảng rất sợ quân đội tự diễn biến hòa bình, dần thoát ly khỏi sư kiểm soát của đảng, trở thành một thứ quân đội không còn ‘trung với đảng’, với chủ nghĩa xã hội.

 

Đảng ủy Quân sự Trung ương, gọi tắt là Quân ủy Trung ương, là cơ quan lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong Quân đội nhân dân Việt Nam, được thành lập vào từ ngày có quân đội, tháng 1 năm 1946 do Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp làm Bí thư Quân ủy Trung ương.

Hồ Chí Minh nói: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

 

QĐNDVN  được đảng CS chính trị hóa, quân nhân có quyền trở thành đại biểu quốc hội, tham gia bộ chính trị. Điều này hoàn toàn bị cấm với quân nhân thuộc QLVNCH. Quân nhân VNCH muốn ứng cử vào bất cứ chức vụ dân cử nào, kể cả ấp xã lên đến quốc hội đều phải xin xuất ngũ.

Hoàn toàn trái ngược với quân đội VNCH không được phép làm kinh tế hay sản xuất, chỉ giữ nhiệm vụ duy nhất là bảo vệ tổ quốc, QĐNDVN được cho phép làm kinh tế. Nhiều đơn vị làm kinh tế của quân đội đã sản xuất và kinh doanh có hiệu quả, trở thành các tổ chức kinh tế lớn của đất nước, đi đầu trong kết hợp kinh tế với quốc phòng.

Các doanh nghiệp quân đội đã tham gia nhiều dự án công trình trọng điểm của quốc gia như đường Hồ Chí Minh, đường dây 500 KV Bắc – Nam, dịch vụ dầu khí và nhiều công trình thuỷ điện lớn như Sông Đà, Drây H’ling. Hiện có hàng trăm doanh nghiệp quân đội hoạt động trên nhiều lĩnh vực kinh tế như dịch vụ hàng không, hàng hải, công nghiệp đóng tàu, viễn thông, dầu mỏ.

Có nhiều công ty doanh nghiệp của quân đội vươn ra tới nhiều nước khác. Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ của các doanh nghiệp này ngày một tăng. Điều này khiến các chỉ huy đơn vị trở thành các doanh nhân đại gia có quyền lực rất lớn. Đất đai, căn cứ chiếm được trong chiến tranh được bán, chia chác lẫn nhau thay vì là công hữu quốc gia.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Đô đốc Nguyễn Văn Hiến bị truy tố về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại khoản 3 điều 360 Bộ luật Hình sự, liên quan đến sai phạm tại khu ‘đất vàng’ trên đường Tôn Đức Thắng, P. Bến Nghé, Q.1, Sài Gòn. Việc làm của ông Hiến và những người liên quan dẫn đến Quân chủng Hải quân mất quyền quản lý, sử dụng 3 khu đất trên trong thời gian 49 năm, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước 939 tỉ đồng. Thế lực của các đại gia có súng vô cùng lớn, họ ngầm khống chế tất cả các thế lực tranh giành quyền lợi của họ, nghiêng ngửa với công an cảnh sát.

 

Quân đội nhân dân cũng bị sử dụng một cách lãng phí, tổn hại ngân sách  như việc khoảng 10.000 quân thuộc  4 lữ đoàn bảo vệ lăng chủ tịch Hồ Chí Minh và các cơ quan Trung ương. Điều này không hề có trong các chế độ dân chủ tự do, đa đảng. Không có lăng lãnh tụ nào, và không có các nhân vật cao cấp thuộc bất cứ đảng nào được quân đội bảo vệ.

Từ lúc tiến quân vào ‘giải phóng Miền Nam’ cho đến ngày 30/4/1975, QĐNDVN đã thiệt mạng 849.018 người. Hàng trăm ngàn người trong số họ vĩnh viễn không tìm thấy thân xác. Bù vào đó, họ gây thương vong cho khoảng 3 trăm ngàn quân nhân QLVNCH và khoảng 60 ngàn quân đồng minh.

 

Nhưng họ đã chiếm được miền Nam.

Hơn 1 triệu người của cả hai bên đã hy sinh, con số này, ĐCSVN xem như rẻ mạt, quá hời để chiếm được và cai trị miền Nam trù mật và thanh bình. Nhưng với các bà mẹ của các người lính của hai bên chiến tuyến, và với cả dân tộc, thì đó là nỗi đau không bao giờ nguôi…Lịch sử sẽ ghi những trang khốc liệt, đẫm máu và vô cùng đen tối này của QĐNDVN. Tôi có nhiều dịp tiếp xúc với các người lính trong quân đội nhân dân Việt Nam, khi họ bị bắt ngoài mặt trận trong thời chiến tranh, các sĩ quan, cán bộ trong các trại học tập cải tạo và sau nữa là các quân nhân, cựu quân nhân sau chiến tranh, thấy họ rất đáng thương và tôi thông cảm họ.

Nguyễn Đức Hạo Nhiên

(*)https://vi.wikipedia.org/wiki/Tổn_thất_nhân_mạng_trong_Chiến_tranh_Việt_Namm

 

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen