Seite auswählen

Lại một chu kỳ bất ổn mới

“Các đơn vị hành chính quốc gia mới ổn định được hơn hai mươi năm. Nay đại hội đảng mới dựng lên quốc hội mới, chính phủ mới. Bộ trưởng trông coi, sắp xếp bộ máy quản trị quốc gia vừa ngồi vào ghế đã quyết thể hiện tài quản lý nhà nước, để lại dấu ấn, liền toan tính đưa ra những con số cơ học về đất đai, dân cư để cắt đất, dồn tỉnh, tạo ra những đơn vị hành chính quốc gia mới. Lại một chu kỳ bất ổn mới!”

 

Phạm Đình Trọng

Mỗi con người ngoài thể xác với chiều cao, cân nặng làm nên vóc dáng hình hài còn có con người văn hoá với kiến thức văn hoá xã hội làm nên con người khí phách, tâm hồn. Số đo chiều cao, cân nặng mỗi con người chỉ là con số cơ học, chỉ là vật chất, chỉ có sức sống hữu hạn trong không gian. Kiến thức văn hoá xã hội mới là tầm vóc, là giá trị đích thực của mỗi con người, mới có sức sống vô hạn trong thời gian.

Diện tích đất đai và dân số mỗi đơn vị hành chính tỉnh, huyện cũng chỉ là con số cơ học, chỉ là phần vật chất, thể xác vô hồn. Cội nguồn lịch sử cộng đồng dân cư, hồn folklore, nét đặc sắc văn hoá dân gian, phong tục tập quán trong sinh hoạt, trong đời sống do lịch sử để lại và tình yêu máu thịt của cư dân với mảnh đất mang hồn cốt ông bà tổ tiên mới là phần hồn của một tỉnh, một địa danh.

Chung cội nguồn lịch sử, chung cội nguồn văn hoá dân gian, chung tình yêu với mảnh đất cha ông, chung cả tên gọi mảnh đất thân thương là chất keo kết dính dân cư sống lâu đời trên mảnh đất đó, tạo nên sự ổn định, bền vững của một địa danh. Phá vỡ cội nguồn lịch sử, phá vỡ cội nguồn folklore là phá vỡ sự ổn định, bền vững của địa danh đó.

Diện tích đất đai là vật chất vô hồn có thể băm vằm chia cắt, lắp ghép tuỳ thích. Nhưng lịch sử cộng đồng dân cư, văn hoá dân gian, tình yêu của người dân với miền đất, ngay cả tên đất mang hồn dân dã quê kiểng của người dân thì một chính quyền thực sự có văn hoá, có kiến thức quản lí hành chính quốc gia và biết quí trọng giá trị nhân văn không thể tuỳ hứng, tuỳ tiện chia cắt, lắp ghép. Từ thời chúa Nguyễn mở đất Nam Bộ, huyện Chợ Lách là hồn cốt, là máu thịt của người dân khai phá, mở mang dải đất phù sa sông rạch tả ngạn sông Cổ Chiên mang tên Bến Tre. Không thể tuỳ hứng cắt đất Chợ Lách của tỉnh Bến Tre ghép vào tỉnh Vĩnh Long bên hữu ngạn sông Cổ Chiên.

Mổi vùng đất, mỗi đơn vị hành chính quốc gia có đặc thù đất đai và dân cư riêng. Có điều kiện kinh tế và sự phát triển khác nhau. Từ đó dẫn đến sự chênh lệch lớn con số cơ học diện tích lãnh thổ và dân cư giữa các đơn vị hành chính là bình thường và đương nhiên. Không can thiệp vào sự khác nhau ở con số cơ học. Bảo tồn cội nguồn văn hoá dân gian vô cùng quí giá của mỗi vùng đất, mỗi địa danh, tôn trọng tình yêu với mảnh đất sinh sống của người dân, triều Nguyễn phân định sự khác nhau về con số cơ học bằng phẩm hàm quan đầu tỉnh. Quan trị nhậm tỉnh lớn, quan trọng là Tổng đốc. Quan trị nhậm tỉnh nhỏ, thấp hơn một nấc là Tuần phủ. Vậy là ổn.

Mấy trăm năm chế độ phong kiến và gần trăm năm chế độ thuộc địa thực dân chỉ có một, hai lần nhà nước phong kiến và chính quyền thuộc địa chia cắt, sát nhập đơn vị hành chính chỉ ở một, hai tỉnh, chỉ ở một vùng miền đất mới đang định hình. Không có lần nào chia cắt, sát nhập đơn vị hành chính đồng loạt trên cả nước.

Nhưng chỉ mấy chục năm dưới chính quyền công nông của đảng cộng sản, nhà nước Việt Nam đã liên tục, nhiều lần tuỳ tiện băm nát, vo viên các đơn vị hành chính từ cấp xã tới cấp tỉnh ở cả miền Bắc trước năm 1975 và ở qui mô cả nước sau năm 1975.

Để lý giải, để kể công sáng suốt, tài tình trong quản lý quốc gia qua việc chia cắt, lắp ghép địa danh hành chính, các quan chức tay cầm kéo, tay cầm lọ keo dán lại lên mặt báo, lên truyền hình lem lẻm rằng cắt dán lại bản đồ hành chính quốc gia đã giảm bớt được hàng ngàn công chức ăn lương, tiết kiệm trụ sở, trang thiết bị làm việc và quĩ lương, mỗi năm làm lợi cho ngân sách hàng ngàn tỉ đồng.

Lại nhớ hồi miền Bắc phải ăn độn ba mươi phần trăm ngô, trên mặt báo trong hệ thống truyền thông của đảng lại liên tiếp có những bài báo của những người xưng là bác sĩ dẫn chứng những con số khoa học khẳng định rằng giá trị dinh dưỡng của ngô cao hơn gạo. Ngô bổ béo vậy nên huyện Hải Hậu, Nam Định, rốn trũng dồn đọng phù sa của châu thổ sông Hồng đã dành cánh đồng màu mỡ nhất gieo cấy loại lúa tám thơm cung cấp gạo tám thơm cho bộ Chính trị. Đảng nhường cho dân ăn ngô giá trị dinh dưỡng cao, đảng phải ăn gạo tám thơm kém dinh dưỡng.

Khi dồn hai, ba tỉnh nhỏ lại thành một tỉnh lớn tưởng bớt được mấy toà nhà trụ sở, giảm được vài công chức sáng ô tô đưa, chiều ô tô đón nhưng đã gây bất ổn, lục đục, gầm gừ trong hàng ngũ công chức, chia rẽ, đấu đá giữa những công chức cùng làm việc ở tỉnh mới nhưng khác quê ỏ tỉnh cũ, làm tê liệt bộ máy công quyền tỉnh suốt những năm tháng dài tồn tại tỉnh lắp ghép cơ học.

Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên dồn lại thành tỉnh Bình Trị Thiên. Công chức Bình Trị Thiên liền có tổng kết khắc vào lịch sử “Quảng Bình trị Thừa Thiên”, Người Quảng Bình cai trị đất Thừa Thiên.

Sự lắp ghép cơ học không thể bình yên, không thể ổn định để tồn tại lâu dài, lại phải tách ra trở về như cũ. Lại một lần tranh giành ai đi ai ở. Tỉnh đồng bằng Bình Dương và tỉnh miền núi Bình Phước dồn lại thành tỉnh Sông Bé cho hoành tráng. Đến lúc tách ra tỉnh nào về tỉnh đó, quan chức có thế mạnh được ở lại Bình Dương, tỉnh đang rầm rộ công nghiệp hoá, kinh tế phát triển, cơ quan nguy nga, nhà riêng bề thế. Quan chức thất thế phải sang tỉnh miền rừng hoang sơ Bình Phước xây dựng cơ ngơi mới từ nền đất trống.

Những năm bảy mươi thế kỷ trước diễn ra đợt dồn đất, dồn dân lập tỉnh mới trên phạm vi cả nước kéo dài suốt mấy năm. Hai mươi năm sau, những năm chín mươi thế kỷ hai mươi lại diễn ra trên cả nước chia tách tỉnh, tỉnh nào lại về tỉnh nấy như trước khi sát nhập.

Hơn hai mươi năm đã qua. Các đơn vị hành chính quốc gia mới ổn định được hơn hai mươi năm. Nay đại hội đảng mới dựng lên quốc hội mới, chính phủ mới. Bộ trưởng trông coi, sắp xếp bộ máy quản trị quốc gia vừa ngồi vào ghế đã quyết thể hiện tài quản lý nhà nước, để lại dấu ấn, liền toan tính đưa ra những con số cơ học về đất đai, dân cư để cắt đất, dồn tỉnh, tạo ra những đơn vị hành chính quốc gia mới. Lại một chu kỳ bất ổn mới!

Quan chức bằng cấp đầy mình nhưng không tương xứng với văn hoá thực có và người dân luôn phải nghe, phải đọc những câu nói ngớ ngẩn của những ông bà chức lớn, học vị cao. Như ông tiến sĩ ngồi ghế cao ở quốc hội nói: Việt Nam là cô gái đẹp, tất cả cơ thể chỗ nào cũng đẹp. Chúng ta phải chọn những bàn tay tinh tuý nhất chứ không phải ai cũng cho vào! Học đòi ví von ca ngợi đất nước Việt Nam như cô gái đẹp nhưng tầm văn hoá nhân văn thấp, tư duy thô tục, ngôn từ nghèo nàn, diễn đạt kém cỏi, ông tiến sĩ đã biến cô gái đẹp Việt Nam thành cô gái đứng đường đón khách, phải đón được bàn tay xứng đáng với cơ thể chỗ nào cũng đẹp của cô gái đó!

Năng lực làm việc không tương xứng với chức vụ, không đáp ứng được sự đòi hỏi của công việc, không biết những việc cần làm, chỉ hăng hái làm những việc sự vụ, chăm chỉ có mặt ở mọi lễ lạt khánh thành, khai trương, hội hè và làm những việc quẩn quanh, không đáng làm, chỉ gây hại, không mang lại mảy may lợi ích gì.

Căn cứ con số cơ học về diện tích đất đai và dân số để rồi lại chia cắt, sát nhập tạo ra đơn vị hành chính mới, tạo ra những tên đất mới vô hồn là đánh phá vào cội nguồn văn hoá dân gian ngàn đời của mảnh đất thấm đấm mồ hôi và máu người dân lao động sáng tạo trên mảnh đất đó, gây tốn kém tiền bạc, bất ổn xã hội vô cùng to lớn và lâu dài.

Báo Tiếng Dân (20.07.2021)

 

***

 

Nhập rồi lại tách, tách rồi lại đề nghị sáp nhập!

Nguyễn Văn Nghệ

Trong những ngày qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng xuất hiện thông tin là Bộ Nội vụ đưa ra kế hoạch dự kiến sáp nhập các tỉnh nhỏ, dân số ít vào với nhau.

Những người đưa ra kế hoạch này được ông Nguyễn Như Phong nhận xét: “Đám này không biết gì về hậu quả của việc sáp nhập từ những năm sau 1975 và cơ bản đã tan rã hết sau năm 1990” [1].

Cách nay hơn 150 năm, vào năm Quý Sửu (1853) vua Tự Đức đã cho sáp nhập ba tỉnh nhỏ là Quảng Trị, Hà Tĩnh, Phú Yên vào các tỉnh kế cận. Tỉnh Quảng Trị “hợp vào với phủ Thừa Thiên, bỏ tỉnh, đặt làm đạo” [2]; Tỉnh Hà Tĩnh “bỏ tỉnh, đem phủ Đức Thọ lệ vào tỉnh Nghệ An và đổi phủ Hà Thanh (tức Hà Hoa) làm đạo Hà Tĩnh”[3]; Tỉnh Phú Yên “đổi làm đạo, đặt quản đạo”[4].

Trước khi sáp nhập vua Tự Đức có cho thăm dò hỏi ý kiến của giới sĩ phu. Tháng 4 năm Quý Sửu (1853) tổ chức thi Điện: “lấy trúng cách 13 người…Bèn chuẩn cho những người trúng cách phải thi lại ở nhà Duyệt Thị, đều hỏi lấy mấy điều về việc hiện thời (về ba tỉnh Quảng Trị, Phú Yên, Hà Tĩnh nên phân hạng, nên hợp, cũng là việc cốt yếu về việc dùng người và trị nước, phải bàn luận rõ ràng)” [5].

Vào thi Hội đạt trúng cách thì vào thi Điện nắm chắc học vị Tiến sĩ trong tay, nhưng cử nhân Vũ Khắc Bí làm bài nói trái ý vua. Sự kiện này được sách Quốc triều khoa bảng lục ghi về Vũ Khắc Bí: “Cả 3 kỳ thi Hội ông đều trúng cách nhưng đến kỳ phúc hạch, bài văn “Tam tỉnh phân hợp” [bàn về việc chia hay nhập 3 tỉnh] ông viết trái ý vua nên bị truất xuống Phó bảng” [6].

Sau một thời gian sáp nhập thấy không thành công như mong muốn, nên cuối thời vua Tự Đức 3 đạo: Quảng Trị, Phú Yên, Hà Tĩnh lại được nâng lên thành tỉnh như trước đây, không lệ thuộc vào tỉnh kế cận nữa.

Trong các sách địa chí do triều đình biên soạn ghi rất rõ ràng về phong tục tập quán của từng tỉnh, cho nên sáp nhập tỉnh này với tỉnh nọ chỉ là cưỡng bức mà thôi. Nhập rồi lại tách, tạo ra lắm điều phiền phức như chia tài sản, trang giành đất đai. Điển hình là hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa nhập lại thành tỉnh Phú Khánh và khi tách ra làm hai tỉnh như cũ thì tỉnh Phú Yên lại tranh giành vùng đất Vũng Rô nguyên của tỉnh Khánh Hòa trước khi nhập tỉnh [7].

Ông Nguyễn Như Phong cảnh báo: “Hình như họ cũng chẳng thèm nghiên cứu về đặc điểm văn hóa vùng miền của người Việt. Họ không biết rằng việc phân chia địa ranh giới địa lý của các tỉnh ngoài địa dư ra thì còn căn cứ vào đặc điểm văn hóa, phong tục, tập quán, tín ngưỡng của vùng đó. Không chỉ cơ sở văn hóa của mỗi tỉnh khác nhau mà giọng nói, tính tình của người dân cũng rất khác nhau… chính vì thế mà không bao giờ có sự đoàn kết, đồng lòng, đồng tâm của các tỉnh bị sáp nhập” [8].

Kế hoạch dự kiến sáp nhập các tỉnh có diện tích nhỏ, dân số ít vào với nhau của Bộ Nội vụ được đưa ra chẳng khác nào việc hỏi ý trong việc “Tam tỉnh phân hợp” vào năm 1853. Góp ý một cách thành thực sẽ bị thiệt thân như Phó bảng Vũ Khắc Bí! Nhìn thấy những người góp ý chống đối việc sáp nhập, có người mượn hai câu thơ trong bài thơ “Mẹ mắng” trong tập thơ “Lao trung lãnh vận” của cố Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Trần Văn Hương sáng tác khi bị ngồi tù: “Dở hay mặc kệ thằng cha nó/ Còn mất can chi lão nội mày”, làm lời cảnh tỉnh để khỏi bị thiệt thân.

Tôi xin mượn lời ông Nguyễn Như Phong để kết thúc bài viết: “Tôi không hiểu họ đưa ra ra ‘sáng kiến’ quái gỡ này, họ có nghiên cứu cho thấu đáo: Tại sao việc sáp nhập xã, huyện, tỉnh của những năm xưa bị thất bại hay không? Và hậu quả để lại của việc làm duy ý chí đó là gì?” [9]

Nguyễn Văn Nghệ, Diên Khánh – Khánh Hòa (19.07.2021)

 

Chú thích:

[1][8][9] – https://baotiengdan.com/2021/07/17/ho-lai-muon-dam-vao-vet-xe-do-u/

[2][3][4] – Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí Tập 1,Nxb Thuận Hóa, tr. 99/ Tập 2, tr.86; Tập 3, tr.64

[5] – Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 7, Nxb Giáo dục,tr. 272

[6] – Tuyển tập Cao Xuân Dục tập 2, Quốc triều khoa bảng lục, Nxb Văn học, tr 145. Dưới triều nhà Nguyễn đi thi Hội, thi Đình thà không đỗ Tiên sĩ để các khoa thi sau có thể khăn gói đi thi trở lại và giành lấy học vị Tiến sĩ. Còn đã đỗ Phó bảng thì suốt đời không được đi thi để lấy học vị Tiến sĩ.

[7] – https://nghiencuulichsu.com/2020/06/24/trong-qua-khu-truoc-ngay-18-4-1994-vung-ro-thuoc-ve-dia-phan-phu-yen-hay-khanh-hoa/

 

Báo Tiếng Dân  (19.07.2021)

 

***

 

Luận bàn về chuyện sát nhập tỉnh

„Lấy việc xây dựng mô hình quản lý theo diện tích và số dân để sát nhập tỉnh là một bước lùi, chứng tỏ sự yếu kém trước cuộc cách mạng 4.0 của thời đại.  „

 

Thao Ngoc

Thời gian qua, việc sát nhập tỉnh đang được báo chí và dư luận quan tâm. Vì việc sát nhập địa giới hành chính còn kéo theo rất nhiều hệ lụy khác mà người dân phải gánh chịu. Còn việc có đem lại lợi ích như mong muốn hay không thì còn phụ thuộc nhiều vấn đề.

Báo VNEXPRESS  ra hôm nay(18/7/20221)có bài: “Xem xét việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh từ năm 2026”.

 

Theo đó: “Các tỉnh dân số dưới 700.000, diện tích dưới 2.500 km2, riêng tỉnh miền núi dưới 450.000 người và dưới 4.000 km2, có thể được xem xét sáp nhập từ năm 2026.

(https://vnexpress.net/xem-xet-viec-sap-nhap-don-vi-hanh-chinh-cap-tinh-tu-nam-2026-4326250.html )

Ngược dòng thời gian: Trước 30/4/1975, miền Nam có 44 tỉnh, thành; miền Bắc có 25 tỉnh, thành. Thời cố TBT Lê Duẩn đã sáp nhập còn lại 36 tỉnh, 3 thành phố trực thuộc TƯ và 1 đặc khu. Các tỉnh Hoàng Liên Sơn, Hà Nam Ninh, Nghệ Tĩnh, Bình Trị Thiên, Nghĩa Bình, Phú Khánh, Gia Lai – Kon Tum, Thuận Hải,, Minh Hải… xuất hiện từ đó.

 

Lập luận người ta đưa ra lúc đó là càng to càng mạnh. Nhưng sát nhập rồi thì thừa mặt bằng và máy móc trang thiết bị tại cơ quan cũ, bị đem bán đấu giá rẻ mạt, gây thiệt hại rất lớn. Đồng thời sát nhập lại thì thừa cán bộ, 2 chủ tịch, 2 bí thư nay chỉ còn 1. Điều này có thể nảy sinh nạn chạy chức chạy quyền, ai muốn ở lại thì phải chạy. Các sở, ban ngành và phòng, ban cấp dưới cũng thế.

 

Khi một tỉnh nhỏ sát nhập vào tỉnh lớn thì càng phức tạp. Hàng ngũ cán bộ tỉnh nhỏ, từ lãnh đạo đến cấp dưới chỉ làm cấp phó mà thôi, và không có tiếng nói trong các công việc quan trọng như bổ nhiệm, xây dựng cơ bản.v.v.Từ đó sinh ra tình trạng cục bộ, bè phái, mất đoàn kết. 

 

Như tỉnh Thừa Thiên-Huế hồi xưa, thủ phủ được đặt ở Huế, nhưng dàn lãnh đạo thì hầu hết là Quảng Trị, họ đưa con em và người thân vào làm. Vì thế mới có câu ca: “Ơi Huế của ta, hai phần ba Quảng Trị”.

 

Việc sáp nhập mang nặng tính hành chính và cơ học này dần bộc lộ hệ lụy nhiều mặt về kinh tế – xã hội, nên sau đó toàn bộ các tỉnh sáp nhập trước đó đều tách ra như cũ. 

 

Và cuộc giải phẫu chia tách lại diễn ra, Vậy là hàng chục ngàn tỷ lại đổ ra để xây dựng các cơ sở mới và mua sắm trang thiét bị. Lý luận cũng rất em tai, như “to quá quản lý không nổi, như “bè lim chống sào sậy; “có chia nhỏ ra mới dễ quản lý và phát triển”.v.v.

 

Đồng thời khi chia tách thì thêm nhiều vị trí mới. Vậy là một cuộc chạy đua lại diễn ra.

 

Các năm 2003-2004, lại  chia tách tỉnh. Lai Châu thành Lai Châu và Điện Biên. Đắk Lắk thành Đắk Lắk và Đắk Nông. Cần Thơ thành Cần Thơ và Hậu Giang.

 

Nay cùng với việc sát nhập tỉnh thì việc sát nhập một số huyện, xã cũng diễn ra. Những địa phương nhỏ phải xé ra như miếng thịt cắt làm đôi để ghép vào 2 địa phương 2 bên.

 

Điều gây phiền phức cho nhân dân là, khi đơn vị hành chính đã thay đổi, thì người dân phải đi chỉnh lý các giấy tờ liên quan. Lại phải mất thời gian chầu chực và tốn kém tiền bạc. Vì thủ tục hành chính của nước ta hiện nay, nói một cách môm na, là…hành dân là chính.

 

Bộ Nội vụ đưa ra tiêu chí là: “Các tỉnh dân số dưới 700.000, diện tích dưới 2.500 km2, riêng tỉnh miền núi dưới 450.000 người và dưới 4.000 km2, có thể được xem xét sáp nhập”.

 

Tiêu chí để xác định một tỉnh là diện tích và dân số là điều không thể hiểu nổi với thời đại 4.0.

 

Lai Châu diện tích quá lớn đã phải tách ra Điện Biên để “dễ quản lý hơn”. Bây giờ có khi lại nhập lại để cho đủ dân số.

 

Nếu nói việc sát nhập để giảm chi phí ngân sách là chưa hợp lý. Vì hiện nay tiền thuế của dân đang được dùng để nuôi bộ máy quá lớn, trong đó “30% công chức sáng vác ô đi tối vác về”(lời của ông Nguyễn Xuân Phúc năm 2013, khi còn làm phó thủ tướng).

 

Vậy tại sao không cho họ nghỉ việc. Nuôi một lúc 3 hệ thống là đảng, chính quyền và đoàn thể, ngân sách nào kham nổi? Sao không cắt những cái râu ria không cần thiết ấy  đi?

 

Một quốc gia  muốn phát triển không thể phụ thuộc theo diện tích và dân số thế nào, mà phụ thuộc quy hoạch kinh tế của thể chế đó, và chất lượng nhà quản lý cùng mô hình quản lý dân chủ, sáng tạo và hệ thống luật pháp tiên tiến.

 

Lấy việc xây dựng mô hình quản lý theo diện tích và số dân để sát nhập tỉnh là một bước lùi, chứng tỏ sự yếu kém trước cuộc cách mạng 4.0 của thời đại.  

 

Qua đó càng chứng tỏ chưa có cơ sở vững chắc về mặt lý luận . Và nó cứ đi theo cái vòng luẩn quẩn: 

 

“Con kiến mà leo cành đa,

Leo phải cành cụt leo ra leo vào

Con kiến mà leo cành đào

Leo phải cành gãy leo vào leo ra…”

Thế thôi.

 

Thao Ngoc

Thesaigonpost (18.07.2021)

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen