Seite auswählen

Mừng 100 tuổi nhà văn Doãn Quốc Sỹ, đọc lại ‘Đi!’ của Hồ Khanh

 

Da Màu
10.12.2022

 

Gần một năm sau ngày miền Nam thất thủ (30/04/1975), hầu hết các nhà văn miền Nam bị bắt đi học tập cải tạo. Doãn Quốc Sỹ cùng các văn nghệ sĩ như Trần Dạ Từ, Thanh Thương Hoàng, Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh, Nguyễn Sỹ Tế, Chóe…  bị giam tại trại Gia Trung, cách thành phố Pleiku 25 cây số. Đến năm 1980, ông được trả tự do nhờ sự can thiệp của nhiều tổ chức quốc tế. Trong thời gian chờ đợi được con gái là Doãn thị Ngọc Thanh bảo lãnh đi Úc, ông tiếp tục viết thêm nhiều tác phẩm nữa, trong đó có quyển “Đi!”, được ký với bút hiệu Hồ Khanh. Ông đã gửi tác phẩm này sang Pháp để xuất bản tại hải ngoại. Cũng vì lý do này, ông đã bị bắt lần thứ hai vào tháng 5 năm 1984, chỉ vài tháng trước ngày đi Úc. Cùng bị giam với ông trong đợt này có ca sĩ Duy Trác, nhà báo Dương Hùng Cường, hai nhà văn Hoàng Hải Thủy và Lý Thụy Ý…  Ông bị kết án 10 năm tù và mãn hạn tù lần thứ hai vào tháng 11 năm 1991. Năm 1995, ông được con trai là Doãn Quốc Thái bảo lãnh để di dân sang Houston, Hoa Kỳ. Ông hiện sống tại Quận Cam, California. [Trích Tiểu sử Tác giả tại doanquocsy.com]

Bài viết bên dưới rút ra từ bài điểm tác phẩm “Đi!”40 năm trước, khi bản thảo cuốn sách này được lén chuyển sang Pháp, không kèm tên tác giả, và được nhà Lá Bối tại Paris xuất bản và phát hành tại các cộng người Việt tại hải ngoại vào năm 1982, dưới bút hiệu Hồ Khanh do chính nhà xuất bản chọn. Trích đăng lại bài điểm sách ở đây, ngoài việc giới thiệu tác phẩm vẽ lại bức tranh vô cùng sống động của Miền Nam sau 1975, còn nhằm vinh danh một nhà văn đáng trân trọng của nền văn học Việt Nam tự do nhân ngày sinh nhật thứ 100 của ông–Với lời cảm tạ chân thành. [TD]

***

Vào tháng 4 năm 1975 khi miền Nam lên cơn sốt cao độ chờ chết, chỉ có một số nhỏ người gốc miền Nam, phần nhiều là những người di cư vào Nam từ năm 1954, tính đến chuyện bỏ nước ra đi. Mặc dù dạo ấy đi khỏi Việt Nam tuy khó nhưng ít nguy hiểm, không phải trốn chui trốn nhũi, bị lâm vào cảnh bị lường gạt năm lần bẩy lượt, và nhất là không bị nạn hải tặc đe dọa, như thời kỳ diễn ra cao trào vượt biên vượt biển từ cuối thập niên 1970 qua suốt thập niên 1980. Ít người gốc miền Nam hồi ấy đã tính đến chuyện bỏ nước ra đi. Đa số có lẽ còn tin tưởng vào việc Mặt trận Giải phóng Miền Nam (Việt Cộng) dẫu sao cũng là người Việt với nhau.

Chỉ một thời gian ngắn sau khi Cộng sản cuỡng chiếm miền Nam và loại ra khỏi bàn tiệc liên hoan người anh em Việt Cộng thì ngay cả nhiều người gốc miền Nam dù không có gốc “Nguỵ” cũng tính đến chuyện bỏ nước ra đi. Đến đầu năm 1980 khi tác giả khởi viết “Đi!” thì “cả Sài Gòn chỗ nào cũng chỉ nói đến chuyện đi. Gặp nhau hỏi gia đình đã đi được những ai, bản thân đã tính đến chuyện đi chưa, bao giờ đi. ‘Thứ nhất nhà đá (bị công an bắt), thứ nhì cá ăn!’ Đó là khẩu hiệu chung của những người cương quyết ra đi, chấp nhận mọi rủi ro cực khổ để đổi lấy tự do, tìm lại nhân tính, sống lại nhân phẩm.” (“Đi!”, Hồ Khanh, ấn bản Lá Bối, 1982, trang 83)

Đó cũng là chủ đề của cuốn “Đi!” của Hồ Khanh, tác phẩm dài đầu tiên của một nhà văn còn ở trong nước được xuất bản tại hải ngoại, do cơ sở Lá Bối tại Paris và tại Bắc Mỹ đồng ấn hành vào trung tuần tháng 11, 1982 vừa qua. Nhìn tổng quát thì “Đi!” là sáng tác quốc nội thứ ba đuợc in thành sách tại hải ngoại sau tập thơ “Tiếng Vọng Từ Đáy Vực” (tức “Hoa Địa Ngục”) của thi sĩ miền Bắc Nguyễn Chí Thiện, do Thời Tập ấn hành vào mùa thu 1980; và tuyển tập “Tắm Mát Ngọn Sông Đào” gồm các bài thơ, truyện ngắn, nhạc bản và ký sự của nhiều tác giả còn ở lại trong nước, cũng do nhà Lá Bối xuất bản vào năm 1981. Riêng tập “Tắm Mát Ngọn Sông Đào” sau đó đã được nhà xuất bản Khai Phóng ở Hoa Kỳ tái bản vào năm 1982. Cũng qua tập sách này, tên tuổi Hồ Khanh đã được độc giả hải ngoại biết tới qua hai truyện ngắn “Bố Về” và “Chuyến Xe,” làm nên hai chương trong tác phẩm “Đi!”.

“Đi!” mở đầu bằng sự kiện “Bà nội bẩy mươi tuổi chẳng bao giờ ngờ chuyến đi từ Hà Nội vô Sài Gòn này lại chỉ để chứng kiến đám con cháu nội ngoại trong Nam ra đi gần trọn ổ. Thật buồn! Nhưng qua kinh nghiệm và cảm nghĩ bản thân, cụ cũng thấy rằng điều đó chẳng thể tránh đuợc.” (trang 5)

Chỉ vài nét vẽ phác qua đó tác giả đã cho thấy cái định mệnh cay nghiệt dành cho một bà mẹ Việt Nam trong một bối cảnh lịch sử chỉ toàn những sinh ly với bể dâu. Năm 1954, cụ đã phải gạt nuớc mắt nén đau thương tiễn đưa hai trong bẩy người con, gồm ông giáo là con trưởng, và Quỳ, cô con gái nhỏ, với đám cháu nội ngoại di cư vào Nam. Và giờ đây, 26 năm sau, khi cụ vào Nam thăm con cháu lại phải chứng kiến những chuyến bỏ cửa bỏ nhà bỏ cả quê hương ra đi của đám cháu con.

Mặc dù hình ảnh bà nội được giới thiệu với độc giả trước hết, bằng một giọng văn chân chất như lối kể chuyện của một bà cụ bình dị, nhưng trên suốt 200 trang của “Đi!” phần lớn câu chuyện xoay quanh tiểu gia đình của ông giáo kiêm nhà văn—cái tư cách sau thuộc diện văn nghệ sĩ phản động này đã được chính quyền Cộng sản đưa đi cải tạo hết vài ba năm. Nhờ “học tập tốt”–thực tế thì ông giáo vốn am hiểu và thấm nhuần hơn ai hết lẽ xuất xử của một nhà trí thức, đã thu mình lại trong thế nhu để giữ cho chất cương còn nguyên vẹn—nên ông giáo được trao trả tự do và cho về đoàn tụ với gia đình. Cuộc đoàn viên với vợ con chưa được trọn vẹn, thì xẩy ra việc cô con gái lớn, Hoa, người đã hai lần vượt biên thất bại, bị bắt, ngồi tù, và lại đang mưu tính một chuyến vượt biên lần thứ ba cùng với Lịch, chồng mới cưới, và Thiện, một trong bốn người con trai của ông giáo. Từ đó, câu chuyện xoay quanh chuyến đi lần thứ ba này của vợ chồng Hoa-Lịch và Thiện. Cùng xảy ra một lúc là chuyến đi của đám con của Quỳ, em gái ông giáo, trong khi vợ chồng Quỳ phải ở lại để chờ chịu tang ông bố chồng đang hấp hối gần chết.

Những ngày đầu sau khi hai con và con rể với các cháu đã ra đi, ông giáo thường đi đây đi đó thăm bằng hữu và nghe ngóng những chuyện vượt biên, trong khi chờ đợi tin tức của đám con cháu đã ra đi. Có quá nhiều thảm cảnh vượt biên vượt biển, ông giáo nghe đã đầy tai. Ông cũng chợt nhận ra là những giai thoại đó không giúp ông quên đuợc thời gian chờ ngóng tin con cháu, mà trái lại còn làm thần kinh ông thêm căng thẳng, bứt rứt. Ông quyết định ở nhà, tiếp tay với bà giáo trông nom “vườn trẻ” của bà giáo, gồm ba đứa nhỏ hàng xóm gửi giữ, dọn dẹp cứt đái, cho chúng ăn, dỗ chúng ngủ, vv… Những lúc rảnh rang, để khỏi suy nghĩ lung tung về nỗi đời-sống-như-treo-trên-sợi-chỉ-mành của đám con cháu vượt biên, ông giáo ôn lại những kỷ niệm khi hai ông bà mới quen nhau và đưa nhau đi học đàn dương cầm ở Hà Nội, những kỷ niệm và nhận xét về từng đứa trong đám con, cháu của mình, nhất là về Hoa và Thiện, là hai người đã ra đi; những ngày ông giáo còn nằm trong trại cải tạo, ngày được trả tự do và phải đi hàng mấy ngày đường qua tới mấy chuyến xe từ cao nguyên về Sài Gòn; rồi buổi sáng sớm khi ông lần về tới con hẻm của nhà mình, đã lạng quạng ra sao vì không có kính, vv… Cũng từ những hồi tưởng để quên nỗi khắc khoải trong khi chờ tin tức của các con đang lênh đênh đâu đó của ông giáo mà độc giả có dịp nhìn thấy cái không khí ấm cúng, đùm bọc lẫn nhau, trí thức song cũng rất văn nghệ của gia đình ông giáo.

Đôi khi ông giáo có dịp tiếp các bạn đến thăm trò chuyện, và từ đó ông giáo cũng như độc giả có dịp thấy được xã hội bên ngoài gia đình của ông bà giáo. Trong số những người tới thăm có Bình, một giáo sư dậy Pháp văn cùng trường với ông giáo trước kia, nay vẫn còn đi dậy nhưng phải đạp thêm xích lô mới đủ sống. Và cũng nhờ đạp xích lô nên Bình đã có dịp dọc ngang khắp thành phố, chứng kiến và nghe được nhiều chuyện. Bình là hiện thân của một lớp trí thức biết sống vững mạnh trong bất cứ cảnh huống nào, không hề than vãn, nhưng cũng chẳng chịu khuất phục hoặc chùm chăn. Ngoài Bình, ông giáo còn được tiếp một ông bạn cố tri là Hoàng Nguyên. Cuộc đàm đạo của hai người trải dài từ trang 123 đến 130, chứa chất những suy tư thâm trầm về con người, trí thức, xã hội. Bàng bạc là một niềm lạc quan, tin tưởng, với rất nhiều khoan dung mặc dù những đổ nát hoang tàn xung quanh về cả tinh thần lẫn vật chất của cái xã hội trong đó họ đang sống. Khi chia tay, người bạn cố tri nói một câu mà ông giáo cho là đáng suy nghĩ, mà như nói với chính tâm tinh của bạn.

“Tôi không hiểu là anh đã viết lại chưa, nếu viết rồi e sẽ phải viết lại,” ông bạn nói như nói với chính tâm linh mình. “Hãy để một thời gian suy ngẫm. Chỉ xin nhấn mạnh thêm một điều: hãy tránh căm thù. Căm thù làm thấp kém, làm nhỏ bé, làm xấu xí con người.[…] Chúng ta đi vào vết xe đổ của họ làm gì!” (trang 125)

Trong khi ông giáo có những phương cách và cơ hội để quên đi thời gian chờ đợi điện tín của đám con cháu đã ra đi, thì bà giáo không có được cái may mắn đó. Sự chờ đợi căng thẳng làm bà sinh bẳn gắt, khó khăn đối với cả nhưng đứa con còn ở lại, với cả ông giáo, và bà đổ tại ông giáo quá nuông chiều con, mặc dù cả hai ông bà cùng nhìn nhận là giá “mà nuôi chúng được đầy đủ một chút thì lôi thôi mắng như tát nuớc vào măt chứ rỡn sao. Khốn nỗi mình nuôi chúng nó đói mẹ nó thấy không […] chúng nó gầy rạc như vậy, mắng nhiều làm gì, tội chúng nó.” (trang 131)

Bà giáo biết như vậy nhưng vẫn không thể làm khác, vẫn đi ra cằn đi vào nhằn. Thế nhưng trong thâm sâu lòng mẹ bà cũng xót xa vô bờ. Đuổi một đứa con hư thân mất nết ra khỏi nhà, nhưng lại chỉ thấy yên tâm khi thấy nó lảng vảng về ngồi trước cửa nhà. Bà cố tình thức khuya dọn dẹp trong bếp, nhưng tai vẫn lắng nghe động tĩnh bước chân của đứa con đi hoang lẻn vào nhà rồi vào phòng của nó. Chỉ khi yên chí con đã vào giường nằm bà mới yên tâm đi ngủ.

Bằng một văn phong đơn giản, chân chất như người thủ thỉ kể chuyện, tác giả Hồ Khanh đã tả nhân vật bà giáo một cách linh động. Đó là một phụ nữ chỉ biết sống cho gia đình, chồng con, cho cái giá trị tinh thần mà từ ngày miền Nam đổi chủ, cả hai ông bà đều ra công vun đắp mặc dù sức tàn phá khủng khiếp từ bên ngoài không ngừng gây ảnh hưởng. Như bà giáo, bà nội cũng tiếp tay vun sới cho đám con cháu còn ở lại ngoài Bắc trong suốt 20 năm sống dưới chế độ Cộng sản mà vẫn giữ một niềm tôn kính lẫn nhau và quý trọng nhân phẩm. Mặc dù những chia ly, tan tác, những khắc khoải, đói khổ và đổi đời xung quanh, gia đình ông giáo cho thấy họ luôn tràn ngập niềm tin sống, luôn nhắc nhở nhau gìn giữ các giá trị tinh thần như một nguồn dinh dưỡng đời sống tâm linh của con người.

Bên cạnh sự đề cao các giá trị tâm linh ấy còn là một niềm tin vững trãi nơi định luật nhân quả, có thể gói trọn trong câu tác giả trích dẫn lời của một nhà báo Pháp (trang 220): “Họ [người Cộng sản] sinh ra trong cảnh khốn cùng, lớn lên trong chiến tranh, sống bằng gian dối và bạo lực, giờ đây họ đang hấp hối trong ngu muội và bất lực.”

“Đi!”, căn cứ vào ngày tháng ghi ở trang cuối cuốn sách, được khởi viết từ ngày 28 tháng 5, 1980 và hoàn tất ngày 30 tháng 7 cùng năm, nghĩa là trong vòng hai tháng. Thời kỳ thai nghén hẳn là từ ngày miền Nam đổi chủ. Trong cuộc sống đen tối, bất định như hiện nay tại Việt Nam, tác giả còn ngồi xuống được để viết nên trên 200 trang sách ghi lại những hoạt cảnh xung quanh cho lịch sử và đám hậu sinh, phải kể là một kỳ công đáng trân trọng. Dù là những ghi chép vội vàng, tập sách nhỏ đã cung ứng cho người đọc một cái nhìn vừa toàn diện vừa sâu sắc về xã hội Việt Nam từ sau khi bị Cộng sản cưỡng chiếm, trong đó, mặc dù những băng hoại tinh thần vẫn có những người cha dịu dàng, lạc quan như ông giáo, những người mẹ sắt son, đảm lược như bà giáo, những đứa con biết kính yêu bố mẹ mặc dù những thiếu thốn, đói khổ như đám con của ông bà giáo; những gia đình dù chia cắt về không gian nhưng vẫn toàn vẹn trong tinh thần; những trí thức bất khuất, thà lam lũ nhưng giữ được sự tự trọng, không buông xuôi; những thiếu niên thiếu nữ vẫn còn biết yêu chuộng cái đẹp trường tồn của nghệ thuật; hoặc những bà mẹ, như một bà bạn của bà giáo, thà thấy con mình hoặc chấp nhận “thứ nhì cá ăn” hoặc con theo kháng chiến để sống một đời đáng sống hoặc chết một cái chết đáng chết thay vì sống chui sống nhũi vùi dập cuộc đời ở Sài Gòn.

Toàn tác phẩm “Đi!” như một nhắn gửi tới người đọc ở hải ngoại, rằng: Chúng tôi ở trong nước vẫn giữ cho mình được thơm tho tinh khiết như những bông sen dù mọc trong ao bùn tanh hôi như thế đấy.

Như tác giả “Hoa Địa Ngục”, Hồ Khanh cũng có cái ngạo nghễ thách thức của người trí giả tạm thời khuất thân, song vẫn tin tưởng

Cuộc chiến đấu này chưa phân thắng bại
Ta vẫn còn đây và sắt thép còn kia
Sống chết thầm câm cốt nhục chia lìa
Ta vẫn sống và không hề lẫn lú …

(“Cuộc chiến đấu này,” Hoa Địa Ngục, Nguyễn Chí Thiện)

Sierra Foothills 1982
Trùng Dương

 

———-
“Đi!” đã được các con của nhà văn Doãn Quốc Sỹ đánh máy lại, độc giả có thể tải xuống tại https://doanquocsy.com/images/file/jkN3wp751AgQAEYo/di.pdf

Hay tại Đây

DoanQuocSy-Di-bia
Bìa cuốn “Đi!” do các con vẽ lại cho Web site doanquocsy.com

Mừng sinh nhật nhà văn Doãn Quốc Sỹ 100 tuổi

Trần Mộng Tú

Văn Việt

12.12.2022

“Chiếc chiếu hoa cạp điều” và tôi

Tuổi thơ của tôi được may mắn lớn lên trong thế giới thơ của thi sĩ Trần Trung Phương, là chú ruột tôi, một thi sĩ của nhi đồng cho học trò tiểu học. Những câu thơ thật trong và thật hiền.

Khi tôi lên 9 lên 10 tôi đã cả ngày nghêu ngao:

Mặt trời như quả cà chua

Chiều nay rụng xuống mái chùa làng ta

Ô hay! em thấy chiều qua

Mặt trời say rượu ngọn đa đầu đình.

Hoặc

Me ơi cái hộp sữa bò

Để trong bát chiết yêu to nước tràn

Thế mà đàn kiến khôn ngoan

Bắc cầu sợi tóc bò sang Me kìa.

Khi qua tuổi lên mười, bước vào trung học, xen kẽ với những sách dịch từ những tác phẩm nổi tiếng như Chiến tranh và hòa bình, Đỉnh Gió Hú, Giã từ vũ khí, Anh em nhà Karamazov, v.v. những tác phẩm của nhà văn Doãn Quốc Sỹ là những cuốn sách luôn luôn cha mẹ tôi tìm thấy trên giường, trên ghế, trên kệ, trên bàn ăn, trên bàn học của tôi và đôi khi trong bếp. Những tác phẩm này đã đóng vai trò phụ thân thứ hai trong đời sống trưởng thành của tôi. Những trang sách văn chương trong sáng, trung hậu đã dạy tôi những điều nhân nghĩa, ngay thẳng và đạo làm người. Tôi chắc chắn là những ai đã từng đọc Doãn Quốc Sỹ cũng được hưởng cái tinh thần đạo đức trong từng câu văn của tác giả. Tôi không may mắn là học trò trực tiếp của Thầy Sỹ, nhưng tôi là học trò trong mỗi tác phẩm của nhà văn Doãn Quốc Sỹ.

Một đoạn văn ngắn trong Chiếc chiếu hoa cạp điều dưới dây đã in sau vào tâm hồn tôi qua mấy mươi năm.

Quân Pháp sau khi từ chợ Me vượt qua sông Đáy tiến sâu vào huyện Lập Thạch đốt phá một ngày rồi rút lui về tỉnh. Cánh quân tiến sang tả ngạn sông Hồng đốt phá bến đò Rau cũng rút về vị trí cũ bên hữu ngạn. Dân chúng chạy loạn lục tục đâu trở về đấy ngay để còn kịp sửa soạn Tết. Làng Lũng Thượng trở lại yên tĩnh. Trưa hôm đó mẹ tôi ra phía bụi tre đầu nhà thấy cong queo dưới hầm trú ẩn một chiếc chiếu hoa cạp điều.

Đúng là chiếc chiếu của một gia đình chạy loạn nào khi về mừng quá bỏ quên. Mẹ tôi nói: “Thôi thế cũng là giời thương mà cho nhà mình!”

Đã lâu lắm, đêm đó tôi mới được thấy thằng em út tôi có chiếc chiếu đắp kín chân không trông thấy đôi bít tất buộc túm chỗ rách. Sáng ra, mẹ tôi cẩn thận gấp chiếu rồi vắt lên chiếc dây thừng căng cao ngang mái nhà. Thế là từ đấy đêm đêm nghe tiếng gió rít và những hạt mưa táp vào đầu hồi tôi cũng yên chí cho các em đã tạm đủ chiếu nằm, chiếu đắp.

Nhưng chiếc chiếu hoa cạp điều đó thuộc về người khác.

ông (Lý Cựu) ngửng nhìn thấy chiếc chiếu hoa cạp điều vắt ở dây thừng, ông đứng nhỏm dậy chạy lại kéo tuột xuống nói gọn:

– Chiếc chiếu này của tôi! Mẹ tôi chợt có một cử chỉ phản ứng, y như sự phản ứng của một người mẹ gìn giữ con trong cơn nguy biến.

Người nói: – Ấy chiếc chiếu đó của nhà tôi… Mẹ tôi vốn là một Phật tử trung thành. Người chỉ nói được đến đấy thì lương tâm Phật tử trở lại và người lúng túng quay nhìn ra ngõ.

Ông Lý Cựu thản nhiên gấp chiếu lại, cắp gọn dưới nách rồi thản nhiên nói: – Không, chiếc chiếu của tôi. Tôi mua đôi chiếu cạp điều này từ năm mới tác chiến, một chiếc còn trên kia.

Thì ra đôi chiếu đó, ông Lý mang đến gửi ông chủ nhà trong dịp vừa qua, rồi những người đến chạy loạn tự động mượn đem ra trải ở bụi tre nghỉ tạm. Lúc về vì chiếu rơi xuống hầm trú ẩn nên họ quên không trả lại chỗ cũ. Tuy chỉ một thoáng qua nhận biết hết sự thể là vậy nhưng tôi vẫn chưa chịu và tiếp lời mẹ tôi: – Chiếc chiếu này mẹ tôi mua của một người ở chợ Lầm. (Ý tôi muốn nói người đó lấy chiếu ở đây mang ra chợ Lầm bán.)

Ông Lý vẫn thản nhiên, thản nhiên một cách cương quyết: – Không, chiếc chiếu này của tôi! Rồi ông cắp chiếu đi thẳng lên nhà. Lúc đó vợ tôi cũng vừa trở lại với tôi để nhớ ra rằng cuối năm nay tôi đã thi xong, có thể ra thẩm phán. Tôi thoáng nghe phía sau tiếng vợ tôi thở dài rồi quay vào buồng. Tối hôm đó khi thấy tôi lấy chiếc chiếu rách cũ vớt ở lạch đắp cho thằng em út, mẹ tôi chép miệng nói khẽ:

– Thôi, sang Giêng trời bất đầu ấm, vả lại cũng sắp tổng phản công rồi! “Vả lại cũng sắp tổng phản công rồi!” – Mẹ tôi nghĩ thật chí lý. Tổng phản công để bờ cõi được vinh quang độc lập, để mọi người được trở về dựng lại quê hương yên vui. Tôi hiểu khi đó hầu hết các gia đình khác, cũng như chúng tôi, chịu đựng bao nhục nhằn với những phút sa ngã nhỏ như chuyện chiếc chiếu hoa cạp điều. Tất cả những hy sinh đó – kể cả khi hy sinh một chút ít danh dự do sự yếu đuối thường tình của con người – tuy dằn vặt, ray rứt mà không tàn phá nổi niềm vui trong sáng, thanh thản của tâm hồn, vì ai nấy sống ngợp hy vọng một ngày mai vinh quang.

Sớm mùng một năm đó, mẹ tôi ra chùa lễ. Người quỳ rất lâu trước bàn thờ Phật. Giọng người thành kính thiết tha cầu đức Phật phù hộ cho chóng trở lại yên bình, gia đình được qua thì đói, khỏi thì loạn. Tiếng người khấn đôi khi nức nở. Tôi nghe, nước mắt muốn trào ra.

Tôi đọc tới đây nước mắt cũng trào ra. Thương cho nhà văn, thương cho những người dân Việt trong một đất nước triền miên chiến tranh và thương cho cả chính mình cũng đã lớn lên từ chiến tranh.

Tôi là một người cầm bút may mắn vì tuổi thơ của tôi được trưởng thành với những dòng thơ trong sáng của thi sĩ Trần Trung Phương, nhờ những câu thơ Mặt trời như quả cà chua của Trần Trung Phương mà mấy chục năm sau có câu thơ:

Buổi sáng trong như ly nước lọc

Lòng thấy hiền như một củ khoai

của Trần Mộng Tú.

Nhờ có Chiếc chiếu hoa cạp điều và những tác phẩm trung hậu, đạo đức tràn đầy lý tưởng khác của Doãn Quốc Sỹ mà trong suốt mấy chục năm cầm bút tôi vẫn giữ được cái tâm trong sáng, cái tâm lành ở mỗi chữ mình viết xuống.

Xin cám ơn nhà văn Doãn Quốc Sỹ và chúc người sống an vui khỏe mạnh đến cuối đường.

Ngày 10 tháng 12 năm 2022

 

 

Tóc trắng và con đường mùa Thu

Tóc ta trắng và lá Thu màu đỏ

Bầu trời trên cao mây nhẹ nhàng bay

Lưng vẫn thẳng ta chẳng cần gậy chống

Một trăm năm coi nhẹ như một ngày

 

Ta vẫn một tâm Gìn Vàng Giữ Ngọc

Dòng Sông ơi Định Mệnh chảy về đâu

Khu Rừng Lau xạc xào trong trí nhớ

Gió từ đâu thổi tạt tới phương này

 

Ở trước mặt có hàng cây lá đỏ

Một mình ta đi hết một con đường

Có ai đợi ở cuối đường không nhỉ

Nỗi Sầu nào coi cũng nhẹ như Mây

Nhà văn Doãn Quốc Sỹ – Đi bộ trong sáng Thu 2022.

Ta đang bước bằng bàn chân thế kỷ

Cát bụi nào Xóa được Dấu Chân qua

Ta đã sống bằng Tình Yêu Thánh Hóa

Mình Lại Soi Mình trong mỗi sát na

 

Trên con đường lá mùa Thu đỏ ấy

Ông lão vừa đi vừa nhập Vào Thiền

Bước vững chãi bàn tay nhè nhẹ nắm

Cả bầu trời như chỉ của mình riêng

 

Tôi ngắm mãi bức tranh mùa Thu đó

Thấy lòng mình như được trải Chiếu Hoa

Cạp Điều đỏ nhuộm tôi hồng tuổi dại

Bao nhiêu năm vẫn chẳng thể phai nhòa.

 

Viết cho ngày Dec.10-2022

 

Ghi chú: Chữ tô đậm là tên trong một số những tác phẩm của Doãn Quốc Sỹ.

Gìn Vàng Giữ Ngọc

Giòng Sông Định Mệnh

Khu Rừng Lau

Sầu Mây

Dấu Chân Cát Xóa

Tình Yêu Thánh Hóa

Mình Lại Soi Mình

Vào Thiền

Chiếc Chiếu Hoa Cạp Điều

Doãn Quốc Sỹ: Thế Đấy! (*)

 


Từ trái: Nhà thơ Trần Mộng Tú, Linh Bảo, Đỗ Quý Toàn, Phạm Phú Minh, Doãn Quốc Sỹ. (Hình: Nhà báo Phạm Phú Minh cung cấp)

 

Doãn Quốc Sỹ là người “đối cảnh vô tâm.” Đó là một tuyệt đỉnh của công phu tu tập mà chúng tôi không dám thẩm định. Nhưng được gần gũi Doãn Quốc Sỹ ít lâu nay, tôi biết mình có thể học cách sống của ông, qua hai chữ “Thế Đấy!”

Hồi đầu 1970 một nhóm sinh viên văn nghệ ở Sài Gòn mời nhà văn Doãn Quốc Sỹ tới nói chuyện. Tiễn ông ra về rồi, mấy phút sau thấy ông quay trở lại. Ông cười hề hề, hỏi có ai dùng xe gắn máy đưa ông về nhà được không. Tại sao? Ông cười khà khà: “Mất xe rồi! Ai nó lấy mất rồi!”

Cái xe “nội hóa” La Dalat ông vẫn lái đi giao những tác phẩm của ông và nhà xuất bản Sáng Tạo cho các tiệm bán sách. Cả một tài sản, và phương tiện mưu sinh cần thiết. Nó biến mất. Mà hồi đó ở Sài Gòn chắc không ai mua bảo hiểm để mất xe sẽ được đền! Mất xe, ông vẫn cười khà khà, như thể mới nghe ai kể một chuyện hài hước!

Cả đời Doãn Quốc Sỹ vẫn cười khà khà, mắt không trợn lên, lông mày không chau lại. Không để cái được, cái mất, cái may, cái rủi làm động tâm. Thường ai cũng muốn tu tập công phu để đạt tới trạng thái này. Hình như Doãn Quốc Sỹ sống tự nhiên như vậy, không hề cố gắng. Ông viết cuốn Vào Thiền, tái bản nhiều lần. Bị cộng sản bắt bỏ tù, vào trong tù ông ngồi thiền. Quản giáo bắt đi nghe gì thì đi. Có gì ăn thì ăn, lúc nào được ngủ thì ngủ. Bị bắt lần thứ hai, vẫn như vậy, lại ngồi thiền. Thở vào, thở ra, nhẹ như mây bay, vững như núi đá.

Khi Doãn Quốc Sỹ được trả tự do, qua Mỹ, tôi đến thăm ông ở Houston, Texas. Ông khỏe mạnh, hàm răng rất tốt vì mỗi ngày đều súc miệng bằng nước muối. Cả một nhóm khách cùng tò mò thăm hỏi nhưng ông chỉ nói mấy câu sơ sài về cuộc sống trong tù; hình như không thấy chuyện gì đáng kể lại. Ông ngồi nghe chuyện của đám bạn trẻ, và họ nói khá nhiều, hầu hết nói về thế giới người Việt ở địa phương. Tất nhiên, người ta kể chuyện các hội đoàn, các nhân vật nổi tiếng hoặc nhiều tai tiếng, kẻ khen, người chê, tranh nhau nói không dứt lời.

Hôm đó, lần đầu tiên được ngồi lâu với ông, tôi mới nhận ra là Doãn Quốc Sỹ chỉ im lặng nghe, miễn cưỡng lắm mới nói, nói rất ngắn. Ông lúc nào cũng mỉm cười. Khi một người hướng về phía ông, nói lớn tiếng, ông chỉ đáp một câu, “Thế Đấy!” Đám bạn trẻ kể chuyện sinh hoạt ở Houston, hùng hồn phê bình người này người kia. Ông ngồi nghe, không buông một lời khen, chê, không bình phẩm, phụ họa mà cũng không bài bác. Nghe chuyện xấu hay tốt ông cũng chỉ cười, lâu lâu mới góp một lời, “Thế Đấy!”

“Thế Đấy!”

Nếu diễn tả dài dòng thì hai tiếng “Thế Đấy” nghĩa là gì? Ah, cuộc đời nó như thế đấy! Ah! Con người ta như thế đấy! Thế Đấy, ở đời cứ cái này nó sẽ sanh cái kia như thế đấy! Đúng, cái nghiệp báo của mọi người nó diễn ra như thế đấy!

Doãn Quốc Sỹ nhìn cuộc đời với đôi mắt “Thế Đấy!” Nghe kể chuyện đời với đôi tai “Thế Đấy!” Cuộc đời chuyển động, lòng ông không lung lay.

Doãn Quốc Sỹ khiến chúng ta nhớ câu kệ của Trần Nhân Tông trong Cư Trần Lạc Đạo; một trong những bài văn suôi đầu tiên, theo lối “phú,” viết bằng chữ Nôm, tiếng Việt Nam. Cư Trần Lạc Đạo tức là sống ở trong cuộc đời, ở cõi trần tục, nhưng vẫn vui với Đạo. Đoạn cuối Cư Trần Lạc Đạo có bài kệ chữ Hán Việt, kết thúc với câu: “Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.” Hiểu theo nguyên văn là: Nếu “đối cảnh vô tâm” thì khỏi cần hỏi đến thiền.

Kinh Hoa Nghiêm, bản dịch của Hòa thượng Thích Trí Tịnh, ở đoạn thứ tư trong phẩm thứ nhất, bài kệ thứ 26 đã nhắc đến “Tâm không lay động.” Đối cảnh vô tâm, là đứng trước cảnh ngộ bên ngoài, dù nó biến chuyển thế nào thì lòng mình cũng không động: Không phê phán sạch hay nhơ, hơn hay kém, đẹp hay xấu, trái hay phải, không nổi lên niềm vui sôi nổi hay nỗi buồn rầu rĩ, không mừng hay giận tiếng khen ngợi hay lời chê bai.

Mở đầu đoạn thứ bảy bài Cư Trần Lạc Đạo, Trần Nhân Tông viết:

Hãy xá vô tâm;
Tự nhiên hợp đạo.

Vô tâm, là cái tâm trống trải. Tâm bỏ trống cho gió thổi qua. Trong hoàn cảnh nào cũng không để tâm mình xao xuyến. Những người theo học Bụt Thích Ca mong tu tập để có lúc đạt được trạng thái đó, dù chỉ trong một thời gian ngắn cũng đáng gắng sức công phu.

Doãn Quốc Sỹ hầu như bẩm sinh đã mang sẵn một cái tâm kiên cố khó bị lay động vì hoàn cảnh. Ông có phước mang sẵn tấm lòng trống trơn, không cần phải cố gắng.

Trong cuộc sống hàng ngày không biết ông tọa thiền lúc nào. Doãn Quốc Sỹ không báo trước khi ngồi xuống: “Tôi tập thiền đây;” hay là khi đứng dậy “Tôi ngồi thiền xong rồi.” Mỗi giờ phút trong đời sống của ông thể hiện một quá trình thiền tập. Đi, đứng, nằm, ngồi, mặc áo, cởi dép, uống nước, nói năng, hầu như lúc nào ông cũng làm chủ thân và tâm. Đối cảnh, đứng trước cảnh ngộ biến đổi cách nào ông cũng có thể thốt lên một câu: “Thế Đấy!”

Người mang tánh bẩm sinh như vậy chắc phải đã tu nhiều kiếp trước! Cha mẹ sanh ra đã truyền cho hạt giống tốt, tự nhiên không nuôi lòng tham lam quá độ, không nổi cơn giận dữ dễ dàng. Khi biết suy nghĩ thì tự thấy mình chỉ là một tập hợp tạm thời và ngắn hạn của ngũ uẩn, như tất cả mọi chúng sinh, nhờ thế không đeo một Cái Ta quá nặng trong đầu. Dứt trừ nhân ngã. Dừng hết tham sân. Như Trần Nhân Tông viết trong bài kệ Cư Trần Lạc Đạo:

Dứt trừ nhân ngã thời ra tướng báu kim cương;
Dừng hết tham sân mới lảu lòng màu viên giác
.

Có lẽ tôi đã viết quá nhiều, nói quá lời, vì yêu mến, kính trọng Doãn Quốc Sỹ, không phải vì văn chương của ông mà vì cách sống, cuộc sống hàng ngày, bình thường, của ông. Không thể nói Doãn Quốc Sỹ là người “đối cảnh vô tâm.” Đó là một tuyệt đỉnh của công phu tu tập mà chúng tôi không dám thẩm định. Nhưng được gần gũi Doãn Quốc Sỹ ít lâu nay, tôi biết mình có thể học cách sống của ông, qua hai chữ “Thế Đấy!”

“Thế Đấy!”

Đứng trước bất cứ cảnh ngộ nào, nếu mình biết thốt ra tự đáy lòng hai chữ “Thế Đấy!” thì chắc cũng quý lắm rồi!

Chú Thích: Bài kệ trong Cư Trần Lạc Đạo như sau:

Cư trần lạc đạo thả tuỳ duyên,

Cơ tắc xan hề khốn tắc miên.

Gia tung hữu bảo hưu tầm mịch,

Đối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền.

(Ở cõi trần vui với đạo, tùy theo cơ duyên. Đói thì ăn, mệt thì ngủ. Trong nhà đã có của báu, ngưng đi tìm kiếm. Đối cảnh vô tâm, khỏi hỏi đến Thiền).

(*) Viết nhân sinh nhật thứ 100 nhà văn Doãn Quốc Sỹ

Thầy Doãn Quốc Sỹ – “Khu Rừng Lau” đã trăm tuổi

Sài Gòn Nhỏ
Thầy Doãn Quốc Sỹ (ảnh: Uyên Nguyên)

Nhà văn Doãn Quốc Sỹ  là thầy dạy tôi. Thầy sinh năm 1923, năm nay tròn 100, còn tôi sanh năm 1936, thầy hơn tôi 13 tuổi, năm nay tôi cũng đã 87. Tính ra năm thầy dậy tôi cách đây đã đến 70 năm rồi. Ở cái thời mà ai cũng gọi người dậy học là “Thầy”, dù là từ lớp vỡ lòng cho đến hết lớp trung học chứ không  gọi là “Giáo sư” như những năm sau này. Mà người đi học thì gọi là “Học trò” chứ ít ai gọi là “Học sinh”.

Thầy dậy tại trường Chu Văn An năm nào thì tôi được học thầy năm đó. Tôi không còn nhớ mấy năm, nhưng tiểu sử của thầy trên mạng Wikipedia cho biết thầy chỉ dậy ở trường Chu Văn An có một năm 1952-1953, sau khi thầy dậy ở Nam Định một năm 1951-1952. Trang mạng này, có ghi thầy di cư vào Nam năm 1954, đoạn sau lại ghi thầy dậy trường Trần Lục tại Sài Gòn năm 1953-1960. Tôi không nghĩ rằng hai trường Công Giáo Trần Lục và Hồ Ngọc Cẩn dọn vào Sài Gòn trước năm 1954. Không hiểu niên học 1953-1954, trước khi di cư thầy dậy ở đâu. Chắc phải kiểm chứng lại mạng này, và đó là một câu hỏi tôi cần tìm hiểu.

Trường Chu Văn An là hậu thân của trường Bưởi. Trường Bưởi ở khu Hồ Tây, bên cạnh đường tầu điện từ bờ Hồ Hoàn Kiếm qua Thụy Khuê đến trạm cuối là chợ làng Bưởi. Tôi chưa được vào xem trường này, chỉ ngồi nhìn từ trên xe điện. Nhất là sau này trường bị chiếm và là hậu cứ của lính nhẩy dù Pháp.

Trường Bưởi không còn nữa, và để thay thế, trường Chu Văn An được thành lập sau khi thành phố Hà Nội được vãn hồi an ninh. Trong đời, tôi chưa thấy một trường trung học nào như thế. Bây giờ muốn kể lại chuyện mà đầu óc ngày càng rỗng, thiếu chữ nghĩa để nói về ngôi trường đó, về cơ sở, về tổ chức, về những vị thầy cũng như cung cách về nền giáo dục và bọn học trò như chúng tôi.

Trường tọa lạc tại đường Đỗ Hữu Vị, trước cổng thành Thăng Long, Cửa Bắc mà tôi đã có vài lần đến xoa tay vào mấy vết đại bác do quân Pháp bắn vào chân tường thành trong thế kỷ trước mà hai vị tướng trấn thủ Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu đã phải tuẫn tiết theo thành.

Nhà tôi ở khu Hàng Bún, ngôi nhà hai tầng ở góc đường Yên Ninh và Phạm Hồng Thái, phía bên kia là khu Nhà Đèn, tức là nhà máy điện lớn của thành phố. Nhiều hôm, nhà máy nhả khói. Bụi than bay khắp vùng, phủ đen dưới đáy các chậu nước. Lần về thăm căn nhà cũ năm 1994, thấy cảnh nhà máy này bị bom san bằng, chính xác đến nỗi mà các khu phố xung quanh không bị xuy chuyển. Hồi đi học, tôi thường đi bộ ngang qua phố hàng Bún, ngang qua đường Quan Thánh, tới đường Đỗ Hữu Vị quẹo trái là tới ngay trường.

Trường là một cơ sở đồ sộ đã được xây từ lâu thời Pháp thuộc, nghe nói trước là trường Bách Nghệ, huấn luyện các thợ chuyên nghiệp. Qua cổng chính của trường là một nhà “gác gian”. Sân trường rộng mênh mông, có cả sân  bóng đá, sân bóng rổ, sân bóng truyền và các lối đi rộng rãi, hai bên trồng hai hàng cây lim, cây sấu cổ thụ.

Mùa hè, ve kêu inh ỏi. Đi vào phía bên trái, là khu “nhà chơi”, mà chúng tôi thường gọi tên tiếng Pháp là “Préau”. Nhà chơi đặt nhiều bàn pingpong, và có một vài hàng bán quà ăn vặt. Mùa mưa, giờ ra chơi, chúng tôi thường tụ tập ở đó. Nhớ nhất là những buổi sáng mùa Đông lạnh cóng,  tôi thường mua bánh mì nóng hổi với nhân chả bò rắc thêm muối tiêu, ngon đến nhớ đời.

Tòa nhà lớn ba tầng chạy dài, phải dùng đến ba cầu thang. Cầu thang chính ở giữa tòa nhà và hai cầu thang ở hai đầu, mà cầu thang nào cũng bằng gỗ trắc, bóng nhẵn như ở các dinh thự. Hành lang trên các tầng rộng rãi, nhìn xuống sân. Các phòng học thì khỏi nói. Trường lại có một phòng thí nghệm trang bị những chai lọ hóa chất, ống nghiệm và một phòng hội họa mà mỗi học trò đều có một giá vẽ như một họa sĩ thứ thiệt. Nhưng phải nói đến cái cung cách của học đường ngày đó, cái cung cách được phối hợp của nền giáo dục Đông Phương và Âu Tây của người Pháp mang đến. Không có cái tình trạng bát nháo như ngày nay.

Giáo Sư/Nhà Văn Doãn Quốc Sỹ trong Lễ Mừng Thọ 100 tuổi được tổ chức tại Westminster, California ngày 10 Tháng Mười Hai 2022 (ảnh: Trịnh Thanh Thủy)

 

Cụ Doãn Quốc Sỹ cùng GS Trần Huy Bích

 

Cựu học sinh Nguyễn Khuyến, Nam Định lên chúc mừng sinh nhật cụ Doãn Quốc Sỹ

 

Hội ái hữu Viện đại học Vạn Hạnh chúc mừng sinh nhật cụ Doãn Quốc Sỹ

Tôi còn nhớ rõ, ngày thầy Sỹ xuất hiện tại trường, thầy khác hẳn với các thầy khác. Thầy Xán hiệu trưởng, thầy Thận giám học, thầy Phụng tổng giám thị, các thầy dậy khác, suốt niên học đều mặc đồ bộ, complet cà-vạt, giầy bóng , đi đứng nghiêm trang. Học trò hầu hết đều ngoan ngoãn chăm chỉ học hành, nhưng vẫn có những bọn quỷ quái.

Đặc điểm của mỗi thầy làm tôi còn nhớ mãi từng thầy. Thầy Hải dậy Cổ văn, tóc đen trải brillantine bóng nhẫy, học trò thường bảo nhau ruồi mà lỡ đậu xuống cũng phải té nhào. Thầy Sửu, ở Anh mới về, thầy trông giống hệt Mr. Pickwick trong sách, bụng thầy hơi mập và đeo giây lưng choàng qua vai, nói giọng đặc “Ăng Lê”.

Thầy Loan dậy Pháp văn, trông rất dữ, thầy thấp người, lông mày dài quặp xuống, trông như tướng cọp. Mùa Đông lạnh, thầy mặc hai quần, nhiều khi quần trong thò ra khỏi quần ngoài, không có một đứa học trò nào dám hó hé, buồn cười mà không dám nhúc nhích, ngồi im thin thít. Tội nghiệp cho mấy trò nhỏ ngồi bàn trên, có đứa sợ ướt cả ra quần. Cụ Cử Tiếp, cụ mặc áo dài the đen, đội khăn xếp, hình ảnh của thời tàn Nho.

Cụ dậy Hán Văn là môn phụ lại khó học, khó nhớ từng nét chữ, mỗi lần cụ gọi đứa nào lên bảng trả bài bằng cách viết trên bảng những chữ cụ dậy, hầu hết cứ đứng ngớ ra, phải chờ bọn ở dưới viết chữ đằng sau cái cặp da, khi cụ ngoảnh đi thì giơ lên để nó chép vội lên bảng. Có vài đứa khờ chép mãi không nổi, khiến bọn ở dưới cứ phải giơ cặp lên, kéo cặp xuống nhiều lần như một trò chơi “Đi dấu đi tìm” với cụ mà cụ không biết.

Thầy Tấn dậy bài “Nhật thực Nguyệt thực”, mà ra đề thi đúng bài này, mấy đứa vẽ họa đồ không được, bèn tìm cách trả thù thầy. Mùa Đông thầy mặc quần dạ đen, có thằng quỷ quái, cạo phấn trắng rắc trên ghế trước giờ học, thầy không để ý, phấn dính vào quần thầy, thầy thản nhiên đi từ lớp này đến lớp khác. Thằng quỷ đi rêu rao, quần thầy dính cứt cò… Nhiều lúc thấy chúng chơi ác, tôi thấy thật tức định gây sự, nhưng bọn chúng có mấy đứa, nên tôi phải nhịn.

Ai cũng biết, học trò quỷ quái thường sinh ra trong những năm rỗi rãi không lo việc thi cử, nhất là trong các trường công lập. Đệ Thất thì còn non, đó là hai năm Đệ Lục và Ngũ, tôi ở trong các lớp đó, xin các thầy tha tội cho chúng nó. Thầy Hùng Lân dậy Nhạc, cũng là môn phụ, nhưng không một học trò nào dám rỡn với thầy.

Thầy rất nghiêm, đứa nào lờn mặt là thầy bắt ngửa tay lấy thước đánh như học trò tiểu học, thầy gọi là cho mấy hèo và còn phạt giam “consigne” ngày cuối tuần. Nhưng thầy là một người dậy nhạc rất giỏi, thầy soạn ra mấy quyển sách giáo khoa về nhạc rất sư phạm cho bậc trung học. Tôi còn nhớ một số bài, thầy chỉ cần ba note chính mà thành một bản nhạc đầy đủ, tình tự, như bài sau đây dùng ba note cung trầm đồ, mi sol:

“Chiều tà sương lam lắng xuống thôn
Tiếng sáo xa đưa hiu hiu buồn
Trăng lên dần nhấp nhô đầu núi
Trên đê mờ đàn trâu bước dồn.”

Tôi học thầy hai năm, tuy ít giờ, nhưng tôi có được căn bản nhạc lý khá vững. Tôi được thầy chọn vào ca đoàn của trường, có lần thầy dậy chúng tôi hát bè bài “Hè Về, Hè Về” và đã được lên trình diễn tại nhà Hát Lớn Hà Nội. Thầy là một nhạc sĩ nổi tiếng từ hồi 1945, với hai bài tôi thường hát hàng ngày với toán nhi đồng cứu quốc trong phố là “Việt Nam Minh Châu Trời Đông”, và bài  “Khỏe Vì Nước”.

Bài Việt Nam Minh Châu Trời Đông là một trong ba bài, bài “Này Công Dân Ơi”, bài “Chào Mừng Việt Nam”, không phải bài “Việt Nam, Việt Nam” như mọi người thường hát, được đưa ra để chọn làm Quốc ca khi miền Nam mới được thành lập chế độ Cộng Hòa năm 1956. Tiếc rằng ban tuyển lựa đã không có lập trường quốc gia vững chắc và dứt khoát với quá khứ nên đã giữ bản quốc ca cũ. Bản Việt Nam Minh Châu Trời Đông của thầy lời uy nghiêm, thấy cả một đất nước lừng lẫy bên biển Thái Bình… Tôi cho đó là một điều đáng trách.

Thầy Doãn Quốc Sỹ thì khác hẳn, ngày đầu đứng trên bục gỗ dáng cao và gầy, tóc hơi quăn tự nhiên, nét mặt xương xương, người hãy còn đượm nhiều nét phong sương của những năm dài theo kháng chiến. Thầy giản dị, thường mặc y phục mầu nhạt, nếp không thẳng và hình như ít thấy thầy mặc complet cà-vạt như các thầy khác.

Thầy dậy Việt Văn, và thêm môn Công Dân Giáo Dục. Cách thầy dậy môn này khá hấp dẫn,  khác hẳn với các lời giảng khuôn mẫu cổ điển của luân lý mà  các thầy khác dậy trong những năm học trước. Tôi còn nhớ, khi thầy giảng về Tình Nhân Loại, thầy lấy một thí dụ trích từ một truyện của ngoại quốc:

Trong một trận chiến khốc liệt, hai bên cùng tràn lên, lẫn lộn đánh cận chiến, bỗng hai người lính của hai bên cùng nhẩy xuống chung một cái hố để tránh đạn. Khi cả hai cùng bừng tỉnh, họ mới nhận ra là kẻ thù của nhau, đáng lẽ họ phải tìm cách giết nhau, không hiểu sao họ lại cùng ngồi yên và sau này thành bạn của nhau. Cái nguyên cớ đó từ đâu, có phải đó là tình nhân loại đã bật dậy trong lúc đó không?

Những năm thầy Sỹ đi theo kháng chíến thì tôi cũng bị cuốn đi như thầy. Tôi mất bốn năm theo cha tôi, cha tôi theo bên nội, tất cả bên nội tôi đi theo Việt Minh. Tôi làm liên lạc viên cho một cơ quan Kinh Tài của Liên Khu 3, còn cha tôi vì biết tiếng Pháp nên làm cho cơ quan Địch Vận thường phải ở sát vùng tề, vùng địch.

Họ ngoại tôi thì theo Quốc Gia, về thành, tức là về Hà Nội rất sớm. Người em út của mẹ tôi, cậu tôi Ngô Kim Cương, đỗ “diplome” tại trường Bưởi, xin vào làm thông phán Phủ Toàn Quyền đã lâu hồi còn Pháp đô hộ, theo Quốc Dân Đảng bị bắt ngay sau ngày Việt Minh cướp chính quyền. Sau đó được giải cứu và lên chiến khu Yên Bái, chỉ sau một tháng, Việt Minh đem quân bao vây san bằng chiến khu. Cậu tôi biệt tin từ đó.

Cha tôi là cán bộ xa nhà, không nuôi nổi gia đình. Mẹ tôi qua những năm vất vả tại hậu phương, lại phải một mình lặn lội tìm đường về Hà Nội trước, sau đó mới ra đón cha con tôi về. Nhờ thế tôi đã bỏ được “Bác”, nếu không thì sẽ trở thành một tên thất học, và rồi chắc cũng khó tránh được cảnh “Sinh Bắc Tử Nam”.

Tôi thuộc loại học trò lớn tuổi trong lớp vì hồi cư trễ, lại phải trải qua những năm loạn lạc vừa qua. Tôi lớn hơn 3, 4 tuổi so với các trò khác và thường phải ngồi ở bàn cuối lớp. Tôi học dễ dàng, và cũng chưa bao giờ chuyên chú thật sự vào việc học, nhất là cũng chẳng bao giờ muốn đứng đầu nhất nhì lớp. Tôi lại có nhiều bạn. Các bạn cùng lớp còn lại sau này, có Nguyễn Thượng Hiệp, Hiệp tài hoa, có một thời làm báo tại Cali và đã mất.

Đỗ Hữu Tước thành bác sĩ, ở cùng thành phố với tôi và thỉnh thoảng vẫn gặp nhau tại chùa. Nguyễn Ngọc Giao, học khá giỏi, thường đứng đầu lớp. Tôi nhớ hồi đó hay cùng Giao, Hiệp và Ngô Quang Vỹ thường họp nhau tại Vườn Bách Thảo để làm bích báo cho lớp. Vào Sài Gòn, Giao được học bổng du học Pháp năm 1958, thân Cộng rồi theo Cộng làm tờ Diễn Đàn ở Paris.

Sau khi khối Liên Xô tan rã và Hà Nội không cho Giao về nước, bạn tôi Hà Dương Dực nhân dịp sang Pháp có mang một câu hỏi của người anh Giao, một sĩ quan cao cấp Hải Quân muốn hỏi Giao là “Hỏi nó còn theo Cộng Sản không?”. Trong một bài viết, Giao có thuật lại chuyện này và trả lời thẳng thắn là vẫn theo chủ nghĩa Cộng Sản, bài này tôi đọc được trên báo Diễn Đàn của Giao. Khi Dực mất, tôi có viết một bài về Dực và cũng nhắc lại chuyện đó.

Bài này có đăng trên Diễn Đàn Thế Kỷ và tôi cũng gửi cho Giao, Giao không đăng trên Diễn Đàn nhưng lại trả lời tôi bằng email thông thường như những người bạn cũ được tin nhau. Đó là lần đầu và cũng là lần cuối chúng tôi liên lạc với nhau. Thấy thật ghê sợ, cái chất độc, độc hơn ma túy, tiêm vào một số người khiến không tỉnh được, và đã làm cho đất nước ngày càng có nhiều chuyện quái đản. Nhưng những tháng vừa qua, tôi theo dõi tờ Diễn Đàn, thấy trang mạng của Giao đã đổi chiều với nhiều góc độ lớn.

Một người bạn khác là Nguyễn Đắc Điều cùng thời, anh không học cùng lớp với tôi, anh học B3, tôi B4, nhưng khi vào trường Hành Chánh và Đồng Đế, anh cùng khóa với tôi trong một thời gian dài. Anh có một trí nhớ rất tốt, tôi thường gọi nói chuyện với anh, những chuyện bạn bè ngày nay, ngày xưa, mỗi lần hỏi  anh đều trả lời cặn kẽ, ít khi sai. Hiện nay vợ chồng anh ở San Diego.

Hồi đó, nhờ thầy Hùng Lân tôi rất thích âm nhạc, bao nhiêu bài nhạc xuất bản hồi đó, tôi đi mượn nắn nót chép lại thành 5, 6 quyển sách dầy cộm. Tôi chơi đàn mandoline, manjo và Hạ Uy Di, những thứ đàn có thể tự học lấy, ngày nay còn rất ít người chơi. Tiếng đàn của tôi văng vẳng trong khu phố với những bài  như Dư Âm, Trăng Mờ Bên Suối, Nụ Cười Sơn Cước... cùng những bản của hồi đầu kháng chiến như Bên Cầu Biên Giới, Tình Kỹ Nữ… trữ tình ướt át làm một cô học trò hàng xóm xấp xỉ tuổi tôi, để ý đến tôi. Cô thường đi qua và dừng lại chỗ cửa sổ nghe tôi đánh đàn. Chắc cô mê tiếng đàn của tôi. Nhưng tôi đã không trở thành nhạc sĩ nên duyên nợ chẳng đi đến đâu. Tôi nghĩ vậy.

Về Việt văn, thầy Sỹ dậy chúng  tôi về văn mới, những ý tưởng mới, khác hẳn với cổ văn như “Nhị Thập Tứ Hiếu”, “Lục Súc Tranh Công”… Thầy trích những đoạn văn hay, tiêu biểu của các nhà văn thời Tiền Chiến, khiến tôi rất thích và tìm đọc tiểu thuyết của Tự Lực Văn Đoàn, của nhóm Hàn Thuyên và các nhà văn khác như Nguyễn Tuân, Thanh Tịnh, Trần Tiêu… và sau này là Đỗ Tốn. Tôi ghiền đến nỗi, đọc không còn một quyển nào của tiệm cho thuê sách ở góc chợ Đồng Xuân. Khác với các bạn tôi thường hí hoáy chép các vần thơ của các thi sĩ nổi tiếng, tôi lại tìm chép những đoạn văn hay thành một quyển như tôi đã từng chép những bài nhạc.

Tôi không được sống trong thời kỳ văn thơ lãng mạn tiền chiến, nhưng nhớ lại những năm Hà Nội đó, dù là trong chinh chiến văng vẳng ở núi rừng xa, vẫn là một thành phố yên bình với những bài nhạc tôi đã chép, những tiểu thuyết xưa tôi đã đọc, những hình ảnh của các thành quách, phố cổ rêu phong… trở thành những tình tự lãng mạn của một thời tiền chiến còn sót lại khó quên…

Những bài luận văn thầy Sỹ đưa ra trong những năm đó hình như đều là văn tả cảnh, chứ không tả tình. Thí dụ như thầy ra một đầu đề là “Tả một đêm trăng sáng tại đồng quê”, đó là cái “tủ” của tôi rồi. Tôi không đến nỗi láu cá đưa vào bài những câu mình đã chép lại, thế nào thầy cũng biết. Tôi viết bằng một giọng văn mới lớn và nhớ lại những ngày loạn lạc ở vùng quê. Hồi đó tôi nghĩ thầy chưa vào nghiệp văn, nhưng chắc thầy thấy lạ, nên bài của tôi thường được thầy bảo một trò khác đọc cho cả lớp nghe.

Nhiều năm sau, năm đậu xong Tú tài I, tự nhiên cảm thấy chán học, tôi nộp đơn xin vào Không Quân, Hải Quân đều bị người nhà ngăn chặn. Nhân dịp Việt Tấn Xã tuyển phóng viên, tôi nghĩ mình cũng có chút tài viết lách, lại thích lang thang như mấy ông làm báo,  khi vào phỏng vấn, ông chủ sự thấy tôi ở năm cuối Trung Học, ông khuyên tôi trở về học nốt. Nghiệp viết văn chớm nở của tôi đã tiêu tan.

Trong những năm đầu ở Sài Gòn, tôi hay tìm đọc các tạp chí văn học thì thấy tên của thầy Doãn Quốc Sỹ đã thành một nhà văn chính thống được nhiều người biết tiếng. Thầy cho xuất bản nhiều tác phẩm, tôi đọc gần hết nhưng không hiểu sao tôi lại thích truyện “U Hoài” và nhân vật “Miên” trong trường thiên “Khu Rừng Lau” của thầy. Mấy năm sau, tôi thi được vào trường Hành Chánh, một cái nghề “Sáng vác ô đi, tối vác về”, khác hắn với bản tính của tôi, chắc có lẽ là học bổng của trường quá hậu đãi.

Sau khi  tốt nghiệp, tưởng được kéo cái đời ký cóp ở Sài Gòn, không ngờ Tổng thống Diệm đổi chính sách khiến một nửa khóa được đưa vào Trung Ương Tình Báo, còn một nửa khóa trong đó có tôi phải ra Đồng Đế để huấn luyện thành Chuẩn Úy, sau đó, tôi lại được chuyển ra làm phó đảo Phú Quốc. Lúc đó đảo còn hoang vu và bất an, tôi ở đó ba năm không  xin đổi. Tôi đã mất cả một thời gian dài quên đọc truyện, mất cả một thời tuổi trẻ lãng mạn nghe nhạc của Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Từ Công Phụng… Mãi sau ra hải ngoại mới bắt kịp lại thì đã nửa đời rồi.

Bao nhiêu thầy dậy tôi trong thời mới lên trung học đó, hầu hết tôi không còn được tin tức về thầy nào, tôi thấy thương tất cả các thầy. Chỉ có nghe tin thầy Sỹ bị Cộng Sản bắt giam đến hai lần, mà lần nào cũng dài đằng đẵng. Cuối cùng thầy cũng đến được Mỹ và ở Houston, nay rời đến Cali. Mấy năm trước dịch Covid, tôi bay xuống Cali, được người bạn thân Trần Huy Bích dẫn đến tham dự một buổi trình diễn văn nghệ tại Hội Việt Học.

Tình cờ tôi gặp lại thầy Sỹ, thầy ngồi ở hàng ghế trên, tôi lên chào thầy, tôi thấy thầy không thay đổi mấy so với  thời mà thầy dậy tôi, trông vẫn an nhiên chỉ có già thêm thôi. Trong cái ồn ào của phòng hội, tôi chắc thầy không nghe được tôi nói gì và cũng khó nhận ra biết tôi là ai. Tôi bèn nói với cô con gái đi theo thầy, tôi là học trò cũ của thầy từ Hà Nội, thầy thường cho đọc những bài luận văn tôi viết cho cả lớp nghe.

Tháng vừa rồi, tôi xuống thăm Cali, lại được bạn Trần Huy Bích cho biết đã đi họp để tổ chức sinh nhật thứ 100 của thầy: “Khu Rừng Lau” đã trăm tuổi. Tôi càng nhớ thầy, nhớ đến những năm học xưa, nhớ đến những lần thầy cho đọc bài của tôi, được thầy khuyến khích như thế mà tôi đã lơ là bỏ mất nghiệp văn, nếu không tôi đã trở thành một “nhà văn nhớn”.

Tôi ở Seattle, không tham dự được buổi lễ chúc mừng thầy. Xin kính chúc thầy được luôn luôn vui mạnh.

Thầy Tôi

Trăm năm một tàng cây cổ thụ
Trần Bạch Thu

Sài Gòn Nhỏ

 

 
Thầy Doãn Quốc Sỹ (ảnh: Uyên Nguyên)

Chúng tôi hẹn nhau sáng ngày Thứ Tư để đến thăm cụ. Thực ra ở bên nầy những ngày cuối tuần mới tiện các việc đi lại hay tham dự vào các lễ lạc. Lâu dần thành quen. Làm gì hay kỷ niệm gì cũng đợi vào những ngày cuối tuần. Nhưng hôm nay chúng tôi chọn ngày Thứ Tư là do anh em muốn đến càng sớm càng tốt. Cụ năm nay đã gần 100 tuổi rồi mà chúng tôi cũng chỉ mới biết nhà cụ gần đây thôi, qua anh con rể của cụ.

Trời trong nắng rõ, đường phố xe cộ dập dìu, không thấy một bóng người đi bộ. Tôi tìm chỗ đậu xe bên lề đường hơi xa nhà cụ một đỗi. Đi dọc theo vỉa hè dưới những tàng cây lớn, bóng mát lan tỏa ra tới tận ngoài đường. Cảm giác thật rộn vui đầy phấn khích.

Anh Hiếu ra tận ngõ đón chúng tôi lần lượt kẻ sớm người muộn vào bên trong. Nhà bày biện đơn sơ. Ngay lối vào bên phải sát cửa sổ là cây dương cầm màu gụ đen bóng loáng, phía trên thấy có một bản nhạc còn mở ra để nguyên như vậy trên giá. Tôi sững sờ bước đi chậm lại, hơi rón rén khi nhìn thấy cụ đang nằm nghiêng quay mặt ra phía ngoài trên chiếc ghế salon dài bằng da màu đen. Anh Hiếu bảo: Ông cụ chỉ vừa chợp mắt.

Quanh phòng khách chỉ thấy treo mấy bức tranh vẽ chân dung các cô chú còn nhỏ, con của cụ. Giữa nhà, cạnh bộ ghế salon là một cái bàn nhỏ trên chưng mấy bức hình của gia đình trong đó có ảnh chân dung của cụ với lời ghi chú nhỏ không đọc được. Để không làm mất giấc của cụ, chúng tôi đi thẳng đến bàn ăn đặt giữa phòng ở phía nhà sau. Trên bàn trải khăn trắng đã bày biện sẵn chén bát muỗng đĩa và một số thức ăn nguội trông rất gọn gàng, đẹp mắt.

 Thầy Doãn Quốc Sỹ (ảnh: Uyên Nguyên)

Yên vị chỗ ngồi quay lưng ra sân sau, mắt hướng về phòng khách, tôi nhìn cụ chăm chú, gương mặt thật thanh thản. Trước đây từng quen nhìn cụ luôn luôn qua đôi kính trắng có nụ cười hiền lành, nay nhìn hình ảnh bất động hết sức bình dị của một cụ già gần trăm tuổi đang ngủ, bất chợt trong lòng tôi dâng trào lên một niềm xúc cảm sâu lắng. Có phải đây là một nhân vật lừng danh trên văn đàn miền Nam Việt Nam ở thế kỷ thứ 20; một nhà mô phạm đáng kính, nhân hậu đối với nhiều thế hệ học sinh, sinh viên trước đây ở Sài Gòn; là người đã đoạt giải nhất, giải Văn Học Toàn Quốc cách nay hơn 60 năm về trước? Vâng phải, cụ là nhà văn Doãn Quốc Sỹ.  

Chị Liên, con gái thứ của cụ, mặc tạp dề hình bông tím nhỏ đang lui cui, xăng xái bên bếp để chuẩn bị bữa cơm khách. Đặc biệt chỉ gồm các món ăn thuần túy miền Bắc. Chị Liên nói vậy. Đậu phụ chiên dòn chấm tương Bắc. Chả trứng rán mỏng vừa khuôn đĩa nhỏ. Hai đĩa rau củ luộc và canh dưa chua. Vậy thôi. Đúng nghĩa là bữa cơm gia đình theo như lời mời từ tuần trước. Khi mọi người đã tề tựu đầy đủ, đến lúc đó anh Hiếu mới đến lay cụ dậy. Mời bố xơi cơm.

Cụ mặc chiếc áo ấm loại trấn thủ dài tay màu xám. Bố luôn thích mặc chiếc áo nầy kể từ ngày về thăm làng Cót. Anh Hiếu cho biết. Cụ bảo tên chữ của làng là Hạ Yên Quyết, Hà Đông. Sở dĩ có Hạ là vì còn có làng Thượng ở phía trên. Sau khi chào hết thảy mọi người, cụ ngồi xuống ở đầu bàn phía gần bếp để cho cô con gái giúp bố gắp thức ăn hoặc cắt nhỏ vừa miếng ăn cho bố.

– Mời các anh dùng bữa với gia đình. Cụ nói.

– Dạ. Xin mời Thầy.

Khách chúng tôi nói chuyện râm ran. Cụ vẫn tự nhiên ăn cơm trắng với thức ăn một cách bình thường. Không kiêng cữ gì cả. Không nói chuyện nhiều. Chỉ khi nào cô con gái hỏi thì cụ mới trả lời. Ngoài anh chị Hiếu-Liên, trong gia đình còn có người em gái của cụ cùng ăn chung với chúng tôi. Hai anh em dắt díu nhau di cư vào Nam năm 1954 và luôn sống cận kề nhau từ đó cho đến nay. Lúc ở Việt Nam cũng như khi sang đến Mỹ.

Gần xong bữa. Cụ vẫn ngồi đấy, vừa ăn món tráng miệng mà cụ ưa thích “tàu hủ, nước đường gừng”, vừa bắt đầu chuyện vãn với chúng tôi. Khi thì trả lời những câu hỏi, khi thì cụ chợt nhớ tới đâu nói tới đó. Giọng nói còn to, rõ ràng và khỏe mạnh. Điều đặc biệt là những câu chuyện cụ kể hay nói đều có thứ tự, lớp lang và khúc chiết. Thỉnh thoảng cụ còn đọc những bài thơ hay nói những giai thoại về nhạc phụ của mình là thi sĩ trào phúng Tú Mỡ, Hồ Trọng Hiếu. Đặc biệt là những câu thơ ghép theo vần, tên của các con. Các cụ ngày xưa đông con nhỉ.

Sau khi vợ chồng anh Hiếu dọn dẹp bàn ăn lại cho sạch gọn và mang trà, cà phê ra mời cả nhà thì những câu chuyên trao đổi với cụ mới thực sự bắt đầu. Cho đến tuổi nầy rồi, cụ vẫn còn làm việc. Không viết được, không còn nghe rõ và cũng không có giờ giấc nhất định, cụ luôn mang theo máy thu âm nhỏ đặt bên trong túi áo, cứ nhớ đến đâu hay nghĩ gì cứ nói tự nhiên một mình. Sau đó chị Liên sẽ đánh máy lại và in ra. Cụ vẫn thường hay nói “dạy học là nghề, viết văn là nghiệp.”

Bốn anh em chúng tôi từng quen biết và tiếp xúc với cụ trước đây ở các trường đại học. Sau khi du học ở Mỹ về, cụ phụ trách giảng dạy ở ba trường Đại học Văn khoa, Vạn Hạnh và Quốc Gia Sư Phạm Sài Gòn. Lần đầu tiên tôi tiếp xúc với cụ là ở trường Đại Học Vạn Hạnh, khi tôi tham dự Đại Hội Sinh Viên Phật Tử toàn quốc năm 1971.

Trong suốt buổi nói chuyện, chúng tôi thường đặt các câu hỏi, như thể không còn dịp nào để biết được nữa. Những câu hỏi đều liên quan đến những năm tháng tù đày của cụ. Cụ thản nhiên trả lời, không tỏ vẻ gì ngại ngùng về những câu chuyện như vậy. “Có khổ, nhưng cũng có cơ hội được sống và trải qua một cuộc đời như thế.” Cụ bị bắt trong chiến dịch truy lùng của Cộng sản năm 1976, bị gán cho là những tên “Biệt kích Văn Học.” Bốn năm sau, khi được thả ra, cũng là lúc cụ hoàn thành một tác phẩm được gởi ra nước ngoài và xuất bản tại Pháp.

Tháng Năm 1984 cụ bị bắt lại và lần nầy Cộng sản kết án tù 10 năm. Lúc ấy cụ đã ngoài 60 tuổi. Không ai hy vọng cụ còn sống để thụ án. Có một giai thoại trong tù là ngoài việc lao động hằng ngày của trại, buổi tối nào cụ cũng ngồi thiền. Tiếng đồn ra ngoài đến độ cán bộ trại cũng tránh không gọi khi cụ nhập thiền. Cụ nói không phải vậy. Nếu thông hiểu được nguyên lý “Thiền” thì không phải chỉ ngồi mới thiền. Ngay cả khi đang làm bất cứ việc gì hay sinh hoạt ở bất cứ chỗ nào mình đều có thể “Vào Thiền” được.

Và rồi cụ cũng sống sót để trở về. Đến năm 1995, khi được người con trai bảo lãnh đoàn tụ sang Mỹ định cư, cụ vẫn tiếp tục viết và sau đó xuất bản liên tục ba quyển truyện dài. Cuốn sau cùng đúng vào năm cụ 74 tuổi. Nghiệp văn là như thế. Văn phong đã đổi mới tuyệt vời sau khi đã ngụp lặn mấy mươi năm trong bể khổ trầm luân.

Năm 22 tuổi, cụ là một trí thức yêu nước tham gia phong trào Việt Minh kháng chiến chống Pháp giành độc lập cho nước nhà, nhưng sau đó vài năm, cụ nhìn thấy sự sai lầm, tàn ác của những người Cộng sản nên cụ từ bỏ hàng ngũ Việt Minh để trở về thành và hoạt động trong lãnh vực giáo dục, đồng thời cũng từ đó chọn cho mình một con đường mới để phục vụ đất nước, nhân quần. Cụ bắt đầu dạy ở trường Trung Học Nguyễn Khuyến, Nam Định vào năm 1951. Sau đó ra Hà Nội dạy trường Trung Học Chu Văn An cho tới năm 1954.

Sau khi di cư vào Nam, cụ vẫn tiếp tục dạy, ở trường Trung Học Hồ Ngọc Cẩn, và bắt đầu viết văn, làm báo. Năm 1956 tại Sài Gòn, cụ thành lập nhà xuất bản Sáng Tạo và phát hành một tạp chí văn nghệ cùng tên qui tụ những nhà văn, nhà báo nổi danh thời bấy giờ. Cụ thường nhắc đến bảy người trụ cột lúc ấy gọi là “Thất Tinh”, gồm Mai Thảo, Nguyễn Sỹ Tế, Thanh Tâm Tuyền, Trần Thanh Hiệp, Duy Thanh và Ngọc Dũng.

Đến lượt anh Tiến đặt câu hỏi thì toàn hỏi về chuyện văn chương chữ nghĩa. Cụ tiết lộ, ngoài bút hiệu cũng là tên thật, lúc mới bắt đầu sáng tác, cụ chọn bút hiệu là Tô Giang Khách, nghe giống như nhân vật kiếm hiệp nhưng thật ra vì rất yêu mến dòng sông Tô Lịch ở Hà Nội nên cụ mới lấy bút hiệu như thế để nhớ về những kỷ niệm nơi ấy. Đối với cụ, mỗi giai đoạn sáng tác là một hành trình sống và chiêm nghiệm, trải dài theo những biến đổi của đất nước. Bây giờ đến tuổi nầy rồi chỉ còn nhớ lại chuyện cũ thôi.

  Thầy Doãn Quốc Sỹ (ảnh: Uyên Nguyên)

Trước khi xong buổi cơm, tôi mạo muội nhắc lại vài kỷ niệm xưa, may ra cụ còn nhớ lúc cụ dạy ở Đại học Vạn Hạnh. Rất tiếc cụ đã quên hết. Chỉ có một điều duy nhất cụ còn nhớ là hồi ấy sinh hoạt văn học nghệ thuật ở đó rất sôi nổi, tràn đầy sinh khí, mang lại một luồng gió văn hóa mới cho miền Nam Việt Nam.

Trời đã xế bóng từ lâu, mọi người mãi mê trò chuyện quên cả ngày giờ. Đến khi cô em của cụ đứng lên xin phép về trước thì anh em mới sực nhớ bèn đứng lên chào từ biệt gia đình. Mọi người xin cụ nói ít lời để kỷ niệm buổi gặp gỡ hôm nay. Với dáng vẻ xúc động, cụ quay nhìn chúng tôi một lượt và trong ánh mắt đầy yêu thương, cụ trầm giọng bảo: “Hãy sống thanh bạch và làm lành”, như cụ đã từng bảo với các con của cụ như thế.

Khi chuẩn bị lên phòng khách chụp hình trước khi từ giã, tôi ra đứng sau lưng ghế của cụ, chỗ cụ ngồi dùng cơm hằng ngày, và chuẩn bị nắm tay cụ để chậm bước đi. Tình cờ tôi nhìn vào bức tường đối diện trước mặt, phía trên treo một bức sơn mài vẽ lập thể gần giống như tàng cây cổ thụ, màu sắc vàng óng ánh, bên góc trái bức tranh có hàng chữ nhỏ ký tên tác giả Doãn Quốc Vinh. Phía dưới bức tranh là một khuôn kính, lộng bên trong một tấm giấy màu hồng điều trên có ghi bài thơ tặng Thầy của một môn sinh, nhân sinh nhật lần thứ 90 của cụ.

Thầy chẳng cho gì ngoài ánh mắt
Lúc muộn phiền con chỉ thấy mây bay
Thầy chẳng cho gì ngoài giọng nói
Đượm tình người thành phấn trắng trên tay

Khi thầy cho thầy đã không hề biết
Con vô tình lúc nhận cũng chẳng hay
Nhưng con hiểu thầy đã cho tất cả
Vì tâm con bát ngát núi sông nầy.

Trên đường về, tôi miên man nghĩ ngợi. Thoáng chốc mà gần nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày thầy trò tan tác. Cụ vẫn còn đây dù không còn nhớ gì nhiều. Trong lòng tôi chợt nhớ về ngày xưa đã có lúc Phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách Văn Hóa thảo luận về việc thiết lập một Hàn Lâm Viện Văn Học Việt Nam tại Sài Gòn. Dù chưa thành hình và rồi thế sự đổi thay nhưng nhất định tên tuổi và đóng góp của cụ sẽ còn lưu lại mãi trong nền văn học nước nhà.

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen