Đêm ở cao nguyên, tự nhiên muốn nghe một tiếng hát, nên đòi Ksor Duk hát một cái gì đó không bê tông cốt thép, không showbiz hay thị trường. Ksor Duk một tay cầm đàn, một tay bế con, hắn cười, hỏi “hát gì đây?”.
Thật ra, Ksor Duk hát cái gì cũng hay. Hát sân khấu hay vỉa hè, hắn cũng đều có một sự mãnh liệt nguyên vẹn không nề hà không gian và khán giả. Một người nghe cũng tốt, năm ba người nghe thì nhớ uống thêm chung rượu, tiếng hát sẽ càng hoang vu hơn.
Người nghệ sĩ Jarai này đã đoạt nhiều giải thưởng, và nhận được nhiều lời mời công việc ở phố thị. Vậy mà hắn không an lòng. Một ngày nọ, cách đây vài năm, Ksor Duk gọi tôi ra cafe, hát bài Về Với Tôi, một bài hát hắn sáng tác với nhịp điệu thôi thúc và náo nức quay lại đồng xanh, núi rừng. “Em phải về thôi, sống ở đây toàn là nhà lớn, tường cao, không thấy núi đồi gì cả”, Duk nói và xao xuyến như một người nhớ rừng, không khác gì nhớ mẹ. Duk không diễn đạt được hết tâm trạng của mình bằng tiếng Việt, nhưng tôi hiểu hắn mệt mỏi với ánh đèn sân khấu và những bài hát vô nghĩa của chợ âm nhạc hôm nay.
Ai nấy đều lặng đi khi nghe Ksor Duk hát. Bé con nằm trên tay nằm trên tay cũng ngủ ngon lành với tiếng hát của ba mình. Giữa rừng nghe tiếng hát hoang dã, mới lạ lùng làm sao. Nhà thơ Miên Di ngồi rít thuốc liên tục khi nghe Duk hát, chỉ bật ra được một câu duy nhất “Hay quá”, rồi lặng im.
Nếu đời sống thật sự có những lối đi trân trọng thật sự cho những tài năng, Ksor Duk đã không trở thành một người xây nhà rông, một người tạc tượng tô-tem của văn hóa Jarai bản địa. Nếu xã hội có âm nhạc tử tế, Ksor Dul đã dành trọn thời gian để tạc vào lịch sử âm nhạc Việt những hoa văn độc đáo rất riêng của mình.
Năm trước, Ksor Duk gửi cho tôi nghe bài Chìm Dần, một sáng tác nghẹt thở của nhạc sĩ Văn Tuấn Anh về núi đồi hôm nay, sự mất mát và nỗi đau của những người thương rừng như thương mẹ. Duk nói hắn thích bài này. Và tôi cũng thích trong một tâm trạng xao xuyến như hắn vậy.
Tiếng hát của nghệ sĩ người Jarai, như tiếng khóc của núi, tiếng giận dữ của dòng sông… về một miền cao nguyên xanh ngát, hôm nay chỉ còn trơ trọi, cằn khô và bê-tông cốt thép của những tham vọng chiếm đoạt và tàn phá thiên nhiên.
Cao nguyên thì không thể chìm, nhưng Cao nguyên trong bài hát của nhạc sĩ Văn Tuấn Anh thì đã ngập trong những sự tàn phá và mưu toàn thấp hèn.
Mời bạn nghe ca khúc dữ dội này, với tiếng hát của Ksor Duk, và thử lắng nghe trong tim mình, xem bạn có lay lắt điều gì đó, với thiên nhiên cất tiếng kêu tuyệt vọng và núi rừng trơ trọi đau hôm nay hay không.
Viết cho Ksor Duk, như một lời xin lỗi trước sự bất toại của đời.