Seite auswählen

Ác cảm với Trung Quốc “như là một thói quen”?

 

Hoàng Thủy Ngữ

 

Hôm qua tình cờ tôi đọc được bài xã luận Thảo Dân Vô Minh và Dân Chủ của anh Nguyễn Quốc Tấn Trung đăng trên trang Luật Khoa Tạp Chí.

Bài viết được dẫn nhập bằng câu hỏi “Điều gì khiến cho nhiều người có địa vị trong xã hội VN giờ đây khinh rẻ khả năng của công dân bình thường và từ đó đánh giá thấp dân chủ”.

 

Tác giả đã dẫn ra luận cứ của một số các nhà triết học, xã hội và chính trị học lừng danh trên thế giới như Plato (với tác phẩm Cộng Hòa), Walter Lippman (với Public Opinion), Achen và Bartels (với Democracy for Realists), Jason Brennan (với Against Democracy) về giá trị và sự khác biệt giữa dân chủ (democracy) và chủ nghĩa thông thái chính trị (espitocracy) rồi đi đến kết luận là “họ đều có cùng một góc nhìn: giới hoạt động chính trị cần chấp nhận sự giới hạn của các công dân trong hoạt động chính trị nói chung và cần có những làn ranh nhất định khi họ tham gia quyết định quyết sách chính trị”.

 

Kết luận này nghe quen quen vì văng vẳng tiếng nói của kẻ độc tài.

 

Và cuối cùng tác giả đã đi xa hơn khi giải thích sự vô minh về chính trị của người Việt bình thường trong việc họ phản đối dự thảo Luật Đặc Khu và tâm lý bài Trung Quốc: “Cần khẳng định rằng cả quá trình vội vã chia xẻ những thông tin chưa chính xác về dự thảo Luật Đặc Khu không hẳn là lỗi của người dân” và “Họ có ác cảm với Trung Quốc như là một thói quen”.

 

Người đọc chắc hẳn không thể không nhận thấy thiện chí của tác giả khi anh cố gắng chứng minh tầm quan trọng của việc trau dồi kiến thức chính trị để giúp quần chúng nhân dân bình thường tránh được “những sai lầm chính trị” mà theo anh là do họ “bị kiềm kẹp trước đó mà thôi”.

 

Thực tế cho thấy những sai lầm chính trị thường đều là tác phẩm của những kẻ cầm trịch, ăn trên ngồi trốc vì chỉ bọn họ mới có thẩm quyền dối trá.

 

Cũng theo tác giả, khoảng cách giữa thiểu số cầm quyền hay những người có địa vị trong xã hội và đa số công dân bình thường là kiến thức về chính trị. Chính khoảng cách này khiến công dân bình thường bị thiểu số tự xem là tinh hoa xã hội coi khinh và tự dành riêng cho mình cái quyền ban phát hay lý giải dân chủ. Vì vậy cần phải tạo cho công dân mọi cơ hội và hoàn cảnh học hỏi về chính trị để họ có nhận thức và hành động đúng đắn trong vai trò xã hội của mình và phát huy dân chủ, loại bỏ thói quen thích dạy bảo và áp đặt của kẻ cầm quyền.

 

Tuy nhiên vấn đề cần bàn là việc chống đối dự luật đặc khu có phải phát xuất từ tâm lý “ác cảm với Trung Quốc như là một thói quen” hay không và ai phải chịu trách nhiệm trong việc này khi tác giả xác định “Cần khẳng định rằng cả quá trình vội vã chia sẻ những thông tin chưa chính xác về dự thảo Luật Đặc Khu không hẳn là lỗi của người dân”.

 

Dựa vào kết quả khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew ở Hoa Kỳ tháng Sáu 2015, 78% người Việt có cái nhìn tích cực về Hoa Kỳ, 74% người Việt có quan điểm tiêu cực về Trung Quốc và chỉ có 19% người Việt có quan điểm tích cực về quốc gia này.

 

Theo Aristotle, thói quen là bản chất thứ nhì của con người. Thói quen không phải bẩm sinh mà do qua quá trình học hỏi và thực nghiệm. Nó cấu thành cách sống và cá tính khác biệt của mỗi người. Sự tổng hợp giống nhau trong suy nghĩ, lề lối sinh hoạt tạo ra thói quen chung mà chúng ta gọi là phong tục tập quán của một cộng đồng. Đây là chất keo gắn bó các cá nhân với nhau, dẫn đến sự đồng thuận, hợp tác hài hòa trong xã hội và hình thành văn hóa riêng của mỗi dân tộc.

Như thế, nếu hiểu sự ác cảm của người Việt đối với Trung Quốc là theo thói quen thì người Việt đã sẵn có văn hóa bài ngoại. Nhưng tại sao chỉ bài Trung Quốc. Tại sao không bài Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Nam Hàn, Úc… Pháp đã từng chiếm VN làm thuộc địa và các quốc gia còn lại đều can dự vào cuộc chiến tranh VN. Cái gì đã làm ra sự khác biệt?

 

Trước tiên cần khẳng định rằng sự ác cảm của người Việt đối với Trung Quốc không phả̀i vì thói quen. Thói quen có thể thay đổi. Phong tục tập quán cũng vậy. Trong trường hợp này, ác cảm là phản ứng tâm lý phát xuất từ ý thức tự chủ dân tộc. Ý thức này thành hình theo dòng lịch sử, rút ra từ những bài học xương máu và lưu truyền từ đời này sang đời khác qua chính sách giáo dục. Khi người dân nhận thấy chủ quyền quốc gia bị đe dọa, dân tộc bị coi thường, họ phải phản ứng. Giấc mộng Đại Hán của Trung Quốc đã phá vỡ nguyên tắc tối thiểu trong quan hệ ngoại giao. Đó là sự tôn trọng.

 

Chính lý tưởng dân chủ đã cho người Việt có cái nhìn tích cực về các quốc gia từng bị coi là thù địch trước kia nhưng lại có quan điểm tiêu cực về “đồng chí 16 chữ vàng và 4 tốt” dù 2 dân tộc Việt – Trung có nếp sinh hoạt văn hóa rất giống nhau. Nền dân chủ của các quốc gia “cựu thù”, cái mà cả người CS VN lẫn Trung Quốc luôn muốn dập tắt, giờ đây là niềm tin và mơ ước của người Việt.

Trước tháng Tư 1975, cộng đồng người Hoa sống hòa nhập với người Việt ở miền Nam. Họ không hề bị phân biệt đối xử hay ghét bỏ. Họ được phép thành lập cơ sở giáo dục văn hóa riêng và Hán văn là sinh ngữ phụ học sinh cấp ba có thể chọn dưới mái trường VNCH. Đại học Văn Khoa có ban Hán Văn và nhiều sinh viên theo học. Sau ngày thống nhất đất nước, người Việt miền Bắc vào Nam đem theo những món hàng, vật dụng made in China. Từ cái chén, cái bình thủy, bàn ủi… đến vải vóc, chiếc xe đạp… làm tại Trung Quốc đều được đánh giá như những mặt hàng thượng phẩm. Nếu người miền Nam từng chia xẻ cuộc sống với người Tàu trong tình nghĩa đồng bào thì người miền Bắc sống chung với họ trong tình nghĩa đồng chí và mang tâm lý ngưỡng mộ Bắc triều. Cái tâm lý này chỉ nhạt dần sau thời kỳ Đổi Mới và trong thời đại internet. Nó chỉ phai nhạt chứ không mất hẳn bởi lẽ một giai cấp thống trị vẫn khư khư ôm chặt giáo điều xhcn, dùng nó để mị dân, duy trì quyền lực và thủ lợi.

 

Có rất nhiều lý do để hiểu được phản ứng của người Việt đối với Trung Quốc. Một ngàn năm nô lệ phương Bắc luôn là nỗi ám ảnh của người Việt. Rồi những biến cố như cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung năm 1979 và những vùng đất biên giới phía Bắc bị mất vào tay Trung Quốc, việc xâm chiếm Hoàng Sa và Trường Sa,vụ giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm hải phận VN năm 2014, một bản đồ Trung Quốc mới chiếm hữu gần trọn biển Đông. Thêm vào là những sai lầm liên tục trong chính sách kinh tế của chính phủ VN khi hợp tác với Trung Quốc cùng những hậu quả tàn khốc về môi trường của nó. Đó là các sự kiện có thật và đe dọa sự tồn vong của dân tộc.

 

Phải chăng đây là sự phản kháng chính trị âm ỉ đến lúc bùng phát dưới một hình thức khác. Mọi biến động chính trị hay xã hội đều có nguyên nhân. Sự bất lực và mập mờ trong đường lối ngoại giao của nhà nước VN và mộng bá quyền cùng dã tâm của Trung Quốc khiến người Việt lo lắng. Cạnh đó là những bất công và một xã hội thối nát về mọi mặt. Người Việt có quyền nghi ngờ khi họ đã mất niềm tin vào nhà nước.

 

Có thể người dân bình thường không quan tâm đến chính trị và các lý thuyết phức tạp về dân chủ nhưng sinh hoạt hàng ngày của con người vẫn liên quan đến chính trị nhiều ít khác nhau. Đến một lúc rồi người ta phải đối mặt với sự thật, khi quyền con người bị chà đạp. Các cuộc nổi loạn hay cách mạng sẽ từ đó phát sinh.

Tác giả hoặc đã vô tình nhầm lẫn khi viện dẫn biến động xung quanh dự thảo Luật Đặc Khu vào bài viết để tiếp tục mạch tư tưởng hoặc có chủ ý nào khác. Nhưng dù thế nào đây cũng là sự thiếu tôn trọng đối với đồng bào của mình. Đi biểu tình không chỉ có những “tiểu thương chợ Bà Chiểu” hay giới cần lao vô minh về chính trị. Trong đám đông vẫn có mặt của những người trí thức đủ khả năng góp ý,phê bình dự luật. Soạn thảo dự luật là công việc của giới cầm quyền nhưng người dân vẫn làm chủ đất nước này. Và họ đã cùng nhau thể hiện ý thức dân chủ bằng hành động. Suốt nhiều thập niên,họ đã cắn răng cam chịu sự áp bức bóc lột nhưng không chấp nhận mất nước.

 

Người CS không bao giờ chấp nhận tiếng nói đối lập. Họ có thừa dã man để dập tắt những chống đối. Trong quá khứ họ đã từng làm rất nhiều lần. Phải trì hoãn việc thảo luận dự Luật Đặc Khu những 2 lần là thất bại chính trị chua chát đối với họ. Hãy tưởng tượng biến cố này xảy ra vào những năm đầu tiên khi người CS nắm chính quyền ở miền Bắc. Máu chắc chắn phải đổ và chồng chất xác người.

 

Câu văn ”Cần khẳng định rằng cả quá trình vội vã chia sẻ những thông tin chưa chính xác về dự thảo Luật Đặc Khu không hẳn là lỗi của người dân” trong bài xã luận là cách luận tội người dân vô cùng khéo léo của tác giả và cũng là kiểu chữa cháy cho dự luật. Một cách nào đó, người dân cũng bị liên đới trách nhiệm vì họ chưa hiểu hết dự luật mà đã làm càn. Vấn đề chỉ do lỗi kỹ thuật trong việc chia xẻ thông tin chứ không phải những sai lầm trong nội dung và mục đích của dự luật.

 

Đảng cs đã hoàn toàn bị bất ngờ trước sự phản đối quyết liệt của người dân khi họ giở trò mị dân chủ qua việc công bố quyết định thông qua dự luật. Đảng cứ tưởng mình vẫn có chính danh. Các cuộc biểu tình tự phát là câu trả lời hùng hồn nhất cho thấy sự bất mãn, chán ghét chế độ đã đến mức báo động đỏ. Biểu tình là mặt nổi của tảng băng. Khi giới cầm quyền để lộ bộ mặt là kẻ bán nước thì lòng dân nổi dậy. Có lẽ người cs hiểu rõ điều này nên đã vội vã thông qua luật An Ninh Mạng, gia tăng bắt bớ và khủng bố.

 

Một điều chắc chắn là những người có địa vị ở VN không hề đánh giá thấp dân chủ như tác giả lầm tưởng. Họ sợ hãi đến mức không cho phép nói đến chứ đừng mong chờ một cuộc thảo luận công bằng. Biện pháp tốt nhất là ra tay bóp chết từ trứng nước hay tìm cách diễn giải theo chiều hướng mị dân khác. Trình độ dân trí thấp là một ví dụ để kẻ cầm quyền biện minh cho việc làm của họ.

Đảng CSVN chú trọng đặc biệt đến công tác uốn nắn tư tưởng chính trị của người dân. Công tác này khởi đầu ngay từ lớp Một trong ngành giáo dục. Ngoài ra việc kiểm soát, khống chế và thao túng thông tin bằng cách kết hợp báo chí, hệ thống truyền thanh, truyền hình và công an mạng đã cho thấy nỗi lo sợ của đảng lớn đến mức độ nào.

 

Việc cần nâng cao kiến thức chính trị của công dân bình thường theo đề nghị của tác giả là hoàn toàn hợp lý nhưng đáng tiếc là nó chỉ có thể thực hiện ở môi trường tự do và bình đẳng. Đây là chuyện không tưởng ở VN hiện nay.

Bài xã luận sẽ có giá trị xứng đáng với ước mơ và sự hiểu biết của tác giả và có thể cũng là ước mơ của rất nhiều người, trong đó có tôi, nếu anh không đưa vào hồn ma mang tên Luật Đặc Khu và hiểu sai lương tri dân tộc của những “thảo dân vô minh” tội nghiệp.

 

Vô hình trung tác giả đã bị rơi vào cái bẫy của thuyết âm mưu (conspiracy theory) và không khéo có thể bị cho là ngồi chung cùng mâm với “nhiều người có địa vị ở xã hội Việt Nam…”!

 

Hoàng Thủy Ngữ

 

Nguồn: Dân Luận

https://www.danluan.org/tin-tuc/20181022/ac-cam-voi-trung-quoc-nhu-la-mot-thoi-quen

 

 

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen