Seite auswählen

Sợ bị hớ

“Người dân, họ không hiểu biết, vì vậy họ cần luật gia tư vấn và cần nhà báo khai thác thông tin.”

Trịnh Kim Tiến

(Bài viết chắc chắn sẽ đụng chạm rất nhiều người, nhưng xin lỗi tôi vẫn muốn viết nó)

Những tấm băng rôn được bà con vườn rau Lộc Hưng căng lên để phản đối hành động cưỡng chế. (Hình: Người Việt.)

Trong hầu hết các sự kiện giữa nhà cầm quyền và người dân, tôi nhìn thấy đa số các học giả, luật gia, nhà báo, những người có tiếng nói chỉ lao vào mổ xẻ khi mọi thứ đã tan nát hết, khi mà một nỗi đau nào đó đã hiện hữu trước mặt họ.

Có phải các anh chị sợ mình sẽ bênh sai cho người dân và làm mất đi tiếng nói của mình? Tôi cũng nhiều lần sợ như vậy lắm, sợ mình chưa nắm kỹ mà nói rồi người khác cười cho.

Giữ mình ở thế trung lập và đưa tin chuẩn xác là tốt. Nhưng giá như mà các anh chị nghĩ nhiều hơn đến oan khuất và nỗi đau của những người thấp cổ bé họng. Tôi tin chắc các anh chị sẽ bước ra khỏi cái máy tính và chiếc điện thoại của mình để tìm đến với những người đang cần mình lên tiếng.

Vườn rau Lộc Hưng tan hoang sau đêm bị cưỡng chế. (Hình: Người Việt)

Trong vụ vườn rau Lộc Hưng, cũng như nhiều vụ việc khác, tôi thường thấy nhiều người luôn nói tại sao người dân không chịu trưng ra bằng chứng pháp lý mà chỉ nói miệng. Nhưng tôi không thấy được mấy người đến và hướng dẫn cho người dân làm điều đó.

Người dân, họ không hiểu biết, vì vậy họ cần luật gia tư vấn và cần nhà báo khai thác thông tin.

Vào cái đêm trước ngày bị san phẳng, người dân vườn rau mừng rỡ nói với nhau rằng, sau bao nhiêu ngày báo chí trốn tránh họ, cuối cùng cũng có một tờ báo là Sài Gòn Giải Phóng đến tìm họ và họ đã cho coi hết giấy tờ liên quan rồi.

Giấy tờ đó, đúng sai tôi chưa cần biết. Nhưng tôi thiết nghĩ là là một nhà báo hay là một luật gia trách nhiệm của họ phải là lên tiếng trước khi đau thương xảy đến với người dân và sự việc đi quá xa cách khắc phục.

Thế nhưng, hiếm có sự trợ giúp nào cho họ trong giờ phút họ cần nhất. Thậm chí tôi thấy có những luật gia, sau khi nhà người ta bị ủi sạch, đồ người ta bị cướp trắng, ngồi đó một chỗ, phân tích những giả định của luật rồi nói những người lên tiếng là cẩn thận bị hớ.

Tôi nhớ trong một buổi học luật, luật sư Lê Công Định từng nói với tôi rằng, khi anh ra nước ngoài học về luật anh phải bắt đầu học lại từ đầu vì tất cả những thứ luật anh học được ở Việt Nam đều trật hết. Ở nước văn minh, điều luật được xây dựng vì quyền lợi của nhân dân, lấy dân làm trọng điểm bảo vệ. Còn ở Việt Nam không phải thế, luật Việt Nam được xây dựng để quản lý, cai trị người dân. Cái khác nhau này làm nên sự oan sai và bất công ở Việt Nam ngày càng nhiều.

Hơn nữa, tôi tin chắc những ai học luật Việt Nam đều nhìn thấy rõ rằng nó chồng chéo và vì phạm Hiến pháp như thế nào. Chúng ta đang sống trong chế độ Cộng Sản, chế độ độc đảng toàn trị. Trong chế độ này, nếu ngồi đó để các anh chị moi móc về luật phân tích thì kiểu gì thì kiểu người dân cũng không bao giờ có thể đúng hoàn toàn.

Trong cái giờ phút mà người dân cần các anh chị nhất, các anh chị không có mặt. Trong lúc các anh chị chưa chịu đi tìm hiểu, tìm các bằng chứng, văn bản, giấy tờ người dân đưa ra, các anh chị ngồi giả định với nhau và đưa ra các ví dụ tận đâu đó, những giả thiết từ cái bộ óc của mình và khuyên nhau cẩn thận đừng nóng nảy lên tiếng.

Thật sự tôi thấy các anh chị đáng sợ hơn cả những kẻ ủi phá nhà dân ngày hôm trước.

Với những người ngồi phân tích giả định đúng sai là một loại cảm xúc, với những người có khả năng lên tiếng trước đó nhưng không, chỉ khóc thương sướt mướt, bênh vực người dân bằng những bài viết sau khi chuyện đã rồi tôi lại có một thứ cảm xúc khác nữa. Rất khó diễn tả cảm xúc khi tôi đọc các bài viết hay đầy lý lẽ của họ.

10-1-2019

FB Trịnh Kim Tiến

***

SỰ KHÁC NHAU TRONG VIỆC ĐÓN TIẾP KẺ CƯỠNG CHẾ CỦA NGƯỜI DÂN  MỸ VÀ VIỆT NAM.

Ở Mỹ :

Cliven Bundy, chủ một trang trại chăn nuôi gia súc ở hạt Clark, bang Nevada, Mỹ,  “chiến đấu” với Cục quản lý đất đai về quyền sử dụng đất nông nghiệp. Trong khi chính quyền cho rằng ông phải có nghĩa vụ trả phí sử dụng đất chăn nuôi gia súc, Bandy cho rằng ông có quyền tự do sử dụng mảnh đất thuộc về gia đình ông hàng trăm năm nay.

Người dân Mỹ sẽ chiến thắng trong cuộc chiến này. Chúng tôi luôn có Chúa ở bên và chúng tôi sẽ chuẩn bị tốt hơn để “đón tiếp” họ”, ông tuyên bố.

Ông cho biết những người ủng hộ ông từ khắp nước Mỹ, trong đó có nhiều người có vũ khí để tự vệ, đang đổ về thị trấn xa xôi Bunkersville, cách Las Vegas khoảng 100km.

Ông nói: “Người dân hành động để phản ứng trước những điều họ đã nhìn thấy và nghe thấy. Họ sẽ tới đây bởi lẽ họ có quyền bảo vệ mảnh đất của mình”.

Các chiến binh mặc đồ ngụy trang và mang theo vũ khí tự động đi dọc theo con các con đường bao quanh trang trại của Bundy. Những người này cho hay họ đã chuẩn bị “nghênh tiếp” các quan chức liên bang bằng một trận đấu súng.

Một số người mang mặt nạ, một số khác mặc áo với dòng chữ “Đội chống chuyên quyền”.

 Khi Bundy rời đi, một hàng người đứng bắt tay và cảm ơn ông.

Một người phụ nữ vừa khóc vừa ôm Bundy nói: “Đối với tôi, được có mặt ở đây là một đặc ân”.

Hầu hết những người có mặt để bày tỏ sự ủng hộ đối với Bundy đều đến từ bang Arizona. Những người khác đến từ Montana và Utah. Trong số đó còn có một số chính trị gia, bao gồm cả đại diện bang David Livingstone.

Ở Việt Nam : 

Không có bất kỳ người dân nào đến hổ trợ người dân bị cưỡng chế chống lại chính quyền. Họ cho rằng việc ai ngừoi nấy lo.

– Một cựu người mẫu còn đang trên FB của mình rằng Lộc Hưng là nơi trú ngụ của tội phạm, hút chích nên cô ta ủng hộ cưỡng  chế.

Báo chí của chính quyền câm như hến là điều không lạ nhưng đội ngũ dân oan các nơi và các nhà đấu tranh dân chủ không vận động  được nhân dân xuống đường  phản đói là một điều rất lạ.

Như vậy có thể khẳng đinh tinh thần đoàn kết hổ trợ lẫn nhau để  bảo vệ quyền tư hữu của người dân Việt Nam là rất kém.

Cho nên có thể khẳng định một chân lý : ” Một xã hội của bầy cừu sẽ dẫn đến  chính quyền của loài sói

Một trong những nguyên nhân khiến chính quyền cộng sản trở nên tàn ác là vì dân Việt quá cừu.

Dương Hoài Linh

(Thesaigonpost.com)

***

Cưỡng chế đất – Việt Nam vs nước ngoài

Cưỡng Chế Đất ở Việt Nam khác với ở nước ngoài thế nào? Đây là sự so sánh đơn giản.

Ở Việt Nam thì quá trình cưỡng chế đất diễn ra như sau:

1. Chính phủ công bố khu quy hoạch, có thể bị treo cả chục năm.

2. Người dân bị đền bù với giá rẻ mạt. Vài chục ngàn cho tới vài triệu mỗi m2.

3. Nhà nước có thể tịch thu đất bất cứ lúc nào dựa trên luật ”đất được sở hữu toàn dân, nhà nước đại diện quản lý.” Công dân không có quyền sở hữu.

4. Nếu người dân không chấp hành với mức đền bù thì sẽ bị cưỡng chế.

5. Không có cơ quan nào có thể giúp đỡ và bạn không biết kêu cứu ở đâu mà chỉ nhìn đất của mình thuộc về người khác.

Ở nước ngoài, nhất là các nước tiên tiến thì cũng có cưỡng chế đất. Nhưng chính phủ chỉ được làm vậy nếu nó là điều cần thiết cho mục đích cộng đồng. Cưỡng Chế Đất được thực hiện theo các bộ luật dựa trên Eminent Domain hoặc Compulsory Acquisitions (thu mua cần thiết). Đây là điều hiếm được áp dụng nhưng khi có thì sẽ công khai, minh bạch và công bằng.

Tôi xin lấy Australia làm ví dụ nhưng đây là nói chung cho tất cả các nước Phương Tây. Trước tiên, những vụ chính phủ cưỡng chế hoặc mua lại đất là cực kỳ hiếm vì những lý do sau:

1. Các nước Phương Tây quy hoạch đô thị với tầm nhìn dài hạn và rất bài bản. Khu dân cư và công nghiệp tách biệt nhau. Cho nên xác suất nhà bạn dính quy hoạch là gần không hoặc cực kỳ hiếm.

2. Chính phủ chỉ có thể lấy đất của dân khi có quyết định cấp liên bang, tiểu bang hoặc Bộ.

3. Quyền tư hữu được bảo đảm hoàn toàn. Không có một cá nhân hoặc công ty tư nhân nào có thể ép bạn bán nếu không muốn.

4. Với tự do báo chí và ngôn luận, bất cứ công ty hay lãnh đạo nào làm sai sẽ bị phanh phui ngay lập tức.

Bây giờ nhà hay đất của bạn đang nằm trong khu vực được quy hoạch. Sự “Cưỡng Chế” sẽ xảy ra như sau:  

1. Chính phủ cấp liên bang hoặc tiêu bang sẽ ban hành luật, công bố dự án. Ví dụ: xây dựng sân bay hay đường cao tốc.

2. Thông tin dự án, khu vực quy hoạch và thời gian dự kiến xây sẽ được công khai.

3. Cấp Bộ sẽ ban hành kế hoạch để thực hiện. Sẽ có cơ quan giám sát và các công ty kiểm tra tư nhân để đảm bảo rằng khu quy hoạch là tối ưu nhất.

4. Nếu nhà bạn nằm trong khu bị quy hoạch thì sẽ được thông báo.

5. Chính phủ sẽ tính giá nhà đất ở mức cao và tốt nhất. Thường thì giá đền bù cao hơn 1.5-2 lần giá thị trường. Cho nên nếu được quy hoạch thì được đền bù rất khá và đa số người đều vui vẻ chấp hành.

Nếu bạn không chịu chấp hành bàn giao đất hoặc không đồng ý với mức định giá đền bù, thì có thể làm sau đây:

1. Đi tới cơ quan cấp Sở để đòi tái định giá.

2. Thuê luật sư để khiếu nại, tòa án sẽ xét lại mức đền bù.

3. Tới văn phòng dân biểu hoặc thượng nghị sĩ của khu vực bạn và khiếu nại. Họ sẽ đại diện bạn đưa vấn đề lên các cơ quan cần thiết.

Đó là tại sao ở các nước văn minh gần như không có chuyện cưỡng chế. Khi có thì chủ nhà sẽ rất vui vì được đền bù rất cao hơn giá trị thị trường nên vui vẻ chấp hành. Việc lấy đất là để xây dựng bệnh viện, trường học, sân bay và đường xá – những thứ đóng góp có lợi ích chung của xã hội. 

Một điều trái nghịch so với Việt Nam khi đất của nông dân lại bị tịch thu rồi bán lại cho doanh nghiệp tư nhân. Các công ty bất động sản làm giàu trên nước mắt của người nghèo và không phục vụ gì cho lợi ích chung của xã hội. Người Việt Nam thời CNXH không có tư hữu hay quyền lợi. Họ thậm chí không được coi là công dân mà chỉ là kẻ ở đợ trên chính quê hương của mình.

Ku Búa @ Cafe Ku Búa

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen