Seite auswählen

„Đó là dòng văn học “chống Đảng“, từ lâu đã tồn tại như một mạch nước ngầm cuồn cuộn trong lòng dân tộc. Âm thầm, có lúc công khai dòng văn học ấy cứ lớn lên từng ngày.“

Dương Hoài Linh

Đó là dòng văn học “chống Đảng“, từ lâu đã tồn tại như một mạch nước ngầm cuồn cuộn trong lòng dân tộc. Âm thầm, có lúc công khai dòng văn học ấy cứ lớn lên từng ngày. Khi mà Đảng đang mất dần tính chính danh thì “chống Đảng” tức là yêu nước. Văn học “chống Đảng” nghiễm nhiên trở thành tiếng nói của những con tim thiết tha với vận mệnh dân tộc. Đó không còn là việc “bôi đen” xã hội như Trần Dần đã từng nói:

Tôi bước đi

không thấy phố

không thấy nhà

Chỉ thấy mưa sa

trên màu cờ đỏ

…………….

Lưng tôi có tên nào chém trộm?

A! Cái lưỡi dao cùn!

Không đứt được mà đau!

Chúng định chém tôi làm hai mảnh

Ôi cả nước! Nếu mà lưng tê lạnh

Hãy nhìn xem: có phi vết dao?

Không đứt được mà đau!

Lưng Tổ Quốc hôm nay rớm máu

……

Nhất Định Thắng – Trần Dần

Khi mà chủ nghĩa Mác-Lê Nin, là nền tảng, phương pháp luận của Đảng đã bị thế giới vứt vào sọt rác thì lý tưởng Cộng Sản không còn. Đảng hiện nguyên hình là một đảng mafia, bao gồm các tập đoàn, các nhóm lợi ích “ăn cướp” trên xương máu nhân dân. Việc “chống Đảng” không còn e dè như trước. Nó trở nên công khai và hình thành một trào lưu văn học. Về văn xuôi có thể kể như “Những Thiên Đường Mù” của Dương Thu Hương, “Đêm Giữa Ban Ngày” của Vũ Thư Hiên, “Chuyện Kể Năm 2000” của Bùi Ngọc Tấn, “Ly Thân” của Trần Mạnh Hảo, “Cái Đêm Hôm Ấy Đêm Gì” của Phùng Gia Lộc…Ngoài ra còn có các truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, Võ Thị Hảo…

Đó là những cây bút hiện thực xuất sắc, thể hiện được những trăn trở, thao thức của những con người yêu nước thực sự. Căm phẫn trước những thực tế dối trá, họ chẳng ngần ngại chế độ kiểm duyệt hà khắc, sự công kích điên cuồng của bọn bồi bút luôn bảo vệ chế độ bằng mọi giá để nói lên tiếng nói của lương tâm,của chính nghĩa:

Yêu ai cứ bảo là yêu

Ghét ai cứ bảo là ghét

Dù ai ngon ngọt nuông chiều

Cũng không nói yêu thành ghét

Dù ai cầm dao dọa giết

Cũng không nói ghét thành yêu

…….

Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã

Bút giấy tôi ai cướp giật đi

Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá

Lời Mẹ Dạy – Phùng Quán

Không đợi đến bây giờ mà gần 60 năm trước, các nghệ sĩ chân chính đã nhận ra sự phi lý của việc áp đặt “tính Đảng” vào văn học. Nhóm “Nhân Văn Giai Phẩm” đã chỉ ra những thối nát của xã hội bấy giờ, sự không tưởng của một chủ thuyết ngoại lai,sự xảo trá,lọc lừa của một bộ máy tuyên truyền bịp bợm:

Do cái lưỡi không xương

Nên nhiều đường lắt léo

Do con mắt bé tẻo

Chẳng nhìn xa chân trời

Do bộ óc chây lười

Chỉ một màu sắt rỉ,

Đã lâu năm ngủ kỹ

Trên trang sách im lìm

Do mấy con người máy

Đầy gân thiếu trái tim

Hoàng Cầm

Trong một xã hội như thế, thói luồn cúi, nịnh nọt, tráo trở đã thành phổ biến. Quan hệ giữa người với người chẳng phải là “sống để yêu nhau” (Tố Hữu) mà là một mối quan hệ có tính toán:

Một điều đau xót

Trong chế độ chúng ta

Trong chế độ dân chủ cộng hoà

Những thằng nịnh còn

thênh thang

đất sống

Không quần chùng, áo thụng

Không thang đàn bà

Nhưng còn

thang lưng

thang lưỡi

……….

Những mồm

không tanh tưởi

Ngậm vòi đu đủ

Trợn mắt

Phùng mang

Thổi vào rốn cấp trên

Cũng Những Thằng Nịnh Hót – Hữu Loan

Đó là sự dối trá trong việc mua bằng cấp, học vị để cho ra những trí thức giả hiệu, là việc thần thánh hoá lãnh tụ để người dân tuyệt đối trung thành vào một thể chế toàn trị. Trong đó các đạo lý của cha ông ngày càng bị xói mòn:

Đạo lý tối cao ở xứ đồng lầy

Là lừa thầy, phản bạn

Và tuyệt đối trung thành vô hạn

Với Đảng, với Đoàn, với lãnh tụ thiêng liêng

…….

Đồng Lầy – Nguyễn Chí Thiện

Văn học “chống Đảng” chỉ đích danh thủ phạm,nguồn gốc gây ra tai hoạ cho dân tộc chính là chủ nghĩa Mác Lê nin phản tiến hoá và phi nhân:

“Học thuyết Mác, một linh hồn u ám

Không gốc rễ gì trên mảnh đất ông cha

Mấy chục năm phá nước, phá nhà.”

(“Đồng lầy”, 1972 – Nguyễn Chí Thiện)

Không chỉ phê phán hiện thực, dòng văn học ấy còn không quên hướng tới tương lai, vẽ ra viễn cảnh một ngày không còn CNCS, người dân thực sự tự do, dân chủ và bắt tay làm lại từ đầu:

Sẽ có một ngày con người hôm nay

Vất súng, vất cùm, vất cờ, vất Đảng

Đội lại khăn tang, đêm tàn ngày rạng

Quay ngang vòng nạng oan khiên

Về với miếu đường, mồ mả gia tiên

Mấy chục năm trời bức bách lãng quên

Bao hận thù độc địa dấy lên

Theo hương khói êm lan, tan về cao rộng

Tất cả bị lùa qua cơn ác mộng

Kẻ lọc lừa, kẻ bạo lực xô chân

Sống sót về đây an nhờ phúc phận

Trong buổi đoàn viên huynh đệ tương thân

Đứng bên nhau trên mất mát quây quần.

Kẻ bùi ngùi hối hận

Kẻ bồi hồi kính cẩn

Đặt vòng hoa tái ngộ lên mộ cha ông

Khai sáng kỷ nguyên tã trắng thắng cờ hồng!

Tiếng sáo mục đồng êm ả

Tình quê tha thiết ngân nga

Thay tiếng “Tiến quân ca”

Và Quốc tế ca

Là tiếng sáo diều trên trời xanh bao la!

Nguyễn Chí Thiện

Nền văn học ấy còn thể hiện khí phách hiên ngang, bất khuất của những người tù chế độ. Họ đã cho thấy ý chí, bản lĩnh của những người trẻ dám dấn thân, chấp nhận tù đày vì tương lai đất nước:

Chí đã chín lòng ta đã quyết

Quyết đứng lên tranh đấu một phen

Vì nhân dân cơ cực bần hàn

Ý chí đó ngàn đời không đổi

CHÍ NGƯỜI NGỤC SỸ – Lê Quốc Quân

Nó biểu dương sức mạnh của sự đoàn kết, đồng lòng cùng hình thành nên những “dòng sông tranh đấu”:

Những dòng sông cuộn sôi hối hả,

Trên những nẻo đường đổ về trung tâm,

Những dòng sông lại gặp những dòng sông,

Hòa thành biển lũ.

Sóng biển trào dâng đòi Tự do Dân chủ,

Sóng cuốn phăng đi – thành lũy lũ độc tài,

…..

Blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải

Nguyện vọng của dân tộc đã rõ, người dân bắt đầu vượt qua sợ hãi, thách đố với bạo lực, đương đầu với hiểm nguy bất chấp tù đày. Họ cho thấy lý tưởng của đất nước không phải là những thứ mà lâu nay Đảng đã cố công nhào nặn. Sự bùng nổ của truyền thông khiến tất cả đều như được “mở mắt”, đồng thời tất cả đều “hồn nhiên mở miệng” (Võ Thị Hảo).

Tuổi trẻ Việt Nam cũng đã hoà mình vào dòng sông tranh đấu đó. Họ đã biết đau nỗi đau của dân tộc, khi từng tấc đất thiêng liêng của cha ông bị bè lũ Bắc Kinh cướp đoạt, khi mà cường quyền bất chấp luật pháp đã tạo ra biết bao bi kịch của “dân oan”:

Ơi đồng bào Việt Quốc

Đất nước không chiến tranh

Cớ chi đau thắt ruột

Sự tự hào ngộ nhận

Một chế độ bi hài sau chiến tranh

Bọn cường quyền gian manh cơ hội

Đào bới bóc lột dân lành

Nguyễn Phương Uyên

Họ đã không ngần ngại vượt biên giới tổ quốc đến tận trụ sở Liên Hiệp Quốc để cho cả thế giới biết sự vi phạm nhân quyền trắng trợn ở Việt Nam, tự do, dân chủ chỉ là thứ “hàng mẫu không bán” của chính quyền. Mọi tấc đất xương máu của cha ông đang trở thành một thứ tài sản có thể bị đem bán:

Sự hy sinh bất công!

Xứ sở linh thiêng có còn không?

Phật khóc, Thánh rơi lệ!

Công lý lưu lạc

Để đức tin chìm vào đáy biển

Nguyễn Phương Uyên

Khi mà trái tim yêu nước đã cất tiếng thì bộ máy “công an trị” nào có sá gì. Từ trong tù Trương Duy Nhất tuyên bố, dù có bị kết án 20 năm tù cũng nhất quyết không nhận tội. Lê Quốc Quân, Điếu Cày, Trần Huỳnh Duy Thức đều cho rằng sẽ chiến đấu vì lý tưởng dân chủ đến hơi thở cuối cùng.

Xem ra bạo quyền chẳng hề làm ai sợ hãi. Nó chỉ chứng tỏ sự bất lực của một phương pháp bảo vệ chế độ. Khi chính quyền không thu phục được lòng người thì tiếng nói phản kháng ngày càng nở rộ. Nó sẽ kết tinh thành thơ văn thôi thúc, giục giã lòng người. Đảng không còn là của dân. Chính vì vậy “chống Đảng” chính là cách thể hiện lòng yêu nước thiết tha:

Đất nước tôi

Bốn nghìn năm đến nay còn nhóm lửa

Nhân văn trên sự bất lực đê hèn

Đất nước tôi ơi, Việt Nam đâu phải thế

Nhưng vì sao, ơi hỡi vì sao?

Trương Duy Nhất – Đất nước tôi

Dương Hoài Linh (Thesaigonpost) 

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen