Seite auswählen

Đã bốn mươi bốn năm kể từ ngày miền Nam Việt Nam tự do rơi vào tay cộng sản. Thêm một lần nữa, ngày 30 tháng tư được người Việt chúng ta hồi tưởng lại. Hồi ấy, ngày ấy, anh (bạn) đang ở đâu, làm gì ? Một câu hỏi mà có lẽ nhiều người đã đặt ra.

Câu hỏi „Hồi ấy anh ở đâu – Wo warst Du, Adam?“ cũng đã được nhà văn Heinrich Böll đưa vào làm tựa cho một quyển tiểu thuyết về chiến tranh. Chiến tranh, dù xảy ra nơi đâu, cũng đều có những bắt đầu và kết thúc giống nhau: Bắt đầu bằng những viên đạn bắn ra và kết thúc bằng thân xác ngã xuống của những người lính trận. Tâm trạng mất mát,  lạc lõng của những nhân vật chính được mô tả dưới con mắt nhìn của một người lính Đức, mà cuối cùng, khi cuộc chiến tàn, anh đã lại gục ngã vì trúng đạn khi về đến ngưỡng của nhà mình.

Ngày 30 tháng tư năm 1975, hồi ấy anh ở đâu ?  Ngày đó, vào buổi sáng, tôi và ông anh họ đang đứng nhìn những người chen nhau leo lên chiếc tàu hải quân cuối cùng neo trên bến Bạch Đằng, gần bộ Tư lệnh Hải Quân.  Trên bến tàu lúc ấy có mấy người lính Biệt Động Quân dưới quyền  chỉ huy của một ông thiếu uý còn rất trẻ. „Các anh lên tàu luôn đi!“ Một người, khi đã lên được trên tàu nói vói xuống như thế. Tôi còn nhớ rõ, vị thiếu úy đã trả lời như sau: „Không, chúng tôi phải ở lại để bảo vệ tàu đi và sống chết với bọn VC. Hãy nhường chỗ cho các anh thanh niên lên tàu đi; Các anh đi rồi quay về lấy lại quê hương…“ Ông anh tôi chần chừ, bảo là hãy quay về từ giã gia đình trước khi xuống tàu. Trên đường về, ngang qua Thị Nghè, Đa Kao đã thấy lính bộ đội Bắc Việt xếp hàng hai đi trên đường. Khi về đến nhà thì hai anh em chúng tôi bị gia đình giữ lại, không cho đi đâu nữa.

Ngày hôm sau, tôi lái xe honda trở ra bến tàu thì không thấy chiếc tàu hải quân nữa. Trên bến, sát bờ sông, tôi thấy xác 3 người lính Biệt Động Quân, nhưng không thấy xác vị thiếu úy trẻ. Tôi trở về nhà, lòng thẫn thờ đến mấy ngày. Đó là lần đầu tiên, tôi – một sinh viên 19 tuổi, nhận thức được sự hy sinh của người lính VNCH cho dân tộc và đất nước.

Ngày 30 tháng tư năm 1975, hồi ấy anh ở đâu ? Mấy ngày sau tôi mới nhận được tin ông bác họ bên mẹ tôi, Trung tá tùng sự tại bộ Tổng Tham Mưu (mãi thật lâu về sau này, tôi mới biết ông là chỉ huy trưởng Đoàn 67), ngay trong ngày 30 tháng 4 đã tự sát bằng súng lục tại văn phòng làm việc trong bộ  TTM.

Ngày xưa, thỉnh thoảng ông chở các con ông và tôi đến trường Chu Văn An để học. Có lần ông bảo với tôi rằng: „Bác đi lính nhưng chỉ biết bắn súng lục, bắn bia“. Bao nhiêu năm bỏ quê hương miền bắc, suốt cuộc đời quân ngũ, ông không ngờ viên đạn colt cuối cùng, ông đã dành cho chính mình. Trong tôi dấy lên một niềm tự hào, tự hào về ông bác họ, tự hào về người quân nhân VNCH.

Ngày 30 tháng tư năm 1975, hồi ấy anh ở đâu ?  Tôi đọc được đâu đó trên internet:  „Chúng tôi lách đám đông. Dưới chân tượng đài của thủy quân lục chiến, xác một người cảnh sát nằm đó. Máu ở đầu ông ta chẩy ra tươi rói. Người sĩ quan cảnh sát đeo lon Trung tá. ông ta mặc đồng phục màu xanh. Nắp túi ngực in chữ Long. Trung tá cảnh sát Long đã tự sát ở đây Cộng sản để mặc ông ta nằm gối đầu trên vũng máu. Phóng viên truyền hình Pháp quay rất lâu cảnh này. Lúc tôi đến là 14 giờ 30. Dân chúng đứng mặc niệm trung tá Long, nước mắt đầm đìa. Những người không khóc thì mắt đỏ hoe, chớp nhanh. Tất cả im lặng,…“ Tôi đã tìm kiếm trên mạng internet về vị trung tá cảnh sát Nguyễn văn Long. Tôi đọc và lần đầu tiên cảm phục, kính trọng những người mặc sắc phục cảnh sát. Những người mà trước năm 1975  tôi rất không ưa vì hay bị xét giấy tờ, tóc dài và …đã bị ăn lựu đạn cay lúc theo các anh học sinh lớp lớn hơn tham gia biểu tình chống chính phủ.

Hình tuẫn tiết của anh hùng Nguyễn Văn Long, trung tá Cảnh Sát Quốc Gia Việt Nam Cộng Hoà trong ngày 30-4-1975 dưới chân tượng đài Thủy Quân Lục Chiến đối diện trụ sở Hạ Nghị Viên VNCH. 

Ngày 30 tháng tư năm 1975, hồi ấy anh ở đâu ?   Vài năm sau đó, khi ra tù về tội vượt biên, tôi có dịp ra Vũng Tàu ăn dầm nằm dề để lại tìm đường vượt biên. Tôi được nghe kể về trận đánh hào hùng và lần chào quốc kỳ cuối cùng tại khuôn viên trường Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu:  „Ngày 30 tháng 4 tại trường Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu. Các thiếu sinh quân  đã chiến đấu mãnh liệt bên trong khuôn viên trường cho đến khoảng 2 giờ trưa. Lúc này, bọn bộ đội cộng sản sau nhiều thiệt hại nhân mạng nên chúng không muốn chết thêm nữa. Chúng ngưng bắn và điều đình với các em. Các em TSQ đòi chúng phải ngưng bắn và rút ra xa để các em chào cờ lần cuối và tự giải tán. Khoảng ba giờ chiều, các em hát bài quốc ca, làm lễ hạ cờ. Xong rồi bỏ đồng phục, mặc quần áo thường và từ từ ra khỏi trại, nước mắt ràn rụa trên má…“  Ngày ấy, tôi đã hơn tuổi các „em“ TSQ này, nhưng tôi đã không biết gì về chiến tranh, về Tổ Quốc, Danh Dự và Trách Nhiệm. Và tôi cảm thấy mình hèn, không bằng các em. Mọi người có thể vào đọc bài viết của nhà văn Không quân Đào Vũ Anh Hùng tại đây: Bài Quốc ca hát trên đất nước ngày cuối cùng

Ngày 30 tháng tư năm 1975, hồi ấy anh ở đâu ?   Gần đây nhất, tôi có đọc được bài viết Ba Mươi tháng Tư bác ở đâu? của tác giả Tiểu Quyên trên diễn đàn internet. Bà (cô) Tiểu Quyên cho biết là để trả lời cho câu hỏi của nhà văn Giao Chỉ, đã đặt ra khi viết bài Ba Mươi Tháng Tư năm 1975: Anh (hay chị) ở đâu?”.  Bài viết của Tiểu Quyên, vợ một trung uý Biệt Động Quân (QLVNCH) có đoạn kết như sau:  

„Thưa bác,

   Nhiều năm qua bác nhắc đi nhắc lại về chuyện Ba Mươi Tháng Tư. Bác nói rằng mỗi người đều có một ngày Ba Mươi Tháng Tư cho riêng mình. Bác vẫn hỏi một câu. Lúc ấy quý vị đang ở đâu? Thưa bác, ngày Ba Mươi Tháng Tư Năm 75 cháu đi nhận xác chồng ở Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa….

“Bác đã hỏi rằng, ngày Ba Mươi tháng Tư năm 1975 cháu ở đâu? Vâng, 30 tháng 4 năm 1975, cháu đi chôn chồng ở Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hoà. Vậy thì phần Bác. 30 tháng 4 năm 1975, Bác ở đâu?”.

Tôi đã không đọc bài viết của nhà văn Giao Chỉ, nhưng tôi nghĩ có nhiều người lính VNCH rất buồn lòng và đau xót, còn hơn tôi nữa, vì có mặc cảm (chính mình) đã làm mất quê hương.

Bây giờ, đến Ngày 30 Tháng Tư, anh ở đâu, làm gì ?  Có lẽ tâm trạng tôi trong ngày này cũng giống như của nhiều người  Việt sống lưu vong xứ người. Nhớ, hồi tưởng lại, cúi đầu tạ tội với Đất Nước; ngẩng cao đầu hướng về quê hương hy vọng; đứng dậy, thắp sáng một mồi lửa,  hòng soi rọi đất nước tối tăm.

Người Munich (29.04.2019)  

(*)  Mượn tựa đề của bản dịch Việt quyển tiểu thuyết „Wo warst Du, Adam ?“ đã xuất bản tại Sài Gòn trước năm 1975 mà tôi không nhớ dịch giả là ai. Sau này tỵ nạn qua sống ở đây, tôi mới có điều kiện đọc lại nguyên tác bằng tiếng Đức.

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen