Seite auswählen

„…cho tới nay, Hà Nội và đảng Cộng sản Việt Nam vẫn làm mọi cách ngăn cản hay làm chậm lại sự hình thành các tổ chức xã hội dân sự – tiếng nói đại diện cho chính người dân – để độc quyền lãnh đạo.“

Ca Dao

Ba công ước chưa phê chuẩn

ILO (International Labor Organization) là một bộ phận của Liên Hiệp Quốc chuyên môn phụ trách về lao động. Việt Nam tham gia Liên Hiệp Quốc năm 1977 và 15 năm sau đó – năm 1992 – chính thức (trở lại) tham gia tổ chức này và trở thành thành viên chính thức trong 187 quốc gia thành viên của ILO.

ILO được thành lập với mục tiêu bảo vệ quyền của người lao động và quyền con người, thúc đẩy công bằng xã hội. Có tất cả 189 công ước và 205 khuyến nghị được ILO thông qua để bảo đảm việc thực hiện các mục tiêu trên.

Sau 15 năm tham gia, Việt Nam chỉ mới phê chuẩn 21/189 công ước của ILO. Tuy nhiên, trong đó có 8 công ước cơ bản và quan trọng để bảo đảm quyền của người lao động thì Việt Nam chỉ phê chuẩn 5 trên 8 công ước trên. Còn 3 công ước quan trọng mà cho tới hôm nay, Việt Nam vẫn chưa, hay mới chuẩn bị phê chuẩn. Đó là các công ước 87, 98 và 105.

Công ước 87: được ILO thông qua năm 1948 về quyền tự do Hiệp hội và việc bảo vệ quyền được tổ chức. Nói cách khác, người lao động được quyền thành lập các nghiệp đoàn đại diện để đấu tranh cho quyền lợi của công nhân.

Công ước này gồm 10 điều chủ yếu quy định người lao động không cần xin phép trước mà vẫn có quyền tổ chức và tham gia tổ chức theo sự chọn lựa của mình (điều 2).

Nhà nước không có quyền hạn chế hoặc cản trở việc thi hành quyền này (điều 3, 4).

Các tổ chức lao động này có quyền liên kết thành liên đoàn và liên kết với các tổ chức quốc tế (điều 5).

Công ước 98: Được ILO phê chuẩn năm 1949, quy định về quyền tổ chức và thương lượng tập thể. Công ước này cho phép người lao động được hưởng sự bảo vệ trước những hành vi chống lại nghiệp đoàn.

Công ước 105: Được ILO phê chuẩn năm 1957 quy định về xóa bỏ lao động cưỡng bức. Không được dùng lao động cưỡng bức để: phát triển kinh tế hay trừng phạt khi công nhân tham gia đình công, phân biệt đối xử về tôn giáo, chủng tộc.

Mặc dù cho tới nay, Việt Nam chưa ký 3 công ước trên. Nhưng năm 1998, ILO đã tuyên bố, dù quốc gia thành viên nào chưa phê chuẩn nhưng cũng có trách nhiệm thực hiện 8 công ước cơ bản của ILO.

Cửa ngỏ vào EVFTA

Tuy gian nan, nhưng từ khi Mỹ bỏ TPP thì con đường vào CPTPP (Hiệp định giữa Việt Nam và 10 nước khác) đã đỡ vất vả hơn cho Việt Nam vì không còn Hiệp thương Mỹ-Việt với những điều kiện khắt khe về quyền thành lập nghiệp đoàn. Quốc Hội Việt Nam đã thông qua CPTPP ngày 12/11/2018 và có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14/1/2019.

Liên Âu là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, vì thế Hiệp định EVFTA (Hiệp định Thương Mại giữa Việt Nam và Liên Âu) đối với Việt Nam cũng không kém phần hấp dẫn. Tham gia Hiệp định này, Việt Nam sẽ được bỏ 99% số dòng thuế, dự định sẽ tăng trưởng 4-6% ngay trong năm đầu tiên.

Sau 14 lần đàm phán kéo dài 4 năm với nhiều lần đình hoãn vì nhiều lý do. Đối diện với nhiều câu hỏi về nhân quyền trong cuộc điều trần ngày 10/10/2018 tại Brussels, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh đã phải lấp liếm cho rằng, đó không phải là lãnh vực của ông.

Lẽ ra Quốc hội Âu châu sẽ thông qua EVFTA vào đầu năm 2019, nhưng bị hoãn lại mà không cho biết thời hạn. Tháng 1/2019, 2 nghị sĩ Âu châu phổ biến một video nhắc đến Luật an ninh mạng, các tù nhân lương tâm và vụ cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng. Qua đó, họ kêu gọi Quốc hội Âu châu liên kết việc phê chuẩn với sự cải thiện nhân quyền tại Việt Nam.

Nóng lòng trước viễn ảnh EVFTA có thể vuột khỏi tầm tay, ngày 4/4/2019, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có cuộc gặp gỡ với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker (người đã từng tham gia nhóm phản chiến trong chiến tranh Việt Nam) để thúc đẩy tiến trình ký kết.

Để có thêm chất kích hoạt cho EVFTA, Việt Nam đã đồng ý thông qua công ước 98 của ILO, một trong 3 chiếc gân gà khó nuốt của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Để thêm phần long trọng, chính Chủ tịch nước kiêm Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng sẽ trình trong kỳ họp thứ 7 của Quốc Hội vào ngày 20/5 tới đây. Dự định công ước 98 về quyền thương lượng tập thể sẽ bắt đầu áp dụng vào năm 2020.

Thế nhưng, công ước 98 có ý nghĩa gì nếu công ước 87 không được thực thi? Nếu không có một nghiệp đoàn thực sự độc lập để đại diện cho người dân thì ai sẽ là người đại diện để thương lượng với giới chủ? Liệu sự thương lượng đó có thực sự đem lại quyền lợi cho công nhân hay chỉ là một sự dàn xếp giữa chủ sử dụng lao động và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam như từ trước đến giờ? Và cuối cùng sự thua thiệt vẫn về phí những người lao động thấp cổ bé miệng. Nếu chỉ thay xăng cho xe mà không thay người lái thì liệu chiếc xe đó có đến đúng địa điểm mong muốn?

Dù muốn, dù không, với những lợi ích cho cả hai bên, EVFTA cũng sẽ được Nghị viện Âu châu phê chuẩn trong thời gian tới. Có thể sẽ phải chạy nước rút trước ngày bầu cử Nghị viện Âu châu ngày 26/5 tới đây?

Chiếc gân gà “công ước 87”

Đây là chiếc gân gà khó nuốt của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, vì chấp nhận công ước 87, tức là chấp nhận sự cạnh tranh, mất đi sự độc quyền. Tổng liên đoàn lao Động Việt Nam không thể một mình làm mưa làm gió với lực lượng đoàn viên 10.5 triệu trên tổng số 23 triệu công nhân được nữa.

Nhưng có lẽ đó không phải là điều lo lắng nhất của Hà Nội. Điều mà các lãnh đạo quan tâm là sự hợp thức hóa việc thành lập Nghiệp đoàn. Nghiệp đoàn là một tổ chức xã hội dân sự có tính chuyên môn. Nếu chấp nhận cho Nghiệp đoàn được thành lập và hoạt động hợp pháp, có nghĩa là các tổ chức xã hội dân sự khác cũng có quyền đăng ký để hoạt động hợp pháp. Thử tưởng tượng sau khi bật đèn xanh cho các nghiệp đoàn hoạt động thì một loạt các tổ chức xã hội dân sự đó sẽ theo đó đăng ký theo.

Các cán bộ an ninh của nhà nước Việt Nam đã lặp đi lặp lại trong các cuộc điều tra: “Chúng tôi không sợ các cá nhân lên mạng, lên FB chửi. Cá nhân, chúng tôi cho chửi thoải mái. Nhưng tổ chức là chúng tôi diệt!

Vì sao họ sợ tổ chức? Vì chỉ có tổ chức mới tập hợp được quần chúng, vì chỉ có tổ chức mới có các kế hoạch lâu dài và hiệu quả.

Trong thập niên 30, đảng Lao Động Việt Nam đã quy tụ được thành phần công nhân để đánh Pháp. Họ biết sức mạnh của công nhân. Và họ không muốn cuộc cách mạng này lặp lại trong giai đoạn mà họ đang nắm chính quyền. Họ bị ám ảnh bởi quá khứ nên bất cứ một hoạt động nào có tổ chức cũng làm họ sợ hãi. Sợ hãi đến độ đặt quyền lợi của đảng lên trên quyền lợi của người lao động.

Và vì thế, công ước 87 về quyền thành lập nghiệp đoàn vẫn kèn cựa ở cổ họng của các đảng viên đang nắm quyền ở Quốc Hội.

Dự thảo luật lao động và những mảng tối:

Để nuốt trôi chiếc gân gà 87 và để lọt vào ngưỡng cửa EVFTA, Bộ Công Thương Việt Nam đã đi thêm một bước: Thay đổi lại một số điều luật trong Bộ Luật Lao Động 1992. Trong đó, chương XII với những bước nhảy vọt về quy định việc thành lập nghiệp đoàn:

Điểm 2, Điều 149 bản dự thảo ghi: “Tổ chức đại diện của người lao động tại doanh nghiệp bao gồm công đoàn cơ sở được thành lập theo quy định của Luật Công đoàn; và tổ chức khác của người lao động (sau đây gọi là nghiệp đoàn) được thành lập theo quy định của Bộ luật này.

Công đoàn cơ sở và nghiệp đoàn bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong việc đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong quan hệ lao động”.

Có nghĩa là sẽ có 2 loại tổ chức đại diện cho công nhân:

1.- Tổng Liên đoàn lao Động Việt Nam: tổ chức chính thức (cho đến ngày hôm nay) đại diện cho công nhân và là cơ quan ngoại vi của đảng cộng sản Việt Nam (theo điều 1 của luật công đoàn và điều 10 của Hiến Pháp: TLĐLDVN đặt dưới sự lảnh đạo của đảng CSVN và là thành viên của Mặt trận Tổ Quốc).

2.- Các tổ chức khác của người lao động: Văn bản này gọi tổ chức đại diện này là “Nghiệp đoàn”

Từ hơn 10 năm nay, Liên đoàn Lao Động Việt Tự do đã dùng chữ “Nghiệp đoàn” để thay cho chữ “Công đoàn” mà những công nhân Việt Nam vẫn thường dùng khi nói đến Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Chữ “công” có nghĩa là “công nhân” nhưng cũng có nghĩa là “thuộc về nhà nước”. Vì thế, để phân biệt, Liên đoàn Lao Động Việt Tự do vẫn thường dùng chữ “Nghiệp đoàn” khi tiếp xúc với công nhân để phân biệt với “Công đoàn” của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Nay, chữ “Nghiệp đoàn“ đã được chính thức nhìn nhận qua bản Dự thảo này.

Rằng vui thì thật là vui…

Niềm vui khi đọc điều 149 đã vội sớm tắt lịm khi đọc thêm 73 điều kế tiếp trong chương XII của bản dự thảo Luật Lao động này.

Cũng giống như các văn bản khác của Quốc hội Việt Nam, để bảo đảm cho việc thực thi các điều luật, nghị định này một cách tùy tiện mà không vi phạm pháp luật, mỗi câu, mỗi dòng đều có kèm theo cụm từ “theo quy định của pháp luật”. Và các công an địa phương, các đại diện luật pháp đều có thể tự áp dụng “theo quy định pháp luật” theo diễn giải của mình.

Trong chương XII của bản Dự thảo này, đếm được ít ra cũng có 5 cụm từ “theo quy định của pháp luật” (trong các điều 150, 153, 154, 161, 218). Đó là chiếc thòng lòng để tròng vào cổ cho những ai áp dụng luật này như mình mơ ước.

Bên cạnh những mảng tối nguy hiểm đó, còn những mảng xám khó hiểu như: Điều 151 cho phép đăng ký hồ sơ thành lập Nghiệp đoàn, nhưng không quy định rõ đăng ký ở cấp nào: địa phương, trung ương hay bộ phận nào; Bộ Công thương, Bộ Thương binh – Xã hội?

Hoặc điều 154 không giải thích rõ “cơ quan thẩm quyền” là cơ quan nào?

Hoặc khá mơ hồ trong điều 157 về việc “cơ quan chuyên môn giúp thực hiện việc chấp thuận đăng ký, giải thể nghiệp đoàn”. Cơ quan chuyên môn ấy là cơ quan nào?

Và còn nhiều sương mù như thế trong toàn văn bản. Công nhân là những người không quen đọc các công văn chính thức, liệu họ có thể hiểu được quyền lợi của họ là gì theo những văn bản mơ hồ của nhà nước?

Cánh cửa chỉ mới hé

Mục 5 trong chương XII quy định về “đình công”, tuy nhiên, để giới hạn sự đình công vẫn còn có những câu quy định chung chung như cấm đình công khi xâm phạm đến an ninh quốc phòng, trật tự công cộng v.v…

Theo đó, người đình công rất có thể bị quy vào điều 254, gây rối trật tự công cộng và có thể bị tù từ 2-7 năm (như trường hợp bà Bùi thị Minh Hằng).

Phân biệt đối xử

– Theo điều 5 của công ước quốc tế số 87 của ILO: Người lao động có quyền liên kết lại để thành lập liên đoàn, tổng liên đoàn và có quyền liên kết với các tổ chức quốc tế.

Trong khi đó, điều 149, 150 của Dự thảo Luật Lao Động vẫn chỉ cho thành lập Nghiệp đoàn cơ sở tại doanh nghiệp mà không cho các Nghiệp đoàn cơ sở này liên kết lại thành các Liên đoàn như Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam hiện nay.

– Điều 153 trong bản dự thảo quy định “Nghiệp đoàn không được có mục đích chính trị”trong khi đó ngay trong điều 1 của Bộ Luật Công Đoàn và Điều 10 của Hiến Pháp của nước CHXHCNVN ghi rõ: “Công đoàn là tổ chức chính trị, xã hội của giai cấp công nhân“.

Rõ ràng ở đây có sự phân biệt đối xử giữa hai tổ chức đại diện cho người lao động.

Vẫn còn đó nỗi sợ của sự liên kết. Họ sợ sức mạnh của công nhân khi liên kết lại. Mặc dù sự liên kết của công nhân chỉ với mục tiêu tạo sức mạnh để đòi quyền lợi cho mình, nhưng lại là nỗi ám ảnh cho đảng cầm quyền.

Sau hơn 30 năm đổi mới và hội nhập, những người cộng sản vẫn không tin vào chính người dân của họ. Họ vẫn sợ từng hơi thở của người dân, họ sợ, khi liên kết lại sẽ là một ngọn gió đổi thay.

Vì vậy, cho tới nay, Hà Nội và đảng Cộng sản Việt Nam vẫn làm mọi cách ngăn cản hay làm chậm lại sự hình thành các tổ chức xã hội dân sự – tiếng nói đại diện cho chính người dân – để độc quyền lãnh đạo.

Thế nhưng, dù muốn dù không, sẽ có lúc các tổ chức này được hình thành một cách hợp pháp và hoạt động chính thức, vì đó là quy luật của sự hội nhập toàn cầu như kinh điển Mac-Le vẫn nói: “Đó là quy luật khách quan, là xu hướng phát triển phù hợp với xu thế của thời đại, đáp ứng đúng khát vọng của người dân”.

Ca Dao – Liên đoàn Lao Động Việt Tự Do

(16.05.2019)

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen