Seite auswählen

“Tìm chọn hiền tài”: Miệng quan, trôn trẻ!

Luật sư Lê Công Định

Đọc bài viết này của ông Trương Tấn Sang, ai cũng dễ có cảm giác và dễ tin rằng ông luôn đau đáu cho vận nước và lao tâm cho công cuộc tìm chọn hiền tài phó thác trọng trách xây dựng và bảo vệ quốc gia.

Bài viết nhắc lại những tấm gương của tiền nhân và bài học lịch sử của dân tộc, nghe lâm ly và mùi mẫn, khiến lay động tâm can độc giả. Thật ra, không chỉ ông Tư Sang, mà cha nội cộng sản nào nói và viết về hiền tài, về nguyên khí quốc gia, về gương chọn người tài của tiền nhân và của ông Hồ, bla bla bla, cũng đều rất hay và rất kêu. Nghe như thể họ thảy đều yêu quý hiền tài vô điều kiện.

Bao nhiêu năm sống chung và làm nạn nhân của cộng sản, có người Việt nào không trắng mắt ra vì thái độ kỳ thị, thủ đoạn tàn bạo và trò mèo dơ bẩn của cộng sản đối với nhân tài đất nước?

Cộng sản chọn người không cần chuyên, chỉ cần hồng. Tài năng không quan trọng đối với họ, chỉ cần biết phục tùng và quỳ mọp trước họ thì sẽ được chọn và đãi ngộ. Hãy nhìn vào bộ máy công quyền hiện nay đi, ai đang là nhân tài được giao trọng trách? Không một ai, ngoài một lũ sâu dân mọt nước, bất tài vô dụng!

Ông Tư Sang viết hay lắm, nhưng quên mẹ mất một người. Đó là Trần Hùynh Duy Thức, một nhân tài mà không người Việt nào, kể cả người cộng sản, nghi ngờ tài năng của anh.

Bác Trần Văn Hùynh, cha của anh Thức, từng là thầy giáo dạy ông Tư Sang ở Khoa luật Đại học Tổng hợp hơn 20 năm trước. Khi vụ án xảy ra, biết con mình bị oan, cha của anh Thức đã viết không biết bao nhiêu thư từ gửi ông Tư Sang, từ lúc ông chưa là Chủ tịch nước, đến khi ông trở thành Chủ tịch nước, rồi về hưu, để nhờ ông xem lại bản án sai lầm đó, nhưng ông đều lơ đẹp, không hồi âm, không một động tĩnh nào để đánh giá lại trường hợp của anh Thức, dù khi đương quyền ông cũng là Trưởng Ban cải cách tư pháp trung ương như ai!

Ông Tư Sang à, trừ phi quý vị trả tự do ngay lập tức cho nhân tài đang bị bắt giam vì bất đồng chính kiến là Trần Hùynh Duy Thức, bằng không mọi điều quý vị nói và viết về chọn hiền tài không khác gì miệng quan, trôn trẻ, và những lời nói đó cũng chỉ là cứt mà thôi!

Xem thêm: Ông Trương Tấn Sang và hiện tượng ‘về hưu mới nói mạnh’

 

 

* * *

Tại sao không chọn được hiền tài?

Nguyễn Khắc Mai

20-5-2019

Trước hết phải cảm ơn báo Tuổi Trẻ Sài gòn, đã biếu báo cho người cộng tác viên kỳ cựu, vì thế, tôi có điều kiện để đọc và bình luận những bài của anh Tư Sang. Nhờ báo mà tôi khởi duyên được với anh Tư. Có lẽ, anh Tư cũng nên sung sướng là bài viết của mình còn có người đọc.

Để kỷ niệm ngày sinh của Hồ chí Minh, anh có bài “Tìm Chọn Hiền Tài” (báo Tuổi Trẻ ngày 17-5-2019, xem ở cuối bài). Bài khá dài, trọn cả một trang, nêu 4 vấn đề:

Cựu Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Photo Courtesy

Thứ nhất, những bài học lịch sử, anh nói về “những tấm gương điển hình cho việc chiêu hiền đãi sĩ, tìm chọn người tài của cha ông ta”, (không có ý gì mới).

Thứ hai, “Chiếu cầu hiền khi cách mạng thành công”, kể Hồ Chí Minh đã tìm được cụ Huỳnh Thúc Kháng, chọn được mấy trí thức, đem về từ Pháp và bài báo đăng trên tờ Cứu Quốc, nói về “Kiến thiết cần phải có nhân tài… E vì chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bực tài đức không thể xuất thân. Nay… các địa phương phải lập tức điều tra, nơi nào có người tài đức, … thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết”. Kể ra, chỉ một bài báo, mà anh coi đây chính là một dạng “Chiếu cầu hiền”, thì có hơi xỏ cụ Hồ, vì đã ví dụ như vua chúa thời xưa!

Thứ ba: Những bài học đau xót. Anh nói, chúng ta đã có những bài học đau xót về việc giới thiệu cán bộ không đủ phẩm chất và năng lực, nhưng là cánh hẩu, là họ hàng, là đổi chác… và cũng không loại trừ việc đút lót tiền bạc, của cải để vào được các vị trí trọng yếu… Không thể để những kẻ kém đức kém tài, vô liêm sỉ, “chạy chức, chạy quyền”, có nguồn tài sản bất minh, bị xã hội và báo chí lên án, lại có thể biện bach, thách thức dư luận, hay lên giọng rao giảng đạo đức… Một ông cán bộ cấp cao phát ngôn bừa bãi, đề ra những chính sách gây thiệt hại cho đất nước và nhân dân, có thể tiếp tục nhơn nhơn tại vị. Tôi đồ rằng chắc anh cũng đã nhìn ra cái ông nhơn nhơn tại vị này. Thế thì anh nên lột mặt nạ hắn ra. Còn cứ ám chỉ thế này thì chỉ là gãi ngứa ngoài giày mà thôi! Dưng mà, những điều anh đau xót thì dân đã chịu đựng đã lâu lắm. Những vấn đề “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.

Thứ tư: Rà soát lại trách nhiệm. Anh nêu ra bốn loại trách nhiệm. Một là trách nhiệm tập thể. Hàm ý nói đến trách nhiệm của cái bộ tứ tức là tự bố, từ Bộ Chính trị đến thường vụ địa phương. Hai là trách nhiệm cá nhân người cán bộ tổ chức làm nhân sự. Tốt thì phải khen, mà xấu thì kỷ luật. Ba là trách nhiệm người được giới thiệu, họ phải báo cáo thành tích và dự định công việc sẽ làm. Điều này họ đã làm khéo léo một cách hình thức từ rất lâu. Anh nhận thức rất mâu thuẫn khi nói rằng hệ thống quy trình chặt chẽ của đảng, của nhà nước.

Thật ra quy trình càng chặt chẽ, mà sai về nguyên lý thì càng tệ hại. Anh không thấy cái lỗ hổng lớn về xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là loại cán bộ cấp chiến lược. Với chế độ độc tài, toàn trị, không có tam quyền phân lập, không có xã hội dân sự… thì không tài nào có được đội ngũ cán bộ liêm chính, tài đức! Cái mơ ước của anh về một “cơ chế tìm chọn hiền tài đúng đắn, tiến bộ, phù hợp thực tiễn hiện nay”, là đúng, là hợp lòng dân, nhưng chỉ là ảo tưởng, chỉ là gãi ngứa ngoài giày, với những tư duy nửa vời như trên.

Nếu anh thực tâm, tôi cũng muốn cùng anh bàn cho ra nhẽ vấn đề này. Tôi cũng xui anh với điều kiện của anh, hãy tổ chức môt Diễn Đàn bàn chuyên về vấn đề này: “Tìm chọn hiền tài”, cho Đất nước, chứ không chỉ cho đảng cầm quyền.

Tôi xin gợi với anh mấy ý.

Về bản chất, và nguyên lý (cái lô gích nhận thức và lịch sử), những người cộng sản, cũng như cái đảng của họ không thể tìm chon hiền tài. Bởi họ ảo tưởng cho rằng, học thuyết (mặc dù nửa vời, hổ lốn, và ngụy biện, dối trá, đánh tráo khái niệm…) luôn là đỉnh cao muôn trượng, vô địch, cái chân lý tột cùng… Vì thế, trong lịch sử họ từng tuyên bố trí thức không bằng cục phân! Làm sao họ có thể hạ mình tìm chọn hiền tài được. Nếu có ai đó, ban đầu ngộ nhận cùng đi với họ, rồi sẽ sớm từ bỏ họ, hoặc bị “vắt chanh bỏ vỏ”.

Giới trí thức nước ta có câu chuyện hài hước: Cộng sản coi trí thức như bình hoa, (có vẻ trân trọng lắm). Nhưng khi ngồi vào bàn tiệc thì đem lọ hoa đi chỗ khác. Với cái “triết lý” dở hơi, không công nhận cái đa nguyên, cái khác biệt, làm sao họ có thể tìm chọn được hiền tài. Chỉ riêng cái tiên đề hủ lậu (hủ là nát, mắm thối, lậu là dột – dột nát), “ai trái ý ta là phản động” của Cộng sản Việt nam, đủ thấy cái nhân cách thấp kém, tầm thường biết bao.

Tôi nói với anh cái nghịch lý hiện nay mà chính anh cũng vấp phải. Trong khi cái Hội nghi Trung ương 10 đang loay hoay xác định xem 5 năm tới, 10 năm tới, đất nước ta sẽ như thế nào, những câu hỏi lớn vẫn chưa có lời giải (nói như Huy Cận), họ đã hô nhau quy hoạch cán bộ cấp chiến lược để tổ chức và lãnh đạo. Làm sao tin nổi cái đám cán bộ chiến lược được quy hoạch ấy có được phẩm chất hiền tài?

Có lần, trong một hội nghị, Bộ Chính trị nghe về công tác quần chúng. Tôi được giao trình bày vấn đề trí thức. Tôi nói rõ, việc hàng đầu của đảng đối với trí thức là “bái trí vi sư”. Tôi lấy ý từ bài phú “Bái thạch vi huynh” của Phan Bội Châu. Tôi dẫn giải rằng, mỗi nhóm trí thức của một lĩnh vực xã hội nào đó, họ là đỉnh cao tập hợp tri thức cao nhất của xã hội về lĩnh vực ấy. Cho nên đảng phải biết lạy trí thức coi họ là thầy. Giờ giải lao, Nguyễn Đình Tứ, Trưởng ban Khoa giáo nói, anh nói đúng nhưng họ không làm được đâu! Hết ý.

Tôi cho rằng việc quy hoạch cán bộ theo từng nhiệm kỳ đại hội và việc tìm chọn hiền tài là hai lĩnh vực khác nhau, nhưng nếu việc chọn cán bộ, mà theo được một phần triết lý chọn hiền tài cũng là cái may cho đất nước và xã hội. Tất nhiên tôi quan sát thấy tất cả cán bộ gọi là giỏi của đảng từ xưa tới nay đều thấp xa so với chuẩn hiền tài. Cũng tại hội nghị nói trên, tôi đã thưa, anh An có thấy nghịch lý không, khi anh làm trưởng ban tổ chức Trung ương (anh An cũng dự cuộc họp đó). Khi Đại hội VI đã giao cho một công trình sư, trình một đề án, phê duyệt xong, thì gạt công trình sư đi, rồi giao cho một ông thợ thủ công chỉ huy, thì công trình đó nên hư thế nào chắc là đoán được!

Cũng có lần trong hội thảo bàn về quy hoach cán bộ do GS Tô Huy Rứa làm chủ nhiệm đề tài. Anh Rứa mời tôi phát biểu, tôi thưa phương thức quy hoạch vẫn chủ yếu là lọt mắt xanh trưởng lão. Hễ cứ ai xàng xê trước trưởng lão, thấy vừa ý là quy hoạch. Tôi dẫn chứng một loạt trường hợp và thấy nhiều người đồng tình.

Trong một hội thảo bàn về xây dựng đảng do HĐLLTW tổ chức, tôi thưa, có ba lĩnh vực liên quan đến xây dựng đảng. Dân vận, nơi tôi từng công tác, lý ra phải là nơi nghiên cứu đề xuất và lo phát triển xã hội dân sự, lại là nơi tránh né, không dám làm, cũng không dám nói. Ban Tuyên giáo đúng lý phải là nơi luôn tìm tòi đổi mới, cổ vũ tự do tư tưởng, làm con tàu phá băng, mở đường cho sáng tạo, thì lại là nơi cầm vòng kim cô kìm hãm đổi mới sáng tạo. Còn ban Tổ chức lý ra cũng là nơi đi tìm nhân tài, mở đường cho nhân tài nảy nở, trái lại chỉ tạo ra một cơ chế để chạy chức chay quyền từ cấp phường xã đến Trung ương. Anh Trần Đình Hoan từng là Trưởng ban Tổ chức ngồi dưới, kín đáo chắp hai bàn tay trước ngực, vỗ nhẹ, tỏ ý tán đồng. Sau đó họ cạch tôi và không bao giờ mời họp nữa.

Bàn về tìm chọn nhân tài, anh đề cập những bài học xưa. Những bài học ấy chỉ còn ý nghĩa đạo lý, chớ cái phương thức mở khoa thi, thì nay đã là lạc hậu. Còn bài học Hồ Chí Minh như anh đề cao, nhưng nó không trọn vẹn. Vì Hồ Chí Minh cũng chỉ nói đạo lý, chứ cũng chưa có phương thức tiến bộ, hợp lý để thực hiện. Với đường lối giai cấp hủ lậu, đảng đã gạt bỏ phần lớn những người có phẩm chất hiền tài. Kể cả tướng Giáp cũng từng được ngồi chơi xơi nước! Biết bao sĩ quan tài đức từng một thời oanh liệt cũng bị gạt ra rìa chỉ vì xuất thân tầng lớp trên.

Khoan hãy nói tìm hiền tài cho Đất nước. Hãy thử bàn tìm chọn người tài giỏi cho đảng. Muốn thế, phải giải quyết một vấn nạn tiên thiên bất túc của chính bản thân đảng. Từ cuối thế kỷ XIX, Ăng Ghen từng kêu trời một vấn nạn: “Hãy chấm dứt một tình hình tế nhị. Cớ sao các đảng viên thường, thay cho coi quan chức của đảng là ‘đầy tớ’ (serviteur commun), để bảo ban phê bình, lại quay ra coi họ là đám quan liêu-không bao giờ-mắc sai lầm”.

Cái định nghĩa của Ăng Ghen về tầng lớp lãnh đạo của đảng đã được lịch sử 200 năm qua chứng minh là đúng đắn. Không có một định nghĩa nào chính xác hơn thế khi nghĩ về các loại Bộ Chính trị, ban chấp hành Trung ương trên thế giới, trong suốt hai trăm năm qua! Một khi chưa lột xác để thoát khỏi cái nhân cách quan liêu không bao giờ mắc sai lầm của các ban lãnh đạo cộng sản, thử hỏi làm sao trong đảng có thể tìm chọn hiền tài. Sau khi đã cầm được quyền hành hằng trăm năm qua, họ ngày càng có đủ mánh khóe để “trâu tìm trâu, ngựa tìm ngưạ” (thật ra câu thành ngữ này không đúng, đáng ra phải nói: xe tìm xe, ngựa tìm ngựa). Như người trong nước nhận xét, không còn tìm đồng chí mà chỉ là đồng hội đồng thuyền, đồng lõa.

Chỉ trên cơ sở có một thiết chế “dân chủ, văn minh, công bằng” trong đảng và trong xã hội, may ra mới có cơ hội tạo ra được cơ chế, hiện thực, hữu hiệu để tìm chọn người hiền tài. Phải là một thiết chế chứ không thể chỉ là khẩu hiệu suông như hiện nay. Trong đảng phải dân chủ hóa, chứ không là quan liêu hóa như Ăng Ghen nhận định. Phải dám từ bỏ điều bốn, bỏ những quy chế nhằm gạt ra ngoài ý kiến của đảng viên thường, tôn trọng tính đa nguyên đa dạng trong đảng. Muốn thế phải thay đổi đảng từ học thuyết, đường lối ngõ cụt hiện nay, cả hệ thống tổ chức và bộ máy cồng kềnh, quan liêu, ăn bám của đảng.

Hãy ôm sách, ôm đầu đi tìm học kinh nghiệm hiện đại của những đảng dân tộc, dân chủ, đang thành công trên thế giới và khu vực. Hai trăm năm trước, trong Tuyên ngôn Cộng sản có một câu mà không có bất cứ đảng cộng sản nào thực hiện: “Các đảng cộng sản phải phấn đấu để đoàn kết và hợp tác với các đảng dân chủ, dân tộc trong từng quốc gia!” Chính bè lũ phản đồ từ Lê-nin trở đi đã bỏ ngoài tai chính cái điều đã được ghi trong thánh kinh của họ. Và họ đã làm ngược lại, không doàn kết, hợp tác mà là thủ tiêu.

Môt mong muốn nghe có vẽ ảo tưởng, nhưng đó là chính đạo, là quy luật tất yếu. Hoặc cứ để cho cái thối nát đi đến tận cùng của phân hủy hoặc tự đổi mới, tự diễn biến để hòa mình cùng dân tộc! Không có sự lựa chọn nào khác.

Nói về tìm chọn hiền tài, tổ tiên ta đã để lại một minh triết. Trong Kê Minh Thập Sách, môt áng văn nói về mười chính sách trị nước an dân, có câu: “Tuyển tướng nghi hậu thế gia nhi tiên thao lược”. Nghĩa là, chọn tướng, trước hết phải là người thao lược, sau mới xét đến thế gia. Vũ Ngọc Khánh dịch: “Chọn tướng cốt người thao lược, chớ nể con ông cháu cha”.

“Thao” có nghĩa là thao tác, kỹ thuật, chiến thuật (tactique). Còn “lược” là tầm tri thức, tầm nhìn bao quát hệ thống, là chiến lược (Strategie). Làm chỉ huy, làm tướng quản trị một ngành, một địa phương, phải là những nhà thao lược. Hiện tại những người đứng đầu ngành hay địa phương không ai có tầm thao lươc. Cán bộ đảng đang biến thành một đám quan liêu thảm hại!

Để kết luận, tôi xin chép hầu anh nguyên văn một đoạn trong chuyên luận bàn về Minh triết và phát triển, mà HĐLLTƯ đã mời tôi trình bày kể đã gần 20 năm trước.

“Để có thể thực hiện được một quá trình phát triển trong một lĩnh vực xã hội nào đó, có lẽ đảng cộng sản phải có những ủy viên Trung ương, trước hết là người:

a/ Có năng lực nhận thức và thực thi, phác thảo quá trình phát triển của một lĩnh vực hay địa phương.

b/ Có năng lực bao quát những nội hàm của quá trình phát triển đó (đầu tư vật chất, con người, phương thức, chính sách, luật lệ, công nghệ…).

c/ Có tâm huyết dám đem cả cuộc đời mình đặt cược vào đó.

d/ Có nhân cách dân chủ, để biết “nghe”, biết “bàn”, biết “quyết”, biết tập hợp nhân lực nhân tài, tức là biết vận dụng vốn xã hội.

Về thực chất đảng cộng sản đã không thể giải quyết vấn đề này”.

Cái kết luận nhỏ cho riêng chi tiết này, qua ngót 20 năm tôi thấy chính xác.

Trong một phúc trình từ thế kỷ XVIII, của một giáo sĩ Thiên Chúa giáo về Đàng ngoài, có câu: Ở đây, trong mỗi ông quan là có một thằng ăn cắp, và người đàng ngoài khéo tay, lam làm (cần cù), nhưng hời hợt. Liệu chúng ta có hời hợt trong một vấn đề trọng đại “Tìm chọn Hiền Tài”, này không.

Trương Tấn Sang: Tìm chọn hiền tài

Những bài học từ lịch sử

Tiến sĩ Thân Nhân Trung, khi được Vua Lê Thánh Tông giao soạn bài văn bia cho bia Tiến sĩ đầu tiên khoa Nhâm Tuất (1442) đã viết: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết…”.

Những lời ấy đã được đục khắc vào bia đá, để lại cho muôn đời con cháu noi theo mà thực hiện.

Các triều đại nối nhau trong lịch sử nước ta đều coi việc tìm chọn hiền tài là việc hệ trọng của quốc gia. Nhà Lý cho ra đời Quốc Tử giám, trường “đại học” đầu tiên của nước ta để mở khoa thi đầu tiên đào tạo nhân tài. Viên quan văn võ song toàn Tô Hiến Thành ghi dấu ấn đậm nét trong lịch sử dân tộc chính là trong thời nhà Lý. Năm 1253, nhà Trần lập Quốc Học viện, ban hành thể lệ thi cử rất nghiêm khắc để tránh chuyện con nhà giàu chạy chọt đỗ đạt. Chế độ thi cử đó đã phát hiện và bồi dưỡng ra những danh nhân văn hóa như Nguyễn Hiền đỗ Trạng nguyên năm 13 tuổi, Mạc Đĩnh Chi, vị quan liêm khiết, vị sứ thần thông minh, hiểu biết sâu rộng, tài năng khí phách, hay nhà sử học Lê Văn Hưu, người biên soạn bộ Quốc sử đầu tiên của nước ta. Nhà Hồ chỉ trị vì trong một thời gian rất ngắn nhưng qua tuyển cử đã phát hiện những bậc kiệt hiệt như Nguyễn Trãi, sau này là nhà văn hóa lớn của dân tộc… Đến thời Hậu Lê, Vua Lê Lợi ngay năm đầu ở ngôi đã hạ chiếu nói lời thiết tha: “Muốn thịnh trị phải được người hiền tài, muốn được người hiền tài thì phải do tiến cử. Cho nên người đứng đầu thiên hạ phải lo việc ấy trước tiên”.

Minh Mạng, vị vua thứ hai triều Nguyễn đã biến việc cầu người hiền tài thành một chính sách nhất quán của triều đình khi ấy. Sách Khâm định Đại Nam hội điển sử lệ của nội các triều Nguyễn ghi lại có tới 11 lần Vua Minh Mạng ban dụ để cầu người hiền tài tham gia vào bộ máy hành chính nhà nước.

Vua Quang Trung ngay sau khi đánh tan quân Thanh đã giao cho Ngô Thì Nhậm thay mình viết Chiếu cầu hiền, hoặc kiên nhẫn ba lần viết thư mời La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp ra giúp rập cho nhà Tây Sơn, là những tấm gương điển hình cho việc chiêu hiền đãi sĩ tìm chọn người tài của cha ông ta.

“Chiếu cầu hiền” khi cách mạng thành công

Thời nay, một con người kiệt xuất luôn coi trọng việc thu phục và sử dụng người tài đức là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, cuối năm 1945, Hồ Chủ tịch đã hai lần viết thư mời cụ Huỳnh Thúc Kháng, một nhà chí sĩ yêu nước ra giúp việc cho Chính phủ. Rồi trong những ngày dầu sôi lửa bỏng năm 1946, trước khi sang Pháp thực hiện chuyến công du nước ngoài lâu ngày, Bác Hồ đã ký sắc lệnh ủy nhiệm cụ Huỳnh Thúc Kháng, một nhân sĩ ngoài Đảng Cộng sản, làm quyền Chủ tịch nước với lời dặn dò gan ruột: “Dĩ bất biến ứng vạn biến!”. Cụ Huỳnh đã đảm nhiệm công việc này một cách trọn vẹn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một hình mẫu trong tôn trọng và sử dụng nhân tài (ảnh tư liệu).

Từ nước Pháp trở về, Bác đã đi cùng với 4 trí thức Việt kiều yêu nước là kỹ sư luyện kim Võ Quý Huân, bác sĩ Trần Hữu Tước, kỹ sư mỏ Võ Đình Quỳnh và nhà khoa học Phạm Quang Lễ (giáo sư Trần Đại Nghĩa ). Tiếp sau đó, những trí thức lớn khác ở Pháp như Nguyễn Khắc Viện, Phạm Huy Thông, Trần Đức Thảo… cũng về Việt Nam. Trong bối cảnh muôn vàn thiếu thốn, các trí thức này đã có những đóng góp to lớn vào công cuộc kháng chiến và sau này là kiến quốc của toàn dân tộc.

Chỉ một thời gian ngắn sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước, ngày 20-11-1946, trên Báo Cứu quốc xuất hiện một bài báo, nói đúng hơn là một thông báo, dưới ký tên “Chủ tịch Chính phủ Việt Nam – Hồ Chí Minh”, viết: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bực tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận. Nay muốn sửa đổi điều đó, và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết”.

Đây chính là một dạng “Chiếu cầu hiền” của người đứng đầu Chính phủ nước Việt Nam non trẻ lúc bấy giờ.

Những bài học đau xót

Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII đã chỉ rõ: “Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ”.

Như thế, có thể thấy vận mệnh của đất nước, của chế độ tùy thuộc vào cái cách mà chúng ta lựa chọn đội ngũ cán bộ các cấp, trong đó có cấp chiến lược, những người đảm trách công việc nặng nề là chèo lái con thuyền quốc gia. Điều đó đòi hỏi sự trong sáng, tinh thần trách nhiệm cao cả vì sự nghiệp chung của những cán bộ lớp trước trong việc giới thiệu với cơ quan có thẩm quyền tuyển chọn những người xứng đáng.

Chúng ta đã có những bài học đau xót về việc giới thiệu cán bộ không đủ phẩm chất và năng lực nhưng là cánh hẩu, là họ hàng, là đổi chác (tôi nâng đỡ con anh thì anh nâng đỡ con tôi, hoặc tôi nâng đỡ người của anh thì anh nâng đỡ người của tôi…) và cũng không loại trừ việc đút lót tiền bạc, của cải để được vào các vị trí trọng yếu.

Cho đến nay, mặc dù công tác cán bộ đã được đổi mới nhiều, nhưng trên thực tế vẫn không tránh khỏi còn những sai sót nghiêm trọng là kẽ hở để những kẻ tham lam, cơ hội, kém đức kém tài chui vào bộ máy, tạo dựng bè cánh, gây nên những tác hại nghiêm trọng, dẫn đến sự bất bình to lớn trong nhân dân và đặt sinh mệnh chính trị của Đảng, của chế độ vào thế bất lợi.

Không thể để những kẻ kém đức kém tài, vô liêm sỉ, “chạy chức chạy quyền”, có nguồn tài sản bất minh, nâng đỡ người thân, gia đình, họ hàng, là cánh hẩu, bị xã hội và báo chí lên án, lại vẫn có thể biện bạch thách thức dư luận hay lên giọng rao giảng đạo đức. Không thể để một ông cán bộ cấp cao phát ngôn bừa bãi, đề ra những chính sách gây thiệt hại cho đất nước và nhân dân có thể tiếp tục nhơn nhơn tại vị. Lại càng không để cho những quan tham, dù ở cấp nào, có thể trốn tránh trách nhiệm và “hạ cánh an toàn”.

Càng là người của tổ chức, của Đảng, lại càng phải chịu trách nhiệm nặng nề hơn trước sự nghiêm minh của pháp luật, sự giám sát của nhân dân.

Rà soát lại “quy trình”

Làm thế nào để có thể hạn chế tối đa những sai sót trong công tác lựa chọn cán bộ, đặc biệt là ở cấp chiến lược?

Câu trả lời ở đây là cơ chế trách nhiệm.

Quy trình tuyển chọn, đề bạt cán bộ là của tập thể, nhưng công việc giới thiệu cần được cá nhân hóa để thuận tiện cho việc vận hành cơ chế trách nhiệm.

Cá nhân người giới thiệu có trách nhiệm bảo vệ sự tiến cử của mình trước các cơ quan chức năng. Người cán bộ được tiến cử có thành tích và tiến bộ thì cá nhân người giới thiệu và tập thể giới thiệu được khen thưởng xứng đáng; nếu người được tiến cử vi phạm những tiêu chuẩn về chuyên môn, đạo đức trong công việc, người giới thiệu và những thành viên nào trong tập thể tán thành giới thiệu bổ nhiệm nhân sự sai lầm cũng phải chịu trách nhiệm và bị xử lý kỷ luật tương xứng.

Người cán bộ được giới thiệu để tuyển chọn phải có trách nhiệm trình bày rõ trước cơ quan tuyển chọn về những thành quả nổi bật đã làm, được cơ quan, đơn vị, nhân dân thừa nhận và phải trình bày những công việc mình sẽ làm trên cương vị công tác mới. Các cơ quan chức năng và nhân dân sẽ đánh giá quá trình “thi tuyển” này thông qua các cơ chế giám sát, qua báo chí và dư luận quần chúng.

Cơ quan có thẩm quyền ra quyết định bổ nhiệm cán bộ vào các vị trí trong hệ thống chính trị phải chịu trách nhiệm nếu kết quả bổ nhiệm nhân sự ấy lại là người kém đức kém tài; đồng thời cơ quan ra quyết định cũng phải có đủ thẩm quyền và có trách nhiệm xử lý nhanh chóng những trường hợp cán bộ sai phạm trong công tác. Ở các quốc gia văn minh, chỉ cần một Bộ trưởng lỡ lời là đủ để cho Chính phủ buộc người đó thôi chức để giữ uy tín cho Đảng cầm quyền. Còn ở ta, một quốc gia có nền văn hiến hàng nghìn năm rực rỡ, sao lại không thể làm như vậy?

Chúng ta đã có cả một hệ thống các quy định khá chặt chẽ của Đảng cho đến các quy định của Nhà nước, nhưng vẫn xảy ra tình trạng “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên trong bộ máy công quyền các cấp thoái hóa, biến chất, vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật, trong đó có những trường hợp hết sức nghiêm trọng và kéo dài. Thực tế đó cho thấy cần phải rà soát lại toàn bộ “quy trình” tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ, khắc phục những hạn chế, yếu kém đã bộc lộ, đồng thời cũng phải rà soát lại quy trình xử lý cán bộ sai phạm theo hướng kiên quyết, nhanh gọn hơn, không thua kém gì các quốc gia văn minh.

Với cơ chế tìm chọn hiền tài đúng đắn, tiến bộ, phù hợp thực tiễn hiện nay, chắc chắn chúng ta sẽ loại bỏ được những kẻ kém đức, kém tài, cơ hội, chui sâu leo cao, đồng thời tìm chọn được những cán bộ có đủ đức tài làm rường cột quốc gia, đáp ứng được sự mong mỏi của nhân dân.

Dù ở hoàn cảnh nào thì đức hy sinh, khát vọng cống hiến cho Tổ quốc luôn là những giá trị bất biến của hiền tài.

Mối liên hệ hữu cơ giữa “nguyên khí quốc gia” – những người hiền tài – với vận mệnh quốc gia, dân tộc là điều đã được chứng minh qua lịch sử mấy ngàn năm của đất nước. Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, khi nhờ có hai gia tướng tài năng đức độ Dã Tượng và Yết Kiêu mà thoát khỏi vòng vây quân thù đã thốt lên rằng: “Chim hồng hộc sở dĩ bay cao được là nhờ ở sáu trụ xương cánh cứng rắn”. Ngày nay, những cán bộ liêm chính, đức tài vẹn toàn được lựa chọn đảm nhiệm các trọng trách, sẽ là những trụ xương cánh cứng rắn để Đảng cầm quyền và bộ máy chính quyền vững mạnh, phục vụ nhân dân một cách hiệu quả, đưa đất nước tiến lên vững chắc trên con đường hội nhập và phát triển.

Thời cơ và thách thức nằm ngay trong chính chúng ta.

TP Hồ Chí Minh, ngày 15-5-2019
TRƯƠNG TẤN SANG
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị
Nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen