Seite auswählen

Bản quyền hình ảnh GETTY IMAGES Image caption Giới đấu tranh dân chủ Việt Nam học được gì từ phong trào đấu tranh Thiên An Môn năm 1989?

Vào buổi tối mùng 4 tháng 6, của tám năm trước, khi những người dân ở Đài Loan, Hongkong và khắp nơi trên thế giới thắp nến tưởng nhớ những nạn nhân của cuộc thảm sát Thiên An Môn, anh ở đó, trong căn nhà của mình tại Hà Nội, nghĩ về ngày mai.

Ngày hôm sau sẽ là Chủ Nhật, ngày 5 tháng 6, 2011, ngày mà Trịnh Hữu Long lần đầu tham gia vào một phong trào biểu tình.

“Đêm đó, tôi không ngừng nghĩ về sự kiện ở Thiên An Môn. ‘Liệu chính quyền Việt Nam có đàn áp cuộc biểu tình như cái cách chính quyền Trung Quốc đã làm năm 1989 không? Liệu họ có bắt chúng ta? Liệu họ có giết chúng ta?'” Long nhớ lại.

“Điều tôi chắc chắn là vụ thảm sát ở Thiên An Môn có một tầm ảnh hưởng lớn tới Việt Nam, khiến người dân lo sợ về những thứ mà chính quyền Việt Nam sẽ thực hiện để phản ứng lại một phong trào đối lập.”

Cuộc biểu tình vào 2011 của người dân Việt Nam và cuộc biểu tình ở Thiên An Môn vào 1989 cùng nhắm đến một đối tượng: Chính quyền Trung Quốc.

Phong trào đấu tranh đã bị châm ngòi bởi các sự kiện tàu Trung Quốc cắt cáp, tấn công và đe dọa tàu dân sự Việt Nam hôm 26/5/2011 tại vùng biển Việt Nam tuyên bố thực thi chủ quyền.

Nó đã trở thành một trong những phong trào lớn nhất, dài nhất kể từ sau chiến tranh Việt Nam, kéo dài hai tháng rưỡi, từ Chủ Nhật 5/6 tới Chủ Nhật 21/8/2011, và vẫn là một trong những sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử Việt Nam hiện đại tính tới thời điểm hiện tại.

“Nó đánh dấu sự khởi đầu của làn sóng mới của phong trào đấu tranh cho dân chủ ở Việt Nam,” Long nói.

Mùa Hè năm đó, Long và những người biểu tình cứ nói mãi về sự kiện Thiên An Môn năm 1989, dự đoán những gì có thể xảy ra với họ khi phong trào nhanh chóng lớn mạnh.

Trong suốt cuộc biểu tình mùa hè 2011, nhiều lực lượng an ninh, công an, trật tự, dân phòng, quần chúng đã được huy động để giải tán, cản trở các cuộc biểu tình và ít nhất 15 người đã bị bắt giữ.

May mắn thay, nó đã không kết thúc một cách đẫm máu như ở Thiên An Môn.

Bản quyền hình ảnh TRỊNH HỮU LONG Image caption Trịnh Hữu Long (giữa) tại một trong những cuộc biểu tình mùa hè 2011

Bài học

Bài học lớn nhất từ phong trào Thiên An Môn, theo Long, người sáng lập và biên tập tờ Luật Khoa Tạp chí, có lẽ là “cách vực dậy từ sau cuộc đàn áp”.

“…cách chúng ta có thể dùng sự đàn áp của chính quyền để làm suy yếu tính chính danh của nó, và cách để chúng ta có thể giữ đà phát triển một phong trào mạnh và bền vững hơn. “

“Bản chất của một dân chủ hóa sôi động (eventful democratization) là nó xảy ra bất ngờ và đột ngột, và sự thành công của nó còn nhiều hoài nghi.”

“May mắn không như những sinh viên ở Thiên An Môn, người biểu tình Việt Nam hồi 2011 không phải trải qua một cuộc đàn áp đẫm máu và chúng ta có cơ hội để giữ cái đà này và làm mạnh phong trào.”

“Đó là bởi vì chúng ta có công cụ truyền thông, như mạng xã hội và tờ báo độc lập, vốn gần như ngoài tầm kiểm soát của chính quyền.”

“Với công cụ truyền thông, chúng ta có thể dùng cuộc thảm sát Thiên An Môn để làm suy giảm tính chính danh của chủ nghĩa cộng sản tại việt Nam, và có lẽ đó là một trong những tác động lớn nhất của phong trào Thiên An Môn đối với Việt Nam.”

“Sự tàn sát đối với các nhà hoạt động Thiên An Môn là một trong những bằng chứng mạnh mẽ nhất cho thấy một chế độ cộng sản sẽ bất chấp đến đâu để đàn áp chính người dân của họ. Và điều đó không có lợi cho thể chế đó lâu dài.”

Bản quyền hình ảnh GETTY IMAGES Image caption Các sinh viên biểu tình chăm sóc cho một sinh viên khác bị thương tại Thiên Ân Môn đêm 3/6/1989

“Sau phong trào 2011, chúng tôi đã thành lập hàng chục tổ chức xã hội dân sự bao gồm Diễn đàn Xã hội Dân sự của Tiến sĩ Nguyễn Quang A.” Trịnh Hữu Long tiết lộ.

“Điều chúng tôi có thể làm để tránh một sự thất bại khác của một tiến trình dân sự sôi động là giáo dục công chúng về chính trị, nhân quyền, pháp quyền và dân chủ; khuyến khích và trao quyền cho công dân để họ thực hiện quyền của họ hàng ngày, cho lợi ích của riêng họ; và thành lập thêm các tổ chức xã hội dân sự để huy động người dân tham gia vào chính trị và học hỏi cách làm hoạt động từ đó.”

Tương đồng, khác biệt giữa Phong trào dân chủ VN và Trung Quốc

Nguyễn Trường Sơn, vận động cho khu vực Đông Nam Á của tổ chức Ân xá Quốc tế, cũng vẫn nhớ mãi ngày 5/6/2011.

“Tôi biết đến sự kiện Thiên An Môn qua Internet khi mới bước chân vào trường đại học, và hồi sinh viên tôi có tham gia phong trào biểu tình chống sự xâm lược của Trung Quốc trên Biển Đông.”

“Cảm giác lúc bấy giờ là khá đa dạng, một phần thì tôi cảm thấy được truyền cảm hứng bởi tinh thần đấu tranh cho tự do của các sinh viên Trung Quốc ở thời điểm đó, phần thì tôi cảm thấy kinh hoàng trước sự tàn bạo của chính quyền Trung Quốc, khi thảm sát chính người dân của mình.”

Giờ đây nhìn nhận lại, Sơn nhận xét phong trào dân chủ ở Trung Quốc những năm 80 và phong trào dân chủ Việt Nam hiện tại không có nhiều điểm tương đồng.

“Trước hết, phong trào dân chủ ở Trung Quốc được dẫn dắt bởi sinh viên, trong khi số đông sinh viên Việt Nam hiện nay hầu như không bày tỏ bất cứ sự quan tâm nào đối với dân chủ. “

“Thứ hai, cuộc đấu tranh đòi dân chủ ở Trung Quốc hội tụ đầy đủ các yếu tố để trở thành một phong trào dân chủ thực thụ, từ quy mô tham gia của người dân, sự lãnh đạo, các yêu sách, và thành công trong việc đòi buộc lãnh đạo Trung Quốc lúc bấy giờ phải thừa nhận và tiến hành đàm phán với họ. Những yếu tố này vẫn chưa xuất hiện ở phong trào dân chủ ở Việt Nam.”

Tuy vậy, cách thức đàn áp những người đấu tranh, thì có một sự tương đồng rõ rệt giữa hai chính quyền Việt Nam và Trung Quốc. Sơn dẫn chứng từ việc giam lỏng (canh me), buộc rời khỏi địa phương, cách ly với truyền thông và quốc tế, cắt đứt nguồn sống (công việc, thu nhập), loại bỏ khỏi dòng chính của xã hội, ép đi tị nạn, tới bỏ tù tùy tiện…

Nhưng cũng cần phải chỉ ra rằng, trong chính trị Việt Nam hiện đại, chưa xảy ra cuộc đàn áp tập thể nào quy mô và đẫm máu như sự kiện Thiên An Môn.

Anh cũng nhận ra có sự thay đổi trong mức độ kiểm duyệt tin tức về Thiên An Môn ở Việt Nam.

“…bây giờ thì chúng ta đã thấy báo chí nhà nước đăng tin về sự kiện này, ngoài ra, sự phổ biến của internet cũng khiến cho công tác kiểm duyệt gặp khó khăn hơn trước.”

Tuy nhiên, sinh viên Việt Nam không được tiếp cận với triết học một cách đầy đủ, theo Sơn.

“Trong khi thế giới triết học mênh mông là vậy, thì tất cả những gì sinh viên Việt Nam được học chỉ là một phạm vi rất hẹp xung quanh quan điểm về chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản của Marx và Lenin. Ngoài ra, sinh viên phải tin vào những gì họ được dạy, chứ không được khuyến khích phê phán, hay phản biện.”

“Việc sinh viên Việt Nam được tiếp cận với internet, từ đó tiếp xúc với các luồng tư tưởng và thông tin khác, như sự kiện Thiên An Môn, hay các giá trị tự do, dân chủ, nhân quyền là một điều tích cực. Tùy vào sự quan tâm của mỗi người mà mức độ khai sáng sẽ khác nhau, nhưng chí ít, là các bạn sẽ có được cái nhìn với nhiều hơn một góc độ, để rồi tự mình đặt câu hỏi, tự mình tìm kiếm tri thức.”

Không thể để xảy ra một thảm sát Thiên An Môn ở Việt Nam

“Chúng tôi không thể để xảy ra một cuộc thảm sát Thiên An Môn xảy ra ở Việt Nam và chúng tôi phải cố gắng hết sức có thể để học hỏi từ nó,” Trịnh Hữu Long nói.

Bản quyền hình ảnh GETTY IMAGES Image caption Sinh viên Việt Nam chưa quan tâm đến đấu tranh dân chủ như những sinh viên Trung Quốc thập niên 80?

“Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng tinh thần của phong trào Thiên An Môn sẽ mãi truyền cảm hứng không chỉ ở Việt Nam và ở những quốc gia khác trên thế giới, bởi chỉ từ việc học hỏi từ nó, chúng ta có khiến phong trào dân chủ quốc tế mạnh mẽ hơn và tốt đẹp hơn.”

Còn với Nguyễn Trường Sơn, nhìn theo thực tế, Việt Nam không cần một Thiên An Môn và cũng khó để nó có thể xảy ra.

“Không ai muốn có đàn áp, thiết quân luật, và thảm sát cả. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào chính phủ Việt Nam.

“Về mặt thực tế, với tình hình hiện tại, khi sinh viên và dân chúng ở Việt Nam không tỏ ra mặn mà với dân chủ như người Trung Quốc đã từng hồi năm 1989, thì rõ ràng là sẽ không có một phong trào dân chủ lớn nào xảy ra ở Việt Nam trong tương lai gần cả.”

BBC (05.06.2019)

***

Bài đọc thêm:

Hồng Kông: 180.000 người tham gia kỷ niệm 30 năm thảm sát Thiên An Môn

Hôm qua (ngày 4/6), người Hoa ở khắp nơi trên thế giới đã tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 30 năm sự kiện thảm sát trên Quảng trường Thiên An Môn, trong đó hoạt động kỷ niệm tại Công viên Victoria là hoạt động lớn nhất. Năm nay có hơn 180.000 người tham gia thắp nến tưởng niệm, số người tăng 50% so với năm ngoái, và tiếp tục đạt con số kỷ lục.

Đêm thắp nến ở Hong Kong 04/06/2019 tưởng niệm Thiên An Môn quy tụ chừng 180 nghìn người (theo ban tổ chức), một con số chưa có với cho bất cứ cuộc xuống đường nào ở VN gần đây vì dân chủ

8 giờ tối ngày 4/6 (giờ Hồng Kông), Liên minh Hồng Kông Ủng hộ các phong trào dân chủ yêu nước của Trung cộng đã tổ chức buổi thắp nến tưởng niệm sự kiện thảm sát Thiên An Môn (hay còn gọi là sự kiện Lục Tứ). Một tiếng trước khi buổi lễ bắt đầu, đã có rất nhiều người đến, đến 7h50 tối thì số người đã chật 6 sân bóng trong Công viên Victoria. Buổi thắp nến tưởng niệm bắt đầu được 40 phút, vẫn còn có rất nhiều người tiếp tục đến. Nhiều người không thể vào được nữa, nhưng họ vẫn kiên trì đứng bên ngoài vỉa hè để cùng thắp nến tưởng niệm. Sau khi ban tổ chức tuyên bố 6 sân bóng, bên ngoài vỉa hè, sân bóng rổ đã đông chật người, phía cảnh sát đã buộc phải dựng hàng rào thép để ngăn những người đến sau.

Sau buổi lễ tưởng niệm, Liên minh Hồng Kông Ủng hộ các phong trào dân chủ yêu nước của Trung cộng dự tính năm nay số người tham dự khoảng hơn 180.000 người, nhiều hơn con số 115.000 người hồi năm ngoái, số người tham dự cũng đạt mức kỷ lục trong các năm. Còn theo phía cảnh sát cho biết, thống kê năm nay có khoảng 37.000 người tham dự, gấp hai lần năm ngoái (khoảng 17.000 người).

Buổi lễ thắp nến tưởng niệm năm nay được tiến hành theo thông lệ hàng năm, có các tiết mục như dâng hoa, mặc niệm, đọc điếu văn, châm đuốc, đọc tuyên ngôn đại hội tưởng niệm liệt sĩ Lục Tứ, tất cả cùng hát bài hát dân chủ, phát các đoạn video ghi hình lời phát biểu của thành viên “Các bà mẹ Thiên An Môn”.

Ngoài khẩu hiệu “Bình phản Lục Tứ” (Sửa lại oan sai) buổi lễ năm nay còn hô khẩu hiệu “phản đối dẫn độ tới Trung cộng, rút lại luật xấu” để phản đối chính phủ Hồng Kông hiệu đính “Luật đào phạm”.

Tại buổi lễ, bà Lý Lan Cúc – người từng đến Bắc Kinh ủng hộ phong trào Lục Tứ năm 1989 đã lên sân khấu phát biểu, bà chia sẻ về tình huống xảy ra vào năm 1989 tại Thiên An Môn. Trong buổi tối xảy ra thảm sát, Lý Lan Cúc từng nghe thấy từ xa tiếng súng nổ, tận mắt chứng kiến đạn báo hiệu và chiếc áo đầy máu của người bạn quét qua trong đêm u ám, cuối cùng, bà đã cùng các sinh viên Hồng Kông khác lên xe cứu hộ rời khỏi Quảng trường Thiên An Môn.

Ca sĩ Hoàng Diệu Minh lên sân khấu hát ca khúc mới để tưởng niệm sự kiện này. Hoàng Diệu Minh cũng từng đến Bắc Kinh ủng hộ phong trào sinh viên. Ông cho biết, 30 năm qua ông đều đứng dưới sân khấu, hôm nay ông lên sân khấu là bởi vì “Một nước hai chế độ” tại Hồng Kông đã bắt đầu dần “biến mất”, hy vọng mọi người tập hợp tại đây cùng nhau ngăn chặn “cự thú” (thú khổng lồ) thảm sát người dân năm xưa sẽ không tiếp tục tùy tiện tiêu diệt thế hệ tiếp theo của Hồng Kông. Ông cũng kêu gọi người dân Hồng Kông vào ngày 9/6 tới, hãy xuống đường phản đối luật dẫn đào đào phạm tới Trung cộng.

Nhà báo Trình Tường lên sân khấu phát biểu, chỉ thẳng chính phủ Bắc Kinh đã nói dối 30 năm qua, che giấu chân tướng thảm sát Lục Tứ, khiến cho rất nhiều người Hồng Kông cho rằng năm đó họ không hề giết người. Do đó, ông cho rằng, cần thiết phải xuất bản cuốn “Tôi là phóng viên – Dấu vết ngày 4/6” (/ I am a Journalist, My June 4 Story) do 60 phóng viên trong sự kiện Lục Tứ cùng viết, để tiết lộ sự thật về cuộc thảm sát này.

Ông Châu Diệu Minh (Chu Yiu-ming ), người bị kết án trong phòng trào “Chiếm lĩnh Trung Hoàn” hồi năm 2014 cũng lên sân khấu phát biểu. Ông nói, bản thân mình chưa bao giờ quên tiếng súng và xe tăng trong đêm xảy ra thảm sát Lục Tứ đó. Ông còn cho biết, đến nay chỉ cần vẫn còn người bất đồng chính kiến bị bỏ tù, thì Hồng Kông sẽ không có tự do thực sự, ông kêu gọi mọi người cần có lòng tin, dùng tình yêu, lương thiện và công bằng chính nghĩa để đối kháng lại chính quyền bất nghĩa.

Buổi lễ còn phát video lời phát biểu của bà Trương Tiên Linh – thành viên của “Các bà mẹ Thiên An Môn”. Đến nay bà vẫn nhớ như in về cuộc thảm sát đẫm máu và tàn ác của đảng Cộng sản Trung cộng, cũng như việc sinh viên, người dân Bắc Kinh coi thường cái chết để ngăn cản quân đội cách đây 30 năm. Bà cho biết, “Mặc dù trong nhóm Những bà mẹ Thiên An Môn có 56 người đã qua đời, nhưng những người chúng tôi còn sống, vẫn sẽ trước sau như một, gánh vác trách nhiệm từ những người đã khuất, dù đường còn bao nhiêu gập ghềnh, chúng tôi sẽ cố gắng hết mình!”

Theo BBC và truyền thông tại Hồng Kông đưa tin, buổi lễ tưởng niệm tối ngày 4/6 còn có các nhân sĩ ở các nơi trên thế giới tới tham dự, trong đó có nhiều vị đến từ Trung cộng Đại lục. Những vị nhân sĩ đến từ Đại lục cho biết, thông qua các kênh thông tin bên ngoài, họ đã hiểu được sự tồn tại của Lục Tứ, cảm ơn Hồng Kông tổ chức kỷ niệm Lục Tứ. Còn có du khách Đại lục dùng tên thật trả lời phỏng vấn, biểu thị không sợ hãi chính quyền Trung cộng trả thù sau cuộc phỏng vấn, đồng thời cũng mong muốn năm nào cũng được tới tham dự lễ tưởng niệm.

Sau khi kết thúc buổi lễ tưởng niệm, Chủ tịch Liên minh Hồng Kông Ủng hộ các phong trào dân chủ yêu nước của Trung cộng Hà Tuấn Nhân (Albert Ho) cho biết, 180.000 người tới tham dự đã phản ánh người Hồng Kông “dùng ký ức chiến thắng sự lãng quên, lấy dũng khí để khắc chế sự sợ hãi”. Ông còn cho biết, số người tham gia năm nay cao kỷ lục có lẽ liên quan đến luật dẫn độ tội phạm đến Trung cộng, tuy nhiên người tham gia buổi lễ chủ yếu vẫn lấy việc tưởng niệm liệt sĩ Lục Tứ là chính.

Theo Đại Kỷ Nguyên (05.06.2019)

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen