Seite auswählen

Mỹ đang theo dõi dân quân Trung cộng ở Biển Đông

Cảnh sát biển Hoa Kỳ đang theo dõi hoạt động của dân quân Trung cộng ở Biển Đông (Ảnh: Cảnh sát biển Hoa Kỳ)

Cảnh sát biển Hoa Kỳ đang theo dõi hoạt động xâm nhập của lực lượng dân quân Trung cộng ở Biển Đông, một quan chức cho biết hôm thứ Ba (11/6), báo Rappler của Phi Luật Tân đưa tin.

“Chúng tôi đã theo dõi lực lượng dân quân và một số hoạt động”, Phó Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển Thái Bình Dương Hoa Kỳ Linda Fagan nói với các phóng viên trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại từ trụ sở ở Alameda, California.

Động thái này diễn ra sau khi các tàu dân quân Trung cộng xuất hiện với tần suất gia tăng ở ngoài khơi các đảo thuộc Phi Luật Tân, một đồng minh lâu năm của Hoa Kỳ.

Ngư dân Phi Luật Tân đã báo cáo về việc họ bị quấy rối trong các cuộc chạm trán với tàu Trung cộng. Mới hôm thứ Hai, Cảnh sát biển Phi Luật Tân đã phát hiện một tàu chiến và tàu bán quân sự của Trung cộng tại bãi cạn Scarborough.

Bà Fagan nhấn mạnh cảnh sát biển Hoa Kỳ có hai đặc điểm, nó hoạt động với Lực lượng Vũ trang Hoa Kỳ, nhưng đồng thời, nó cũng thực thi luật pháp Hoa Kỳ và quốc tế.

Bà Fagan nói rằng họ có thể giúp các nước đang gặp khó khăn bằng cách gửi “một nhóm nhỏ” chuyên gia đến đào tạo cho các nhân viên tuần tra bờ biển địa phương.

Bà cho biết mục tiêu của cuộc huấn luyện là “bảo vệ chống lại sự xâm nhập của ngư dân” và “củng cố năng lực, thẩm quyền và khả năng tự tạo, bảo vệ chủ quyền của chính họ.”

Đại Kỷ Nguyên (11.06.2019)

Phi Luật Tân phát động chiến dịch thông tin ‘Vì sự thật Biển Đông’

Vừa qua Phi Luật Tân phát động ‘Vì sự thật Biển Đông’ chống Trung cộng. Phó Chánh án Tòa án Tối cao Phi Luật Tân, ông Antonio Carpio nói rằng: “Sự thật sẽ mãi mãi bảo vệ chủ quyền của chúng ta tại biển Đông”.

Mới đây, phát biểu tại lễ tốt nghiệp năm 2019 của các học viên Học viện Báo chí và Truyền thông châu Á đặt tại thủ đô Manilla (Phi Luật Tân), Phó Chánh án Tòa án Tối cao Phi Luật Tân Antonio Carpio kêu gọi nước này cũng như các nước trong khu vực biển Đông cùng tham gia tổ chức một “Phong trào vì Sự thật” để chống lại những luận điệu sai trái của Trung cộng về chủ quyền Biển Đông, trang tin Phi Luật Tân Rappler cho hay.

“Chúng ta có thể gọi chiến dịch thông tin ở hiện tại này là Phong trào vì Sự thật Biển Đông, một phong trào của người dân mà thông qua quyền tự do ngôn luận để trình bày những sự thật lịch sử về biển Đông. Chúng ta cũng có thể mời người Việt Nam, Mã Lai, Indonesia, và Brunei, những quốc gia có vùng đặc quyền kinh tế bị yêu sách đường chín đoạn của Trung cộng xâm phạm cùng tham gia phong trào này với chúng ta”
, ông Carpio nói.

Phó Chánh án Tòa án Tối cao Phi Luật Tân Antonio Carpio. Ảnh: INQUIRER

Phó Chánh án lên tiếng cáo buộc chính quyền Bắc Kinh đã cố tình kéo dài cái mà ông gọi là “tin giả của thế kỷ” qua việc tuyên truyền có chủ đích một cách sai lệch rằng Trung cộng đã có chủ quyền ở khu vực Biển Đông gần 2.000 năm qua, mặc cho rất nhiều bằng chứng lịch sử phản bác lập luận này.

“Lịch sử thật sự rất hiển nhiên và đơn giản: Trung cộng chưa bao giờ làm chủ biển Đông, khi có những khu vực thuộc về vùng biển quốc tế, có khu vực là vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia kề cạnh”, dẫn lời ông Antonio Carpio. 

“Như những dân tộc khác trên thế giới, người Trung cộng bản chất là những người tốt. Tuy nhiên, họ lại bị chính quyền Trung cộng che mắt chỉ bằng thứ lịch sử hoàn toàn sai lầm. Tôi chắc chắn rằng khi được biết về lịch sử thật sự của khu vực biển Đông, và đối diện với chính những bản đồ lịch sử và tài liệu của họ, thì người Trung cộng sẽ chấp nhận sự thật về biển Đông”, ông nói thêm.

Cũng theo Phó Chánh án, đối tượng chính của phong trào nói trên sẽ là số lượng 100 triệu du khách người Trung cộng đi du lịch khắp thế giới hàng năm.

“Những du khách Trung cộng sau đó sẽ lan toả sự thật với những người ở nhà, và sự thật sẽ mở ra con đường hoà giải với những dân tộc của những quốc gia Đông Nam Á ven biển cũng như những dân tộc khác trên thế giới“, ông khẳng định. 

Đề cập đến những nỗ lực của Phi Luật Tân về vấn đề biển Đông, Phó Chánh án bày tỏ quan điểm không hài lòng khi cho rằng chính thể chế của nước này đã tạo cơ hội cho dư luận viên Trung cộng “phát tán lịch sử nguỵ tạo và tin giả trên khắp Phi Luật Tân mà không bị trừng phạt”.
Các dư luận viên Trung cộng “hoạt động công khai trên mạng xã hội Phi Luật Tân, bình luận công khai trên các tờ báo trực tuyến của Phi Luật Tân, thậm chí đặt cả quảng cáo mang tính chính trị trên báo giấy Phi Luật Tân”.

Trong khi đó, Phi Luật Tân lại không thể không thể tổ chức những chiến dịch phản tuyên truyền ngược lại ở Trung cộng vì không thể vượt qua các biện pháp kiểm duyệt Internet của Bắc Kinh. 

Mặc dù vậy, trước những chỉ trích về động thái hung hăn của Trung cộng ở biển Đông tại Hội nghị thượng đỉnh An ninh châu Á tổ chức tại Singapore hôm 1-6 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Trung cộng Nguỵ Phượng Hoà đã ngang nhiên tuyên bố nước này có quyền xây dựng các cơ sở quốc phòng trên các đảo tự nhiên và nhân tạo ở Biển Đông cũng như triển khai quân đội và vũ khí trên các đảo ở Biển Đông vì chúng “nằm trong phạm vi chủ quyền của Trung cộng”, theo tờ South China Morning Post. 

Ngoài ra, Trung cộng lâu nay không bao giờ thừa nhận các phán quyết từ Liên Hiệp Quốc cũng như các tổ chức pháp lý quốc tế nếu như các phán quyết đó không có lợi cho mình, điển hình là phán quyết của Tòa trọng tài 2016.

Theo đó, Tòa bác bỏ hoàn toàn yêu sách đường chín đoạn của Trung cộng. Bắc Kinh cũng luôn tìm cách diễn giải luật pháp quốc tế theo hướng có lợi cho họ, bất chấp cách hiểu chung của cộng đồng quốc tế.

VietBF (11.06.2019)

Ngư dân Việt ‘bị ép’ đánh bắt phi pháp, đối mặt ‘lạm dụng nhân quyền’

Các ngư dân Việt Nam bị Mã Lai bắt giữ trong các cuộc tuần tra ngày 10/3 và 11/3. Báo cáo của EJF ghi nhận những lạm dụng nhân quyền đối với các ngư dân Việt Nam trên tàu đánh cá lậu ở hải phận nước ngoài. (Ảnh chụp màn hình VnExpress)

Ngư dân Việt Nam phải đánh bắt bất hợp pháp ở các vùng biển nước ngoài vì không còn nguồn hải sản trong vùng biển nội địa, và đối diện với nguy cơ bị bắt giữ cũng như những lạm dụng về lao động và nhân quyền.

Quỹ Công lý vì Môi trường (EJF) cho biết như vậy trong một báo cáo mới, với bằng chứng từ các cuộc điều tra gần đây của tổ chức này cùng các tổ chức phi chính phủ khác và ghi nhận của truyền thông về những sự lạm dụng trong ngành công nghiệp đánh bắt trên biển trị giá nhiều tỷ đô la.

Nhiều trường hợp lạm dụng trên các thuyền đánh bắt mang cờ của 13 quốc gia phát triển và đang phát triển, từ Liên minh châu Âu và Mỹ tới châu Á và Mỹ Latin được ghi nhận, theo báo cáo của EJP có tên “Máu và nước: Lạm dụng nhân quyền trong ngành công nghiệp hải sản toàn cầu,” công bố hôm 5/6.

Các điều tra được nêu ra trong báo cáo này cho thấy những sự lạm dụng nghiêm trọng, trong đó có các trường hợp trên các tàu đánh cá bằng lưới của Việt Nam xâm phạm khu vực ven biển của Thái Lan do “sự sụp đổ trong hệ thống đánh bắt hải sản của chính nước họ.”

“Tình trạng của các tàu đánh bắt cá của Việt Nam, theo chúng tôi thấy là tuyệt vọng vì nó đang đi xuống theo đường xoáy chôn ốc, phần lớn do sự tham nhũng và quản lý vô cùng yếu kém nguồn hải sản của (chính phủ) Việt Nam,” Steven Trent, Giám đốc điều hành của EJF, tổ chức phi chính phủ có trụ sở ở Anh, chuyên xúc tiến các giải pháp phi bạo lực cho những lạm dụng nhân quyền và các vấn đề môi trường liên quan, nói với VOA.

Một thuyền trưởng của một tàu đánh cá Việt Nam được EJF phỏng vấn trong báo cáo này, nhưng không nêu tên, cho biết: “Không đáng để đánh bắt ở (vùng biển) Việt Nam. Chủ tàu ép tôi phải ra khỏi vùng biển Việt Nam bởi vì nếu không làm thế chúng tôi sẽ không mang đủ tiền về.”

“Những ngư dân Việt Nam mà chúng tôi phỏng vấn luôn nói rằng do không còn gì trong vùng biển (Việt Nam) nên họ phải đi xa ra khỏi lãnh hải – khoảng 80 – 90 hải lý – mà nhiều tàu do nhỏ nên có thể không đánh bắt được gì,” ông Trent nói.

EJF phỏng vấn 24 ngư dân từ các tàu cá Việt Nam bị bắt giữ ở Thái Lan trong vòng 6 tháng và phát hiện ra rằng họ đã làm việc khi sử dụng các thiết bị đánh bắt cá đã hỏng hóc, thậm chí đã bị cấm, bao gồm lưới và các thiết bị đánh cá bằng điện.

Các thuyền viên này cho biết phải làm việc nhiều giờ trên tàu, bị hạn chế tiếp cận với thực phẩm và nước uống, và chỉ được trả tiền nếu đánh bắt được nhiều hải sản. Nhiều người trong số họ nói với EJF rằng các khoản nợ của họ với chủ tàu tích lũy dần lên, và theo báo cáo, “đó là một chỉ dấu chung cho thấy sự lệ thuộc vì nợ nần và lao động cưỡng bức.”

Các tàu cá của Việt Nam bị bắt khi đánh bắt trái phép ở Vịnh Thái Lan thuộc vùng đặc quyền kinh tế của nước này. © EJF

Đánh bắt phi pháp

“Chính phủ Việt Nam đã không thể quản lý được nguồn tài nguyên trong vùng biển quốc gia của chính họ hầu như là trên mọi phương diện,” theo ông Trent, trong khi đội tàu đánh cá của Việt Nam “phát triển một cách nhanh chóng trong vòng 20-30 năm qua” mà “không có hệ thống quản lý từ trung ương đối với việc đăng ký tàu.”

Việt Nam hiện là một trong những nước có số lượng tàu đánh bắt ngoài khơi lớn nhất thế giới, với khoảng 180.000 tàu, theo ông Trent. Báo cáo của EJF cho biết, Việt Nam đứng sau Trung cộng, Indonesia, Ấn Độ, và Nhật về số lượng tàu đánh bắt cá ngoài khơi trên biển.

Đây là lý do vì sao ngư dân Việt Nam phải đi vào các vùng biển của nước khác để đánh bắt một cách bất hợp pháp. Điều này khiến cho các tàu có nguồn gốc từ Việt Nam thường xuyên bị những nước ở khu vực Thái Bình Dương bắt giữ, đặc biệt trong những năm gần đây. Khoảng 1.100 ngư dân Việt Nam bị các nhà chức trách Indonesia bắt giữ trong năm 2016, tăng so với con số 700 trong năm 2015, theo báo cáo của EJF.

Việt Nam đứng thứ 5 thế giới về số lượng tàu cá đánh bắt ngoài khơi. (EJF)

Các tàu đánh cá của Việt Nam cũng bị các nước khác như Australia, Mã Lai và Thái Lan bắt giữ khi đánh bắt trong vùng biển của họ trong những năm gần đây. Theo báo cáo của EJF, các tàu đánh bắt phi pháp của Việt Nam bị bắt giữ ở vùng biển cách xa Việt Nam đến 7.000 km của khu vực các đảo Caledonia.

Tháng 9/2017, Liên minh châu Ấu đã rút “thẻ vàng” cảnh cáo Việt Nam vì không có tiến bộ trong việc chống đánh bắt cá bất hợp pháp. Nếu Việt Nam nhận “thẻ đỏ”, điều này có thể dẫn tới lệnh cấm nhập khẩu vào châu Âu đối với các sản phẩm thủy sản của quốc gia Đông Nam Á.

Ông Trent còn cảnh báo rằng, với việc các tàu cá Việt Nam bị phát hiện lạm dụng quyền lao động, Việt Nam có thể mất đi sự tiếp cận vào các thị trường như EU.

“Các khu vực như Liên minh châu Âu, với 500 triệu người tiêu dùng, không muốn tiếp nhận các sản phẩm hải sản có thể là bất hợp pháp hoặc có ‘dính vết nhơ’ của lạm dụng nhân quyền và lao động,” ông Trent nói.

Tháng 10 năm ngoái, Việt Nam đưa ra mục tiêu trở thành một “quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển” trong hơn một thập kỷ nữa. Mục tiêu này được đưa ra trong Nghị quyết về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành hôm 22/10/2018.

Dự kiến, kinh tế của 28 tình, thành phố ven biển sẽ ước đạt 65-70% tổng GDP vào năm 2030, theo truyền thông trong nước.

Giám đốc của EJF cho rằng “mục tiêu này có thể đạt được trong ngắn hạn” nhưng nếu Việt Nam tiếp tục theo cách thức trong đó họ “không thể kiểm soát và áp đặt các luật lệ phù hợp” thì về lâu dài họ sẽ không duy trì được mục tiêu trên.

Theo ông Trent, chính phủ Việt Nam “cần coi vấn đề này một cách nghiêm túc” và phải hành động vì quyền lợi của chính họ.

VOA (10.06.2019)

Tìm hiểu thêm về Nghị Quyết trừng phạt xâm chiếm Biển Đông

Nghị Quyết này khi trở thành luật sẽ là một đạo luật ngăn cấm bất cứ tổ chức, doanh nghiệp hay cá nhân nào có hành động xâm chiếm biển Đông để làm của riêng – hoặc có hành động sách nhiễu nước khác ngoài biển Đông – hoặc tìm cách ngăn cản con đường thông thương biển quốc tế điều bị đưa vào danh sách trừng phạt.

Sự trừng phạt không giới hạn chỉ là doanh nghiệp của bất cứ nước nào vi phạm mà luôn cả cá nhân – ví dụ dễ hiểu là Tập Đoàn Dầu Khí Trung cộng đưa giàn khoan ra biển Đông quấy nhiễu thì nếu Doanh Nghiệp Dầu Khí này có tài sản ở nước ngoài – Mỹ sẽ tịch thu – đồng thời sẽ có biện pháp cấm vận tàu bè của Tập Đoàn Dầu Khí này – tài sản của cá nhân, chủ tiệm, lãnh đạo doanh nghiệp này cũng sẽ bị tịch thu – hộ chiếu của cá nhân trong tập đoàn này sẽ bị bác bỏ ở các nước đồng minh với Mỹ – Có nghĩa là các ông chủ tiệm, phó chủ tiệm, lãnh đạo doanh nghiệp dầu khí TQ sẽ vĩnh viễn không được đi du lịch ở Mỹ, Âu Châu và các nước đồng minh của Mỹ – Nếu vi phạm sẽ bị dẫn độ sang Mỹ xử tội.

Một kiến nghị dài 27 trang do Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio và Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Ben Cardin hôm thứ Năm (23/5) chính thức giới thiệu lại Đạo luật trừng phạt Biển Đông nhằm “áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân và thực thể Trung cộng tham gia vào các hoạt động phi pháp của Bắc Kinh.

Tôi hy vọng chúng ta có thể ngăn chặn Trung cộng thiết lập đường cơ sở và một ADIZ (Vùng nhận dạng phòng không)”, “Đó là điều mà Bill này nhắm đến. Tôi đoán muộn còn hơn không, nhưng liệu có quá muộn không?” Tiến sĩ Glaser nói.

Một tuyên bố trên trang web của Thượng nghị sĩ Rubio cho biết: “Đạo luật này kịp thời đưa ra những nỗ lực liên tục của Hoa Kỳ để tiến hành tự do hoạt động hàng hải (FONOPs) nhằm hỗ trợ một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở.

Vì các hành vi vi phạm các quy tắc quốc tế liên tục và trắng trợn của chính phủ Trung cộng ở Biển Đông không bị kiểm soát, luật này cho phép các biện pháp trừng phạt mới khiến Bắc Kinh chú ý rằng các bên vi phạm phải chịu trách nhiệm về hành động của mình.

Tuyên bố dẫn lời Thượng nghị sĩ Cardin nói: “Trung cộng đã bắt nạt ở cả vùng biển phía Nam và Đông Trung cộng, xâm lấn và đe dọa các nước láng giềng. Hành vi hung hăng như vậy không thể không được kiểm soát.

“Hoa Kỳ sẽ bảo vệ con đường biển thông thương, tự do thương mại và tự do hàng hải, cũng như thúc đẩy giải quyết tranh chấp ngoại giao hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế. Tôi vui mừng tham gia Thượng nghị sĩ Rubio và các đồng nghiệp của chúng tôi để gửi thông điệp lưỡng đảng mạnh mẽ để bảo vệ lợi ích quốc gia của chúng tôi và của các đồng minh và đối tác của chúng tôi ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. “

Đồng tài trợ cho Dự Luật có 13 thượng nghị sĩ khác: Cộng hòa Tom Cotton, Todd Young, Josh Hawley, Rick Scott, Marsha Blackburn, John Cornyn và Mitt Romney; và đảng Dân chủ Tim Kaine, Richard Blumenthal, Kirsten Gillibrand, Joe Manchin, Tammy Duckworth và Doug Jones.

Văn bản của Dự luật ghi chú một danh sách dài các tuyên bố tại nhiều diễn đàn của các quan chức cấp cao Hoa Kỳ về các hoạt động của Trung cộng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Nó ghi nhận sự quấy rối và khiêu khích các tàu bè của Phi Luật Tân và Nhật Bản ở Biển Đông và hành động tương tự này xảy ra ở Biển Hoa Đông.

Các biện pháp trừng phạt sẽ được áp dụng cho các công ty và cá nhân liên quan đến bất kỳ hành động nào trong các hoạt động đó, từ nạo vét đến xây dựng, đến vận chuyển đến triển khai phần cứng quân sự. Ngoài ra, người Mỹ sẽ bị cấm tạo điều kiện cho một số khoản đầu tư vào Biển Đông hoặc Biển Hoa Đông.

Nghị quyết đưa ra một danh sách các thực thể Trung cộng có tên và quy định rằng “Bộ trưởng Ngoại giao sẽ phải đệ trình lên các ủy ban quốc hội một bản báo cáo xác định mỗi cá nhân người Trung cộng – Bộ trưởng xác định những cá nhân này đang tham gia vào các hoạt động phi pháp trên biển Đông“.

Nghị quyết bắt buộc Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ phải giám sát chặt chẽ và báo cáo thường xuyên cho Quốc Hội.

Dự luật cũng yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ không được công bố bất kỳ tài liệu nào liên quan tới sự công nhận quyền tài phán của Trung cộng đối với lãnh thổ ở Biển Đông “được tranh cãi bởi một hoặc nhiều thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á hoặc lãnh thổ hoặc vùng trời của các khu vực Biển Hoa Đông do Nhật Bản hoặc Hàn Quốc quản lý “.

(*) Ghi chú quan trọng: Các bạn đọc xong bài này, nếu ủng hộ Nghị Quyết – xin giơ tay. Thùy Trang sẽ làm một Thỉnh Nguyện Thư ở Nhà Trắng để mọi người cùng ký tên ủng hộ – thúc đẩy đưa lên Thượng Viện để Tổng Thống Trump ký trở thành Đạo Luật. Càng nhiều người ủng hộ thì tiếng nói chung rất mạnh. Nếu ỦNG HỘ – Xin Share rộng càng nhiều người biết, càng tốt.

Bấm vào đây để xem tiếng Anh và download


Nguyễn Thùy Trang Bacaytruc.com

Tuần duyên Mỹ cam kết hợp tác bền chặt với Việt Nam trên Biển Đông

Chuyển giao tàu tuần tra và đào tạo thủy thủ cho Cảnh sát biển Việt Nam chứng tỏ cam kết mạnh mẽ của tuần duyên Mỹ với Việt Nam bền chặt và lâu dài.

Tàu CBS 8020 của Cảnh sát biển Việt Nam sau khi tiếp nhận từ Tuần duyên Mỹ. Ảnh: CBSVN.

Bên cạnh việc cung cấp tàu tuần tra cho Cảnh sát biển Việt Nam, Tuần duyên Mỹ còn hỗ trợ đào tạo nhằm giúp Việt Nam duy trì hoạt động của tàu CSB 8020″, bà Linda Fagan, Phó đô đốc, Tư lệnh Vùng Thái Bình Dương của Tuần duyên Mỹ (USCG) nói trong cuộc họp qua điện thoại sáng nay khi trả lời câu hỏi của báo chí về hợp tác song phương sắp tới. “Đó là cam kết mạnh mẽ và lâu dài của Tuần duyên Mỹ với Việt Nam”.

Bà Fagan nhắc tới việc USCG năm 2017 bàn giao tàu tuần duyên tải trọng cao USCGC Morgenthau thuộc lớp Hamilton cho Cảnh sát biển Việt Nam thông qua Chương trình bán trang bị quốc phòng dư thừa (EDA) của Mỹ.

Trước khi bàn giao USCGC Morgenthau, Mỹ đã huấn luyện cho các sĩ quan Cảnh sát biển Việt Nam tại Hawaii để sử dụng con tàu. Tàu USCGC Morgenthau sau đó được biên chế vào Cảnh sát biển Việt Nam và đổi tên thành CSB 8020.

Phó đô đốc Fagan cho hay Mỹ tiếp tục đề cao quan hệ đối tác lâu dài với Việt Nam, khẳng định việc duy trì trao đổi sẽ đem lại lợi ích cho cả hai. Nhắc đến khả năng Mỹ chuyển giao thêm một tàu tuần tra lớp Hamilton cho Việt Nam, bà cho hay hai bên đang có trao đổi rất tích cực, nhưng bà “chưa biết kết quả cuối cùng”.

Truyền thông Mỹ cho biết USCG đã loại biên tàu tuần tra xa bờ USCGC Sherman (WHEC-720) thuộc lớp Hamilton hồi cuối tháng 3/2018 và dự kiến chuyển giao con tàu này cho Cảnh sát biển Việt Nam.

Đô đốc Phil Davidson, chỉ huy Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ, hôm 13/2 cũng cho rằng Việt Nam đã trở thành đối tác chủ chốt của Mỹ trong việc xây dựng nền an ninh và trật tự dựa trên luật pháp quốc tế ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. “Hoạt động hợp tác đang tập trung vào tăng cường năng lực trên biển của Việt Nam, gồm chuyển giao thêm một tàu tuần tra của Tuần duyên Mỹ”, ông viết trong thông cáo gửi thượng viện Mỹ.

Về vai trò của Mỹ ở Biển Đông, Phó đô đốc Fagan khẳng định việc Mỹ điều tàu chiến tiến hành các chiến dịch tuần tra tự do hàng hải theo luật pháp quốc tế trong khu vực là nhằm thực hiện quan điểm duy trì khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mở và tự do và hệ thống dựa trên luật lệ, bảo đảm hòa bình và an ninh. Ngoài ra, Mỹ quan tâm đến hợp tác với các đối tác ở khu vực về xây dựng năng lực, muốn trao đổi với các nước đang gặp vấn đề với việc thực thi pháp luật ở Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), hỗ trợ họ về phương pháp ngăn chặn đánh bắt cá trái phép và bảo vệ chủ quyền.

Mỹ gần đây tăng cường hợp tác với Việt Nam trên các lĩnh vực, đặc biệt là về an ninh hàng hải. Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump khi trao đổi với các lãnh đạo Việt Nam đã nhiều lần khẳng định cam kết tiếp tục vai trò tích cực tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nhằm duy trì trật tự dựa trên luật lệ, thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực.

Với mong muốn hỗ trợ Việt Nam tăng cường khả năng tuần tra trên biển, bảo vệ chủ quyền, an ninh hàng hải, Mỹ đã cung cấp nhiều phương tiện, tàu bè cho lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Ngoài tàu tuần tra của Tuần duyên, Mỹ đến nay đã bàn giao cho Việt Nam tổng cộng 12 xuồng tuần tra Metal Shark, thể hiện sự hợp tác sâu sắc giữa hai nước trong thực thi pháp luật, tìm kiếm cứu nạn trên biển trong lãnh hải và EEZ của Việt Nam.

VietBF (11.06.2019)

Tàu khu trục và tàu tiếp vận hậu cần của Canada thăm cảng Cam Ranh

Hải quân Việt Nam đón tiếp Đoàn hải quân Hoàng gia Canada khi hai tàu Regina và Asterix cập cảng Cam Ranh ngày 10/06/19.  Courtesy: Ảnh chụp màn hình Embassy of Canada to Vietnam

Tàu khu trục Regina và tàu tiếp vận hậu cần Asterix của Hải quân Hoàng gia Canada cùng 240 thủy thủ đoàn thăm Việt Nam trong 3 ngày, từ ngày 10 đến ngày 13 tháng 6.

Truyền thông cho biết đây là lần đầu tiên hai chiếc tàu Regina và Asterix vừa cập cảng Cam Ranh và mục đích của chuyến thăm này nhằm tiếp tục tăng cường mối quan hệ quốc phòng giữa hai nước Canada và Việt Nam.

Trong lịch trình chuyến thăm, chỉ huy hai tàu Canada sẽ gặp gỡ với Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa và Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân. Đồng thời, Đoàn hải quân Hoàng gia Canada có các buổi giao lưu, sinh hoạt  tại địa phận tỉnh Khánh Hòa với cán bộ, chiến sĩ Vùng 4 Hải quân, sinh viên Đại học Khánh Hòa, Trung tâm Bảo trợ trẻ em ở thành phố Nha Trang và Mái ấm Nhân Ái ở thành phố Cam Ranh.

Báo giới quốc nội dẫn lời của Đại sứ quán Canada cho biết tàu khu trục Regina đang tham dự chương trình hoạt động trao đổi giữa Hải quân Hoàng gia Canada với hải quân các nước đối tác trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, nhằm củng cố khả năng thực hiện các hoạt động chung được hiệu quả.

Theo Times Colonist, tàu Regina và Asterix rời cảng Esquimalt ở Canada hồi đầu tháng 2 vừa qua để thực hiện chuyến đi kéo dài 7 tháng đến khu vực Châu Á – Thái  Bình Dương và Trung Đông. Theo lịch trình, tàu cũng sẽ đi vào vùng Biển Đông đang có tranh chấp giữa Trung cộng và các nước.

RFA (10.06.2019)

Nhiều nước gia tăng lực lượng cảnh sát biển nhằm đối phó Trung cộng

© REUTERS / Damir Sagolj

Để đối phó các hành vi của Trung cộng trên Biển Đông, nhiều quốc gia Đông Nam Á đang tăng cường năng lực của lực lượng cảnh sát biển, PLO tham chiếu SCMP cho biết.

Theo tờ South China Morning Post, để ngăn chặn các cuộc chạm trán trên biển với Trung cộng có thể leo thang thành các cuộc xung đột quân sự, các nước ASEAN đã chuyển lực lượng an ninh như hải quân sang lực lượng cảnh sát biển, Viện Chính sách chiến lược Úc cho biết trong một báo cáo được công bố hôm 5-6.

“Lực lượng cảnh sát biển đã trở thành vùng đệm chiến lược quan trọng giữa hải quân ở ASEAN”, báo cáo cho hay.

Ngoài các mối đe dọa như cướp biển, khủng bố, tội phạm có tổ chức và đánh bắt cá bất hợp pháp, lý do chính khiến các quốc gia gia tăng lực lượng bảo vệ bờ biển của họ là chiến lược biển hung hăng của Trung cộng, bao gồm xây dựng các tiền đồn quân sự và tiến hành hoạt động đánh bắt xa trong vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia khác.

Việc sử dụng hình thức thực thi pháp luật cho phép các quốc gia duy trì sự hiện diện và bảo vệ các yêu sách chủ quyền trên biển mà không làm leo thang căng thẳng khi đụng độ với Trung cộng.

Trong số 45 sự cố lớn ở Biển Đông trong giai đoạn 2010-2016, có 32 vụ liên quan đến ít nhất một lực lượng vũ trang trên biển của Trung cộng.

Theo báo cáo của Úc, Phi Luật Tân đã bổ sung 14 tàu thuyền và hai máy bay vận tải vào lực lượng bảo vệ bờ biển vào năm 2013, và thêm 14 tàu ba năm sau đó. Tương tự, Mã Lai tăng cường lực lượng tuần tra ven biển với việc bổ sung 105 tàu mới trong giai đoạn 2013-2014.

Trong khi đó, từ năm 2005 đến năm 2016, Indonesia đã tăng lực lượng bảo vệ bờ biển từ chín tàu lên 34 tàu, báo cáo cho biết.

Cuối cùng, báo cáo đề xuất rằng các nước ASEAN nên thúc đẩy hợp tác giữa các lực lượng bảo vệ bờ biển trong khu vực. Tuy nhiên, ý tưởng này rất khó thực hiện vì Trung cộng vẫn giữ lập trường bất hợp tác trong các vấn đề Biển Đông.

Sputnik (10.06.2019)

Hoa Kỳ muốn Việt Nam có thiết bị quân sự tốt nhất ‘từ Mỹ’

Lễ bàn giao tàu tuần duyên cũ, trọng tải cao của Tuần duyên Mỹ cho Việt Nam năm 2017.

Một quan chức ngoại giao Mỹ chuyên về vấn đề kiểm soát vũ khí và an ninh quốc tế mới nói rằng Washington muốn Việt Nam có các thiết bị quân sự tốt nhất của Mỹ.

“Chúng tôi nóng lòng muốn làm việc tiếp với chính phủ Việt Nam để bảo đảm rằng họ có các thiết bị [quân sự] tốt nhất trên thế giới và các thiết bị đó tới từ Mỹ”, bà Andrea L. Thompson, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ chuyên trách về Kiểm soát Vũ khí và An ninh Quốc tế, nói trong một cuộc họp báo hôm 3/6.

Nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ này cũng kể lại về chuyến thăm kéo dài hơn 10 ngày mà bà nói là “tuyệt vời” tới Việt Nam tháng Tám năm ngoái.

Bà Thompson nói rằng bà đã chứng kiến sự hợp tác của hai nước liên quan tới “nhiều thiết bị” và rằng Việt Nam “là một trong các đối tác mạnh” của Mỹ ở khu vực.

Phát biểu của nhà ngoại giao Mỹ chuyên về vấn đề kiểm soát vũ khí và an ninh quốc tế được đưa ra ít ngày sau khi Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ xác nhận trong một phúc trình rằng Washington “cung cấp hỗ trợ an ninh” cho Việt Nam “trong đó có máy bay không người lái ScanEagle, máy bay huấn luyện T-6, tàu tuần duyên cũ, trọng tải cao của Tuần duyên Mỹ và một số xuồng tuần tra loại nhỏ”.

Liên quan tới câu hỏi về cuộc thảo luận giữa Washington và Hà Nội về chuyến thăm Việt Nam sắp tới của một hàng không mẫu hạm Mỹ, bà Thompson nói rằng đây là vấn đề không thuộc thẩm quyền của bà tại Bộ Ngoại giao mà là của Bộ Quốc phòng.

Nữ quan chức ngoại giao này nói rằng USS Carl Vinson, trong chuyến thăm đầu tiên của một hàng không mẫu hạm Mỹ tới Việt Nam sau Chiến tranh Việt Nam đầu năm ngoái, là một “biểu tượng của mối quan hệ quan trọng” giữa Washington và Hà Nội.

“Vì thế tôi hy vọng sẽ có một chuyến thăm nữa. Tôi nghĩ rằng chính phủ Việt Nam sẽ hoan nghênh một chuyến thăm khác. Nhưng tôi sẽ để cho các quan chức hải quân cấp cao ở Mỹ sắp xếp chuyện đó”, bà Thompson nói.

Trong cuộc họp báo, khi được một phóng viên hỏi về việc quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan dường như không tỏ ra cứng rắn với Trung cộng về vấn đề Biển Đông khi phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore hôm 1/6, bà Thompson nói rằng Hoa Kỳ đã “thực sự cứng rắn với Trung cộng” về chuyện xây dựng ở Biển Đông.

“Chúng tôi đã thực sự cứng rắn với Trung cộng về quyền tự do hàng hải và tiếp cận hàng hải. Bộ trưởng Quốc phòng đã nêu lên chuyện đó trong bài phát biểu của ông”, bà Thompson nói.

VOA (09.06.2019)

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen