Seite auswählen

Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn

Lần đầu tiên cụm từ “chính sách hình sự đặc biệt” xuất hiện trong kết luận điều tra của vụ đại án chuyển nhượng cổ phần giữa công ty AVG và MobiFone.

Trong Bộ luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự không có qui định nào nói về “chính sách hình sự đặc biệt”.

ThS Trần Thanh Thảo (giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM) cũng khẳng định với báo chí là “BLHS hiện hành không quy định cái gọi là “chính sách hình sự đặc biệt”. Có chăng trong một số trường hợp như người già yếu, bị bệnh HIV… phạm tội đặc biệt nghiêm trọng bị kết án tử hình, tù chung thân nhưng được hoãn thi hành hay giảm án…”

Còn trong trường hợp có những bị cáo ăn năn hối lỗi, có nhiều tình tiết giảm nhẹ thì được cơ quan điều tra và cơ quan công tố đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt khi nghị án.

Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS sau đây:

a. Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm;

b. Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;

s. Người phạm tội thành khẩn khai báo hoặc ăn năn hối cải;

t. Người phạm tội tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện hoặc điều tra tội phạm…

Tại sao cụm từ “chính sách hình sự đặc biệt” lại xuất hiện trong vụ đại án tham nhũng AVG và MobiFone?

Theo kết luận điều tra, trong 12 bị can được đề nghị cho áp dụng chính sách hình sự đặc biệt có chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ, cựu Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn… song không có cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son.

Hành vi của Phạm Nhật Vũ nêu trên đã phạm vào tội “Đưa hối lộ”. Quá trình điều tra, bị can Phạm Nhật Vũ được đánh giá đã thành khẩn khai báo hành vi phạm tội của bản thân, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra làm rõ vụ án.

Bị can Vũ đã chủ động hủy bỏ thỏa thuận và hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, tự nguyện trả lại MobiFone toàn bộ số tiền đã nhận tính cả lãi và chi phí dự án góp phần làm giảm tối đa thiệt hại cho Nhà nước.

Gia đình bị can Vũ có công với với cách mạng, ngoài ra, bị can đã có nhiều đóng góp cho GHPGVN, Hội nạn nhân chất độc da cam, bom mìn, mồ côi, các hoạt động an sinh xã hội…

Do đó, Cơ quan điều tra đề nghị quá trình truy tố, xét xử xem xét các tình tiết giảm nhẹ, “áp dụng chính sách hình sự đặc biệt phù hợp khi lượng khung hình đối với bị can Phạm Nhật Vũ”.

Tôi cho rằng Phạm Nhật Vũ là chủ mưu trong vụ đại án tham nhũng này, Vũ là nguyên nhân của mọi nguyên nhân làm tha hóa các quan chức của chế độ trong vụ mua bán này. Đồng thời âm ưu, mục đích của Vũ là chiếm đoạt khoảng 7,000 tỷ đồng của nhà nước tại MobiFone.

Và theo quan điểm của tôi, những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của Phạm Nhật Vũ không phải là nguyên nhân chính để cơ quan điều tra Bộ công an đưa thêm cụm từ “chính sách hình sự đặc biệt” vào kết luận điều tra. Và rất có thể cụm từ “chính sách hình sự đặc biệt” sẽ còn được tiếp tục áp dụng rộng rãi trong thời gian tới.

Vậy đâu là nguyên nhân chính?

Mọi người Việt Nam đều biết rõ Phạm Nhật Vũ là em trai của tỷ phú đầu tiên của Việt Nam Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch tập đoàn Vingroup.

Qua truyền thông của nhà nước cộng sản, chúng ta có thể thấy Phạm Nhật Vượng có mối quan hệ gần gũi và có ảnh hưởng với hầu hết các quan chức hàng đầu của chế độ cộng sản như Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc…

Bởi vậy Phạm Nhật Vượng không thể để em trai của phải chịu hình phạt tù quá nặng nề.

Và đây mới có thể thực sự là nguyên nhân chính xuất hiện cụm từ “chính sách hình sự đặc biệt” trong kết luận điều tra của vụ đại án tham nhũng AVG và MobiFone.

VOA

Báo nhà nước viết gì?

 

Vì sao áp dụng ‘chính sách hình sự đặc biệt’ với Phạm Nhật Vũ, Trương Minh Tuấn?

06/09/2019

TTO – Cụm từ ‘chính sách hình sự đặc biệt’ lần đầu tiên xuất hiện trong văn bản tố tụng khi cơ quan điều tra đề nghị cho Phạm Nhật Vũ, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà và một số bị can được hưởng.

Vì sao áp dụng chính sách hình sự đặc biệt với Phạm Nhật Vũ, Trương Minh Tuấn? - Ảnh 1.

Phạm Nhật Vũ (trái), Lê Nam Trà và một số bị can khác được đề nghị hưởng chính sách hình sự đặc biệt – Ảnh: T.L.

Theo kết luận điều tra đại án MobiFone mua 90% cổ phần AVG, có 11 bị can được đề nghị cho áp dụng chính sách hình sự đặc biệt. Trong danh sách này có chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ, cựu bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn… nhưng không có tên cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son.

“Chính sách ưu việt”

Theo kết luận, Phạm Nhật Vũ đã đưa hối lộ 3 triệu USD cho Nguyễn Bắc Son; 2,5 triệu USD cho cựu chủ tịch MobiFone Lê Nam Trà; 500.000 USD cho cựu tổng giám đốc MobiFone Cao Duy Hải và 200.000 USD cho cựu bộ trưởng Trương Minh Tuấn. Hành vi của ông Vũ bị đề nghị truy tố về tội “đưa hối lộ” theo khoản 4 điều 364 Bộ luật hình sự 2015 với khung hình phạt 12-20 năm tù.

Tuy nhiên, cơ quan điều tra đã đề nghị “áp dụng chính sách hình sự đặc biệt” phù hợp khi truy tố, xét xử vì cho rằng bị can thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác để làm rõ vụ án, chủ động hủy bỏ hợp đồng chuyển nhượng, tự nguyện trả lại MobiFone số tiền đã nhận gần 8.900 tỉ đồng (tính cả lãi và các chi phí khác), góp phần làm giảm tối đa thiệt hại cho Nhà nước.

Tương tự, cựu bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng được ghi nhận đã thành khẩn khai báo, có nhiều thành tích trong quá trình công tác và đề nghị áp dụng chính sách hình sự đặc biệt khi truy tố xét xử.

Giải thích về đề nghị trên của cơ quan điều tra, thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, thứ trưởng Bộ Công an, cho rằng chính sách khoan hồng của pháp luật là rất rõ ràng, cụ thể, ghi nhận sự hợp tác tích cực của những người có hành vi phạm tội đối với cơ quan điều tra, cũng như khắc phục hậu quả tốt.

“Đây là chính sách ưu việt mà chúng tôi kiến nghị áp dụng đối với những người khai báo thành khẩn, hợp tác tích cực, khắc phục các hậu quả đã xảy ra” – ông Ngọc giải thích tại buổi họp báo Chính phủ.

Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc khẳng định Bộ Công an đã điều tra toàn diện vụ án, vi phạm đến đâu kết luận đến đó.

Chưa được quy định trong luật

Liên quan đến việc cơ quan điều tra đề nghị áp dụng “chế định hình sự đặc biệt” đối với các bị can trong vụ án xảy ra tại AVG, các chuyên gia đều cho biết chế định này chưa được quy định trong Bộ luật hình sự, tố tụng hình sự.

Lãnh đạo một viện kiểm sát tại khu vực phía Nam cho rằng có thể hiểu đây là các tình tiết như tích cực hỗ trợ cơ quan điều tra chứng minh tội phạm được coi là một tình tiết giảm nhẹ đặc biệt. Cũng là tình tiết giảm nhẹ nhưng nó đặc biệt hơn các tình tiết khác. Vì qua các tài liệu mà bị can cung cấp, cơ quan điều tra nhanh chóng phá án thành công, nhất là với các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp như vụ án này mà có những tài liệu để chứng minh, mở rộng vụ án, xử lý triệt để vụ án… thì luật có quy định là tình tiết giảm nhẹ. Nhưng trong thực tế muốn nhấn mạnh hơn thì gọi là “giảm nhẹ đặc biệt”, chỉ là một thuật ngữ.

“Thông thường khi đã đề nghị áp dụng tình tiết giảm nhẹ đặc biệt thì sẽ được xem xét giảm nhẹ. Như trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí, các bị can khắc phục hậu quả triệt để cũng được áp dụng “nhảy khung”, tức là áp dụng khung hình phạt thấp hơn một khung liền kề. Ví dụ, bị can bị truy tố khoản 4 nhưng khi xét xử thì tòa có thể tuyên mức án ở khoản 2. Tuy nhiên, việc tuyên vì tình tiết này phải được ghi rõ trong bản án”, lãnh đạo viện kiểm sát trên phân tích.

Theo luật sư Diệp Năng Bình, trong Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 và Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 không hề có thuật ngữ “chính sách hình sự đặc biệt”. Chính sách hình sự được hiểu là một bộ phận của chính sách pháp luật thể hiện tư tưởng, quan điểm của Đảng và Nhà nước trong đấu tranh phòng chống tội phạm trong từng thời kỳ nhất định.

Đối với một vụ án cụ thể, một đối tượng phạm tội cụ thể thì căn cứ vào các quy định của Bộ luật hình sự như các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ để hội đồng xét xử quyết định hình phạt. Đó có thể là quyết định hình phạt dưới khung hoặc miễn hình phạt nhưng phải căn cứ theo quy định tại Bộ luật hình sự chứ không thể tùy tiện áp dụng ưu ái cho riêng ai với một “chính sách hình sự đặc biệt”.

Sự “sáng tạo” của cơ quan điều tra?

Còn ông Nguyễn Trí Tuệ, phó chánh án TAND tối cao, khẳng định đây là một sự “sáng tạo” của cơ quan điều tra bởi trong tất cả các văn bản tố tụng thì chưa có văn bản nào đề cập các thuật ngữ này.

Có thể hiểu, các bị can trong vụ án AVG đã tích cực khắc phục hậu quả và thành khẩn khai báo… họ có nhiều tình tiết giảm nhẹ được quy định trong Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, khắc phục hậu quả triệt để cũng chỉ là một trong những tình tiết giảm nhẹ mà thôi.

“Mặt khác, các cơ quan tố tụng cũng sẽ xem xét việc đã khắc phục triệt để thực tế hay mới chỉ là làm đơn xin khắc phục? Việc được coi là tình tiết giảm nhẹ khi khắc phục hậu quả phải là tiền đã được nộp vào ngân sách rồi”, ông Tuệ đặt vấn đề.

Ông Phạm Văn Nam, chánh án TAND tỉnh Điện Biên, nhận định đây chỉ là bị can có nhiều tình tiết giảm nhẹ theo quy định của pháp luật. Như vậy, khi xét xử thì hội đồng xét xử có thể cân nhắc xem xét để đưa ra mức án phù hợp. Các văn bản tố tụng không quy định về thủ tục xét xử đặc biệt trong vụ án như thế này.

Tuổi Trẻ

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen