Seite auswählen

Chu Mộng Long

15-9-2019

“Các người đã cống hiến gì cho đất nước?” là câu của một quan chức cao cấp, sau được đám dư luận viên vô học ăn theo nói leo thành câu cửa miệng khi muốn chụp mũ hay vặn vẹo ai đó đứng ra phản biện chính sách, phản biện xã hội.

Tôi thường khinh bỉ cái câu hỏi này nên không thèm trả lời. Nhưng thấy điệp khúc này vang lên như “lời non sông đất nước” nên nhân đây trả lời một lần.

Một là, kẻ hỏi câu này phải là những người đã từng xả thân vì đất nước mới đủ tư cách. Nhưng xem ra những người hỏi đó, hoặc là quan tham, hoặc là con ông cháu cha vắt chưa sạch váng mũi hỏi để chứng tỏ mình đã xả thân vì đất nước. Cho nên, tôi rất mong các người hãy xả thân, tức chết nhanh đi cho dân nhờ!

Hai là, ông Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Trưởng ban tuyên giáo Trung ương từng viết trường ca Mặt đường khát vọng với những câu xác định vai trò của nhân dân đối với đất nước mà chỉ có những kẻ vô học mới chưa được học: “Đất nước này là đất nước của Nhân dân…”. Nhân dân đó là “những người đã từng sống và chết”, “giản dị và bình tâm, không ai nhớ mặt đặt tên, nhưng họ đã làm nên Đất nước”. Họ làm bằng cách nào? Họ đem máu và nước mắt của mình để góp thành núi, sông, cánh đồng, góp cả phong tục tập quán, ca dao, thần thoại. Họ làm nên cả hình hài lẫn hồn thiêng đất nước. Kẻ cống hiến thực sự cho đất nước thường lặng lẽ âm thầm chứ không vỗ ngực tự xưng… như bọn ngáo đá.

Ba là, giảng ở nghĩa thi ca trên có lẽ kẻ vô học như các người sẽ không hiểu được, dù các người ai cũng có đủ các loại bằng. Thôi thì đơn giản là, mỗi công dân hàng ngày đều lao động, đổ mồ hôi sôi nước mắt để đóng thuế nuôi cả bộ máy cồng kềnh của các người đã là đóng góp, không cho đất nước cũng là cho các người vinh thân phì da. Khi có giặc thì cũng chính con em của nhân dân ra trận bảo vệ đất nước chứ không phải các người với tư cách là kẻ ăn trên ngồi trốc hay con ông cháu cha rúc dưới hầm hay dưới gầm giường tránh đạn.

Bốn là, cá nhân tôi, cả tuổi thanh xuân đã cầm súng đánh giặc mới vào đại học, mất mấy kỳ lương nhưng không than oán. Bây giờ dù hưởng lương bằng những đứa lẽ ra là học trò của tôi, nhưng tôi vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, công việc nặng gấp bao nhiêu lần kẻ lương cao chót vót. Chưa kể thuế má các loại tôi đóng đầy đủ, đến mức nhuận bút bài báo có 300.000 đồng tôi vẫn phải đi qua 5 cửa để đóng thuế thu nhập 15 ngàn nuôi các người.

Đem trí tuệ và tâm huyết phản biện, góp ý cho đất nước tốt đẹp hơn, bất chấp cả hiểm nguy cũng là cống hiến hy sinh lớn lao cho đất nước. Những kẻ ngậm miệng ăn tiền hay cả đời nịnh hót để hưởng lợi từ máu nhân dân mới thật xấu hổ, nhục nhã.

Tóm lại, cái câu “các người đã làm gì cho đất nước?” là câu hỏi mất dạy của kẻ vô loài, hỗn xược với nhân dân, vô ơn bạc nghĩa với nhân dân. Hay là các người đòi nhân dân cống hiến như các người: ăn trên ngồi trốc, tàn phá đất nước?

Cũng lạ. Thời chiến tranh, cái gì cũng Nhân dân, xem Nhân dân như cha như mẹ để dựa dẫm, để sinh tồn. Bây giờ lại trở mặt, phản bội, mở mồm ra là phỉ báng Nhân dân!

Bà nội tôi là mẹ chiến sĩ, từng nuôi 3 chiến sĩ dưới hầm bí mật. Sau có chiến sĩ làm quan to giở giọng đó, bà chửi: “Biết vậy ngày xưa bà cho ăn cứt!”

Khi tôi góp ý câu chữ của VTV, có một nick tên Mặc Tuân nhắc nhở tôi, rằng “có tài hơn người thì hãy ra tay giúp nước đi!”. Dạ thưa, tôi giúp nước trong bổn phận công dân của mình rồi đấy. Còn muốn tôi giúp nước nhiều hơn nữa thì:

1) Tôi không thể giúp nước bằng trò ăn bám, tàn phá đất nước như các người,

2) Còn nếu muốn tôi giúp cho đất nước sánh ngang cường quốc năm châu thì liệu mấy ông to bà lớn trên cao kia có nhường chỗ cho tôi và những người tâm huyết với đất nước không? Nhường đi, chúng tôi cống hiến cho!

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen