Seite auswählen

Hội thảo tại Mỹ phân tích ‘khuynh hướng cộng hòa’ ở VN trước 1975

Cử tọa tại hội thảo về chủ nghĩa cộng hòa ở Việt Nam; Đại học Oregon, 14/10/2019

Một hội thảo về “quan điểm, khuynh hướng cộng hòa” ở Việt Nam trong giai đoạn 1955-1975 vừa diễn ra trong hai ngày 14 và 15/10 tại thành phố Eugene, bang Oregon.

Tham gia sự kiện, do Đại học Oregon tổ chức, là hàng chục học giả, nghiên cứu sinh của Mỹ, Việt Nam, Anh, Úc và Đức. Họ trình bày hơn 30 bài tham luận về các chính sách chính trị, kinh tế; đời sống văn hóa, xã hội, tôn giáo; và các trào lưu văn chương, nghệ thuật ở Việt Nam Cộng Hòa.

Cùng với giới học thuật, một số cựu quan chức VNCH, trong đó có các ông Nguyễn Đức Cường, Hoàng Đức Nhã, Nguyễn Mạnh Hùng, cũng đóng góp tham luận và ý kiến phản biện từ vị trí người trong cuộc và nhân chứng lịch sử.

Trưởng ban tổ chức hội thảo, giáo sư Vũ Tường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương, Đại học Oregon, cho biết cuộc hội thảo này nối tiếp các cuộc thào luận trước đây về VNCH đã thực hiện tại Đại học Cornell năm 2012 và Đại học UC Berkeley năm 2016.

Trong phát biểu đề dẫn, diễn giả chính, giáo sư Peter Zinoman chỉ ra rằng nghiên cứu về “chủ nghĩa cộng hòa” ở Việt Nam mới chỉ được giới học thuật quan tâm đến trong một thập niên trở lại đây.

Vị giáo sư danh tiếng thuộc Khoa Sử, Đại học UC Berkeley, cho rằng có 3 lý do khiến chủ đề này được nghiên cứu muộn màng.

Trước hết, không có nhiều người Việt thời Pháp thuộc tự nhận mình là người theo chủ nghĩa cộng hòa, có lẽ vì mối e ngại về việc thuật ngữ đó gắn với sự bành trướng của chủ nghĩa đế quốc, giáo sư Zinoman đưa ra quan điểm.

Thứ hai, vẫn theo ông Zinoman, giới nghiên cứu chính thống có quan niệm rằng VNCH thiếu một tư tưởng chính trị sâu sắc ngoài hai tính chất là chống cộng và thân Mỹ. Vì vậy, trong con mắt giới học thuật chính thống, nếu cho rằng đã có chủ nghĩa cộng hòa ở Nam Việt Nam trước năm 1975, điều này sẽ “không hữu ích” cho những lập luận của họ về kết cục của VNCH trong Chiến tranh Việt Nam.

Về lý do thứ ba, giáo sư Zinoman đưa ra nhận định là đến nay “có sự dịch chuyển thế hệ” trong giới nghiên cứu với “nhãn quan hậu chiến” về lịch sử Việt Nam.

Vị giáo sư Mỹ nhận xét rằng lâu nay vẫn tồn tại những định kiến hoặc thông tin không đầy đủ về VNCH, vì vậy, những nghiên cứu mới về chủ nghĩa cộng hòa là cần thiết để làm sáng tỏ các vấn đề.

Ông Zinoman nói:

“Những tiến triển theo thời gian trong giới học thuật nghiên cứu về chủ nghĩa cộng hòa và VNCH có thể làm cho chúng ta lạc quan một cách thận trọng. Điều đó cho thấy thay đổi có thể diễn ra, dù chậm chạp hoặc theo kiểu hai bước tiến một bước lùi”.

Cử tọa đã được nghe và hỏi đáp sôi nổi về những bài tham luận giàu thông tin, với nhiều dữ liệu vững chắc của các nhà nghiên cứu Martina Nguyen, Nu-Anh Tran, Yen Vu, Duy Lap Nguyen, Cindy Nguyen, Y Thien Nguyen, Alvin Bui, Tuan Hoang, Adrienne Minh-Chau Le, Pham Vu Lan Anh, Hao (Howie) Jun Tam, Trinh Luu, Vinh Pham, Nathalie Huynh Chau Nguyen, Nguyễn Đức Cường, Hoàng Đức Nhã, Hoàng Phong Tuấn, Nguyễn Thị Minh, Trương Thùy Dung, Nguyễn Thị Từ Huy, Phạm Thị Hồng Hà, Jason Picard, Christoph Giebel, Mark Sidel, Wynn Gadkar-Wilcox, Edward Miller, Sean Fear, David Prentice, George Veith, Olga Dror, và Jason Gibbs.

Họ đến từ những trường danh tiếng của Mỹ, gồm Berkeley, Cornell, Brown, Columbia, Texas A&M, George Mason…, cũng như một số trường, viện lớn khác của Việt Nam và nước ngoài.

Nhìn chung, các tham luận cho rằng các cơ chế, tập quán chính trị, giáo dục, kinh tế, văn nghệ, tôn giáo ở VNCH đều tự do, nhân bản hơn hẳn so với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở miền bắc trong giai đoạn 1955-1975.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các cơ chế, tập quán đó dù có giá trị tuyệt vời về dài hạn song không phù hợp trong hoàn cảnh VNCH đang có một cuộc chiến dữ dội với các lực lượng cộng sản, thậm chí phần nào còn làm suy yếu sự tập trung, đoàn kết và tinh thần của VNCH, đưa đến kết cục tháng 4/1975.

Giáo sư Vũ Tường, trưởng ban tổ chức hội thảo, ghi nhận việc có tới 7 nhà nghiên cứu đến từ thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội tham gia hội thảo, một biểu hiện về sự cởi mở hơn về phía nhà nước Việt Nam và sự mạnh bạo hơn về phía các nhà nghiên cứu ở trong nước đối với các đề tài “nhạy cảm”.

Trong trao đổi với phóng viên VOA, vị trưởng ban tổ chức cũng đánh giá cao các nhà nghiên cứu trẻ, trong độ tuổi 20-30, là người gốc Việt ở Mỹ, Úc và Đức đóng góp tới 60% lượng bài tham luận tại hội thảo. Ông Tường Vũ cho rằng thực tế đó chứng minh là tư tưởng cộng hòa vẫn đang được nuôi dưỡng trong cộng đồng người Việt hải ngoại hôm nay.

Nhận xét về phẩm chất công việc của các nhà nghiên cứu trẻ Việt kiều, giáo sư Tường Vũ nói:

“Họ rất tốt, họ rất là giỏi, họ nghiên cứu kỹ. Phần lớn họ được đào tạo bài bản ở những trường lớn của Mỹ, thành ra là những nghiên cứu [của họ] rất bài bản, rất tốt”.

Tập tài liệu giới tóm tắt về hội thảo “Xu hướng cộng hòa ở Việt Nam”; Đại học Oregon, 14/10/2019

Bày tỏ “vui mừng” khi nhiều bạn trẻ gốc Việt quan tâm, tìm hiểu, góp phần bảo tồn lịch sử, ông Hoàng Đức Nhã, nguyên Tổng trưởng Dân vận và Chiêu hồi của VNCH, nói với VOA rằng ông cũng muốn khuyên họ “cần thận trọng” khi tham khảo các nguồn tư liệu trong nước để tránh bị ảnh hưởng từ các thông tin “bị bóp méo”.

Kết thúc hội thảo, giáo sư Tường Vũ cho biết ban tổ chức sẽ tập hợp 32 bài tham luận rất có giá trị để in thành sách trong vòng 1 năm.

Trong những bài kế tiếp, VOA sẽ tường thuật chi tiết hơn về các quan điểm và những tranh luận xoay quay một số vấn đề chính yếu có tính cách quyết định đến sự hưng vong của Việt Nam Cộng Hòa và di sản để lại được bảo tồn trong cộng đồng người Việt hải ngoại.

VOA (18.10.2019)

VNCH: ‘Những lý tưởng không bao giờ mất đi’

Bản quyền hình ảnhGETTY IMAGESImage captionViệt Nam Cộng Hòa và lịch sử giai đoạn VNCH đã được phản ánh thiếu khách quan do nhiều nguyên nhân, theo nhà nghiên cứu từ Đại học Oregon, Hoa Kỳ

Đã có nhận thức mới cho phép lịch sử tái đánh giá vai trò của nhiều nhân vật, biến cố lịch sử và xu hướng chính trị từng bị lãng quên trong lịch sử Việt Nam, trong đó có giai đoạn Việt Nam Cộng hòa (VNCH) và cả ngay trước đó, với hàng loạt nhân vật từ Trần Trọng Kim, tới Ngô Đình Nhu, Nguyễn Văn Thiệu và nhiều người khác, một học giả từ Mỹ nói với BBC sau một hội thảo nghiên cứu VNCH mới tổ chức vào trung tuần tháng Mười.

Đặc biệt tân khái niệm và cách nhìn mới về “chủ nghĩa cộng hòa” trong chính trị Việt Nam sẽ cho phép giới nghiên cứu sử học và Việt Nam học nhìn nhận vai trò quan trọng hơn của chế độ Việt Nam Cộng hòa trong lịch sử hiện đại Việt Nam và những lý tưởng này sẽ “không bao giờ mất đi”, Giáo sư Vũ Tường, nhà nghiên cứu khoa học chính trị, từ Đại học Oregon, cơ quan tổ chức cuộc hội thảo khoa học trong hai ngày 14-15/10/2019, chia sẻ với BBC qua một trao đổi bằng bút đàm hôm 17/10, mà dưới đây là nội dung.

BBC: Xin Giáo sư vui lòng cho biết những kết quả chính yếu và nhận thức mới đáng kể nhất đã thu lượm được qua Hội thảo?

Hướng nghiên cứu sẽ mở rộng ra những khía cạnh của Việt Nam Cộng hoà chưa được biết đến nhiều, như văn hoá, văn nghệ, giáo dục, kinh tế, đối ngoại, xã hội dân sự, thể chế dân chủ, tư tưởng đa nguyên và tự do, hệ thống đảng phái chính trịGS. Vũ Tường, Đại học Oregon

GS. Vũ Tường: Hội thảo đề xuất khái niệm và cách nhìn khá mới cho việc nghiên cứu và đánh giá lịch sử hiện đại của Việt Nam: đó là khái niệm chủ nghĩa cộng hoà trong chính trị Việt nam. Sự hưởng ứng đông đảo và nhiệt tình của giới học giả từ những vị thâm niên đến giới trẻ ở Việt Nam và bên ngoài, từ những nhà nghiên cứu lịch sử thời thuộc địa đến những học giả về cộng đồng di dân hoặc tị nạn Việt ở nước ngoài cho thấy sự cộng hưởng mạnh về ý tưởng, đề tài, và cách tiếp cận trong nghiên cứu lịch sử do khái niệm mới đem lại.

Khái niệm mới sẽ cho phép sử gia đánh giá lại vai trò của những nhân vật, biến cố, và xu hướng chính trị thường bị lãng quên trong lịch sử Việt nam như Trần Trọng Kim, Hoàng Đạo, Trần Văn Tùng, Phan Quang Đán, Ngô Đình Nhu, và Nguyễn Văn Thiệu, cũng như các nhóm hay nhân vật hoạt động văn hoá như Tự Lực Văn Đoàn, Đoàn Ánh Sáng, Sáng Tạo, Bách Khoa, Lương Kim Định, Thích Nhất Hạnh, Sư Chân Không, Thích Minh Châu, Nguyễn Mộng Giác, Lý Thu Hồ, và Lan Cao.

Khái niệm mới sẽ cho phép giới sử gia nhìn nhận vai trò lớn hơn của chế độ Việt Nam Cộng hoà trong lịch sử hiện đại Việt Nam. Đó không phải một chế độ do nước ngoài áp đặt lên Việt Nam như thường đọc thấy trong sách vở ở Việt Nam hay ở Mỹ, mà nó là thể hiện cụ thể, mặc dù không hoàn hảo, những lý tưởng của chủ nghĩa cộng hoà truyền đến Việt Nam từ thời thuộc địa và được giới tinh hoa lúc đó xem như một hướng đi tiến bộ cho Việt Nam tương lai. Những lý tưởng đó không mất đi với chế độ Việt Nam Cộng hoà dù bị đàn áp khốc liệt bởi những người cộng sản sau năm 1975.

Đề tài hứa hẹn

Hai giáo sư Tường Vũ và Keith Taylor tại hội thảo hôm 15/10/2019, tại Đại học Oregon

BBC: Những nhận thức mới và kết quả này sẽ được giới nghiên cứu Việt Nam Cộng Hòa và Việt Nam học tại Mỹ xử lý ra sao?

GS Vũ Tường: Tôi hy vọng nghiên cứu về Việt Nam Cộng hoà, chiến tranh Việt Nam, và Việt Nam học nói chung, sẽ có nhiều tương tác hơn trong tương lai.

Sẽ có nhiều nhà nghiên cứu trẻ quan tâm hơn đến Việt Nam Cộng hoà và nghiên cứu về đề tài này sẽ phát triển hơn.

BBC: Hướng nghiên cứu và chủ đề chính kế tiếp đây, liên quan Nghiên cứu VNCH, sẽ có thể là gì và sẽ được thi triển ra sao? Các hội thảo tiếp theo đã được dự liệu, hay lên kế hoạch sơ thảo hay chưa?

Mối quan tâm chính của giới học giả và cộng đồng tại Mỹ là những thiếu sót về hiểu biết cũng như những thông tin sai lạc và thái độ miệt thị đối với không chỉ Việt Nam Cộng hoà mà cả xu hướng chính trị cộng hoà trong lịch sử Việt NamGS. Vũ Tường, Đại học Oregon

GS Vũ Tường: Hướng nghiên cứu sẽ mở rộng ra những khía cạnh của Việt Nam Cộng hoà chưa được biết đến nhiều, như văn hoá, văn nghệ, giáo dục, kinh tế, đối ngoại, xã hội dân sự, thể chế dân chủ, tư tưởng đa nguyên và tự do, hệ thống đảng phái chính trị, v.v…

Chúng tôi chưa có kế hoạch cho các hội thảo tiếp theo vì trước mắt phải tập trung vào công tác xuất bản các bài viết đã được trình bày trong hội thảo lần này.

Phần lớn các bài viết đều rất chắc chắn với tư liệu mới, cách nhìn mới và lập luận chặt chẽ, có nghĩa là thời gian phản biện và chỉnh sửa sẽ không lâu.

BBC: Giáo sư có thể chia sẻ về quan tâm chính của giới học thuật cũng như trong cộng đồng tại Mỹ về nghiên cứu VNCH, đặc biệt qua hội thảo lần này và lý do?

GS Vũ Tường: Mối quan tâm chính của giới học giả và cộng đồng tại Mỹ là những thiếu sót về hiểu biết cũng như những thông tin sai lạc và thái độ miệt thị đối với không chỉ Việt Nam Cộng hoà mà cả xu hướng chính trị cộng hoà trong lịch sử Việt Nam.

Điều này do di sản của phong trào phản chiến ở Mỹ vào thập niên 1960. Phong trào này bị ảnh hưởng nặng nề bởi tuyên truyền của chế độ cộng sản miền Bắc, dẫn đến những thành kiến còn tồn tại đến ngày nay đối với Việt Nam Cộng hoà.

Đưa vào giáo trình

BBC: Về lực lượng nghiên cứu thuộc thế hệ trẻ, sự quan tâm này thể hiện ra sao và các hướng giảng dạy, đào tạo từ nay tới tương lai ở các cấp đại học và sau đại học sẽ thế nào?

GS Vũ Tường: Với các công trình nghiên cứu mới được xuất bản, chúng tôi hy vọng cách nhìn mới sẽ được đưa vào giáo trình cho các nghiên cứu sinh và sinh viên đại học.

BBC: Được biết, có một số học giả và đại biểu tới dự hội thảo từ Việt Nam, đã, đang hay sẽ có sự kết hợp, hợp tác nào và ra sao (nếu có) giữa giới nghiên cứu ở hải ngoại (nhất là tại Mỹ) và ở Việt Nam (từ trong nước) về nghiên cứu VNCH? Sự kết hợp này có hứa hẹn, triển vọng gì không, nếu có?

GS Vũ Tường: Họ đã, đang, và sẽ hợp tác nhiều hơn trong tương lai.

Phía các nhà nghiên cứu Việt Nam cần sự hỗ trợ về cách nhìn, tài liệu thư viện (các công trình nghiên cứu ở nước ngoài), và môi trường để trình bày nghiên cứu.

Các học giả nước ngoài cần tư liệu lưu trữ cũng như tiếp cận những nhân vật lịch sử (nếu còn sống hay qua gia đình) ở Việt Nam.

Giáo sư Vũ Tường giảng dạy và nghiên cứu tại Khoa Khoa học Chính trị, Đại học Oregon, Hoa Kỳ từ năm 2008. Ông từng thỉnh giảng tại Đại học Princeton, Đại học Quốc gia Singapore, cũng như tại Naval Postgraduate School ở Monterey, California.

Cuộc hội thảo khoa học “Việt Nam Cộng Hòa, những vấn đề, thách thức và tầm nhìn” được Trung tâm Nghiên cứu Châu Á và Thái Bình Dương, thuộc Đại học Oregon, tổ chức ở thành phố Eugene, tiểu bang Oregon, Hoa Kỳ trong hai ngày, tháng 10/2019, với khoảng 150 đại biểu, trong số đó có các nhà nghiên cứu, sử gia, Việt Nam học, nhân chứng lịch sử và các thành viên cộng đồng, tham dự.

BBC (18.10.2019)

***

Hội thảo về VNCH, nền dân chủ sinh ra trong chiến tranh

Trong hai ngày 14 và 15 Tháng Mười, 2019, tại Đại Học Oregon, thành phố Eugene, tiểu bang Oregon, diễn ra một cuộc hội thảo về Việt Nam Cộng Hòa mang tên: Việt Nam Cộng Hòa, những vấn đề, những thách thức và tầm nhìn (Studying Republican Vietnam: Issues, Challenges, And Prospects).

Cuộc hội thảo do Trung Tâm Nghiên Cứu Châu Á và Thái Bình Dương tổ chức.

Tham dự hội thảo có khoảng 150 người trong đó có nhiều chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu về Việt Nam tham dự. Có một số viên chức cao cấp của chính thể Việt Nam Cộng Hòa tham dự là hai cựu tổng trưởng: ông Hoàng Đức Nhã, Bộ Thông Tin-Chiêu Hồi và ông Nguyễn Đức Cường, Bộ Thương Mại-Kỹ Nghệ.

Trong ngày đầu tiên, các diễn giả trình bày và và tranh luận về những ngày đầu nhà nước Việt Nam Cộng Hòa được thành lập, sau khi cuộc chiến Đông Dương lần thứ nhất kết thúc vào năm 1954, với rất nhiều khó khăn.

Khó khăn chính trị

Diễn giả đến từ Đại Học Connecticut là bà Nu-Anh Tran cho rằng, những chính trị gia của nền Cộng Hòa đầu tiên tại miền Nam Việt Nam đã do dự khi chọn mô hình chính trị nào cho Việt Nam Cộng Hòa. Cuối cùng nhóm thắng thế là nhóm của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, với một mô hình không hoàn toàn là dân chủ, với sự hạn chế một số quyền tự do.

Bên cạnh đó, diễn giả Yen Vu, từ Đại Học Cornell, đã phân tích các trước tác của một tác giả là ông Trần Văn Tùng, một người Việt sống tại Pháp.

Ông Trần Văn Tùng đã tìm kiếm một ý tưởng để xây dựng một nhà nước Việt Nam không cộng sản, ngay từ khi người Pháp ký thỏa hiệp Elysee tại Paris, trao độc lập cho Quốc Gia Việt Nam. Ông đã thành lập Đảng Dân Chủ Việt Nam vào năm 1955, với những tư tưởng cộng hòa, nhân bản, phát triển thế hệ trẻ của nước Việt Nam.

Diễn giả cho rằng khi Việt Nam Cộng Hòa được thành lập, tại miền Nam không chỉ có hai lựa chọn, hoặc Ngô Đình Diệm, hoặc cộng sản, mà còn có một mô hình khác, nhưng đã không được chọn lựa.

Khi phân tích những tác phẩm của ông Trần Văn Tùng, tác giả thấy rằng sự va chạm của xã hội Việt Nam và phương Tây, đã đưa ra một nhu cầu về quyền tự do cá nhân, một cách nhanh chóng.

Sự nhanh chóng này cũng được bà Martina Nguyen, từ trường Baruch College, đưa ra khi nghiên cứu về nhóm Tự Lực Văn Đoàn, cuối thời Pháp thuộc.

Theo bà Martina Nguyen, nhóm văn chương độc lập này đã cổ võ cho một mô hình để thay đổi xã hội Việt Nam theo hướng quan tâm tới bất công xã hội, cổ vũ dân chủ và tự do. Mặc dù sau đó Tự Lực Văn Đoàn đã chấm dứt tồn tại, nhưng những hoạt động của họ thực sự là một dự án chính trị cho nền Cộng Hòa của Việt Nam.

Sự ảnh hưởng về quyền tự do cá nhân lên các cư dân thành thị tại miền Nam Việt Nam đã tạo nên xung đột với mô hình chính trị mà nhóm của Tổng Thống Ngô Đình Diệm chọn lựa để cai trị miền Nam.

Khó khăn của cuộc di cư trốn chế độ Cộng Sản miền Bắc

Sau khi Hiệp Định Geneva được ký kết vào năm 1954, miền Bắc Việt Nam trở thành một quốc gia Cộng Sản, chỉ do một đảng Cộng Sản cai trị.

Có hơn 800 ngàn người dân miền Bắc di cư vào Nam để tránh chế độ toàn trị của miền Bắc.

Cuộc di cư này, theo diễn giả Jason Picard, một nhà nghiên cứu độc lập, đã đặt xã hội miền Nam vào trong một tình trạng khó khăn. Một mặt phải lo nơi ăn chốn ở cho một số lượng lớn dân cư, mặt khác phải giải quyết những bất hòa xảy ra giữa cư dân địa phương và những người mới đến.

Một số thành quả kinh tế

Mặc dù Việt Nam Cộng Hòa đã gặp rất nhiều khó khăn về chính trị như vậy, nhưng theo diễn giả Nguyễn Đức Cường, cựu tổng trưởng Thương Mại và Kỹ Nghệ, Việt Nam Cộng Hòa đã đạt được một số thành quả đáng kể về kinh tế.

Ông Nguyễn Đức Cường nêu ra một số đánh giá cho rằng đã có lúc nền kinh tế Việt Nam Cộng Hòa đạt tốc độ tăng trưởng đến 4%, và theo nhận định của một số nhà quan sát thì đã đạt đến ngưỡng cửa tăng tốc trở thành một quốc gia phát triển.

Việt Nam Cộng Hòa đã thực hiện thành công việc cải cách điền địa bằng chương trình người cày có ruộng, với hai mục đích: làm cho những tá điền được làm chủ ruộng đất, và biến nông dân thành những nhà hoạt động thương mại trên những sản phẩm nông nghiệp của mình.

Ngoài ra, nền kinh tế Việt Nam Cộng Hòa được đặt nền tảng trên thị trường tự do và những công ty tư nhân. Các ngân hàng đã tiến tới việc cấp tín dụng nhỏ cho nông dân.

Nhưng theo ông Cường, chiến tranh đã làm sự phát triển này bị ngừng lại, và cuối cùng thất bại với sự sa sút của nền kinh tế bị lạm phát cao trong những năm cuối cùng trước khi Sài Gòn bị sụp đổ.

Nguyễn Hòa/Người Việt (tường trình từ Oregon)

***

Tranh luận về những năm cuối của VNCH và TT Nguyễn Văn Thiệu

Trong ngày thứ hai của buổi hội thảo về Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), hôm 15 Tháng Mười, một vấn đề được tranh luận khá sôi nổi là thời gian cuối cùng của VNCH, và những hành động cũng như cá tính của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu.

Tham gia thuyết trình có ba nhà nghiên cứu là ông Sean Fear, đến từ Đại Học Leeds, Anh Quốc; ông David Prentice, Đại Học Oklahoma, Hoa Kỳ; ông Edward Miller, Đại Học Dartmouth, Hoa Kỳ; và ông George Veith, Đại Học Monash, Úc.

Điều mà ông David Prentice đưa ra chưa được những người viết sử ở nhiều phía khác nhau nói tới. Đó là Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã có ý tưởng về “Việt Nam hóa chiến tranh” từ lâu, trước khi người Mỹ rút quân và đưa ra ý tưởng này.

Ý tưởng “Việt Nam hóa chiến tranh” từ trước đến nay hay được nói tới như là một ý tưởng của người Mỹ.

Ông David Prentice điểm lại sơ lược tiểu sử của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, người từng có kinh nghiệm với những người Cộng Sản khi ông tham gia vào mặt trận Việt Minh, trong những ngày đầu tiên của cuộc kháng chiến chống Pháp. Ông Thiệu tham gia mặt trận Việt Minh để chống Pháp, nhưng đã rời bỏ mặt trận này vì thấy rằng nó bị những người Cộng Sản kiểm soát.

Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã có trực giác rằng cần phải giảm sự hiện diện của người Mỹ trong cuộc chiến chống Cộng Sản, và sau trận Tết Mậu Thân năm 1968 kết thúc, ông càng khẳng định trực giác của mình.

Ông David Prentice đã dẫn ra một sự kiện sau Tết Mậu Thân là Tổng Thống Thiệu đã nói với Quốc Hội VNCH rằng: “Mọi thứ từ nay chỉ dựa trên chúng ta mà thôi.”

Ngoài ra ông cũng từng phản đối việc tái oanh tạc miền Bắc Việt Nam, vì cho rằng điều đó gây ra phản ứng bất lợi từ công chúng Mỹ chống chiến tranh, sẽ cản trở viện trợ tài chính và quân sự cho VNCH, trong khi miền Bắc vẫn nhận viện trợ từ Liên Xô và Trung Quốc.

Nhưng cuối cùng những cố gắng của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã thất bại khi người Mỹ tiến hành đàm phán bí mật với miền Bắc Việt Nam, và chính phủ của ông cũng đã thất bại khi không kiểm soát được miền nông thôn, không tổ chức thu thuế được, để có thể tự túc về mặt tài chánh cho quốc gia.

Trong khi đó, diễn giả George Veith trình bày về thất bại của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, khi ông không giữ được quan điểm cứng rắn của mình là đòi hỏi toàn bộ các lực lượng Cộng Sản phải rút ra khỏi miền Nam, vì những áp lực quá lớn từ chính quyền Mỹ của Tổng Thống Nixon, với đe dọa cắt toàn bộ viện trợ. Kết quả là hòa đàm Paris đã được ký kết, đảm bảo sự rút toàn bộ quân đội nước ngoài ra khỏi Việt Nam, nhưng lực lượng Cộng Sản lại không rút đi.

Điều này đã góp phần gây bất lợi cho quân đội VNCH, khi các lực lượng Cộng Sản bắt đầu tấn công quân sự trở lại sau khi hòa đàm Paris ký kết vào Tháng Giêng, năm 1973.

Điều gây tranh cãi nhất là bài thuyết trình của ông Sean Fear.

Trong bài thuyết trình, ông Sean Fear nhấn mạnh đến cuộc bầu cử tổng thống năm 1971 của VNCH, trong cuộc bầu cử này, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu là một ứng cử viên duy nhất.

Ông Sean Fear trích dẫn tài liệu nói rằng chính giới Mỹ đã rất bất bình về cuộc bầu cử này, như ông Henry Jackson, một thượng nghị sĩ rất có ảnh hưởng của Đảng Dân Chủ trong Quốc Hội Mỹ. Ông Jackson vốn là một người ủng hộ chính sách Việt Nam của Tổng Thống Nixon, giữ viện trợ tài chính và quân sự cho VNCH, nhưng sau cuộc bầu cử 1971 của VNCH, đã thay đổi ý kiến.

Bình luận về những vấn đề này, ông Hoàng Đức Nhã, từng là cố vấn thân tín của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu nói với báo Người Việt.

“Tôi thấy những nhà nghiên cứu đó đã dựa trên những tài liệu lưu trữ, nhưng không biết cái bối cảnh của vấn đề, và đó là cái thiếu sót của những giáo sư này. Có những vấn đề mà VNCH đã làm rất tốt.”

Về cá nhân Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, các tác giả Mỹ và Anh tại buổi hội thảo cho rằng, ông là một người khó “nắm bắt,” mặc dù là một gương mặt quan trọng trong suốt thời gian mà người Mỹ cho ra những quyết sách về chiến tranh Việt Nam theo cách nhìn của họ.

Nói về Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, ông Hoàng Đức Nhã cho Người Việt biết: “Điểm mạnh của Tổng Thống Thiệu là cố gắng giữ vững miền Nam Việt Nam trong bối cảnh quân đội phải chiến đấu với những phương tiện càng ngày càng thiếu thốn. Khuyết điểm của ông là đã quá tin người Mỹ với lời hứa sẽ tiếp tục giúp đỡ.”

Trả lời câu hỏi, có phải cho đến hiện nay những ý kiến về chiến tranh Việt Nam vẫn chỉ được nhìn bởi các nhà nghiên cứu nước ngoài, mà đặc biệt là người Mỹ, trong khi những người miền Nam Việt Nam vẫn chưa được cất lên tiếng nói?

Ông Hoàng Đức Nhã đồng ý và nói rằng, đó là lý do vì sao ông cố gắng đến những cuộc hội thảo như cuộc hội thảo này.

Theo Người Việt

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen