Seite auswählen

Số liệu trong báo cáo ‘Precarious Journey‘ (tạm dịch: ‘Hành trình chông gai’) của Ecpat UK, Anti-Slavery International và Pacific Links Foundation cho thấy, các năm từ 2009-2018, riêng tại Anh, đã có 3.187 người lớn và trẻ em Việt Nam được xác định là nạn nhân của nạn buôn người.

Trong vài năm qua, người mang quốc tịch Việt Nam được xác định là nằm trong nhóm ba nước đứng đầu về số lượng nạn nhân của nạn buôn người ở Anh.

Nghiên cứu ‘En route to the United Kingdom‘ (Tạm dịch ‘Đường đến Anh’) của Viện nghiên cứu Đông Nam Á đương đại ở Bangkok và France terre d’asile (Pháp) thực hiện trong năm 2017 cho thấy, rất nhiều trong số những lao động di cư đến Anh xuất phát từ tỉnh Nghệ An, đa số họ sống ở vùng nông thôn.

Những người di cư Việt Nam này mơ ước có một cuộc sống tốt hơn ở châu Âu, nhất là Anh được họ coi như ‘miền đất hứa.’

Ở Anh vốn đã có một cộng đồng người Việt và những kẻ buôn người hứa hẹn, họ sẽ dễ dàng tìm được việc trong các tiệm nail hay các nhà hàng. Hơn nữa, lao động di cư hy vọng, người quen của họ đã sang Anh từ trước sẽ giúp họ tìm việc.

ảnh: Internet

Daniel Silverstone, tiến sĩ nghiên cứu về tội phạm có tổ chức, cho rằng người Việt nhập lậu vào Anh vì có sự hỗ trợ của cộng đồng và bị dụ dỗ kiếm tiền nhanh.

Mỗi năm có hàng trăm người Việt đến Anh sau thời gian dài lưu lại Đức hoặc Pháp”, Tiến sĩ Daniel Silverstone, chuyên gia về buôn lậu và tội phạm có tổ chức, Trường nghiên cứu tư pháp, Đại học Liverpool John Moores, Anh, cho biết. Ông viện dẫn số liệu của Cơ quan quản lý tội phạm quốc gia Anh (NCA).

Thông tin được Tiến sĩ người Anh đưa ra trong bối cảnh Việt Nam và Anh đang phối hợp để xác minh danh tính của 39 người thiệt mạng trong xe container đông lạnh tại khu công nghiệp Waterglade ở Essex, đông bắc London hôm 23/10.Silverstone cho rằng có ba nguyên nhân chính khiến nhiều người Việt tìm đường đến Anh qua các con đường phi pháp. Thứ nhất, họ có cơ hội làm việc trong các “lĩnh vực ngách” của cộng đồng người di cư, chủ yếu là làm móng, nhà hàng và trồng cần sa. Dần dần họ có thể kiếm được số tiền “bù lại” chi phí đã bỏ ra để sang Anh.

Họ không nhất thiết phải trồng cần sa, mà có thể cung cấp thực phẩm/cho thuê nhà và các dịch vụ liên quan khác cho người trồng cần”, Silverstone nói.

Thứ hai, người Việt nhập cư lậu nhận được sự hỗ trợ của cộng đồng đang sống ở Anh. Những người đến từ các tỉnh miền Bắc Việt Nam như Hải Phòng, Quảng Ninh có thể tìm thấy người quen ở Anh để có nơi ở và hỗ trợ các vấn đề khác. Gần đây, nhiều người mới đến từ Nghệ An, Quảng Bình và Hà Tĩnh cũng tìm được sự hỗ trợ.

Thứ ba, họ bị họ hàng và những kẻ buôn người phóng đại về việc đến Anh dễ dàng như thế nào và dễ kiếm tiền ra sao.

Tuy nhiên, “người Việt liên tục nằm trong số những người bị buôn bán nhiều nhất”, Silverstone dẫn số liệu của NCA.

Theo thống kê của NCA, trong quý II năm nay, hơn 2.300 người có nguy cơ trở thành nô lệ thời hiện đại vì bị bóc lột sức lao động. Tỷ lệ này tăng 8% so với quý I và tăng 40% so với cùng kỳ năm 2018. Người Việt xếp thứ ba trong số người bị bóc lột sức lao động, sau người Anh, Albania.

Silverstone cho biết thực trạng nhập cư lậu vẫn tiếp diễn suốt hơn 10 năm qua là do cảnh sát không kiểm soát hết được các đường dây buôn người.

“Xử lý nạn buôn người không phải ưu tiên trong chính sách do tội phạm buôn người không nguy hiểm như bán heroin hay sử dụng vũ khí”, Silverstone nói.

Bên cạnh đó, số lượng mạng lưới buôn người lớn nên cảnh sát cần phối hợp quốc tế thường xuyên mới có thể ngăn chặn.

Đưa ra các đề xuất, Tiến sĩ Silverstone cho rằng nhà chức trách Việt Nam nên thúc đẩy các chiến lược di cư an toàn, để người dân hiểu về mối nguy và rủi ro của việc đến Anh bất hợp pháp.

Về phía Anh, quốc  chính phủ cần hợp tác chặt chẽ với cộng đồng người Việt để phối hợp hoạt động. Trong các nhóm tư vấn độc lập của cảnh sát Anh hiện chỉ có vài người Việt (là đại diện ở các cộng đồng) tham gia. Thành viên chủ chốt trong các cộng đồng chủ yếu là những người đến Anh sau chiến tranh (1975). Anh quốc cần khuyến khích người Việt ở các khu có dân số đông như Southwark và Hackney ở London hợp tác với chính quyền.

“Anh Quốc nên tiếp cận những người trong cộng đồng mới đến, từ miền Bắc và miền Trung Việt Nam“, Silverstone nói.

Người Việt với ảo mộng sang Anh “đổi đời”

ảnh: Internet

Trong nhiều năm qua, các tổ chức chống nạn nô lệ đã cố gắng gióng lên hồi chuông báo động về vấn đề ngày càng nhiều trẻ em và thanh niên Việt Nam được đưa trái phép vào Anh.

Đối với nhiều người Việt, Anh có lẽ là điểm đến được ưa chuộng nhất ở châu Âu, Tamsin Barber, giảng viên xã hội học chính trị tại Đại học Oxford-Brookes, nói. Anh là nơi có nhu cầu cao về lao động tay nghề thấp trong các nhà hàng Việt, tiệm nail (làm móng) và trang trại trồng cần sa bất hợp pháp.

Họ nghĩ rằng nếu đến Anh, họ có khả năng kiếm được việc làm tốt và gửi nhiều tiền về cho gia đình ở Việt Nam. Cũng có mạng lưới nhiều người Việt sống ở Anh có thể giúp đỡ những người mới đến kiếm chỗ ở và việc làm.

Tuy nhiên, “hiện không có con đường hợp pháp nào để lao động Việt tay nghề thấp đến làm việc ở Anh, vì vậy, họ rõ ràng phải đến Anh qua những hành trình dài và nguy hiểm” được sắp xếp bởi những kẻ buôn người, Barber nói.

Chi phí những chàng trai, cô gái trả cho kẻ buôn người để đến Anh thường dao động trong khoảng 10.000 – 40.000 USD, theo Precarious Journeys, báo cáo của các tổ chức từ thiện về nạn buôn người từ Việt Nam, được công bố vào đầu năm nay.

Những kẻ buôn người thường dụ dỗ thanh niên về triển vọng công việc ở nước ngoài. Cảm thấy buồn chán với cuộc sống ở làng quê và thiếu cơ hội việc làm, sức quyến rũ về cơ hội giàu có ở nước ngoài đủ để cám dỗ nhiều người dấn thân vào những chuyến đi đầy rủi ro.

Các chàng trai, cô gái trong độ tuổi 20-30 dễ bị ảnh hưởng bởi những bài đăng trên mạng xã hội. Họ thấy nhiều họ hàng và bạn bè khoe về cuộc sống ở nước ngoài trên Facebook và những khoản tiền được gửi về nhà. Điều đó khiến họ cảm thấy hành trình đến Anh tuy nguy hiểm nhưng xứng đáng.

“Trong những năm gần đây, hàng trăm nạn nhân buôn người là người Việt đã được xác định danh tính ở Anh“, đại sứ Anh tại Việt Nam Gareth Ward viết trong một bài xã luận ngày 29/9. “Có những trường hợp người nhập cư bất hợp pháp bị thương khi bị truy đuổi. Có những trường hợp chết cóng hay chết ngạt trong xe container. Nhiều người thậm chí chưa đặt chân được đến ‘miền đất hứa'”.

“Những kẻ buôn người nói rằng Anh là ‘El Dorado'”
, chuyên gia về di cư tại Paris Nadia Sebtaoui nói, nhắc đến truyền thuyết về “thành phố vàng” nổi tiếng ở phương Tây. Họ thường được hứa hẹn mức lương tới 3.000 bảng Anh (3.800 USD) mỗi tháng, gấp khoảng ba lần thu nhập hàng năm ở các tỉnh nghèo nhất Việt Nam.

Nhưng thực tế thường khác xa. Các cậu bé và nam thanh niên được đưa đến làm việc trong các trang trại cần sa, bị nhốt trong các ngôi nhà này và phải chăm sóc cây cả ngày lẫn đêm. Trong khi đó, các bé gái và cô gái làm việc trong các tiệm nail. Họ cũng có thể bị ép hành nghề mại dâm, cả nam lẫn nữ.

“Họ thực sự thiếu nhận thức về thực tế việc làm ở châu Âu“, Sebtaoui nói.

Hầu hết người Việt làm việc trong các trang trại cần sa hoặc các tiệm nail đều nhận thức được rằng họ đang cư trú bất hợp pháp và gia đình đang nợ rất nhiều tiền. Vì vậy, họ phải cố gắng làm việc để trả nợ và không dám tìm kiếm sự giúp đỡ dù bị bóc lột hay lạm dụng.

Khó có thể thống kê chính xác số lượng người Việt là nạn nhân buôn người vì hầu hết sống ẩn náu và không có giấy tờ. Tuy nhiên, Salvation Army, tổ chức từ thiện giúp đỡ các nạn nhân buôn người, cho biết trong giai đoạn 7/2018 – 7/2019, họ tiếp nhận 209 người Việt, cao hơn bất kỳ quốc tịch nào khác và tăng 248% so với 5 năm trước.

Tổ chức từ thiện Ecpat, bên giúp đỡ trẻ em là nạn nhân buôn người, cũng tiếp nhận ngày càng nhiều người Việt, từ 135 năm 2012 lên 704 năm 2018.

Hồi tháng 1/2018, cảnh sát Anh tìm thấy hai cô gái Việt làm việc tại Nail Bar Deluxe ở Bath. Cả hai đều làm việc 60 giờ một tuần. Một người được trả khoảng 30 bảng một tháng trong khi người kia không được trả lương. Họ ngủ trên một chiếc nệm ở gác mái của chủ tiệm nail. Họ đã đến Anh bằng cách trốn trong xe container.

Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông Anh năm ngoái, Stephen (tên đã được thay đổi) kể bị bán sang Anh để trồng cần sa từ khi 10 tuổi. Stephen là trẻ vô gia cư ở Hà Nội, bị đưa đến châu Âu và vào Anh bằng xe container đông lạnh. Ở Anh, Stephen bị nhốt trong một ngôi nhà được chuyển đổi thành trang trại cần sa và bị buộc phải làm việc trong 4 năm cho băng đảng người Việt đã đưa anh đến đây.

Stephen không thể nhìn ra ngoài cửa sổ vì tất cả đều bị bịt bằng những tấm nhựa. Anh không biết đang là đêm hay ngày và không biết mình bị nhốt ở một địa điểm trong khoảng thời gian bao lâu. Cứ vài ngày, vào buổi tối, một nhóm đàn ông Việt sẽ đến kiểm tra cây và mang thức ăn cho Stephen. “Đôi khi tôi làm điều gì đó sai khiến một số cây chết, họ sẽ nổi giận và đánh tôi. Cuộc sống của tôi tồi tệ hơn nhiều so với khi tôi còn ở Việt Nam”, Stephen nói.

Có lần một nhóm buôn ma túy người Anh tới phá cửa, trói Stephen lại và cướp đi toàn bộ cây cần sa đã thu hoạch. Khi ông chủ của Stephen quay lại, họ tức giận và chuyển Stephen đến một địa điểm mới, nơi anh phải trồng lại cần sa từ đầu. Tại ngôi nhà mới này, họ không còn nhốt Stephen nhưng dọa dẫm rằng họ sẽ tìm ra và giết anh nếu anh cố trốn thoát. Stephen không bao giờ cố gắng chạy trốn vì không biết đi đâu.

“Tôi chỉ cố sống cho qua ngày”, Stephen nói. “Tôi không thể hy vọng gì vào tương lai. Không ai tử tế với tôi”.

Debbie Beadle, từ tổ chức Ecpat, cho biết hầu hết người mà họ giúp đỡ đã đến Anh bằng cách trốn trong xe container. “Họ thường mô tả đó như một trong những trải nghiệm kinh hoàng nhất cuộc đời họ”.

Theo BBC, VietBF

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen