Seite auswählen

TT Trump thúc giục người dân ‘Giải Phóng’ lệnh cách ly 3 tiểu bang

WASHINGTON, DC —Tổng Thống Donald Trump thúc giục những người ủng hộ “Giải Phóng” lệnh cách ly ở ba tiểu bang có thống đốc Dân Chủ bằng những tin nhắn trên mạng xã hội.

“Giải Phóng Minnesota,” “Giải Phóng Michigan,” “Giải Phóng Virginia,” đó là ba khẩu hiệu được Tổng Thống Trump tweet ra hôm Thứ Sáu, 17 Tháng Tư.

Đồng thời, ông Trump cũng không quên tấn công Thống Đốc Andrew Cuomo (Dân Chủ) của tiểu bang New York, vì những chỉ trích của ông này về sự chậm trễ tiếp cứu của chính quyền liên bang, theo tường thuật của AP.

Đáp lại yêu cầu của các thống đốc hỗ trợ việc xét nghiệm đại trà, tổng thống tweet: “Các tiểu bang phải tự lo chuyện xét nghiệm của họ!”

Những mẩu tin nhắn mang tính xúi giục và trả đũa như trên ngược lại hoàn toàn những diễn tiến xảy ra ngày hôm Thứ Năm, khi ông Trump tuyên bố chính các thống đốc có toàn quyền trong việc dỡ bỏ lệnh cách ly phục hồi lại hoạt động kinh tế tiểu bang.

Người biểu tình tràn vào văn phòng thống đốc tiểu bang Ohio đòi hủy bỏ lệnh cách ly. (Hình: Joshua A. Bickel/The Columbus Dispatch via AP)

Ngay cả trong hướng dẫn việc dỡ bỏ lệnh cách ly do chính Tổng Thống Trump đưa ra ngày Thứ Năm quy định các tiểu bang phải bảo đảm tình trạng lây lan và tử vong sụt giảm một cách rõ rệt trong vòng 14 ngày.

Gần đây, những người Mỹ sống ở khu vực nông thôn hay những thị trấn yên tĩnh chưa được chứng kiến cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát ở các đô thị đã xuống đường đòi hỏi các thống đốc phải mở cửa cho phép sinh hoạt trở lại bình thường.

Hôm Thứ Tư vừa qua, khoảng 3,000 người biểu tình, một số đội mũ đỏ, cầm cờ, và biểu ngữ có tên Tổng Thống Trump xuống đường tại các tiểu bang như Ohio, Texas, North Carolina, Kentucky, Virginia, và Michigan, phản đối lệnh cách ly hiện nay.

Các cuộc xuống đường trên quy tụ thêm các nhóm bảo thủ ủng hộ việc thu hẹp chính quyền, chống chích ngừa, và ủng hộ quyền sử dụng súng.

Người biểu tình tại tòa nhà Quốc Hội Michigan cầm biểu ngữ mang tên Tổng Thống Trump đòi dỡ bỏ lệnh cách ly. (Hình: Matthew Dae Smith/ Lansing State Journal via AP)

Giới chức y tế luôn khuyến cáo dỡ bỏ lệnh cách ly quá sớm sẽ gây ra một đợt bùng phát dịch lần thứ hai và kêu gọi chính quyền các cấp phải mau chóng tiến hành xét nghiệm đại trà để có đủ thông tin theo dõi và kiểm soát được tình trạng lây lan.

Đặc biệt, hiện nay, các chuyên gia lo sợ nhất hiện tượng COVID-19 đột biến thành nhiều chủng loại khác nhau tại một số quốc gia, khiến mọi nỗ lực tạo vaccine hiện nay trở thành vô hiệu, chưa kể đến tình trạng những người lành bệnh vẫn có thể bị dương tính trở lại với loại virus này.

Hiện nay, đại dịch COVID-19 khiến ít nhất 145,000 người thiệt mạng và hơn 2.2 triệu người bị nhiễm bệnh trên khắp thế giới.

Riêng Hoa Kỳ là quốc gia có số người thiệt mạng và lây bệnh cao nhất, theo thứ tự là 34,575 chết và 684,920 nhiễm bệnh, theo cập nhật tình hình COVID-19 của trường đại học Johns Hopkins. (MPL) (Đ.D.)

Người Việt

Virus Corona: Tình hình ở Mỹ

Trần Gia Huấn

3-4-2020

Tiên lượng xấu

31/3/2020, Tổng thống Trump cùng với ban tham mưu chống dịch đã tổ chức họp báo. Giọng buồn và nghiêm trọng, Trump cho biết: Thời gian rất đớn đau đang chờ đón ở hai tuần đầu tháng Tư.

Nữ bác sỹ Deborah Birx (điều hợp viên lực lượng đặc nhiệm của Tòa Bạch Ốc về Coronavirus) giải thích đồ thị dịch tễ.

Các nhà toán học, dịch tễ học và chuyên gia computers đã làm việc đêm ngày, xử lý các thông tin và đưa ra một bức tranh đầy ảm đạm cho Bắc Mỹ trong những ngày sắp tới.

Trục tung chỉ số người nhiễm virus. Trục hoành là thời gian.

Hình quả chuông màu vàng: Mô tả diễn biến tự nhiên của dịch mà không có sự can thiệp, hoăc can thiệp ít. Dịch xảy ra trong thời gian ngắn hơn, nhưng rất rầm rộ. Số bệnh nhân tăng nhanh. Số người chết ước tính từ 2 đến 2.5 triệu ở Mỹ, khoảng nửa triệu ở Anh.

Đường chấm ngang màu đỏ là ngưỡng chịu đựng hay đường an toàn y tế. Nếu số bệnh nhân vượt lên trên đường này, nền y tế quá tải và vỡ trận, chỉ còn biết đếm xác.

Hình quả chuông màu xanh: Mô tả sự tham gia chống dịch tích cực của quốc dân. Mọi người cùng nhau đè bẹp quả chuông màu vàng. Biến nó thành quả chuông màu xanh. Số bệnh nhân sẽ nằm dưới “đường an toàn”. Nếu làm được như vậy thì số tử vong trên toàn nước Mỹ sẽ khoảng 100.000 đến 250.000.

Nói nôm na ra: Đây là chiến dịch “câu giờ” Câu giờ có hai tác dụng lớn. Không làm cho nền y tế bị quá tải. Cơ thể của người nhiễm có thêm thời gian, thích nghi, từ từ tăng sức đề kháng, hình thành kháng thể tự nhiện, chống chọi với virus, thêm sự hỗ trợ của y tế và sẽ lành bệnh.

Bác sỹ Anthony Fausi – người đã từng làm cố vấn dịch tễ cho năm đời tổng thống – phát biểu rằng: Chúng ta làm tất cả những gì có thể để số tử vong xuống dưới 100.000. Tổng thống Mỹ nói: Nếu số tử vong trên dưới 100.000 sẽ là đại thắng.

Chúng ta phải làm gì?

1.- Rửa tay bằng xà phòng thường xuyên và không đưa tay lên mặt.

Virus corona xâm nhập vào cơ thể qua ba ngả – duy nhất ba ngả nàyMắt, Mũi, và Miệng. Nếu bạn rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, và không đưa tay lên mặt. Bạn đã cắt đứt. Bạn đã chặn đứng được đường tấn công. Đây là phương pháp tiện lợi nhất, không tốn kém, nhưng hữu hiệu nhất. Mọi người phải thực hành.

2.- Giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét

Khi chúng ta thấy số bệnh nhận bị lây nhiễm từ cộng đồng tăng lên. Đó là dấu hiệu “xấu”. Hiệu lệnh “Social distancing” được áp dụng.

Social distancing (tạm dịch khoảng cách xã hội). Khi bạn tới nơi công cộng, giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét với người khác. Thí dụ, xếp hàng ở siêu thị, giữ khoảng cách 2 mét với người trước, 2 mét với người sau. Khi đối diện với người thu ngân, cũng giữ khoảng cách 2 mét đổ lên. Các chuyên gia dịch tễ đánh giá “khoảng cách xã hội” là phương pháp tốt để xoay chuyển tình thế.

3.- Ở trong nhà

Không tiếp khách, không thăm viếng, không tụ tập, đừng lang thang là một trong những phương pháp được đánh giá rất cao.

4.- Vệ sinh

Vệ sinh nhà ở. Vệ sinh cá nhân. Sinh hoạt lành mạnh. Đi ngủ sớm. Ăn đủ dinh dưỡng. Uống đủ nước. Loại bỏ những thói quen rượu bia, thuốc lá v.v… nhằm mục đích giúp đỡ hệ miễn dịch chống chọi với virus.

5.- Đeo khẩu trang

Ở Bắc Mỹ không khuyến khích. Theo các chuyên gia, nếu bạn khỏe, không nhiễm virus, không cần mang khẩu trang. Tác dụng của đeo khẩu trang không cao; thậm chí, còn tác hại. Nếu bạn đeo khẩu trang mà đưa tay lên chỉnh sửa, thì bạn đã làm tăng nguồn lây nhiễm. Bạn đeo không đúng, coi như vô ích. Hơn nữa, vộ tình, bạn đẩy sự thiếu hụt khẩu trang trên thị trường thêm khan hiếm. (Nhiều người, không đồng ý với quan điểm này).

Nhưng mới đây, người Mỹ được khuyến khích mang khẩu trang khi đi ra ngoài, khi tình hình lây nhiễm bệnh trở nên tồi tệ. Chính quyền ở một số thành phố có tốc độ lây nhiễm nhanh như New York và Los Angeles đã khuyến khích người dân mang khẩu trang khi xuất hiện nơi công cộng vì nghiên cứu cho thấy, virus có thể lây truyền bởi những người nhiễm bệnh nhưng không có triệu chứng.

Nó sẽ đi đâu?

Nữ bác sỹ Deborah Birx nói: Không có phép màu. Không có vaccine. Không có thần dược. Tất cả là ở cách cư xử. Liệu chúng ta có cùng nhau hợp lực để xoay chuyển tình thế trong những ngày tới hay không. Tháng Tư sẽ là tháng quyết định sự thành bại của Bắc Mỹ.

Bà lưu ý: Số tử vong trong vài tuần tới sẽ vượt xa số thương vong của Mỹ trong 10 năm (1965 – 1975) chiến tranh Việt Nam.

Giờ đây chúng ta đã thấy lộ trình của virus Vũ Hán. Sau châu Á là châu Âu. Sau Âu châu là Mỹ. Sau Mỹ sẽ đến lượt Canada. Sau Canada Virus Vũ Hán sẽ đến đâu?

Trần Gia Huấn, Calgary, Alberta, Canada

Tiếng Dân

Xem Thêm: How Fauci and Birx got Trump to listen to science

 

 

“Chúng tôi liên tục nhận bệnh nhân mới”

Virus corona cũng đã xâm nhập vào Hoa Kỳ rồi. Nhưng hệ thống y tế ở đó không được chuẩn bị cho một đại dịch như vậy. Một bác sĩ ở New York mô tả tình hình hiện tại thê thảm như thế nào.

Cuộc khủng hoảng corona cũng đã hoàn toàn kiểm soát Hoa Kỳ – và tình hình ngày càng tồi tệ. Hiện thời, hơn 245.000 người đã bị nhiễm virus corona ở đó. Số người chết là 6059 và tăng lên mỗi ngày. Chỉ riêng ở New York, số trường hợp bị nhiễm bệnh được biết là 92.381, Thống đốc Andrew Cuomo nói, 2373 chết vì virus ở đây. Để hỗ trợ các bệnh viện ở New York, một bệnh viện dã chiến đã được xây dựng tại Central Park. Bác sĩ chăm sóc đặc biệt của Đức Dr. Nils Hennig, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Mount Sinai ở New York, mô tả tình hình trong thành phố.

ntv: Ông Hennig, chúng ta đang ở ngay trước bệnh viện dã chiến, được xây dựng ở đây trong Central Park. Tình hình như thế nào tại thời điểm này trong bệnh viện của ông?

Tiến sĩ Nils Hennig: Chúng tôi chiến đấu với các bệnh nhân mà chúng tôi liên tục nhận vào đây. Chúng tôi đã tăng gấp đôi số giường trong bệnh viện của chúng tôi. Chúng tôi đã dựng giường trong đại sảnh, trong quán cà phê và hành lang của bệnh viện để chúng tôi có thể đối phó với khối lượng bệnh nhân đông đảo.

Về số nhân viên thì như thế nào?
Tất cả những người chỉ làm trong ngành nghiên cứu và giảng dạy cũng được tuyển dụng. Chúng tôi đã ngừng nghiên cứu không theo hướng Covid-19. Bằng cách này, những người làm trong ngành nghiên cứu cũng có thể chăm sóc bệnh nhân. Các bác sĩ mà thường chỉ dạy học cũng đã được tuyển dụng.

Nước Mỹ luôn là vùng đất có các cơ hội không hạn chế. New York là một thành phố rực rỡ như vậy. Bây giờ chúng ta thấy những hình ảnh từ các bệnh viện. Làm thế nào có thể giải thích rằng Hoa Kỳ đang phản ứng rất chậm với đại dịch?
Điều này có liên quan đến thực tế là hệ thống chăm sóc sức khỏe ở Mỹ không được chuẩn bị cho những con số bị nhiễm bệnh nhiều như vậy. Trong mọi trường hợp, Hoa Kỳ được chuẩn bị kém hơn nhiều so với các hệ thống y tế khác ở các nước phát triển. Ví dụ, ở Đức có chín giường bệnh trên 1000 dân, ở Mỹ chỉ có 2,8. Vì vậy, điều đó có nghĩa là nếu một cái gì đó như đại dịch xảy ra, hầu như không còn đủ chỗ để chứa.

Sự khác biệt về bảo hiểm y tế đóng vai trò gì?

Nhiều người không có bảo hiểm y tế. Và những người có bảo hiểm y tế cũng phải trả các khoản tiền phụ thêm rất lớn nếu họ muốn được điều trị y tế. Đó là lý do tại sao họ không thích đi khám bác sĩ nhiều và do đó có nhiều bệnh tiềm ẩn hơn. Chính những điều đó là những gì làm cho họ đặc biệt dễ bị tổn thương đối với các diễn biến nghiêm trọng của con virus này. Đó là lý do tại sao chúng ta thấy có nhiều người bị bệnh nặng.

Hanna Klouth phỏng vấn bác sĩ Niels Hennig.

N-TV

 

 

Chi Nguyễn: Tại Sao Nước Mỹ Khủng Hoảng Với Đại Dịch Covid-19?

 
Giữa tháng 1/2020, Mỹ xác nhận ca đầu tiên nhiễm virus là một người đàn ông ở bang Washington mới trở về từ Vũ Hán, Trung Quốc – trung tâm của đại dịch Covid-19 (khi đó có tên gọi là Coronavirus). Nước Mỹ xôn xao lên một đôi chút, nhưng được chính phủ xoa dịu là “đã hoàn toàn kiểm soát được tình hình”. Tình cờ, thời điểm này cũng là đỉnh điểm của cảm cúm (flu) ở Mỹ. Cúm mùa năm nay rất khủng khiếp, theo số liệu từ Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC), có từ 23.000-59.000 người Mỹ chết vì cúm từ đầu tháng 10/2019 đến giữa tháng 3/2020. Bởi vậy, mọi người quan tâm đến cúm nhiều hơn là con virus nào đó xa xôi ở tận Vũ Hán. Tiếc rằng ở thời điểm đó, số liệu còn quá mập mờ để chúng ta (bao gồm cả tổng thống Mỹ) nhận ra rằng tỷ lệ tử vong vì Covid-19 gấp hơn 10 lần cúm mùa.
 
 
Tháng 2/2020, đây là thời điểm các ca nhiễm bắt đầu xuất hiện ở các nước Châu Á ngoài Trung Quốc. Việt Nam quyết liệt dập dịch, khoanh vùng cách ly. Mỹ cũng bắt đầu có những nhóm ca nhiễm (cluster) ở một số nơi, nhưng đa phần có thể truy nguồn gốc là từ những người trở về từ nước ngoài. Nỗi lo lắng về bệnh dịch nổi lên ở những nơi có nguồn bệnh như tiểu bang Washington. Người Mỹ bắt đầu quan tâm hơn đến Covid-19, nhất là cuối tháng 2, khi dịch bệnh lan đến Châu Âu. Tuy nhiên, hiểu biết về độ nguy hiểm của Covid-19 của phần đông người Mỹ còn thấp; chính phủ không thực sự quyết liệt. Điều này khác xa với Việt Nam vì ngay khi số ca nhiễm mới đếm trên đầu ngón tay, trường học đã đóng cửa, người dân đeo khẩu trang, tuyên truyền về rửa tay, giữ khoảng cách xã hội đã rất mạnh mẽ.
 
Tháng 3/2020, tôi có thể đếm được từng ngày vì mỗi ngày tỉnh dậy là một thay đổi đáng sợ ập đến. Đầu tháng 3 là kỷ nghỉ đông của sinh viên Mỹ, trường đại học tôi làm vắng vẻ, sinh viên về nhà hoặc đi chơi, phần lớn nhân viên cũng xin nghỉ phép để xả hơi trong dịp này. Đùng một cái, trong buổi sáng 12/3, thông tin về bùng phát dịch tại New York và California ập đến; tiểu bang tôi ở (Pennsylvania) ghi nhận 12 ca nhiễm đầu tiên, có dấu hiệu lây nhiễm cộng đồng (community spread). Giờ nghỉ trưa vừa hết thì cũng là lúc một số trường phổ thông trong vùng tuyên bố đóng cửa 2 tuần. Mọi người đều sửng sốt. Nhưng ít ai biết rằng chỉ ngày hôm sau thôi, Thống đốc bang hạ lệnh đóng cửa toàn bộ trường học trong toàn bang, từ nhà trẻ đến cấp 3 đều phải đóng cửa. Trường đại học tôi đang làm cũng yêu cầu sinh viên nghỉ Xuân không quay lại trường, chuyển sang học trên mạng, đóng cửa ký túc xá, nhà ăn, đại bộ phận cán bộ công nhân viên chuyển sang làm tại nhà tới đầu tháng 4. Chỗ chúng tôi ở là một thành phố nhỏ nằm trong thung lũng, kỳ nghỉ Xuân thường rất vắng vẻ và siêu thị lúc nào cũng đầy ắp. Chưa bao giờ có tình trạng xếp hàng, tranh cướp mua sắm như các thành phố lớn. Chúng tôi không thể ngờ rằng chỉ sau buổi chiều hôm đó thôi, các gian hàng đồ dùng thiết yếu cũng dần bị quét sạch.
 
Cuộc sống đảo ngược hoàn toàn, gần như chỉ sau một đêm. Mỗi ngày, con số xét nghiệm dương tính ở Pennsylvania ngày càng tăng, ban đầu là một vài ca mới/ngày, rồi đến 20-30 ca mới/ngày, rồi đến hơn 100-200 ca mới/ngày, và cho tới nay là hơn 500 ca mới/ngày. Con số tăng lên đến chóng mặt, mặc cho Thống đốc đã làm hết sức để hạn chế dịch từ kêu gọi yêu cầu mọi người giữ khoảng cách, đóng cửa hầu hết các doanh nghiệp không thiết yếu, đóng cửa trường học, ra lệnh hạn chế ra ngoài đối với những quận bị ảnh hưởng nặng nhất…
 
 
 
 

Hệ thống y tế phức tạp của Mỹ

Mặc dù Mỹ là một trong những nước có nền y tế phát triển, tay nghề bác sĩ giỏi nhất thế giới nhưng hệ thống y tế của Mỹ thật sự là nỗi kinh hoàng. Đây là vấn đề đã tồn tại rất nhiều năm và luôn bị chỉ trích, nhưng khi đại dịch xảy ra thì hệ thống này mới thực sự đẩy y tế cộng đồng vào bế tắc. Ở Mỹ, để có được một viên kháng sinh cũng phải gặp bác sĩ, được kê toa thuốc mới được đi lấy thuốc; điều này cũng không có gì xấu, chỉ có vấn đề là một lần đi bác sĩ 10 phút thôi cũng nhận được hóa đơn bệnh viện cao đến chóng mặt, chưa nói đến ốm nặng nằm viện. Bởi vậy, những ai có điều kiện đều phải mua bảo hiểm để chi trả chi phí bệnh viện. Mô hình này tạo ra mối quan hệ phức tạp giữa cơ sở khám bệnh và cơ quan bảo hiểm để trục lợi: các bệnh viện, phòng khám, phòng thí nghiệm tăng tiền khám và xét nghiệm lên chóng mặt (gấp nhiều lần thực tế) để ăn tiền từ bảo hiểm, bảo hiểm cũng được lợi vì người dân sợ phải đóng tiền viện phí cao nên mua bảo hiểm nhiều hơn (CNBC). Chưa hết, phần lớn bảo hiểm của Mỹ được mua theo kiểu đoàn thể (công ty, trường học, tổ chức), vì vậy mọi người buộc phải gắn mình vào đoàn thể nào đó nếu muốn mua bảo hiểm giá rẻ và chất lượng, nếu không thì phải tự mua với giá rất cao. Bởi vậy, không phải ai cũng có bảo hiểm, nhất là những người có thu nhập trung bình, lao động tự do; lương tháng không quá cao để mua được bảo hiểm, không quá thấp để được nhận trợ cấp chính phủ.
 
Sự phức tạp của y tế Mỹ dẫn đến một số vấn đề nghiêm trọng khi đại dịch bùng phát: (1) Khả năng cao một số người có dấu hiệu bệnh ban đầu nhưng không có bảo hiểm nên sợ đi khám, xét nghiệm khiến khả năng lây lan cộng đồng bùng phát; (2) Khi bắt đầu có triệu chứng, người bệnh buộc phải đến bệnh viện gặp bác sĩ khám, xin thuốc, nâng cao nguy cơ lây nhiễm.
 
Gần đây, khi tình hình bệnh dịch nghiêm trọng hơn, nhiều tổ chức và công ty bảo hiểm đã quyết định miễn chi phí xét nghiệm Covid-19 (hiện vẫn chỉ là phí xét nghiệm, không phải chi phí khám chữa bệnh). Các phòng khám cũng thay đổi quy định, yêu cầu bệnh nhân gọi điện trước để sàng lọc, cho phép khám qua mạng hoặc qua điện thoại (teledoc), thậm chí cho đơn thuốc mà không cần gặp trực tiếp bác sĩ (điều hiếm thấy trước đây). Đây cũng là thay đổi tích cực, tuy nhiên có lẽ xảy ra quá muộn.
 
 

Đấu đá chính trị & Vai trò của TT Donald Trump

Covid-19 xuất hiện vào một thời điểm trọng yếu của chính trị Mỹ: TT Trump bước ra từ cuộc luận tội (impeachment) vì cáo buộc lạm quyền, ngay lập tức phải thể hiện bản thân cho cuộc bầu cử tổng thống mới. Với hy vọng tái đắc cử, Trump muốn thể hiện cho nước Mỹ thấy mình đã làm rất tốt, nước Mỹ đang đi lên, kinh tế vững mạnh chưa từng thấy. Bởi vậy, từ đầu năm 2020, Trump bỏ ngoài tai ý kiến chuyên gia, liên tục hạ thấp tính nghiêm trọng của Covid-19, tuyên truyền trên Fox News rằng đây chỉ là một phần của “thuyết âm mưu” của đảng đối lập để làm hại Trump, thậm chí kiên quyết dùng từ “Virus Tàu” (Chinese Virus) thay vì Covid-19 hay Coronavirus để định hướng chỉ trích nhằm về Trung Quốc, mặc cho nạn phân biệt chủng tộc đối với người Mỹ gốc Á trở nên căng thẳng vì điều này. Với hoàn cảnh chính trị như vậy, không có gì lạ khi động thái xử lý dịch bệnh từ chính quyền Trump chậm trễ và thiếu dứt khoát ngay từ đầu.
 
 
Khi tình hình Covid-19 tại Mỹ đã rất nghiêm trọng, Trump tiếp tục tập trung phát biểu những điều tích cực, mang lại hy vọng cho người Mỹ, tin tưởng vào chính quyền Trump như: vaccine sắp có, đã có thuốc chữa trị Covid, các công ty tư nhân đang sản xuất thêm máy trợ thở, nước Mỹ sẽ mở cửa trở lại trong 2 tuần nữa… Nhưng ngay lập tức các chuyên gia và nhà khoa học đính chính đây là thông tin không chính xác. Đến mức mà nhiều kênh truyền hình quốc gia phải ngừng phát sóng họp báo của Trump về virus vì lo ngại thông tin sai lệch sẽ gây hậu quả xấu cho đại chúng. Những phát biểu của Trump đối với Thống đốc các tiểu bang đang cần sự trợ giúp của chính phủ để giải tỏa đại dịch cũng rất gây hoang mang. Ví dụ, khi Thống đốc bang New York khẩn cấp yêu cầu viện trợ 30.000 máy thở vì số người cần dùng máy thở đã lên rất cao (hiện 2 người đã phải dùng chung một máy), Trump cho rằng yêu cầu này là thái quá; hay Trump phát biểu rằng tiểu bang muốn trợ giúp với dịch bệnh thì phải thể hiện sự tôn trọng với chính quyền Trump trước…
 
 
Trước tiên, phải thừa nhận rằng làm lãnh đạo cấp cao là một công việc vô cùng khó và áp lực; làm lãnh đạo thời bình đã gặp nhiều chỉ trích rồi chứ chưa nói đến “thời chiến” như ngày nay với kẻ thủ vô hình Covid-19. Trump là một tổng thống “đặc biệt” ngay từ ngày đầu đắc cử và thường xuyên có những phát ngôn gây tranh cãi; đại dịch này chỉ làm lộ thêm bản chất và tính cách vốn có của nhà lãnh đạo này mà thôi. Tuy nhiên, sự coi nhẹ nguy cơ của đại dịch trong những tháng đầu tiên của Trump dẫn đến rất nhiều vấn đề hệ lụy nghiêm trọng như chậm trễ trong xét nghiệm trên toàn nước Mỹ, thiếu hụt nghiêm trọng về dụng cụ y tế và bảo hộ, nguồn lực từ chính phủ liên bang không rải xuống tiểu bang ngay từ đầu… khiến những vùng tâm dịch vỡ trận chỉ trong vài tuần. Gần đây, Trump và chính quyền liên bang đã bắt đầu có những động thái mạnh mẽ hơn và có tầm ảnh hưởng lớn hơn (ví dụ như thông qua Gói cứu trợ 2 nghìn tỉ đô-la, kích hoạt Luật sản xuất quốc phòng…).
 
 
Cho đến tận ngày hôm nay, xét nghiệm Covid-19 ở Mỹ vẫn còn hạn chế. Những người xét nghiệm dương tính nếu triệu chứng không quá nặng thì chỉ cách ly tại nhà. Hoàn toàn không có nơi cách ly tập trung và bác sĩ chăm sóc từng trường hợp dương tính như Việt Nam. Bởi vậy, càng ngày càng có nhiều người ở tâm dịch nếu có triệu chứng không quá nặng thì cũng không thể chờ xét nghiệm nữa mà tự cách ly và điều trị tại nhà (ví dụ như Deborah Copaken ở tờ Atlantic). Đó là chưa kể đến những người bệnh không có triệu chứng, chưa từng được xét nghiệm. Như vậy, con số thực tế người bị nhiễm Covid-19 có thể lớn hơn rất, rất nhiều con số 100.000 đã được xác nhận hiện nay.
 
 

Văn hóa tự do & Chủ nghĩa cá nhân của người Mỹ

Cuộc sống ở một đất nước tự do, khi người dân quen với việc tranh luận với chính quyền, cùng với chủ nghĩa cá nhân đã ăn vào máu, khiến người Mỹ, đặc biệt là những người trẻ, không chịu ở nhà, giữ khoảng cách theo kêu gọi của chính quyền từ ban đầu. Ngày mà dịch bệnh ở mọi nơi trên nước Mỹ bùng phát thì ở bờ biển Florida, nam thanh nữ tú vẫn đông nghìn nghịt. Khi phóng viên hỏi họ có sợ dịch bệnh không, một thanh niên “trẻ trâu” trả lời: “Tôi bị Corona thì tôi sẽ bị Corona thôi; dịch bệnh không thể ngăn tôi tiệc tùng được”. Cả nước Mỹ sôi sục lên vì những lời bình luận thiếu hiểu biết này.
 
 
Tuy nhiên, những ngày gần đây, với tình hình đại dịch leo thang và thái độ của tổng thống đã thay đổi 180 độ về sự nghiêm trọng của Covid-19, hy vọng những người trẻ và những người ủng hộ Trump cũng sẽ nhìn nhận vấn đề rõ hơn.
 
 

Sức khỏe hay Kinh tế? Bài toán khó cho nước tư bản

Ở thời điểm này, sức khỏe cộng đồng hay kinh tế là ưu tiên số một? Quả thực là khó cho Trump vì kinh tế Mỹ đi lên trong hơn 3 năm qua vốn là nền tảng vững chắc nhất để Trump dựa vào cho cuộc tranh cử năm nay. Nào ngờ, giờ đây vì Covid-19, hầu hết các tiểu bang đã yêu cầu doanh nghiệp tạm đóng cửa, hàng triệu người thất nghiệp, cổ phiếu xuống dốc… Hơn ai hết, Trump muốn kinh tế Mỹ mở cửa trở lại càng sớm càng tốt. Nhưng chuyên gia y tế cộng đồng và bệnh truyền nhiễm đều cho rằng còn quá sớm để biết rằng bao giờ dịch mới tới đỉnh, và hạ đỉnh, có thể lên tới vài tháng nữa. Xung đột giữa quyền lợi kinh tế và an toàn sức khỏe cộng đồng khiến Mỹ loay hoay. Chính sự mâu thuẫn nội tại này khiến người Mỹ bất đồng quan điểm với chính quyền, và tranh cãi lẫn nhau về cách xử lý Covid-19. Ngay trong tiểu bang Pennsylvania tôi sống, khi thống đốc Tom Wolf hạ lệnh đóng cửa những cửa hàng, doanh nghiệp không trọng yếu để hạn chế dịch bệnh lây lan, hàng loạt chỉ trích nổi lên, cho rằng thống đốc lạm quyền, thậm chí những lá đơn kiện đã ngay lập tức gửi lên tòa án để phán đối chính sách cứng rắn này. “Ai sẽ trả hóa đơn hàng tháng cho tôi đây?” – người dân thường khẩn khoản. “Giải pháp đối phó với Covid-19 làm hủy hoại kinh tế nghiêm trọng, phá sản chỉ trong nay mai” – doanh nghiệp giận dữ. “Chúng ta không thể để hậu quả của giải pháp còn lớn hơn vấn đề ban đầu” – Trump bức xúc. Ở nhiều tiểu bang và thành phố lớn, nỗi lo kinh tế làm chùn chân các nhà chức trách khi ra quyết định đóng cửa doanh nghiệp, nhà hàng, trường học, khiến cho dịch bệnh bùng phát mạnh – khi đó mọi giải pháp đều đã quá muộn. (New Orleans hiện nay là một ví dụ điển hình)
 
 

Một vài tín hiệu tốt

Khi bóng đen Covid-19 vẫn con bao trùm toàn nước Mỹ vì chưa chạm tới đỉnh của dịch, một vài tín hiệu tốt đã bắt đầu le lói, mang lại ít nhiều hy vọng cho người dân:
 
• Mỹ thông qua gói viện trợ 2 ngàn tỉ đô la, trong đó bao gồm trợ cấp cho doanh nghiệp, y tế, người dân trong thời kỳ dịch bệnh khó khăn. Đặc biệt trong đó người dân đóng thuế có thu nhập mức trung bình trở xuống sẽ được nhận 1.200 USD/người và trẻ em nhận 500USD/cháu một lần duy nhất, dự định trong tháng 4/2020. Người thất nghiệp nhận thêm 600USD/tuần cho trợ cấp thất nghiệp trong vòng 4 tháng. Như vậy, ít nhất người dân, doanh nghiệp, và y tế có thể cầm cự thêm ít nhất một vài tháng.
 
• Sau nhiều lần từ chối, Trump cũng đã phải kích hoạt Luật sản xuất quốc phòng, buộc các doanh nghiệp tư nhân phải khẩn cấp sản xuất thêm máy trợ thở theo yêu cầu của chính quyền liên bang. Dù chưa biết bao giờ máy trợ thở mới đến được với các bệnh viện ở tâm dịch nhưng ít nhất doanh nghiệp tư nhân đã buộc phải vào cuộc.
 
• Trong khi lãnh đạo cấp cao còn mải đấu đá nhau, những tổ chức và cá nhân địa phương đã liên kết để chung tay chống dịch. Một số chương trình thiết thực hiện nay ở nhiều địa phương như: phát bữa ăn sáng và trưa miễn phí cho trẻ em hằng ngày, quyên góp và phân phát thực phẩm cho những gia đình khó khăn, may khẩu trang tặng cho bệnh viện, siêu thị dành thời gian mở cửa ưu tiên cho người lớn tuổi vào mua trước… Những chương trình từ địa phương như thế này giúp gắn kết con người và tạo ra thay đổi thiết thực tới từng hộ gia đình.
 
 
Chi Nguyễn
(Pennsylvania, 29-3-2020)
 
Nguồn: The Present Writer
 
 
__________________________ 
 
Nguồn tham khảo:
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen