Seite auswählen

6.7.2020

Vũ Hoàng

theo CNN

Liên minh với Mỹ tạo nền tảng vững chắc cho sự ổn định của châu Âu hơn 70 năm qua, nhưng mối quan hệ dưới thời Trump đang lung lay dữ dội.

Trong suốt hơn 7 thập kỷ qua, mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương tưởng như không gì lay chuyển nổi đã góp phần củng cố các giá trị của trật tự phương Tây do Mỹ dẫn dắt. Nhưng đến năm 2020, quan hệ này dường như đang được xem xét lại ở cả hai phía.

Hồi đầu tuần trước, Liên minh châu Âu (EU) từ chối đưa Mỹ vào danh sách “các quốc gia an toàn” giữa đại dịch Covid-19, đồng nghĩa những người đến từ Mỹ sẽ không được khối này chào đón trong tương lai gần. Quyết định trên bắt nguồn từ thực tế là tình hình Covid-19 tại Mỹ vẫn chưa được kiểm soát. Trong khi đó, danh sách của EU có tên cả Trung Quốc, quốc gia được cho là nơi khởi phát dịch bệnh.

Từ trái qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tham dự một sự kiện tại Khải Hoàn Môn ở Paris hồi tháng 11/2018. Ảnh: AFP.

Từ trái qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tham dự một sự kiện tại Khải Hoàn Môn ở Paris hồi tháng 11/2018. Ảnh: AFP.

Nhằm xoa dịu Tổng thống Mỹ Donald Trump, người gần đây thường xuyên chỉ trích khối, giới chức EU cam đoan rằng quyết định họ đưa ra không mang tính chính trị mà hoàn toàn dựa trên bằng chứng dịch tễ học.

Tuy nhiên, nhiều người đã ngầm thừa nhận rằng trước đây, để “viên thuốc đắng” trở nên dễ uống hơn với công chúng Mỹ, Brussels đã bọc thêm bên ngoài “một lớp đường”.

“Nếu như trước đây, tôi có thể đoán chắc rằng EU sẽ không đưa Trung Quốc vào danh sách để làm hài lòng Mỹ”, một nhà ngoại giao EU giấu tên nói.

Đặt trong bối cảnh địa chính trị hiện nay, hành động này có lẽ là bằng chứng dễ thấy nhất về mối rạn nứt trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương, giới chuyên gia nhận định. Washington rõ ràng ngày càng ít quan tâm hơn đối với các vấn đề của châu Âu và các quốc gia châu Âu cũng không che giấu việc họ đang tìm cách giảm dần sự phụ thuộc vào Mỹ. Điều này đặc biệt đúng với 27 nước thành viên EU.

Một trong những cách Brussels nghĩ họ có thể tách rời khỏi Mỹ là tham gia nhiều hơn với Trung Quốc trên tư cách đối tác chiến lược và kinh tế, giảm phụ thuộc vào một trong những siêu cường toàn cầu bằng cách cân bằng mối quan hệ với siêu cường đối trọng.

“Nhìn vào các số liệu của Trung Quốc, cách họ đối phó với Covid-19 và nhìn sang lập trường của Nhà Trắng, tôi nghĩ chúng ta không thể tiếp tục xa rời họ”, nhà ngoại giao EU giấu tên nhận định.

Một quan chức giấu tên khác ở Brussels làm việc về chính sách đối ngoại của EU cho biết mục tiêu tách rời khỏi châu Âu đã trở thành ưu tiên địa chính trị của Mỹ từ thời tổng thống Barack Obama. “Obama không quan tâm sâu sắc tới Trung Đông như các tổng thống Mỹ đời trước và điều đó thực sự tạo ra vấn đề với EU. Ông ấy còn chuyển các ưu tiên từ châu Âu sang Trung Quốc và châu Á”, quan chức này nói.

Các nhà quan sát lâu năm đồng tình rằng mối quan hệ Mỹ – châu Âu đã trải qua quãng thời gian căng thẳng trong 4 năm qua và sẽ tiếp tục chia rẽ hơn nếu Trump tái đắc cử nhiệm kỳ hai vào cuối năm nay.

“Trump coi EU, đặc biệt là Đức, là một đối thủ về kinh tế và thương mại, đồng nghĩa căng thẳng nhiều khả năng sẽ gia tăng nếu ông ấy tái đắc cử”, Velina Tchakarova, chuyên gia từ Viện Chính sách An ninh và châu Âu của Áo, bình luận.

Theo bà, EU đang thực hiện các bước để dần dần “xây dựng quyền tự chủ mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng”, song Trump lại tìm cách “làm suy yếu những nỗ lực đó bằng những đòn công kích nhằm vào các thành viên châu Âu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đồng thời thông qua cả những biện pháp về thương mại và kinh tế”.

Quan chức Brussels giải thích rằng việc Trump “xa rời chủ nghĩa đa phương” trước những vấn đề quốc tế như Iran, kết hợp với việc Mỹ “thu hẹp trách nhiệm đối với an ninh châu Âu” đã thúc đẩy châu Âu cân nhắc việc rời xa Mỹ và “tự làm theo cách của mình trên trường quốc tế”.

“Vấn đề đặt ra là các quan chức ở Washington vẫn muốn làm việc với châu Âu lại không nhận được sự ủy nhiệm của chính phủ để tham gia vào bất kỳ cuộc thảo luận nghiêm túc nào”, ông này nói và thêm rằng nếu Trump đắc cử nhiệm kỳ hai, tình hình sẽ càng trở nên trầm trọng.

Đây là lý do “các tổ chức của EU và lãnh đạo các quốc gia thành viên muốn Joe Biden đắc cử vào tháng 11… Ông ấy ủng hộ chủ nghĩa đa phương và điểm khác biệt còn nằm ở việc ông ấy sẽ củng cố mối quan hệ giữa Mỹ và châu Âu”, Tchakarova nhận xét.

Một số nhà ngoại giao ở cả hai bờ Đại Tây Dương thừa nhận họ có chung quan điểm với Tchakarova, dù phần lớn từ chối bình luận về vấn đề này. Một nhà ngoại giao châu Âu nói: “Chúng tôi sẽ nhảy với bất kỳ ai, nhưng không cần phải là thiên tài mới có thể nhìn thấy rằng mối hợp tác giữa EU và Mỹ đang kém hiệu quả”.

Dù vậy, chiến thắng của Biden cũng không thể mang đến giải pháp tức thời cho mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, giới phân tích đánh giá. “Câu hỏi không phải là liệu bạn có thể đưa mối quan hệ quay về như ban đầu hay không mà là bạn có thể thuyết phục Mỹ tái gia nhập trật tự phương Tây không”, nhà ngoại giao EU giấu tên bình luận.

Nguồn vnExpress

dịch từ Cracks in the Trump-Europe relationship are turning into a chasm

Đoạn chót không dịch:

Tất nhiên, không điều nào trong số này có nghĩa là liên minh xuyên Đại Tây Dương sẽ ngừng quan trọng. Nó sẽ vẫn là trung tâm của những gì phương Tây đại diện và Mỹ sẽ luôn là đồng minh quan trọng hơn đối với châu Âu so với Trung Quốc vào bất kỳ thời điểm nào. Bên cạnh đó, các kế hoạch lớn của EU để tham dự nhiều hơn với Trung Quốc đã bị giáng một đòn mạnh bởi vụ dịch Covid-19 bùng phát.
Tuy nhiên, bề ngoài ấm áp mờ dần – với việc châu Âu tìm kiếm một vị trí mới trên trường thế giới khi vai trò toàn cầu của Mỹ vốn đã càng ngày trở nên khó lường hơn – chỉ có thể được coi là tin tốt cho những nước mà các cường quốc phương Tây lịch sử này đã thống nhất chống lại không lâu trước đây

PDF

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen