Seite auswählen

Tin Tổng hợp liên quan đến Biển Đông và Trung cộng

(21.11.2018)

 

Hoa Kỳ điều hàng không mẫu hạm tới Biển Đông

Hình chụp của Hải quân Mỹ: Tuần dương USS Antietam đi cạnh hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan ở Biển Phi Luật Tân hôm 21/6/2018  AFP

 

Hôm 20/11 hãng tin AP cho biết Hoa Kỳ vừa điều hai hàng không mẫu hạm chuẩn bị đến Biển Đông là tàu USS Ronald Reagan và tàu USS John C. Stennis.

Tờ Liberty Times của Đài Loan trích thông báo của quân đội Mỹ cho biết hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan đã nhập cùng với các tàu khu trục US Antietam và USS Milius là những tàu vừa đi qua eo biển Đài Loan gần đây để chuẩn bị vào Biển Đông.

Trong khi đó, hàng không mẫu hạm USS John C. Stennis hiện vẫn ở gần Phi Luật Tân. Tàu này sau đó cũng sẽ đến Biển Đông.

Trước đó, tại thượng đỉnh APEC hồi cuối tuần qua ở Papua New Guinea, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã lên tiếng cảnh báo Trung cộng rằng Biển Đông không thuộc về bất kỳ ai và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục cho máy bay và tàu chiến đi qua khu vực này nhằm đảm bảo quyền tự do hàng hai và hàng không trong khu vực.

Theo AP, Trung cộng mới đây đã đồng ý cho tàu USS Ronald Reagan cùng ba tàu khác của Hải quân Mỹ đến Hong Kong. Ba tàu khác được cho biết là các tàu Curtis Wilbur, Chancellorsville và Benford. AP trích thông tin từ cơ quan chức năng cảng Hong Kong cho biết những tàu này sẽ đến Hong Kong vào ngày 21/11. Trước đó, vào tháng 9, Trung cộng đã từ chối không cho hàng không mẫu hạm Mỹ đến Hong Kong giữa lúc có những căng thẳng trong quan hệ hai nước.

Chuyến thăm Hong Kong của hàng không mẫu hạm Mỹ lần này diễn ra vào ngay trước thượng đỉnh Mỹ Trung nhân hội nghị các nước G 20 ở Argentina vào 2 tuần tới.

 

 

Hoa Kỳ đưa pháo đài bay B-52 từ Guam đến gần Biển Đông

 

U.S. Air Force/Senior Airman Curt Beach

 Hai máy bay ném bom chiến lược B-52 của Không quân Mỹ đã bay vào khu vực phụ cận Biển Đông, việc mà Trung cộng vốn luôn phản đối. 

“Hai máy bay ném bom B-52H Stratofortress của Không lực Hoa Kỳ đã rời Căn cứ Không quân Anderse ở Guam, và tham gia vào một nhiệm vụ đào tạo thường lệ” trong “vùng lân cận của Biển Đông”, trang CNN trích dẫn tuyên bố của lực lượng Không quân Thái Bình Dương Mỹ.

“Nhiệm vụ gần đây phù hợp với luật quốc tế cũng như cam kết lâu nay của Mỹ về một khu vực Ấn Độ Dương — Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, CNN trích dẫn thông báo được đưa ra hôm 19/11. 

Hoa Kỳ thường xuyên cho máy bay ném bom bay gần Biển Đông như một phần trong các nhiệm vụ lâu nay được gọi chung là “Hiện diện liên tục máy bay ném bom”, Bắc Kinh đặc biệt nhạy cảm về sự xuất hiện của lực lượng quân sự Hoa Kỳ gần khu vực mà Trung cộng đã xây đảo nhân tạo và lắp đặt khí tài quân sự trên các thực thể tranh chấp.

4 tàu chiến Hoa Kỳ vào bến cảng Hồng Kông.

Một máy bay B-52 bay cạnh hai chiến cơ F/A-18 Hornets và hàng không mẫu hạm USS Nimitz. Quân đội Mỹ tăng cường hiện diện ở Biển Đông để phản đối tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung cộng (Ảnh: US Air Force)  

Bốn tàu chiến Mỹ đã cập cảng Hồng Kông, vài ngày sau khi hai máy bay ném bom B-52 của Mỹ đã bay gần các hòn đảo tranh chấp ở Biển Đông thứ Hai (19/11), theo Không lực Hoa Kỳ.

Chính quyền Tổng thống Trump đang tăng cường hiện diện ở Biển Đông nhằm phản đối các tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung cộng và đảm bảo các tuyến đường hàng hải, hàng không tự do trong khu vực.

Washington sẽ không nhượng bộ những yêu sách của nhà cầm quyền Trung cộng về Biển Đông, theo ông Patrick Murphy, một quan chức thuộc văn phòng Đông Á và Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Hồ sơ từ các nhà chức trách cảng Hồng Kông cho thấy rằng 4 tàu chiến của Hoa Kỳ đã cập cảng vào sáng sớm nay (21/11), bao gồm tàu USS Ronald Reagan, Curtis Wilbur, Chancellorsville và Benfold.

Động thái này được cho là một lời cảnh báo của Hoa Kỳ tới Trung cộng về quyền tự do đi lại của tàu thuyền trên Biển Đông, theo Taiwain News.

Trước đó, hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan đã tham gia cùng tàu khu trục USS Antietam và USS Milius để thực hiện các hoạt động diễn tập ở Biển Đông, tờ Liberty Times đưa tin.

 

 

Hoa Kỳ ‘sẽ không nhượng bộ Trung cộng’ vấn đề Đài Loan và Biển Đông 

 

Hai hàng không mẫu hạm của Mỹ “Carl Vinson” và “Ronald Reagan” trong cuộc tập trận huấn luyện tại vùng biển Nhật Bản. © REUTERS / U.S. NAVY/MASS COMMUNICATION SPECIALIST 2ND CLASS Z.A. LANDERS

Viên chức ngoại giao Hoa Kỳ cho rằng Đài Loan và Biển Đông là hai vấn đề lớn nhất cản trở quan hệ Mỹ – Trung và Bắc Kinh nên chịu trách nhiệm vì đã phức tạp hóa tình hình, Zing dẫn nguồn SCMP tiết lộ. 

Phát biểu tại Hong Kong hôm 19/11, ông Patrick Murphy, viên chức thuộc bộ phận chuyên trách Đông Á và Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao Mỹ, khẳng định Washington muốn giữ quan hệ ngoại giao cấp cao với Bắc Kinh trên bình diện song phương và đa phương, nhưng “sẽ không nhượng bộ” về vấn đề Đài Loan và Biển Đông.

Ông Murphy, một trong những nhà ngoại giao cấp cao tháp tùng Phó tổng thống Mỹ Mike Pence trong chuyến thăm châu Á tuần qua, cho rằng Đài Loan và Biển Đông là hai vấn đề lớn nhất đang cản trở quan hệ Mỹ — Trung.

“Chúng tôi đã duy trì quan hệ (với Trung cộng) bằng cách giữ nguyên hiện trạng qua nhiều thập kỷ, nhưng Trung cộng đang thay đổi hiện trạng đó tại Đài Loan và Biển Đông, và điều này dẫn đến căng thẳng”, South China Morning Post dẫn phát biểu của ông Murphy.   

“Chúng tôi muốn đóng góp vào sự thành công (của quan hệ Mỹ — Trung) bằng mọi cách có thể. Nhưng làm sao bạn có thể cùng lúc đối thoại với một nước đang xây dựng, tranh giành, quân sự hóa (Biển Đông), những động thái bào mòn sự tin tưởng?” 

Ông Murphy nhắc đến việc Trung cộng xây đảo nhân tạo, triển khai lực lượng và vũ khí tại các căn cứ quân sự trên Biển Đông.

“Hoa Kỳ giữ một quan điểm (về Biển Đông và Đài Loan) trong nhiều thập kỷ… chúng tôi thống nhất với cộng đồng quốc tế trong việc kêu gọi Trung cộng giữ nguyên hiện trạng ở hai khu vực trên”, vị quan chức khẳng định. 

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình và Phó tổng thống Mỹ Mike Pence “đấu khẩu” về vấn đề thương mại tại hội nghị cấp cao APEC ở Papua New Guinea. Căng thẳng Mỹ — Trung cũng khiến diễn đàn lần đầu tiên trong lịch sử không đưa ra được tuyên bố chung.

 

 

VN tạo cơ hội để Ấn Độ cứng rắn hơn với Trung cộng ở trên biển Đông

Tổng thống Ấn Đội Ram Nath Kovind (trái) gặp Nguyễn Phú Trọng ở Hà Nội, 20/11/2018

Quan hệ Ấn Độ-Việt Nam lại phát triển thêm trong tuần này khi Tổng thống Ấn Độ Shri Ram Nath Kovind thăm Việt Nam từ ngày 17-20/11. Ông Sameer Lalwani, Phó Giám đốc của Chương trình Nam Á thuộc Trung tâm Stimson ở Mỹ, nói: “Trong bối cảnh hai bên cùng lo ngại về sự quyết đoán của Trung cộng, New Delhi tìm cách tăng cường các năng lực của Hà Nội để kìm chân Trung cộng, trong khi mở rộng ảnh hưởng của Ấn Độ ở Nam Á”.

Tôi nghĩ Việt Nam muốn Ấn Độ đóng vai trò tích cực hơn trong khu vực Nam Á vì Việt Nam thấy Ấn Độ không được tích cực lắm trong nhóm bộ tứ, gồm Mỹ, Ấn Độ, Úc và Nhật Bản”, ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, nói.

Ấn Độ và Việt Nam đã tổ chức cuộc tập trận chung đầu tiên ở Vịnh Bengal vào tháng 10 để tăng cường quan hệ “ở cấp độ làm việc”, Press Trust of India đưa tin. Ấn Độ cũng đã dành cho Việt Nam khoản tín dụng 500 triệu đô la để mua vũ khí, và đề nghị lập một hệ thống cảnh báo Biển Đông có thể gửi dữ liệu về sóng thần cho Việt Nam.

Thăm dò dầu khí

Các nhà phân tích dự báo rằng Việt Nam và Ấn Độ sẽ sử dụng việc thăm dò nhiên liệu để củng cố vị thế của họ ở Biển Đông, kèm theo là lợi nhuận tiềm tàng.

Trong bốn năm qua, các chi nhánh nước ngoài của hãng ONGC thuộc chính phủ Ấn Độ đã làm việc với Tập đoàn Thăm dò Khai thác Dầu khí PetroVietnam để tìm kiếm dầu khí ở Biển Đông. Trung cộng có lẽ đang theo dõi một cách thận trọng, các chuyên gia nói.

“Vấn đề dầu mỏ có lẽ là một trong những chuyện chính trị hóc búa”, ông Maxfield Brown, cộng sự cao cấp của công ty tư vấn kinh doanh Dezan Shira & Associates tại thành phố Hồ Chí Minh nhận xét. Ông nói tiếp: “Tôi chắc chắn rằng Việt Nam muốn tìm các nước sẵn sàng đầu tư vào khai thác tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam mà cũng không sợ hãi về lời hăm dọa là hải quân Trung cộng sẽ ra tay ngăn cản”. 

Mohan Malik, giáo sư về an ninh châu Á, thuộc Trung tâm Daniel K. Inouye về Nghiên cứu An ninh châu Á Thái Bình Dương ở Hoa Kỳ cho biết  Bắc Kinh đã phản đối các hoạt động thăm dò dầu mỏ chung của Việt Nam và Ấn Độ tại Biển Đông trong gần một thập kỷ, nhưng New Delhi đã không hề suy suyển.

Thông qua các cuộc tập trận hải quân chung và các cuộc ghé thăm các cảng Việt Nam, New Delhi đang báo hiệu cho Bắc Kinh rằng việc bành trướng về hải quân đang gia tăng của Trung cộng sẽ bị chống lại bằng hoạt động hải quân của Ấn Độ ở Biển Đông“, ông nói thêm. 

 

 

Âm mưu thâm độc của Tầu cộng lên Đảo quốc Marshall

Đảo quốc Marshall

– Cộng hòa  Đảo quốc Marshall (Republic of the Marshall Islands) là quần đảo gồm 1,156 hòn đảo lớn nhỏ và 29 rặng san hô, dân số 55 ngàn  người, nằm trên Thái Bình Dương ở trung điểm giữa Hawaii và Úc gần đường xích đạo và đường đổi ngày quốc tế.

Marshall trở thành một quốc gia độc lập từ 1986, sau nhiều thập kỷ dưới sự bảo trợ của Mỹ và hiện theo thể chế Chính phủ Lập hiến.

Rongelap là một hòn đảo nhỏ trong Đảo quốc. Dân số Rongelap chỉ có vài gia đình (khoảng 20 người). Họ được hưởng đặc quyền miễn thuế. Vị trí của Rongelap rất gần với cơ sở thử vũ khí hạt nhân của Mỹ. Đây là mục đích mà Tầu nhằm tới.

Nữ Tổng thống Hilda Heine, vị Tổng thống thứ tám của Quốc đảo Marshall từ tháng 1/ 2016 đến nay. Bà là người đầu tiên của Đảo quốc có học vị tiến sĩ, và là nữ tổng thống đầu tiên.

Bẫy “Đặc khu Hành chính”

– Tàu nhằm  vào hòn đảo san hô Rongelap Atoll và dự định thành lập “Đặc khu Hành chính” (Rongelap Atoll Special Administrative Region – RASA). Những nhà đầu tư vào “Đặc khu” sẽ được hưởng những chính sách ưu đãi đặc biệt về thuế, tài chính, đất đai, tài nguyên, bến bãi, và kèm theo cả quyền hạn chính trị vô song.

Bà Hilda Heine nhận thấy chủ quyền Đảo quốc bị xâm phạm nghiêm trọng. Bà hiểu âm mưu thâm độc của Tàu muốn thiết lập “một nhà nước trong một nhà nước”. Bà đã cùng nội các bác bỏ kế hoạch “Đặc khu Hành chính Rongelap Atoll”.

Casten Nemra, cựu tổng thống Marshall

Những dân biểu quốc hội dẫn đầu là nguyên tổng thống Casten Nemra đã bị Tầu mua đứt âm mưu một kế hoạch không cần đưa vấn đề “Đặc khu” ra Quốc hội để bàn thảo mà cứ âm thầm thực hiện theo kiểu sự việc đã rồi; “trên bảo dưới không nghe”.

Bà kiên quyết chống đối và cho rằng Tầu định tạo ra một thiên đường để rửa tiền, bán hộ chiếu để vào Hoa Kỳ.

Ngoài ra, một nhức nhối khác cho Trung cộng là Cộng hòa đảo quốc Marshall vẫn nhìn nhận Đài Loan như một quốc gia độc lập và đặt quan hệ ngoại giao giữa hai đảo quốc.

 

Tổng hợp các tin từ RFA, VOA, RFI, Sputnik News, đại Kỷ Nguyên

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen