Seite auswählen

Tin Tổng hợp liên quan đến Biển Đông và Trung cộng

(30.11.2018) 

 

Hoa kỳ điều tàu tuần dương trang bị hỏa tiễn hành trình tới sát quần đảo Hoàng Sa

Tàu chiến Mỹ USS Chancellorsville (CG-62) đang vào cảng Hồng Kông, ngày 21/11/2018.ANTHONY WALLACE / AFP

Hãng tin CNN dẫn lời phát ngôn viên Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ  Nathan Christensen ngày 29/11 cho biết Washington ngày 26/11 đã điều tàu tuần dương trang bị hỏa tiễn hành trình lớp Ticonderoga USS Chancellorsville di chuyển tới gần quần đảo Hoàng Sa nhằm đảm bảo quyền tự do hàng hải và duy trì quyền tiếp cận các vùng biển tuân thủ theo luật pháp quốc tế.

“Lực lượng Mỹ hoạt động trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương hàng ngày, trong đó có Biển Đông. Toàn bộ các hoạt động đều phù hợp với luật pháp quốc tế và thể hiện rằng Mỹ có thể điều máy bay, tàu thuyền tới hoạt đông ở bất cứ nơi đâu luật lệ cho phép“, ông Christensen nhấn mạnh.

Theo CNN, một tàu của Trung cộng được cho là đã theo sát tàu hải quân Mỹ trong suốt nhiệm vụ tuần tra.

Ông Christensen nhấn mạnh cam kết của Mỹ trong việc đảm bảo quyền lợi, sự tự do của tất cả các quốc gia trong việc di chuyển trên vùng biển và vùng trời tuân thủ theo quy tắc và thông lệ.

Một viên chức Mỹ khác cho biết thêm, khi thực hiện chiến dịch bảo vệ quyền tự do hàng hải gần Hoàng Sa, tuần dương hạm USS Chancellorsville đã bị một chiếc tàu Trung cộng bám theo, nhưng không có sự cố đáng tiếc nào xẩy ra.

Hai viên chức Mỹ cũng xác nhận là Trung cộng đã chính thức gởi công hàm ngoại giao để phản đối hoạt động của chiếc USS Chancellorsville tại Hoàng Sa.

Trong khi hải quân Mỹ thực hiện các nhiệm vụ tuần tra tự do hàng hải trên khắp mọi nơi trên thế giới, Trung cộng dường như đặc biệt tỏ ra “nhạy cảm” với các nhiệm vụ tại khu vực Biển Đông, do các tàu và máy bay của Mỹ thường tiến tới hoặc bay gần các đảo nhân tạo mà Trung cộng bồi đắp và quân sự hóa phi pháp.

Ngoài nhiệm vụ tuần tra của hải quân tại khu vực, không quân Mỹ cũng điều máy bay ném bom B-52 bay qua Biển Đông.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tuần tra, tàu Mỹ đôi lần vướng vào những vụ đụng độ với tàu Trung cộng.

RFI, Sputnik News

 

 

 Biển Đông: ‘Cảnh giác Trung cộng sau sự kiện Nga-Ukraine’

Tiền lệ xấu từ vụ Nga bắt tàu Ukraine ở gần Crimea

Một nhà báo người Mỹ nói vụ Nga bắt tàu Ukraine ngoài khơi Crimea có thể là tiền lệ xấu ở Biển Đông. 

Trong cuộc phỏng vấn với BBC News Tiếng Việt tại London hôm 27/11/2018, nhà báo Greg Rushford cũng nói về tham vọng quân sự hóa Biển Đông của Trung cộng là có từ lâu.

Tuần này Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã tuyên bố thiết quân luật trong vòng 30 ngày sau cuộc khủng hoảng Nga bắt giữ ba tàu của Ukraine hôm Chủ Nhật ở eo biển Kerch, nơi nối Biển Đen với Biển Azov, ngoài khơi Crimea.

Nếu người ta không để mắt tới những gì mà Nga đã và đang làm tại Ukraine thì nó sẽ gửi đi một tín hiệu ngay lập tức cho Bắc Kinh rằng Trung cộng có thể làm điều tương tự tại Biển Đông. 

“Và tôi không hiểu sao Tổng thống Mỹ lại có điều gì khó khăn đến vậy trong việc chỉ trích Nga và bày tỏ quan điểm thật về việc này”.

 

Được biết các nhà lãnh đạo quốc tế gồm các ông Donald Trump, Vladimir Putin, Tập Cận Bình, bà Angela Merkel…sẽ có mặt tại Hội nghị G20 cuối tuần này ở Argentina.

Khi được hỏi về khả năng Hoa Kỳ có sẵn sàng tham chiến với tranh chấp ở Biển Đông hay không, nhà báo Rushford nói:

Chẳng ai muốn có chiến tranh cả nhưng cũng chẳng ai muốn Trung cộng muốn làm gì thì làm trong khu vực. 

“Nếu câu hỏi là Hải quân Mỹ sẵn sàng cho chiến tranh vì vấn đề này hay không thì rõ ràng là không. Nhưng chiến dịch tự do đi lại trên biển hay các biện pháp khác là cần thiết để tạo áp lực. 

“Tôi là một trong số ít các phóng viên vào hồi giữa thập niên 90 chứng kiến việc Trung cộng chiếm Đá Vành Khăn như thế nào. Trung cộng chiếm phần lãnh thổ này và ngay lập tức họ triển khai súng ống tại đây và rõ ràng ngay từ lúc đầu Bắc Kinh đã có tham vọng quân sự hóa Đá Vành Khăn.

“Bill Clinton lúc đó là tổng thống Mỹ vào lúc đó đã trì hoãn việc xử l‎y hành động này và tỏ quan điểm rằng không cần thiết phải quá lo ngại về Trung cộng vì họ quá nhỏ bé. 

“Chính các quan chức Trung cộng bác bỏ việc Bắc Kinh quân sự hóa Đá Vành Khăn giữa thập niên 90 là các quan chức tham gia vào vụ việc Trung cộng đưa tàu tới bãi cạn Scarborough là thuộc chủ quyền Phi Luật Tân và Hải quân Phi Luật Tân đã phải rời đây. 

“Do đó hành động xâm lấn là rõ ràng và Trung cộng có lâp trường bất cần và Bắc Kinh hành xử như các lãnh chúa thời thế kỷ 18 và nay vấn đề trở nên rất khó xử. 

“Và nếu chúng ta trở lại vấn đề Nga đang làm tại Ukraine thì chúng ta thấy giới hoạch định chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ phải hiểu rằng nếu ta gửi đi một tín hiệu yếu thế tại một nơi nào đó trên thế giới với Nga thì Trung cộng sẽ cảm nhận và tận dụng nó,” nhà báo Greg Rushford, chủ bút trang The Rushford Report ở Hoa Kỳ nói.

BBC

 

 

Chiến hạm Mỹ lại băng qua eo biển Đài Loan

Khu trục hạm USS Stockdale của Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ. Ảnh minh họa.CC/U.S. Navy

Lần thứ ba trong năm 2018, ngày 28/11/2018, các chiến hạm của Hải Quân Hoa Kỳ lại băng qua eo biển Đài Loan. Theo lời phát ngôn viên Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, khu trục hạm USS Stockdale và tàu tiếp nhiên liệu USNS Pecos đã đi qua eo biển này trong một chuyến hải hành « bình thường ». Phát ngôn viên này khẳng định là « Hải Quân Hoa Kỳ sẽ tiếp tục di chuyển và hoạt động tại bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép ».

Theo lời một viên chức chức Mỹ nói với hãng tin AFP, ngày 28/11, các chiến hạm của Trung cộng cũng đã có mặt ở vùng eo biển Đài Loan, những trao đổi giữa các chiến hạm này với chiến hạm Mỹ diễn ra một cách « an toàn » và « chuyên nghiệp ».

Bắc Kinh đã từng phản đối Washington sau khi hai chiến hạm Mỹ ngày 22/10 đi qua eo biển nằm giữa Đài Loan với Trung Hoa lục địa, xem đây là một hành động xâm phạm chủ quyền của Trung cộng. Vào lúc đó, bộ Ngoại Giao Trung cộng đã tuyên bố : « Vấn đề Đài Loan có liên quan đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Trung cộng. Đây là hồ sơ quan trọng nhất và nhạy cảm nhất trong quan hệ Mỹ-Trung ».

Hoa Kỳ lại đưa chiến hạm đến eo biển Đài Loan trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Bắc Kinh với Washington vẫn không giảm đi. Ngày 28/11, đại diện Thương Mại của Mỹ Robert Lighthizer đã ra thông cáo chỉ trích Trung cộng không cải tổ chính sách thương mại. Ông Lighthizer còn dọa là Mỹ sẽ đánh thuế lên xe hơi của Trung cộng để đáp trả việc Bắc Kinh áp thuế 40% lên xe hơi nhập từ Hoa Kỳ.

Đại diện Thương Mại Mỹ tuyên bố như trên vào lúc tổng thống Donald Trump dự trù gặp chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình vào cuối tuần này bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Achentina để bàn về thương mại. Theo lời một cố vấn của tổng thống Hoa Kỳ, ông Larry Kudlow, tổng thống Trump cho rằng hai bên có khả năng đạt được thỏa thuận trong cuộc gặp này.

RFI

 

 

Trung cộng lệnh cho tàu cá “biết cư xử” khi hội nghị G20 diễn ra

Trong suốt thời gian diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Argentina vào tuần này, Bắc Kinh cảnh báo tàu cá Trung cộng hoạt động ở nước ngoài tránh các hoạt động bất hợp pháp.

Theo đài CNBC hôm 30-11, Bộ Nông nghiệp Trung cộng yêu cầu các đơn vị đánh bắt cá xa bờ của Trung cộng phải giữ tàu thuyền của họ cách vùng đặc quyền kinh tế biển của các nước ít nhất 3 hải lý.

Khoảng cách này sẽ đảm bảo tàu cá Trung cộng không thể thực hiện các hành vi vi phạm như đánh bắt cá qua biên giới.

Bộ Nông nghiệp Trung cộng giải thích động thái trên nhằm bảo vệ hình ảnh của Bắc Kinh với vai trò là một cường quốc có trách nhiệm cũng như ngăn chặn bất kỳ hành vi vi phạm pháp luật nào ở nước ngoài trong thời gian tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G-20.

Lực lượng cảnh sát biển Hàn Quốc từng nhiều lần điều tàu ra chặn các tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép (Ảnh: AFP)

Cảnh báo của Bộ Nông nghiệp Trung cộng lưu ý các tàu đi vào vùng đặc quyền kinh tế biển của một quốc gia phải thông báo cho quốc gia đó, đồng thời tuân thủ quy định về hàng hải. Ngoài ra, các đơn vị đánh bắt cá xa bờ của Trung cộng được khuyến cáo theo dõi tàu thuyền của mình 24/24 và đảm bảo chúng hoạt động đúng luật.

Trong những năm gần đây, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã có những hành vi hung hăng tại các tuyến hàng hải quốc tế như biển Đông trong khi một số tàu Trung cộng bị cáo buộc đánh bắt cá bất hợp pháp ở nước ngoài.

Hồi năm ngoái, một tàu Trung cộng ở Vườn quốc gia Galapagos (Ecuador) – khu bảo tồn biển bị cấm đánh bắt cá phục vụ công nghiệp – bị phát hiện cùng với hơn 6.000 con cá mập.

Trung cộng cũng thường bị cáo buộc đánh bắt cá quá mức trong vùng lãnh hải của nước này. Kể từ năm 1994, Bắc Kinh đã khai thác thủy hải sản vượt hạn mức hằng năm, theo tổ chức Hòa Bình Xanh khu vực Đông Á.

Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) ước tính 90% ngư trường trên thế giới đang bị đánh bắt quá mức và Trung cộng là “thủ phạm” chính. Thống kê cho thấy khoảng 2.600 “siêu tàu” đánh cá của Trung cộng đang càn quét đến cạn kiệt nguồn cung hải sản trên thế giới.

Một vấn đề gây tranh cãi khác là Trung cộng trợ giá nhiên liệu cho đội tàu cá nước mình và khăng khăng không chịu chấm dứt bất chấp bị phản đối. Bộ Nông nghiệp Trung cộng cho biết đội tàu cá được sự tài trợ của nhà nước dự định tăng sản lượng đánh bắt thường niên từ 2 triệu tấn năm 2016 lên 2,3 triệu tấn năm 2020.

Phạm Nghĩa (Theo CNBC) 

 

 

Trung cộng mưu tính gì khi xây dựng ở bãi Bông Bay?

Đảo Phú Lâm, đảo lớn nhất trong quần đảo Hoàng Sa, nơi Trung cộng thiết lập thành phố Tam Sa

Công trình xây dựng mới của Trung cộng ở một bãi san hô ngoài Biển Đông đã gây căng thẳng trong quan hệ với Việt Nam sau một giai đoạn yên ắng và cũng có thể sẽ khiến Phi Luật Tân phải lo lắng.

Các hình ảnh vệ tinh cho thấy mới đây Trung cộng đã dựng một cấu trúc mới khiêm tốn trên bãi đá Bông Bay (Bombay Reef) vốn trước đây hầu như không xây dựng gì nhiều. Bãi đá này thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam cũng có tuyên bố chủ quyền, Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) ở Washington cho biết trên trang web của họ.

Bộ Ngoại giao Việt Nam sau đó đã ra tuyên bố phản đối việc Trung cộng xây dựng trên Đá Bông Bay. Việt Nam ‘yêu cầu Trung cộng dừng ngay lập tức và không lặp lại những hành động tương tự và có đóng góp thực tế phát triển quan hệ hữu nghị,’ phó phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Trà được dẫn lời nói.

Hai nước láng giềng Việt Nam và Trung cộng đã có xung đột về lãnh thổ trong hàng trăm năm qua và gần nhất là tranh chấp chủ quyền đối với Biển Đông. Bắc Kinh đã giành lấy quyền kiểm soát thực tế đối với quần đảo Hoàng Sa mà họ gọi là Tây Sa kể từ những năm 1970 mặc dù Việt Nam tuyên bố họ có chủ quyền với quần đảo này.

Trung cộng và Việt Nam đã giằng co xung quanh nhiều thực thể trên biển, cho nên tôi nghĩ rằng chúng ta nên xem đây là dấu hiệu mới nhất trong loạt giằng co giữa hai nước,” Oh Ei Sun, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Quan hệ Quốc tế Singapore, nói.

Hà Nội lo lắng rằng Trung cộng có thể mở rộng việc xây dựng từ Đảo Bông Bay ra các đảo đá và bãi san hô khác, do đó càng củng cố hơn quyền kiểm soát của họ, các học giả nhận định.

“Điều đặc biệt ở đây là chúng ta chưa bao giờ nhìn thấy Trung cộng có kiểu xây dựng nhanh chóng và ít tác động như vậy,” ông Gregory Poling, giám đốc AMTI, cho biết.

Cấu trúc này, nhiều khả năng sẽ trợ giúp việc đi lại của tàu bè trên biển, chiếm diện tích 124 mét vuông, CSIS cho biết.

Bãi Bông Bay có chiều dài 17,6 km và chiều ngang gần 6 km. Ở giữa có một phá, theo dữ liệu của AMTI. Công trình duy nhất ở đây trước khi cấu trúc mới này được xây dựng là một ngọn hải đăng cũ kỹ.

Trung cộng cũng đã xây dựng các cơ sở quân sự và cơ sở hạ tầng đô thị ở nơi khác trên quần đảo Hoàng Sa mà hồi đầu năm họ nói rằng họ sẽ cho phép kinh doanh du lịch ra đảo. Các quan chức Trung cộng đã làm tất cả những công việc này để đảm bảo cho tuyên bố chủ quyền của họ, các phân tích gia cho biết.

Từ những gì mà chúng ta có thể thấy ở đây, Trung cộng trước đây đã làm việc này và chúng ta phải chờ xem liệu nó có trở thành một đi trong một chuỗi các hành động hay không,” ông Tôn Vân, chuyên viên cao cấp Chương trình Đông Á tại Viện nghiên cứu Stimson ở Washington nhận định.

Việt Nam và Trung cộng có lịch sử thách thức sự nhẫn nại của nhau trên biển, nhất là khi mỗi bên thăm dò khí đốt ở những vùng biển mà bên kia tuyên bố có chủ quyền. Khi mối quan hệ xấu đi, họ thường làm giảm căng thẳng bằng cách gặp nhau trước hết qua kênh liên lạc của hai đảng Cộng sản, sau đó mới đến các quan chức gặp nhau.

Theo ông Carl Thayer, giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales ở Australia, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người mới vừa trở thành Chủ tịch nước hồi tháng 10, thường sử dụng kênh liên lạc trong đảng và kênh liên lạc nhà nước để làm việc với Trung cộng khi cần thiết.

Nếu như việc xây dựng trên Bãi Bông Bay là một chỉ dấu thì Phi Luật Tân có thể sẽ là nước kế tiếp đối đầu với việc mở rộng đảo của Trung cộng, ông Poling ở CSIS nhận định. Bắc Kinh có thể sẽ áp dụng hình thức xây dựng này lên bãi cạn Scarborough mà Manila tuyên bố có chủ quyền nhưng hiện đang do Bắc Kinh kiểm soát.

“Hình thức xây dựng này có thể sẽ được lặp lại ở nơi khác như bãi cạn Scarborough chẳng hạn mà không phải quá tốn kém hay làm tổn hại danh tiếng nếu như Trung cộng cho bồi đắp đảo ở quy mô lớn,” ông nói thêm.

VOA

 

 

Hiểu và đánh bại cuộc nổi dậy trên Biển Đông của Trung cộng

 

Tác giả: Hunter Stires | Biên dịch: Văn Cường

 

Trung cộng đang coi hải phận ở Biển Đông như thể đó là một vùng lãnh thổ đất liền. Mỹ thì sao?

Sự chi phối của một hệ thống quốc tế giúp duy trì nguyên tắc pháp lý và triết lý về “quyền tự do trên biển” là một trong những lợi ích quốc gia quan trọng nhất dù không được biết đến rộng rãi của Mỹ. Việc bảo toàn trật tự trên biển mang tính tự do và cởi mở là nhu cầu cấp thiết đối với một quốc gia mà khả năng kết nối của họ với hơn 80% dân số thế giới phụ thuộc vào vận tải biển. Trong gần 4 thế kỷ, theo nguyên tắc pháp lý (sau đó được hệ thống hóa thành Công ước Liên hợp quốc về Luật biển), các đại dương được coi là một tài sản chung, mà ở đó chủ quyền quốc gia bị giới hạn và hoàn toàn dựa vào tài sản kề gần đất liền. Tuy nhiên, cấu trúc có ý nghĩa sống còn này đang bị đe dọa nghiêm trọng ở Biển Đông.

 

Trung cộng đang tích cực làm việc không chỉ để chiếm ưu thế quân sự, mà thậm chí quan trọng hơn là để áp đặt một chế độ quản trị thay thế đối với tuyến đường biển có ý nghĩa sống còn này dựa trên luật pháp trong nước của Trung cộng và quan điểm từ lục địa của Bắc Kinh về chủ quyền trên biển. Cách tiếp cận hiện nay của Mỹ đối với vấn đề này không giải quyết được khía cạnh cốt lõi trong sự hung hăng của Trung cộng, vì sự xuất hiện rời rạc của lá quốc kỳ trong các hoạt động tự do hàng hải của Mỹ theo cách hiểu hiện nay là không được duy trì và do đó thiếu tác động chiến lược mang tính quyết định. Nhưng chiến thắng của Trung cộng cho đến nay chưa phải là chiến thắng cuối cùng. Để khôi phục được vị thế, Mỹ và các đồng minh của nước này cần phải điều chỉnh lại cách hiểu của họ về chiến dịch của Trung cộng trên Biển Đông và định hướng lại chiến lược của Mỹ nhằm đánh bại nó.

 

Cuộc chiến giữa các cơ chế pháp lý

Mấu chốt của thách thức trên Biển Đông không phải là cuộc đối đầu thông thường giữa các lực lượng. Đó chưa phải là một cuộc chiến tranh toàn diện mà cả Mỹ và Trung cộng hiện đều tìm cách tránh né, thay vào đó, đó là một cuộc đấu tranh chính trị về ý chí của các bên bộc lộ qua một cuộc đọ sức giữa hai hệ thống thẩm quyền pháp lý, cụ thể là giữa chế độ luật pháp quốc tế trên biển đang thịnh hành được gần như tất cả mọi người công nhận và quan điểm theo chủ nghĩa xét lại từ lục địa của Trung cộng về chủ quyền trên biển, theo đó có thể tuyên bố chủ quyền đối với các vùng biển như là “lãnh thổ quốc gia màu xanh” giống như đất liền để ngăn chặn sự xâm nhập của tàu thuyền và thủy thủ của các nước khác. Trong “cuộc chiến giữa các cơ chế pháp lý” này, phản ứng của các thủy thủ dân sự địa phương đến từ các nước Đông Nam Á – chứ không phải các hành động của 2 lực lượng hiếu chiến – sẽ quyết định kết quả. Do đó, câu hỏi mang tính quyết định ở đây không phải là “bên nào sẽ chiếm ưu thế trong cuộc chiến” mà là “người dân sẽ tuân theo luật của bên nào”?

Cuộc chiến giữa 2 cơ chế pháp lý là một hình thức tranh giành phiếu bầu ngầm, trong đó những người ủng hộ của mỗi bên tìm kiếm những người đồng chí hướng trong quần chúng. Tiến trình này không phải là một nỗ lực để giành lấy “trái tim và khối óc” như cuộc đấu tranh giành quyền kiểm soát bằng cách sử dụng các biện pháp khích lệ hoặc cưỡng ép để buộc người dân tuân thủ 1 bộ luật chứ không phải bộ luật của bên đối lập. Nếu họ được tự do lựa chọn mà không có bất kỳ biện pháp cưỡng ép nào ở cả 2 phía, thì các thủy thủ dân sự địa phương ở Đông Nam Á gần như chắc chắn sẽ chọn tuân theo luật pháp quốc tế hiện hành vốn bảo vệ và thi hành quyền tự do trên biển cho tất cả các quốc gia. Những lợi ích của trật tự cởi mở, dựa trên các quy tắc đang thịnh hành là rõ ràng hơn khi so sánh với sự lựa chọn thay thế mang tính đối lập – một chế độ bảo vệ vùng biển lấy Trung cộng làm trung tâm, mất tự do và khép kín trong đó các tàu không phải của Trung cộng chỉ được qua lại khi Bắc Kinh cho phép. Vì chế độ mà họ đề xuất áp dụng cho Biển Đông về mặt định tính hoàn toàn không hấp dẫn, nên Trung cộng đang tìm cách giành được “phiếu bầu” thông qua việc sử dụng các công cụ tiêu cực mang tính cưỡng ép, thể hiện sức mạnh quốc gia của họ. Theo đó, Trung cộng hăm dọa và đe dọa sử dụng vũ lực thông qua Lực lượng cảnh sát biển và Lực lượng dân quân trên biển của Trung cộng, được hậu thuẫn bởi các năng lực chiến đấu cao cấp của Hải quân Quân giải phóng nhân dân, khiến cho việc di chuyển qua các vùng biển mà các thủy thủ dân sự có quyền tiếp cận theo luật pháp quốc tế không còn an toàn nữa.

Điều này không có nghĩa là Trung cộng thiếu công cụ trong kho chính trị của họ để giành “phiếu bầu” tại các xã hội Đông Nam Á bằng các biện pháp tích cực thay vì tiêu cực. Ngược lại, ở cấp chính phủ, Trung cộng đã sử dụng vô cùng hiệu quả các biện pháp khích lệ – hứa hẹn phát triển cơ sở hạ tầng; hối lộ và thu hút giới tinh hoa… – để buộc các mắt xích yếu nhưng chủ chốt ở các xã hội Đông Nam Á phải chấp nhận hành vi trơ tráo của Trung cộng trên biển. Trường hợp của Phi Luật Tân trong 6 năm qua là một ví dụ minh họa cho động lực này. Năm 2012, trong nhiệm kỳ tổng thống của Benigno Aquino III, Trung cộng đã đe dọa trục xuất Hải quân Phi Luật Tân ra khỏi bãi cạn Scarborough, một cấu trúc địa hình trên biển nằm ngay trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Phi Luật Tân. Sau khi vi phạm một thỏa thuận xuống thang do Mỹ làm trung gian bằng cách cử tàu quay trở lại bãi đá khi đó không được bảo vệ, Trung cộng đã sử dụng các công cụ thực thi pháp luật trên biển trên danh nghĩa của họ để quấy rầy và áp đặt ý chí của họ đối với các ngư dân Phi Luật Tân, buộc những người này phải rời bỏ khu vực, để lại ngư trường trù phú của Scarborough cho tàu Trung cộng một mình khai thác. Khi Rodrigo Duterte lên nắm quyền vào năm 2016, Trung cộng đã sử dụng sức cám dỗ của đầu tư cơ sở hạ tầng để khuyến khích Duterte ngả theo khuynh hướng rõ ràng là từ bỏ vị thế chính trị-ngoại giao và pháp lý vững chắc của đất nước ông trong các tranh chấp ở Biển Đông. Khi điều đó được hoàn thành, Trung cộng đã cho phép tàu đánh cá Phi Luật Tân quay trở lại bãi cạn Scarborough – nghĩa là, Trung cộng hiện cho phép Phi Luật Tân tận hưởng thành quả của EEZ nhưng chỉ theo các điều khoản do Bắc Kinh đặt ra.

 

Tại sao chiến dịch của Trung cộng là một cuộc nổi dậy trên biển?

Nếu so sánh các hành động của Trung cộng với bất kỳ hình thức chiến tranh nào ở đây, thì đó là một cuộc nổi dậy. Mặc dù Clausewitz đã đúng khi tuyên bố rằng mọi cuộc chiến chỉ là sự mở rộng của hoạt động chính trị bằng nhiều phương tiện khác, không có một hình thức chiến tranh nào khác có bản chất chính trị, với trọng tâm gói gọn trong những câu hỏi về việc quản trị và pháp luật, như một cuộc nổi dậy. Về cốt lõi, các cuộc nổi dậy là những cuộc đấu tranh về việc “ai là người cai quản” một số dân nhất định trong một không gian địa lý nhất định, nghĩa là những người tham chiến chiến đấu để quyết định luật của bên nào sẽ được thực thi và do đó tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi trước đó: “Người dân tuân theo luật của bên nào?”.

Bắc Kinh tìm cách sử dụng sức mạnh quốc gia của Trung cộng để áp đặt hệ thống thẩm quyền của riêng họ đối với người dân ở các nước láng giềng Đông Nam Á, hành động để thúc ép họ tuân thủ thông qua đe dọa sử dụng vũ lực. Cũng như việc cách tiếp cận từ lục địa của Bắc Kinh đối với chủ quyền trên biển – quan niệm cho rằng có thể tuyên bố chủ quyền đối với các vùng biển xa xôi như đối với đất liền – có thể được nhìn nhận là một sự phát triển từ vị thế địa chính trị lịch sử của Trung cộng với tư cách là một đế chế lục địa hám lợi. Sự trỗi dậy trên biển của Trung cộng cho đến nay vẫn tiến triển mà phần lớn không bị cản trở nhờ các nỗ lực khác được nhiều người biết đến hơn – chiếm lãnh thổ và mở rộng vỏ bọc chống tiếp cận, ngăn chặn xâm nhập khu vực (2A/AD) – đã thu hút được sự chú ý của Mỹ và các đồng minh đến mức chúng đã thành công trong việc làm phức tạp thêm nỗ lực mang tính quyết định (cưỡng chế dân thường bằng vũ lực trên biển) và mục tiêu chiến lược cuối cùng của chiến dịch của họ (áp đặt một hệ thống cai trị thay thế của Trung cộng, lật đổ hệ thống luật pháp quốc tế trên biển đang thịnh hành, và từ đó bảo vệ chủ quyền được công nhận về mặt pháp lý của Trung cộng trên khắp vùng Biển Đông rộng lớn nằm trong “đường 9 đoạn”).

 

Cách thức để Mỹ và các đồng minh có thể chiếm ưu thế: Chống nổi dậy trên biển

Một khi vấn đề chiến lược ở Biển Đông đã được xác định là một cuộc nổi dậy, thì giải pháp chiến lược của Mỹ và các đồng minh cần được dẫn dắt bởi một chiến lược dĩ nhiên mang tính đối trọng là chống lại cuộc nổi dậy đó. Một cách tiếp cận như vậy trong lĩnh vực hàng hải, một cuộc “chống nổi dậy trên biển”, sẽ đòi hỏi phải bảo vệ các thủy thủ dân sự địa phương, đảm bảo an toàn cho họ trước sự quấy rối của Trung cộng để họ có thể thực hiện các quyền hợp pháp của mình một cách an toàn theo chế độ quốc tế đang thịnh hành về quyền tự do trên biển, do đó mang lại cho người dân công cụ bảo vệ hữu hình và niềm tin cần thiết để thách thức sự đe dọa của Trung cộng. Cần phải trấn an người dân rằng các nguyên tắc này trên thực tế vẫn chưa thay đổi. Chính ở khía cạnh này mà các hoạt động tự do đi lại của Mỹ được xem là chưa đủ – mặc dù việc các tàu khu trục quá cảnh trong phạm vi 12 hải lý của các cấu trúc địa hình riêng lẻ bị chiếm đóng trên biển có thể truyền đạt thông điệp pháp lý rằng Mỹ không công nhận một số tuyên bố lãnh thổ nhất định, nhưng những hoạt động như vậy trên thực tế không có bất kỳ tác động thực sự nào vì chúng không được duy trì, và do đó không tác động gì đến niềm tin của người dân vào việc chính họ cũng có khả năng thực thi các quyền pháp lý quốc tế. Cả dân thường lẫn người Trung cộng đều biết rằng các hoạt động tự do hàng hải của Mỹ là những cử chỉ nhất thời, vì như các nhà tuyên truyền Trung cộng đã nhắc nhở thế giới, Mỹ luôn “cao chạy xa bay”, và người dân sẽ là đối tượng bị hăm dọa và quấy rối ngay sau khi Hải quân Mỹ biến mất một lần nữa.

Một chiến lược chống nổi dậy trên biển sẽ tìm cách giành chiến thắng trong trận chiến giữa các cơ chế pháp lý ở lĩnh vực mang tính quyết định, cụ thể là ở sự tham gia và hành vi của các thủy thủ dân sự. Và giống như các nỗ lực chống nổi dậy trên đất liền, nó đòi hỏi phải sử dụng sức mạnh của Mỹ và các đồng minh trên một loạt lĩnh vực quân sự và phi quân sự.

Theo chiến lược chống nổi dậy trên biển, các hoạt động hộ tống trên biển nhằm mục đích bảo vệ sẽ được kết hợp với các nỗ lực diễn ra đồng thời nhằm củng cố các chính phủ và các nền kinh tế ở Đông Nam Á về mặt chính trị trước tầm ảnh hưởng xấu của Trung cộng, cùng với việc phát triển và triển khai các lực lượng chiến đấu cao cấp để ngăn chặn sự gây hấn bằng vũ lực của Trung cộng trên quy mô lớn chống lại các đồng minh của Mỹ dọc theo chuỗi đảo đầu tiên.

Mục tiêu then chốt của việc chống nổi dậy trên biển là khiến cho các lực lượng Trung cộng ở Biển Đông trở nên không liên quan trong những tình huống không phải chiến tranh, cũng như điều mà Trung cộng đã làm đối với các lực lượng Mỹ trong vài năm vừa qua. Giả sử Mỹ và các đồng minh có thể cân bằng thành công giữa việc duy trì sự răn đe khi xung đột diễn ra ở mức cao và tiến hành chống nổi dậy trên biển khi xung đột ở mức thấp, thì các công cụ cưỡng ép tốn kém mới của Trung cộng sẽ bị vô hiệu hóa và trở nên bất lực nếu người dân dưới sự bảo hộ của Mỹ và các đồng minh cảm thấy đủ tự tin để không chú ý đến những lời cảnh cáo của Trung cộng và những đe dọa gây tổn hại của họ.

Thách thức ở Washington và thủ đô các nước đồng minh là phải vận động cộng đồng mạnh mẽ gồm những người có kiến thức về lĩnh vực này quyết định cách tốt nhất để duy trì chiến dịch chống nổi dậy trên biển với phí tổn ở mức có thể chấp nhận được trong dài hạn. Nếu lịch sử có để lại bất kỳ lời khuyên nào, thì đó là cần phải tiếp tục chiến dịch này cho dù phải mất bao nhiêu thời gian đi chăng nữa để khiến ban lãnh đạo Trung cộng nhận ra rằng sự nổi dậy trên biển của họ không thể làm đảo ngược sự chi phối của luật pháp quốc tế đang thịnh hành bằng sự cưỡng ép chưa đến mức sử dụng vũ lực, cũng như những lợi ích thực sự khi Trung cộng chấp nhận và tuân thủ hệ thống hiện hành dựa trên quyền tự do trên biển. Một khi các câu hỏi nổi bật về phương thức hoạt động được các cộng đồng chiến lược ở Mỹ và các đối tác của họ giải đáp thành công, thì cuộc chống nổi dậy trên biển mới có khả năng giành chiến thắng mang tính quyết định và vô cùng cần thiết đối với Mỹ và các đồng minh cũng như trật tự quốc tế tự do dựa trên các quy tắc mà họ bảo vệ.

 

Hunter Stires là chuyên viên nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử Hàng hải  John B. Hattendorf, Học viện Hải chiến Mỹ. Bài viết được đăng trên The National Interest.

Nguồn: Nghiên cứu Biển Đông

 

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen