Seite auswählen

Tin Tổng hợp liên quan đến Biển Đông và Trung cộng

(04.12.2018)

 

Biển Đông không được nhắc tới trong cuộc đối thoại Trump-Tập

Cuộc họp Mỹ-Trung tại Á Căn Đình (Argentina) ngày 01/12/2018. Reuters

Hoa Kỳ và Trung cộng dường như tạm gác bất đồng về Biển Đông, trong cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo bên lề hội nghị G20 cuối tuần qua. Tờ South China Morning Post hôm 04/12/2018 dẫn lời các nhà phân tích cho rằng, đó là nhằm tránh ảnh hưởng đến đàm phán thương mại.

Thay vào đó, bên cạnh hồ sơ thương mại, tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình thảo luận về Đài Loan, Bắc Triều Tiên và quy định về việc sử dụng chất gây nghiện tổng hợp fentanyl.

Nhà bình luận quân sự Song Zhongping cho rằng bất đồng về Biển Đông quá lớn để có thể vượt qua, việc tạm gác qua một bên hồ sơ này giúp tập trung vào việc giải quyết các tranh chấp thương mại. Trung cộng yêu sách lợi ích của mình tại vùng biển này, trong khi Hoa Kỳ nhấn mạnh đến quyền tự do hàng hải.

Hoa Kỳ không yêu sách chủ quyền Biển Đông, nhưng lên án việc Trung cộng quân sự hóa vùng biển này, và thường xuyên gởi chiến hạm đến tuần tra.

Cả Washington và Bắc Kinh đều cho rằng cuộc gặp Trump-Tập đã thành công. Khi phía Hoa Kỳ tuyên bố hai bên sẽ phải giải quyết bảy vấn đề kinh tế trong vòng 90 ngày, nếu không Tòa bạch Ốc sẽ nâng mức thuế, thì Trung cộng lại im lặng về thời hạn do phí Hoa Kỳ đặt ra này.

RFI

 

Chuyên gia tố cáo Trung cộng nuốt lời hứa ở Biển Đông

Richard Heydarian, chuyên gia về Biển Đông.  © Ảnh: An Bình/ Dân Trí

Ông Richard Heydarian từ Đại học De La Salle (Phi Luật Tân), người đã có nhiều năm nghiên cứu về Biển Đông và từng viết 2 cuốn sách về chủ đề này, đã đưa ra các nhận định về tình hình khu vực trong cuộc trao đổi với báo chí bên lề hội thảo “Thúc đẩy hợp tác an ninh biển ở Biển Đông”, diễn ra tại Hà Nội ngày 4/12.

Đánh giá về các diễn biến trên Biển Đông gần đây, ông Heydarian nhận thấy tình hình khu vực khá phức tạp.

“Vài năm trước khi nói tới Biển Đông, chúng ta nói về vạn lý tường thành bằng cát mà Trung cộng bồi đắp trên biển. Nhưng điều chúng ta phải đối mặt hôm nay là vạn lý tường thành tên lửa”, học giả Phi Luật Tân nói. 

Ông Heydarian nhận định, rất đáng quan ngại khi năm nay Trung cộng đã đưa các tên lửa tiên tiến, các vũ khí quân sự, các thiết bị điện tử, các hệ thống theo dõi tới Biển Đông. Điều này cho thấy Trung cộng rõ ràng đã vi phạm lời hứa không quân sự hóa Biển Đông khi Chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình gặp Tổng thống Barack Obama tại Tòa Bạch Ốc vào năm 2015. 

Học giả trên nói, các hành động đó của Trung cộng rõ ràng cũng vi phạm phán quyết hồi năm 2016 của Tòa trọng tài đối với vụ kiện của Phi Luật Tân về yêu sách đường 9 đoạn mà Trung cộng đưa ra ở Biển Đông. Theo phán quyết, yêu sách đường lưỡi bò của Trung cộng không có cơ sở pháp lý và Trung cộng không có “quyền lịch sử” với các vùng biển ở Biển Đông. Vì vậy, Trung cộng không có cơ sở để tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

“Tôi cho rằng rõ ràng là Trung cộng đã vi phạm luật pháp quốc tế. Mặc dù Trung cộng giờ đây không mấy khi sử dụng cụm từ đường 9 đoạn vì nó vi phạm phán quyết của Tòa trọng tài nhưng Trung cộng vẫn tiếp tục quân sự hóa khu vực và đó là điều rất đáng lo ngại”, ông nói. 

Ông Heydarian cho hay, một điều đáng ý trong năm qua là các nước lớn trên thế giới ngày càng quan tâm tới vấn đề Biển Đông. Giờ đây, không chỉ Mỹ thực hiện các cuộc tuần tra tự do hàng hải (FONOP) mà nhiều nước khác như Australia, Anh, Pháp cũng đã làm điều đó. Ông cho biết, Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Harry Harris, cựu chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, đang kêu gọi Australia, Nhật Bản và Ấn Độ cùng tiến hành FONOP. Các nước cũng có thể thực hiện FONOP theo cách riêng của mình như Australia đã tiến hành các chuyến bay để khẳng định quyền tự do hàng hải. Nhật Bản đã điều tàu sân bay trực thăng tham gia tập trận chung với Mỹ ở Biển Đông. Ông cho rằng các hành động phối hợp này đang cho Trung cộng thấy rằng đây không phải vấn đề riêng giữa Trung cộng với Mỹ mà cả cộng đồng quốc tế.

“FONOP không nên chỉ do một quốc gia thực hiện. Cần phải tiến hành thường xuyên các cuộc tuần tra tự do hàng hải để đảm bảo rằng Biển Đông mở cửa cho tất cả mọi người, không một quốc gia nào có quyền riêng lẻ hạn chế quyền đi lại của các nước khác trong vùng biển này. Biển Đông không của riêng một nước nào. Việc bất kỳ nước nào quân sự hóa, triển khai các vũ khí, tên lửa tại khu vực tranh chấp là đi ngược với lợi ích hợp pháp của cộng đồng quốc tế”, chuyên gia nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Heydarian cho rằng chỉ FONOP là không đủ mà cần kết hợp nó với các hành động khác nữa. Ông cho rằng các nước lớn cần hỗ trợ tăng cường năng lực hàng hải và lực lược tuần duyên của các nước nhỏ có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, kết hợp với việc gia tăng sức ép ngoại giao trên mọi mặt trận.

 

Không để Trung cộng gây sức ép trong đàm phán COC 

Trong một bài viết của ông được đăng trên tờ Nikkei Asian Review hôm 4.12 ,Richard Heydarian viết rằng bất chấp chuyến thăm gần đây của ông Tập đến Phi Luật Tân, với những cam kết viện trợ được nhắc đi nhắc lại, mối quan hệ Phi Luật Tân – Trung cộng vẫn bất ổn do phản ứng dữ dội trong nước.

 

 

Ông cũng bày tỏ lo ngại quá trình đàm phán bản dự thảo COC, mà Trung cộng có thể gây sức ép lên các nước nhỏ hơn trong khu vực để đạt được một COC có lợi cho riêng mình.

“Tôi nghĩ rằng thà không có COC còn hơn là có bộ COC như vậy”, ông nhấn mạnh.

Bình luận về tuyên bố của Thủ tướng Trung cộng Lý Khắc Cường gần đây rằng Trung cộng hy vọng các cuộc đàm phán về COC sẽ hoàn tất trong vòng 3 năm tới, ông Heydarian nghi ngờ rằng Trung cộng đưa ra thời gian này là có chủ ý, vì sau 3 năm nữa cũng là thời điểm Phi Luật Tân kết thúc vai trò điều phối viên quan hệ đối tác đối thoại ASEAN — Trung cộng trong giai đoạn 2018-2021.

“Tôi cho rằng Trung cộng tự tin là có thể gây sức ép với Phi Luật Tân trong thời kỳ lãnh đạo của Tổng thống Duterte. Phi Luật Tân đã chuyển hướng nghiêng về Trung cộng, thay vì Mỹ, kể từ khi ông Duterte lên nắm quyền. Tôi hy vọng rằng với tư cách là điều phối viên, Phi Luật Tân không hành động giống như những gì Tổng thống Duterte nói, mà phải thể hiện quan điểm của cả chính phủ. Tôi nhận thấy có sự khác biệt lớn về quan điểm giữa điều ông Duterte nói và điều chính phủ Phi Luật Tân muốn”, ông Heydarian cho hay.

 

Học giả Phi Luật Tân cũng lưu ý rằng Trung cộng vẫn tiếp tục xây dựng và quân sự hóa Biển Đông trong khi đang đàm phán về COC. “Làm thế nào để chúng ta có thể đàm phán với vị thế đúng đắn và một cách công bằng khi họ thay đổi thực địa hàng ngày?”, ông đặt câu hỏi. 

Cuối cùng, ông Heydarian nhấn mạnh rằng cách thức giải quyết tranh chấp ở Biển Đông phải bằng con đường ngoại giao chứ không phải bằng đổ máu hay chiến tranh. Ông cho rằng các nước cần gây sức ép đủ lớn để Trung cộng không có cách nào khác là phải lùi lại một bước.

Ông Heydarian nói giống như cách thức Mỹ đang thực hiện cuộc chiến thương mại với Mỹ, các nước cần mạnh mẽ và cứng rắn với Trung cộng mới có tác dụng.

Theo Sputnik News

 

 

Hải quân Trung cộng lại đối đầu tàu chiến Mỹ ở Biển Đông

USS Chancellorsville, tuần dương hạm mang hỏa tiễn hành trình của Mỹ thả neo trong chuyến đi thăm Hong Kong cùng với hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan ngày 21/11/2018. (Photo by ANTHONY WALLACE / AFP, ảnh riêng)

Trung cộng hôm 1/12 cho biết nước này đã đưa lực lượng hải quân để xua đuổi một chiến hạm Mỹ đi ngang qua các vùng biển đang tranh chấp ở Biển Đông.

Bản tin của tờ South China Morning Post dẫn một tuyên bố của Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Nam của Trung cộng, nói tuần dương hạm mang hỏa tiễn hành trình USS Chancellorsville đã tiến vào các vùng biển quanh quần đảo Hoàng Sa hôm thứ Tư “mà không được phép của chính phủ Trung cộng”.

Tuyến bố cho biết: “Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Nam đã triển khai các lực lượng hải quân và không quân để theo dõi chiếc tàu Mỹ, đưa ra lời cảnh cáo để tàu Mỹ rời khỏi nơi này.”

Phía Trung cộng còn cho hay Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Nam sẽ tiếp tục theo dõi tình hình trên không và trên biển, để “tránh xảy ra những sự cố có thể đe dọa an ninh quốc gia” của Trung cộng.

Tuyên bố kêu gọi Hoa Kỳ hãy kiềm chế hải quân và không quân của mình để tránh những tính toán sai lầm.

Trong một tuyên bố hôm thứ Năm, người phát ngôn của Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ nói chiếc tàu chiến Mỹ hoạt động gần quần đảo Trường Sa màTrung cộng gọi là Tây Sa, để thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung cộng tại quần đảo này.

Báo Stars & Stripes dẫn lời các giới chức của Hạm đội Thái Bình Dương xác nhận hải quân Hoa Kỳ đã điều 1 tuần dương hạm mang hỏa tiễn hành trình đi ngang qua quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông.

USS Chancellorsville đi ngang qua quần đảo Hoàng Sa để khẳng định quyền tự do hàng hải sau khi cập cảng ở Hong Kong cùng với hàng không mậu hạm Ronald Reagan và tàu USS Curtis Wilbur vào tuần trước .

Hoạt động khẳng định quyền tự do hàng hải mới nhất của Mỹ diễn ra vài tuần sau khi tàu chiến Mỹ và tàu chiến Trung cộng suýt nữa là đâm vào nhau trên các vùng biển đang tranh chấp vào ngày 30/9 năm nay.

VOA

 

 

Ngăn ảnh hưởng của Trung cộng, Tân Tây Lan cử 14 nhà ngoại giao tới Thái Bình Dương

Nữ thủ tướng Tân Tây Lan Jacinda Ardern và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Tân Tây Lan Winston Peters (Ảnh: Đảng Lao động Tân Tây Lan)

Tân Tây Lan (New Zealand) sẽ cử 14 nhà ngoại giao mới đến khu vực Thái Bình Dương vào năm tới, một động thái mới nhất từ các chính phủ phương Tây nhằm chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung cộng trong khu vực chiến lược này.

Theo Reuters, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Tân Tây Lan Winston Peters hôm thứ Ba (4/12) cho biết các nhà ngoại giao mới sẽ tới Samoa, Tonga, Fiji, Vanuatu, Papua New Guinea, Quần đảo Solomon, Kiribati và bang Hawaii của Hoa Kỳ.

Ông Peters phát biểu: “Những vị trí [ngoại giao] mới này là bước đầu tiên thể hiện Tân Tây Lan cam kết với Thái Bình Dương nhằm giúp khu vực an toàn hơn, thịnh vượng hơn và tăng cường tiếng nói của Tân Tây Lan trong khu vực”.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh các nước phương Tây ngày càng lo ngại về ảnh hưởng của Bắc Kinh tại Nam Thái Bình Dương thông qua sáng kiến Vành đai – Con đường, siêu dự án bị hoài nghi rộng rãi là một hình thức bẫy nợ, khiến các nước tiếp nhận vốn bị lệ thuộc vào Trung cộng.

Tân Tây Lan cũng đang cử bốn nhà ngoại giao bổ sung tới Nhật Bản, Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và Trung cộng để phối hợp thực thi chính sách ở khu vực Thái Bình Dương, ông Peters cho biết.

Hoa Kỳ, Úc, Pháp và Anh đang mở các sứ quán mới, bổ sung thêm nhiều nhân viên và tham gia thường xuyên hơn với các nhà lãnh đạo của các quốc gia đảo nhằm chống lại ảnh hưởng gia tăng của Trung cộng.

Theo Reuters, cuộc cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung cộng trên Thái Bình Dương đã được đưa vào trọng tâm của APEC vào tháng 11 với việc Hoa Kỳ và các đồng minh phương Tây đưa ra một phản ứng phối hợp với dự án Vành đai – Con đường của Trung cộng.

Với tham vọng toàn cầu của Trung cộng, BRI thực chất là hình thức xuất cảng mô hình tăng trưởng cũ, dựa trên đầu tư cơ sở hạ tầng do nhà nước quản lý, theo ông Bilahari Kausikan, cựu Bí thư Thường trực Bộ Ngoại giao Singapore, hiện là Chủ tịch của Viện nghiên cứu Trung Đông, Đại học Quốc gia Singapore, viết trên Nikkei Asian Review.

Ông Kausikan cho rằng BRI ban đầu dựa trên nền tảng toàn cầu hóa do Mỹ dẫn đầu và liệu BRI có thể thành công nếu như thế giới chuyển sang chủ nghĩa bảo hộ? Ông viết: “Trung cộng có thể là kẻ thua cuộc chính nếu như trật tự thế giới thay đổi. Trung cộng không thể thay thế sự lãnh đạo của Mỹ. Một trật tự thế giới mở không thể dựa trên mô hình ‘đóng kín’ là chủ yếu của Trung cộng”.

Ông còn cho biết các nước đối tác trong BRI, bao gồm các nước Đông Nam Á, đang kháng cự lại BRI và việc tiếp tục triển khai dự án là rất khó khăn.

 

 

 Hé lộ “mắt xích” chiến lược của Mỹ ở Biển Đông nhằm kiềm chế Trung cộng

© Flickr/ Official US Navy Page/SPC Mark Alvarez

 Bên lề thượng đỉnh APEC tại thủ đô Port Moresby của Papua New Guinea giữa tháng 11, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cho biết Washington sẽ cùng Úc Đại Lợi khôi phục căn cứ hải quân Lombrum ở Papua New Guinea.

Ông Pence cho biết, Mỹ sẽ bắt tay với Papua New Guinea và Úc Đại Lợi để phát triển căn cứ này nhằm “bảo vệ chủ quyền và quyền hàng hải ở các đảo Thái Bình Dương“.

Lombrum, được xây dựng năm 1944, vốn là một căn cứ hải quân chính của Mỹ trong Thế chiến thứ 2. Đây từng là nơi đồn trú của hàng chục ngàn thủy quân lục chiến và từng đón khoảng 800 tàu. Nó có vị trí chiến lược nhìn ra các tuyến đường thương mại đông đúc.

Mỹ, Úc Đại Lợi tuyên bố bắt tay khôi phục Lombrum chỉ vài tháng sau khi xuất hiện những đồn đoán rằng Trung cộng cũng đang có ý định xây dựng một cảng ở đảo Manus và có thể sử dụng làm một căn cứ hải quân. Năm 2016, công ty China Harbour Engineering của Trung cộng đã thắng thầu phát triển sân bay Momote ở đảo này, nhưng đến nay cả giới chức Trung cộng và Papua New Guinea đều không xác nhận việc Bắc Kinh cân nhắc xây dựng một cảng ở đây.

Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời ông Collin Koh, một chuyên gia nghiên cứu về hàng hải của Singapore, nhận định:

“Kế hoạch nâng cấp căn cứ hải quân (Lombrum) là một phần trong chiến lược của Úc Đại Lợi với các đồng minh, ít nhất là với Mỹ, nhằm tăng cường mối liên kết với các quốc đảo Nam Thái Bình Dương trên nhiều mặt trận gồm ngoại giao, kinh tế và an ninh”.

Một số chuyên gia cho rằng, căn cứ Lombrum có thể coi là câu trả lời trực tiếp cho việc Trung cộng quân sự hóa trái phép Biển Đông. “Cách tiếp cận Lombrum đơn giản là áp dụng với Trung cộng chính điều mà Quân giải phóng nhân dân Trung cộng đã và đang làm ở Biển Đông“, Peter Jennings, chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu chính sách chiến lược của Úc Đại Lợi, nhận định.

Chuyên gia này cho rằng, căn cứ Lombrum cần lá chắn trên không và sân bay Momote có thể chuyển đổi mục đích sử dụng cho cả mục đích dân sự và quân sự.

“Việc chuyển đổi sân bay Momote thành một cơ sở dùng cho cả quân sự và dân sự sẽ bắt đầu biến đảo Manus trở thành yếu tố chiến lược quyết định cuộc chơi ở phía tây và bắc Biển Đông”, ông Jennings bình luận.

Với căn cứ này Hải quân Hoa Kỳ sẽ có thêm một điểm tiếp nhiên liệu cho các tàu chiến. Nó cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động tuần tra hàng hải của Mỹ ở khu vực trong bối cảnh Trung cộng ngày càng bành trướng tầm ảnh hưởng ở Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo, khi Mỹ và Úc Đại Lợi bắt tay nhau để triển khai kế hoạch khôi phục Lombrum, giới quan sát cho rằng, hai đồng minh này cần thận trọng để tránh làm mếch lòng Nam Dương. Do vậy, nhiệm vụ quan trọng nhất trước mắt đối với Mỹ và Úc Đại Lợi là trấn an Papua New Guinea và Nam Dương về mục đích khôi phục Lombrum.

Ngoài ra, công tác nâng cấp căn cứ này để tận dụng cho các tàu quân sự lớn hơn của Mỹ và Úc Đại Lợi neo đậu đòi hỏi mất nhiều năm.

Sputnik News

 

 

Việt Nam và Nga hợp tác khai thác dầu khí ở Biển Đông nhưng phải chịu sức ép của Trung cộng

Khoảng nửa tháng sau chuyến thăm Việt Nam của Thủ Tướng Nga Dmitry Medvedev, tờ Nikkei Asian Review của Nhật mới tiết lộ rằng trong cuộc gặp ông này ở Hà Nội, Thủ Tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc “than phiền về việc Trung cộng phô trương sức mạnh hải quân ở Biển Đông và nói rằng các nước nên cố gắng giải quyết vấn đề một cách ôn hòa và tôn trọng luật pháp quốc tế”.

Ông Medvedev được ghi nhận lên tiếng ủng hộ lời kêu gọi của ông Phúc.

Theo Nikkei Asian Review, Việt Nam và Nga đang tăng cường mở rộng các dự án hợp tác khai thác dầu khí chung ở Biển Đông và việc này nhằm giảm bớt sự phụ thuộc của Hà Nội vào giao thương với Bắc Kinh.

Tờ báo của Nhật Bản nói Nga và Việt Nam “đồng cảnh ngộ”: Việt Nam bị vướng vào tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông trong lúc nền kinh tế Nga cũng đang bị ảnh hưởng bởi các lệnh chế tài của phương Tây. Cả Nga lẫn Việt Nam đều đang tìm cách tránh phụ thuộc vào giao thương với Trung cộng.

Nhưng việc bắt tay khai thác dầu khí ở Biển Đông giữa Việt Nam và Nga có thể gây ra một phản ứng dữ dội từ Bắc Kinh,” Nikkei Asian Review đưa nhận định.

Tổng Công ty Dầu Khí Quốc Gia Việt Nam (PetroVietnam) và Tổng công ty Dầu Khí Gazprom (do chính phủ Nga kiểm soát) được ghi nhận thống nhất hợp tác khai thác các mỏ dầu trên thềm lục địa ở Biển Đông. Tuy nhiên, dự án này vẫn chưa được thực hiện vì vấp phải sự phản đối gay gắt từ Trung cộng.

Trước đó, trong chuyến thăm chính thức tới Moscow hồi Tháng Chín, 2018 của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, thông cáo do văn phòng báo chí Điện Kremlin phát đi cho biết Nga và Việt Nam “đồng ý phát triển các khu vực thăm dò và khai thác ở ngoài khơi Việt Nam”.

Bản tuyên bố chung nhắc đến kế hoạch của Gazprom đầu tư vào một nhà máy điện khí tại Quảng Trị, và Hãng Novatech của Nga hợp tác xây cảng khí thiên nhiên hóa lỏng và nhà máy điện khí ở Bình Thuận.

Tuy nhiên, văn bản này không đề cập dự án mỏ khí đốt Lan Đỏ, hợp tác của hãng Rosneft ở ngoài khơi Vũng Tàu từng là tâm điểm trong cuộc tranh cãi ngoại giao giữa Việt Nam và Trung cộng.

Hồi Tháng Ba, 2018, công luận xôn xao trước tin PetroVietnam yêu cầu đối tác Tây Ban Nha – Công Ty Năng Lượng Repsol dừng dự án Cá Rồng Đỏ ngoài khơi Việt Nam “do áp lực từ phía Trung cộng.”

Đó là lần thứ hai trong vòng chưa đầy một năm, Việt Nam phải hủy bỏ kế hoạch hợp tác khai thác dầu khí tại Biển Đông do bị sức ép từ Trung cộng. Cuối Tháng Bảy, 2017, trước sức ép từ Bắc Kinh, nhà cầm quyền CSVN yêu cầu Repsol dừng dự án thăm dò, khai thác dầu tại Lô 136-03 thuộc bãi Tư Chính, cách bờ biển Vũng Tàu khoảng 160km.

Người Việt

 

 

Trung cộng kêu gọi ‘gác tranh chấp’ ở Biển Đông

Chủ tịch Trung cộng và Tổng thống Phi Luật Tân ở Manila hôm 20/11.

 

Sau khi ký biên bản ghi nhớ về khai thác dầu khí gây tranh cãi với Phi Luật Tân, Trung cộng mới lên tiếng kêu gọi các nước tranh chấp ở Biển Đông “hợp tác” để biến nơi này trở thành “vùng biển hòa bình và hữu nghị”.

Hai bên đã ký gần 30 thỏa thuận song phương, trong đó có biên bản ghi nhớ, mở đường cho hợp tác khai thác dầu khí ở Biển Đông, trong chuyến thăm Phi Luật Tân của Chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình từ ngày 20 tới 21/11.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung cộng Cảnh Sảng sau đó nói rằng “việc ký văn bản ghi nhớ giữa Trung cộng và Phi Luật Tân phát tín hiệu về một bước tiến mới của hai bên về việc phát triển và khai thác dầu khí chung”, và rằng “hai bên sẽ tiếp tục thảo luận thêm nữa về các vấn đề liên quan cụ thể”.

Ông nói thêm rằng việc ký bản ghi nhớ này “là môt minh chứng cho sự tôn trọng lẫn nhau, việc đàm phán công bằng và lòng tin lẫn nhau giữa Trung cộng và Phi Luật Tân”.

Người phát ngôn này nói tiếp rằng Bắc Kinh “cũng mong chờ tiến hành các hợp tác như vậy với các nước ven Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) để biến Nam Trung Hoa thành một vùng biển hòa bình, hữu nghị và hợp tác”.

Phía Trung cộng đã kiên định hậu thuẫn việc ‘gác lại tranh chấp và cùng phát triển’ ở Biển Nam Trung Hoa và thúc đẩy hợp tác ở các lĩnh vực liên quan, trong đó có dầu, khí để thực sự mang lại lợi ích cho các nước ven biển và người dân của họ”, ông Cảnh Sảng nói.

Trung cộng sẵn lòng tiếp tục duy trì trao đổi và hợp tác về việc này với các nước liên quan ở Biển Nam Trung Hoa, trong đó có Phi Luật Tân, và nỗ lực vì tiến bộ thực chất về việc sớm cùng phát triển ở Biển Nam Trung Hoa”.

Theo Asia Times, thỏa thuận giữa Manila và Bắc Kinh đã gây sóng gió ở Phi Luật Tân. Trang tin này dẫn lời chánh án Tòa án Tối cao Antonio Carpio lên tiếng cảnh báo chính phủ không nên đồng ý với bất kỳ thỏa thuận “thăm dò, phát triển và khai thác chung” nào với Trung cộng ở các vùng biển tranh chấp.

Ông Carpio được trích lời nói rằng việc Trung cộng củng cố chủ quyền lãnh hải ở Biển Nam Trung Hoa là “mối đe dọa từ bên ngoài nghiêm trọng nhất kể từ Thế Chiến II” đối với Phi Luật Tân.

Liên quan tới biên bản ghi nhớ trên, Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Trà nói rằng “là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và là quốc gia ven Biển Đông, Việt Nam coi trọng hợp tác quốc tế, trong đó có hợp tác trên biển, trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, lợi ích chính đáng của tất cả các bên liên quan, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982, vì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực, cũng như quan hệ hữu nghị của các quốc gia”.

Bà Trà nói tiếp “hợp tác dầu khí giữa Trung cộng và Phi Luật Tân ở Biển Đông chỉ có thể được tiến hành tại những khu vực mà hai quốc gia này có quyền và quyền chủ quyền, theo đúng các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982”.

Hồi năm 2015, dưới thời kỳ nắm quyền của Tổng thống Phi Luật Tân Benigno Aquino III, người quyết định đưa Bắc Kinh ra tòa trọng tài Liên Hiệp Quốc, một số học giả của Phi Luật Tân, trong đó có ông Renato de Castro, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học De La Salle, nhận định với VOA tiếng Việt rằng Việt Nam và Phi Luật Tân có thể “gác tranh chấp” và “chống Trung cộng” sau khi Manila và Hà Nội đồng ý nâng cấp mối quan hệ song phương lên tầm chiến lược.

Ông Renato de Castro cho rằng dù hiệp định không dẫn tới một liên minh quân sự như giữa Manila và Washington, nhưng nó cho thấy đôi bên “đã gác lại các tranh chấp ở Trường Sa để chống lại mối đe dọa chung là Bắc Kinh”.

Tuy nhiên, một năm sau đó, ông Rodrigo Duterte đắc cử tổng thống và theo giới quan sát, chính sách ngoại giao của Phi Luật Tân đã ngả dần về phía Trung cộng.

VOA

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen