Seite auswählen

Nội bộ Huawei rối loạn sau vụ Giám đốc Tài chính bị bắt giữ


Huawei đang bị “tẩy chay” khắpnơi

Sự kiện Giám đốc Tài chính Huawei Mạnh Vãn Châu bị bắt tại Canada đã gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh doanh của công ty này. Mới đây, một nhà cung cấp thượng nguồn của Huawei cho biết, tình hình nội bộ của Huawei hiện giờ có thể nói là đang rối loạn. Bên cạnh đó, dường như toàn thế giới cũng bắt đầu ngăn chặn Huawei, khiến Huawei đối mặt với khó khăn tứ bề.

Tập đoàn Yaskawa Electric tại Nhật Bản có 3 nhà máy tại Trung cộng, chuyên cung cấp thiết bị sản xuất cho khách hàng tại Trung cộng. Đồng thời cũng là nhà cung cấp máy móc robot tự động cho Huawei sản xuất điện thoại thông minh và thiết bị viễn thông.

Ngày 12/12, Giám đốc của Yaskawa là ông Hiroshi Ogasawara chia sẻ với Bloomberg News cho biết, sau khi bà Mạnh Vãn Châu bị bắt, tất cả các đơn đặt hàng máy móc công nghiệp của công ty ông đều bị tạm dừng, tất cả các giao dịch chi tiêu đều tạm ngưng, họ cần làm phải làm rõ mọi việc trước.

Do đó có thể suy đoán, sự kiện bà Mạnh Vãn Châu bị bắt có thể đã tạo thành ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh doanh của Huawei.

Sự kiện bà Mạnh bị bắt cũng đã khiến Huawei trở thành tiêu điểm chú ý của toàn thế giới.

Hiện giờ, Huawei đang phải đối mặt với cục diện bị phong tỏa trên toàn cầu. Ngày 10/12, chính phủ Nhật Bản đã tuyên bố sẽ loại bỏ Huawei và ZTE ra khỏi danh mua các thiết bị mạng 5G.

Ngày 11/12, theo Đài truyền hình Fuji tại Nhật Bản đưa tin, nhân sĩ liên quan thuộc Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản (đảng đang cầm quyền tại Nhật) tiết lộ rằng sau khi tháo dỡ thiết bị của Huawei, họ đã phát hiện rằng trong phần cứng của các thiết bị này có chứa các thành phần không cần thiết, đó là chip gián điệp. Vấn đề này đã khiến các cơ quan chức năng của Nhật Bản phải chú ý vì nếu sử dụng các thiết bị viễn thông của Trung cộng như Huawei, khả năng các cuộc tấn công của tin tặc sẽ tăng cao. Điều này sẽ đe dọa an ninh quốc gia của Nhật Bản, do đó cần phải phòng vệ nghiêm ngặt.

Năm khó khăn của Huawei

Hồi tháng 8, Úc đã cấm Huawei đầu tư vào mạng 5G tại nước này; ngày 15/9, Ấn Độ cũng loại bỏ Huawei ra khỏi hợp đồng hợp tác phát triển mạng 5G; ngày 15/9, nhà mạng di động lớn nhất của Hàn Quốc SK Telecom tuyên bố, đã lựa chọn Samsung, Ericsson, Nokia là các doanh nghiệp tham gia đấu thầu thiết bị mạng 5G, Huawei của Trung cộng không được tham gia đấu thầu.

Tháng 10 năm ngoái, một bản báo cáo của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cho thấy, Huawei có liên quan đến cơ quan tình báo tương tự như KGB của Nga, hơn nữa còn tiết lộ công ty này còn nhận được khoản tiển 250 triệu Đô la Mỹ do Bắc Kinh cung cấp. 

Tháng 2/2018, các cơ quan tình báo lớn của Mỹ trong đó có cả FBI và CIA đều đã đưa ra cảnh báo đối với người Mỹ rằng không nên sử dụng các sản phẩm của Huawei và ZTE. Sau đó, Anh Quốc, Úc, Canada cũng lần lượt tiến hành điều tra an ninh đối với Huawei. Từ nửa cuối năm nay, các nước như Úc, new Zealand, Mỹ, Anh Quốc, Nhật Bản cũng lần lượt tuyên bố cấm sử dụng các thiết bị của Huawei.

Huawei từ lâu đã được biết đến là có bối cảnh liên quan đến quân đội Trung cộng. Tháng 7/2013, cựu Cục trưởng Cục tình báo Trung ương Mỹ Michael Hayden đã đưa ra cảnh báo, Huawei là cơ cấu gián điệp của Bắc Kinh, đây là một sự thật không phải tranh cãi.

Huawei không chỉ giúp đỡ chính quyền Bắc Kinh xây dựng các công trình như “Vạn lý tường lửa”, “Sky Net”, v.v. để giám sát người dân Trung cộng; mà còn xuất khẩu giám sát mạng ra nước ngoài, giúp Bắc Kinh thu thập, đánh cắp nhiều thông tin tình báo ở nước ngoài, thậm chí còn là vũ khí mạng quan trọng để Bắc Kinh bành trướng ra nước ngoài.

Huệ Anh (VNRewiew)

———————————————-

Mối quan hệ của Huawei và chính trị phe phái ĐCS Trung Hoa

Việc giới chức Canada bắt giữ Giám đốc Tài chính Huawei Mạnh Vãn Châu đầu tháng này đã đẩy công ty viễn thông lớn nhất thế giới này vào tâm điểm chú ý của quốc tế. Huawei trên giấy tờ là một công ty tư nhân, nhưng đằng sau đó là sự chi phối rõ rệt của các quan chức ĐCSTH, phục vụ cho lợi ích phe phái.

Ông Nhậm Chính Phi – người sáng lập công ty Huawei (Ảnh từ Sohu)

Mặc dù về mặt giấy tờ chính thức Huawei là công ty tư nhân, nhưng tập đoàn này lại không niêm yết tại bất kỳ thị trường chứng khoán nào và chính phủ nhiều nước trên thế giới coi Huawei là công cụ quan trọng của các nhà chức trách Đảng Cộng sản Trung Hoa (ĐCSTH). Các công tố viên Mỹ đã cáo buộc Huawei sử dụng một công ty Hồng Kông để né tránh chế tài Mỹ đang áp đặt lên Iran, giống với cáo buộc trước đây với ZTE – một công ty công nghệ hàng đầu khác của Trung cộng đã bán thiết bị cho Iran và Bắc Hàn.

Xem xét về giá trị cổ phần, Huawei là một công ty tư nhân thuộc sở hữu của người lao động. Nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi chính thức nắm giữ 1,4% cổ phần của Huawei, trong khi đa số cổ phần còn lại được phân bổ cho 80.000 nhân viên của tập đoàn này thông qua một ủy ban công đoàn.

Tuy nhiên, ủy ban công đoàn này không có vai trò nào khác và nhân viên Huawei sẽ tự động bị mất cổ phần của họ nếu họ rời công ty. Quyền lực thực sự thuộc về các nhà quản lý công ty và các liên kết ĐCSTH của họ.

Nhìn vào nhân sự cấp cao của Huawei, cho thấy rằng công ty này có mối quan hệ không chính thức gần gũi với các lực lượng an ninh, quân đội Trung cộng và phe phái chính trị trong nội bộ ĐCSTH liên kết với cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân.

Ông Nhậm Chính Phi xuất thân là sĩ quan của Quân giải Phóng Nhân dân Trung cộng (PLA) và vợ cả của ông, bà Mạnh Quân là con gái của một sĩ quan chính trị PLA nổi tiếng. Con gái đầu của ông Nhậm và bà Mạnh là Mạnh Vãn Châu, đang bị Canada bắt giữ theo yêu cầu của Mỹ.

Gia đình của ông Nhậm Chính Phi bị đàn áp trong Cách mạng Văn hóa những năm 1960 và 1970 và có thể đây là nguyên nhân khiến ông để con gái mình mang họ của vợ.

Phụ thân của bà Mạnh Quân là ông Mạnh Đông Ba xuất thân từ PLA và sau này trở thành Bí thư của một thành phố thuộc tỉnh Tứ Xuyên và cuối cùng làm Phó Chủ tịch Tỉnh Tứ Xuyên. Ông Mạnh Đông Ba cũng là đại biểu của cả Hội đồng Nhân dân Tỉnh Tứ Xuyên và Quốc hội Nhân dân Trung cộng trong những năm 1980.

Ông Nhậm Chính Phi có quan hệ tốt với bố vợ và từ đó nhận được sự ủng hộ của các kết nối chính trị của ông Mạnh Đông Ba.

Bà Tôn Á Phương là Chủ tịch Huawei từ năm 1999, cũng là một nhân vật nổi bật trong tập đoàn này và được coi là một trong những phụ nữ quyền lực nhất thế giới. Theo báo cáo của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), bà Tôn xuất thân từ Bộ An ninh Nhà nước – cơ quan tình báo của chế độ Trung cộng.

Huawei, Gián điệp và Đấu tranh phe phái

Ảnh hưởng của bà Tôn Á Phương tại Huawei làm lu mờ ông Nhậm Chính Phi. Năm 2010, bà Tôn đã gây áp lực buộc ông Nhậm phải từ bỏ kế hoạch đề bạt con trai ông là Nhậm Bình làm người tiếp quản tiếp theo của Huawei. Điều này cho thấy rằng cơ quan tình báo của chế độ Trung cộng kiểm soát gần như hoàn toàn Huawei.

Ngoài ra, trước khi lãnh đạo Trung cộng Tập Cận Bình đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng và thanh trừng phe phái, Bộ An ninh Nhà nước (MSS) được cho là nằm trong tay của ông Giang Trạch Dân và phe phái của ông này.

Những lãnh đạo của MSS trong các năm từ 1985 tới 2016 là Giả Xuân Vượng – lãnh đạo MSS tới năm 1998 và sau đó Hứa Vĩnh Dược tiếp quản tới năm 2007 thì được thay bởi Cảnh Huệ Xương, đều có quan hệ với phe phái Giang Trạch Dân.

Giả Xuân Vượng có mối quan hệ mạnh mẽ với ông Giang Trạch Dân và các đồng minh của ông này. Con rể của Giả Xuân Vượng là Lưu Lạc Phi, con trai của ông Lưu Vân Sơn – quan chức cấp cao của ĐCSTH thuộc phe Giang. Trước khi nghỉ hưu hồi đầu năm nay, ông Lưu Vân Sơn là một trong bảy thành viên của Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTH.

Hứa Vĩnh Dược là con trai của một quan chức ĐCSTH khác và cũng liên kết với phe Giang. Ông Hứa làm Bộ trưởng Bộ An ninh Nhà nước vào thời kỳ ảnh hưởng của ông Giang Trạch Dân ở đỉnh cao nhất.

Cảnh Huệ Xương từng làm việc gần gũi với Chu Vĩnh Khang – một cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTH. Ông Chu là nhân vật trung tâm của phe Giang và hiện đang bị tù giam vì tội tham nhũng và âm mưu làm mất uy tín Chủ tịch Tập Cận Bình. Ông Chu Vĩnh Khang ngã ngựa năm 2014 và một năm sau đó bị kết án tử hình, sau đó được giảm xuống án tù chung thân.

Cảnh Huệ Xương bị điều tra vào năm 2016. Vào tháng 11/2016, vị trí của ông Cảnh tại Bộ An ninh Nhà nước được thay bằng ông Trần Vĩnh Thanh – cựu phó chủ tịch của một ủy ban của ĐCSTH tại tỉnh Phúc Kiến. Ông Trần được cho là đồng minh của ông Tập Cận Bình.

Vai trò của Huawei trong Cơ sở hạ tầng Kiểm duyệt của ĐCSTH


Trung cộng đang bị coi là hiểm họa an ninh mạng

Ông Giang Trạch Dân là Tổng bí thư của ĐCSTH từ năm 1989 tới năm 2003. Sau khi ông Giang nghỉ hưu, nhiều người trong số những thuộc cấp của ông đã được đề bạt lên các vị trí cấp cao trong ĐCSTH và trong chính phủ Trung cộng, tiếp tục thực thi ảnh hưởng của ông Giang xuyên suốt hai nhiệm kỳ của lãnh đạo Trung cộng Hồ Cẩm Đào.

Các cá nhân trong mạng lưới bảo trợ rộng lớn này vẫn đang bị thanh trừng trong một chiến dịch chống tham nhũng liên tục, nhiều năm sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền từ năm 2013.

Ông Vương Hữu Quần, từng là quan chức của ủy ban kỷ luật của ĐCSTH từ năm 1993 tới năm 2002, nói với Epoch Times rằng theo một cựu nhân viên Huawei mà ông quen, Huawei là một công ty được sử dụng cho tình báo và nó đã phục vụ cho “triều đại trước đó”, tức dưới thời của ông Giang Trạch Dân.

Ngoài việc lạm quyền và tham nhũng, ông Giang Trạch Dân còn khét tiếng vì khởi đầu những hành vi lạm dụng nhân quyền mới dưới thời ĐCSTH, nổi bật nhất là chiến dịch toàn quốc chống lại môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công năm 1999.

Để giám sát và kiểm duyệt quan điểm trực tuyến tốt hơn, ông Giang đã tiến hành xây dựng hệ thống kiểm soát internet khổng lồ tại Trung cộng, được biết đến là Vạn lý Tường lửa của Trung cộng (Great Firewall).

Với những kết nối thân cận với chế độ Trung cộng dưới thời Giang Trạch Dân, Huawei đã đóng một vai trò sâu rộng trong việc xây dựng và nâng cấp Vạn lý Tường lửa.

Một thành tố quan trọng trong những giai đoạn đầu của tường lửa này là Dự án Lá chắn Vàng – được thiết lập để theo dõi người dùng internet khắp Trung cộng.

Vạn lý Tường lửa và Dự án Lá chắn Vàng được thiết lập dưới sự giám sát của con trai ông Giang Trạch Dân là ông Giang Miên Hằng – người có mối quan hệ gần gũi với Huawei.

Năm 2003, Đài Truyền hình Trung Ương Trung cộng (CCTV) đã đưa tin rằng giai đoạn đầu của Dự án Lá chắn Vàng, bắt đầu từ năm 2001, và tới cuối năm 2002 đã tiêu tốn 6,4 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 770 triệu USD theo tỷ giá thời điểm đó). Những khoản chi tiêu sau đó của dự án này đã không được công bố công khai.

Với quy mô, chi phí và tầm quan trọng liên quan tới Vạn lý Tường lửa, Ông Giang Trạch Dân có lẽ đã không chọn Huawei nếu ông không tin tưởng công ty này và không hài lòng với nền tảng chính trị của Huawei.

Nhà bình luận chính trị Trung cộng Đường Tĩnh Viễn tại Mỹ hôm 10/12 nói với Epoch Times rằng bà Tôn Á Phương có thể do phe phái Giang Trạch Dân chỉ định làm Chủ tịch Huawei và từ đó khiến cho vị thế chính trị của công ty này được nâng cao dưới con mắt của phe Giang.

Ông Đường nhận định: “Họ [các nhân vật trong phe Giang] đã coi Huawei là công việc riêng của họ kể từ đó. Thật dễ hiểu vì sao ông Giang Miên Hằng lại đặt hàng Huawei”.

Theo The Epoch Times,Tân Bình biên dịch

———————————–

Huawei tiếp tục gặp thách thức tại Pháp và Đức

Sau khi bị cáo buộc gián điệp cho đến vụ bắt giữ CFO tại Canada, bị cấm lắp đặt hạ tầng viễn thông tại nhiều nước như Úc, Tân Tây Lan, Anh, Nhật, Mỹ,… hiện Huawei đang là tâm điểm của scandal về bảo mật an toàn thông tin và phải đối mặt với những thách thức mới tại thị trường Châu Âu. Mới đây nhất, các công ty về mạng tại Pháp và Đức bắt đầu lên tiếng trên truyền thông về Huawei.

Deutsche Telekom của Đức thông báo sẽ đánh giá lại các nhà cung cấp của mình, và hãng Orange của Pháp cho biết họ sẽ không thuê tập đoàn công nghệ Trung cộng phát triển mạng 5G tại Pháp, theo Reuters.

CEO Stephane Richard của hãng viễn thông Orange (Pháp) cũng vừa nói với các phóng viên rằng: “Chúng tôi không có khả năng tiếp cận với Huawei cho mạng 5G sắp tới. Chúng tôi đang làm việc với các đối tác truyền thống – Nokia và Ericsson”.

Trong khi công ty mạng lớn nhất nước đã xác nhận không mua thiết bị Huawei cho 5G, Tổng thống Emmanuel Macron được biết là đang nỗ lực dựng nên các hàng rào kiểm soát chặt chẽ hơn, theo tin của Bloomberg.   Hai công ty mạng nhỏ hơn là Bouygues Telecom và  Altice chờ đợi chỉ thị từ Cơ quan Bảo mật Hệ thống thông tin Quốc gia (Anssi). Tờ SCMP cho biết, họ đã tăng cường thêm nhiều lớp chính sách như đòi quyền truy cập vào bo mạch chủ, sơ đồ gốc của thiết bị, chìa khóa mã hóa và các dòng code – về cơ bản, những bí mật kinh doanh của doanh nghiệp. Trong khi Nokia, Ericsson và Cisco đều đáp ứng, chỉ có Huawei là không nộp các thiết bị của mình cho việc chứng nhận.

Deutsche Telekom, công ty viễn thông Đức lớn nhất châu Âu, cho biết họ đang đánh giá lại kế hoạch tìm nhà thầu thiết bị mạng của mình. Công ty nói với tờ Reuters rằng họ thực sự rất kỹ lưỡng với vấn đề bảo mật thông tin liên quan đến các sản phẩm xuất xứ Trung cộng, vốn đang gây tranh cãi toàn cầu thời gian gần đây.

Thực tế, giới phân tích cho rằng mặc dù dè chừng nhưng các công ty Đức đang bị phụ thuộc vào Huawei. Họ sẽ gặp khó khăn nếu muốn tách ra khỏi công ty Trung cộng để xây dựng hạ tầng 5G. Việc bớt một nhà thầu ra khỏi danh sách có thể giảm tính cạnh tranh, khiến chi phí có xu hướng tăng. Vậy nên nếu họ thực sự “quay lưng” với Huawei thì đó là hành động miễn cưỡng nhiều hơn. Quả là một lựa chọn không dễ dàng.

NHẬT CHÍNH THỨC CẤM CƠ QUAN CHÍNH PHỦ MUA CÁC THIẾT BỊ TRUNG CỘNG

Một bản hướng dẫn của chính phủ Nhật Bản phổ biến trong các Bộ thuộc chính quyền Trung ương, Lực lượng Phòng vệ cùng nhiều cơ quan khác yêu cầu lập tức loại trừ các thiết bị do công ty Trung cộng cung cấp trong hệ thống. Mặc dù không chỉ đích danh công ty nào nhưng Huawei và ZTE là hai cái tên được nghĩ tới đầu tiên.


SoftBank quyết định “nghỉ chơi” với Huawei 

Ba công ty cung cấp mạng lớn nhất tại Nhật Bản cũng đang phải xem xét rất kỹ tình hình để có hành động hợp lý. Softbank đã mua nhiều thiết bị từ Huawei năm 2017 và tuyên bố sẽ thay thế hạ tầng hiện tại của Huawei sang Nokia và Ericsson, trong khi việc triển khai 5G của Softbank cũng lại bỏ qua Huawei.

Hai công ty NTT Docomo và  KDDI vẫn chưa có động thái cụ thể. Phía Docomo cho biết không dùng bất kỳ thiết bị nào từ Huawei hay ZTE, nhưng họ đang hợp tác với Huawei để thử nghiệm mạng 5G. KDDI thì không dùng thiết bị nào của ZTE, và hệ thống mạng cốt lõi thì không dùng của Huawei. Với diễn biến ngày càng leo thang, các công ty  mạng Nhật sẽ loại trừ thiết bị Trung cộng khỏi hạ tầng mạng 3G và 4G hiện tại, cũng như không ký hợp đồng cho mạng 5G sắp tới.

Rakuten, một hãng thương mại điện tử dự định nhảy vào thị trường viễn thông năm 2019, thông báo không có kế hoạch mua sắm với Huawei. Sau khi bản hướng dẫn của chính phủ được đưa ra, họ đã chọn Nokia để cung cấp thiết bị mạng 4G cho mình. Công ty dự định sẽ trở thành nhà mạng thứ 4 tại đất nước mặt trời mọc.

Theo ước tính, thị phần trạm phát sóng của Huawei đã tăng lên 13% trong năm tài khóa 2017, chủ yếu nhờ vào SoftBank. Với việc Nhật Bản mong muốn tung ra mạng 5G thương mại vào năm 2020, đúng dịp Olympic Tokyo, Huawei đang đứng trước nguy cơ bị vuột mất khỏi cơ hội giành lấy thị trường đầy tiềm năng này.

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen