Seite auswählen

Các nước quanh Biển Đông đầu tư phát triển sức mạnh quân sự đối phó Trung cộng

Trước âm mưu và thực thi quân sự hóa Biển Đông của Trung cộng, các quốc gia quanh khu vực này đã không ngần ngại đầu tư phát triển sức mạnh của lực lượng cảnh sát biển để đối phó với những động thái ngày càng quá đà của Trung cộng tại vùng biển này.

Tàu BRP Malabrigo của Lực lượng Cảnh sát biển Phi Luật Tân. (Ảnh: Wikipedia)

Hải quân các nước Đông Nam Á đang tăng cường sức mạnh quân sự trên nhiều mặt để đối phó với các vụ việc căng thẳng trên Biển Đông và bảo quyền chủ quyền lãnh hải trong bối cảnh Trung cộng ngày càng gia tăng các động thái bành trướng tại vùng biển này.

Nhiều nước trong khu vực đã mua sắm các tàu mới với quy mô lớn hơn. Trước đây, lực lượng hải quân của các nước phần lớn chỉ sử dụng các tàu tuần tra và tàu tấn công nhanh cho các chiến dịch ven biển. Còn bây giờ, các lực lượng hải quân đều trang bị các tàu chiến có tầm hoạt động xa hơn, kích cỡ lớn hơn, thông thường là các tàu hộ vệ hoặc tuần dương.

Singapore đã tự thiết kế và đóng mới 4 tàu đổ bộ lớp Endurance, đồng thời đóng thêm một tàu cũng thuộc lớp này cho hải quân Thái Lan. Nam Dương và Phi Luật Tân cũng đều mua các tàu đổ bộ lớp Makassar do Hàn Quốc thiết kế, trong khi Thái Lan đang vận hành tàu sân bay duy nhất ở Đông Nam Á.

Ngoài các tàu nổi, nhiều nước trong khu vực cũng trang bị các tàu ngầm cho lực lượng hải quân.

Mặc dù xu hướng tăng cường sức mạnh của lực lượng hải quân các nước tại và xung quanh khu vực Biển Đông gây chú ý trong những năm gần đây, song lực lượng cảnh sát biển cũng được đánh giá đóng vai trò quan trọng không kém và được các nước đẩy mạnh phát triển. Lực lượng “tàu trắng” này ngày càng được các nước đưa vào các hoạt động thực thi quyền hàng hải, đặc biệt tại các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ). Các cuộc tuần tra của các lực lượng cảnh sát biển được tiến hành thường xuyên hơn và trong một số trường hợp trở nên cứng rắn hơn.

Các lực lượng cảnh sát biển ngày càng thể hiện rõ vai trò như lực lượng “ủy nhiệm” của lực lượng hải quân các nước trong việc thực thi tuyên bố chủ quyền trên biển, đặc biệt tại Biển Đông. Lực lượng cảnh sát biển cũng được sử dụng để phục vụ cho các tính toán an ninh của các nước trong khu vực.

Các tàu cảnh sát biển Trung cộng từng va chạm với các tàu đánh cá của Việt Nam và Phi Luật Tân, thậm chí tìm cách ngăn cản và đe dọa tàu BRP Benguet của Phi Luật Tân tiến hành hoạt động tiếp tế trên Biển Đông.


Hạm đội “tàu trắng”

Tàu cảnh sát biển Trung cộng ngăn cản hoạt động của một tàu Phi Luật Tân trên Biển Đông năm 2014. (Ảnh: AFP)

Theo Asia Times, Trung cộng hiện sở hữu lực lượng cảnh sát biển hùng hậu nhất trên Biển Đông. Trung cộng hợp nhất 4 trong 5 lực lượng hàng hải dân sự chính thành Lực lượng Cảnh sát biển Trung cộng (CCG). CCG hiện vận hành hơn 100 tàu tuần tra, trong đó có hai tàu “quái thú” 12.000 tấn. Đây cũng là những tàu cảnh sát biển lớn nhất của Trung cộng hiện nay.

Một số nước trong khu vực, trong đó có Malaysia và Phi Luật Tân, cũng trang bị thêm các tàu mới và uy lực hơn cho lực lượng cảnh sát biển. Phi Luật Tân gần đây đã tiếp nhận 10 tàu tuần tra dài 44m từ Nhật Bản.

Trong những năm gần đây, lực lượng cảnh sát biển thường được triển khai để bảo đảm quyền của các nước trong vùng đặc quyền kinh tế, đặc biệt là quyền đánh bắt cá. Trong bối cảnh các tuyên bố về vùng đặc quyền kinh tế trên Biển Đông có xu hướng gia tăng căng thẳng trong những năm vừa qua, lực lượng cảnh sát biển ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn đối với các quốc gia ven biển.

Sau khi thành lập lực lượng cảnh sát biển thống nhất, Trung cộng được cho là sẽ có xu hướng sử dụng các tàu thuộc lực lượng này để đẩy mạnh yêu sách trên Biển Đông. Ngoài ra, các chương trình xây dựng và quân sự hóa trái phép các đảo nhân tạo do Trung cộng bồi đắp trên Biển Đông có thể cho phép Bắc Kinh triển khai thêm các tàu của lực lượng cảnh sát biển tới vùng biển này.


Theo VietBF

Phi Luật Tân cáo buộc quân đội Trung cộng ngụy trang thành ngư dân ở Biển Đông

Tàu cá Trung cộng hoạt động tại Biển Đông tháng 9/2015. Ảnh: Ibtimes.

Tàu Trung cộng gia tăng đột biến sau khi Bắc Kinh tuyên bố khôi phục các rạn san hô bị phá hủy bởi hoạt động xây đảo trái phép ở Biển Đông, VnExpress dẫn nguồn Philstar cho biết.

“Chúng tôi biết Quân giải phóng nhân dân Trung cộng đã cử người và tài trợ tiền cho lực lượng dân quân hàng hải của nước này để cải trang thành ngư dân trên hàng chục tàu dân sự trong khu vực”, Philstar dẫn lời viên chức giấu tên trong Bộ Quốc phòng Phi Luật Tân hôm 12/1 tiết lộ.

Theo viên chức này, việc đưa hàng chục tàu được cho là tàu cá ở khu vực trong hoặc gần vùng đặc quyền kinh tế của các nước Đông Nam Á là cách để Bắc Kinh tăng cường sự hiện diện và phô diễn sức mạnh trong khu vực.

Trung cộng hôm 2/1 nói rằng sẽ khôi phục các rạn san hô bị hủy hoại do việc xây đảo nhân tạo phi pháp của nước này ở quần đảo Trường Sa. Hiện chưa rõ sự hiện diện ngày càng tăng của các tàu Trung cộng có phải là một phần trong nỗ lực khôi phục của nước này hay không.

“Hiện tại, chúng tôi chưa biết tại sao số tàu cá Trung cộng gia tăng đột biến như vậy”, viên chức Phi Luật Tân nói thêm.

Một viên chức cấp cao trong quân đội Phi Luật Tân cho biết các nước trong khu vực cần giám sát sự xuất hiện của các tàu Trung cộng khi chúng có vẻ như tàu dân sự. Viên chức này thừa nhận sự xuất hiện của các tàu màu xám Trung cộng, được cho là tàu hải quân, đã trở nên thường xuyên.​

Trung cộng tuyên bố chủ quyền với 90% diện tích Biển Đông, chồng lấn lên vùng biển của nhiều nước trong khu vực. Căng thẳng trên Biển Đông gia tăng sau khi Trung cộng ngang nhiên xây dựng đảo nhân tạo trái phép và tăng cường hoạt động quân sự hóa tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Hành động này đi ngược cam kết của Bắc Kinh về việc không quân sự hóa Biển Đông và hứng chịu nhiều chỉ trích của dư luận quốc tế.

Ảnh vệ tinh cho thấy tàu cá Trung cộng hoạt động phi pháp tại Đá Subi ở Trường Sa tháng 8/2018. Ảnh: ATMI.

Trong vụ kiện Biển Đông của Phi Luật Tân, Tòa Trọng tài quốc tế tháng 7/2016 ra phán quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung cộng. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte thực thi chính sách thân Trung cộng nhằm đổi lại các khoản viện trợ, đầu tư. Duterte nhiều lần bị phe đối lập lên án vì thể hiện lập trường mềm yếu trước các hoạt động của Trung cộng ở Biển Đông cũng như phát ngôn gây tranh cãi về vùng biển này.

Căng thẳng Mỹ – Trung: Oanh tạc cơ B-2 đến Hawaii, hỏa tiễn DF-26 vào vị trí

© Ảnh: Northrop Grumman  B2 Spirit

Căng thẳng Mỹ – Trung vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi Mỹ điều động 3 oanh tạc cơ chiến lược B-2 quay trở lại căn cứ ở Hawaii còn Trung cộng đưa các hỏa tiễn “sát thủ diệt hạm” DF-26 tới vùng cao nguyên và sa mạc phía tây bắc, Infonet dẫn nguồn cho biết.

Các oanh tạc cơ chiến lược B-2 Spirit đã được lệnh quay trở lại Hawaii nhằm tăng cường sức mạnh quân sự của Mỹ ở khu vực Ấn Độ — Thái Bình Dương. Hoạt động triển khai B-2 diễn ra trong bối cảnh căng thẳng Mỹ — Trung trong các vấn đề liên quan tới tranh chấp thương mại và trên biển vẫn chưa ngớt.

“Hoạt động triển khai tới Hawaii nhằm chứng minh cho công chúng Mỹ và quốc tế rằng, B-2 đang hoạt động 24 giờ/ngày và 7 ngày/tuần cũng như sẵn sàng bảo vệ Mỹ cùng các đồng minh”, Trung tá Joshua Dorr, Chỉ huy chiến dịch của phi đội ném bom 393 tuyên bố về hoạt động triển khai 3 máy bay ném bom chiến lược B-2 Spirit cùng 200 quân nhân tới căn cứ hỗn hợp Chân Trân Cảng — Hickam ở Hawaii.

Tuyên bố từ không quân Mỹ không nhắc cụ thể Trung cộng hay quốc gia nào là nguyên nhân khiến Mỹ tái điều động B-2. Song trong thông báo, không quân Mỹ cho biết việc tái điều động các máy báy ném bom tàng hình B-2 là nhằm hỗ trợ cho sứ mệnh của lực lượng ném bom đặc nhiệm thuộc Bộ Tư lệnh Chiến thuật Mỹ cũng như đảm bảo “năng lực sẵn sàng tấn công trên toàn cầu”.

“Với khả năng tàng hình, B-2 có thể xuyên thủng các hệ thống phòng không hiện đại của đối phương và tiêu diệt các mục tiêu đáng giá nhất của đối phương”, không quân Mỹ nhấn mạnh.

Oanh tạc cơ B-2 lần đầu được đưa tới Hawaii vào tháng 8/2018 để tham gia huấn luyện tiếp liệu trên không và phối hợp tác chiến với tiêm kích tàng hình F-22 Raptor thuộc phi đội tiêm kích 199 đóng tại đây. Trong quá khứ, B-2 từng tham gia tuần tra ở căn cứ không quân Andersen tại Guam và đóng vai trò “dằn mặt” Triều Tiên.

Việc các oanh tạc cơ tàng hình B-2 quay trở lại căn cứ Hawaii diễn ra đúng lúc Trung cộng cho triển khai các hỏa tiễn đạn đạo tầm trung DF-26 tới “các vùng cao nguyên và xa mạc ở phía tây bắc”.

Với tầm bắn 4.500 km, DF-26 vốn được mệnh danh là “sát thủ diệt hạm” hiện được xem là mối đe dọa đối với căn cứ không quân Andersen. Ngoài ra, Trung cộng còn được cho dùng DF-26 để bảo vệ những tuyên bố chủ quyền phi lý trên Biển Đông và biển Hoa Đông. Eo biển Đài Loan cũng nằm trong tầm bắn của các hỏa tiễn DF-26.

Hoạt động triển khai DF-26 được Bắc Kinh tiến hành sau khi tàu khu trục hỏa tiễn dẫn đường USS McCampbell của hải quân Mỹ tiến lại gần quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) trên Biển Đông.

Sau vụ việc, Trung cộng đã hối thúc Mỹ “cần ngay lập tức dừng lại những hành động khiêu khích”. Tuy nhiên, Mỹ khẳng định hoạt động của tàu USS McCampbell nằm trong chương trình tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông.

Sputnik News

Pháp- Nhật tăng cường hợp tác quân sự tại Thái Bình Dương

Bốn vị bộ trưởng Quốc Phòng và Ngoại Giao Pháp-Nhật gặp nhau 11/01/2019 tại Brest, căn cứ hải quân Pháp ở tây-bắc. Mục đích cuộc họp 2+2 này nhằm « thúc đẩy » dự án đối tác quân sự đã được khởi động cách nay 5 năm.

Thủ tướng Shinzo Abe (giữa) tiếp bộ trưởng Quân Lực Pháp Florence Parly và ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian (trái) cùng các ông Itsunori Onodera, Taro Kono trong khuôn khổ cuộc họp 2+2 Pháp- Nhật. Ảnh ngày 26/01/2018 REUTERS/Frank Robichon/Pool

Tham dự hội nghị 2+2 tại Brest là ngoại trưởng Taro Kono và bộ trưởng Quốc Phòng Itsunori Onodera. Phía Pháp gồm ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian và bộ trưởng bộ Quân Lực Florence Parly.

Theo Reuters, cuộc trao đổi Pháp-Nhật được tổ chức theo công thức ngoại giao-quốc phòng mà Paris chỉ có với một nước bạn quan trọng ở vùng Ấn-Độ Thái Bình Dương, được thiết lập từ năm 2014 nhằm đáp ứng hai nhu cầu. Thứ nhất, Tokyo muốn khẳng định vai trò của Nhật trên trường quốc tế, tham gia các chiến dịch bảo vệ hoà bình, chống khủng bố và tìm kiếm sự hỗ trợ trước mối đe dọa bành trướng của Trung cộng.

Thứ hai, là Paris có lợi ích trong việc tham gia hoạt động và có tiếng nói trong khu vực chín triệu cây số vuông, trải dài từ Ấn Độ Dương đến tận Thái Bình Dương, nơi mà tự do hàng hải đang bị tham vọng của Bắc Kinh đe dọa.

Với căn cứ Nouméa ở đảo Nouvelle – Calédonie, chiến hạm Pháp có thể nhanh chóng đến Biển Đông và Biển Hoa Đông. Tháng 2/2018, tuần dương hạm Vendémiaire, bằng thủy lộ này, tập trận với hải quân Nhật và sẽ trở lại Hoa Đông vào tháng 4/2019. Cũng trong năm 2019, lần đầu tiên hàng không mẫu hạm hạt nhân Charles de Gaulle sẽ được tái bố trí ở Ấn Độ Dương và sẽ tập trận với các chiến hạm Nhật tại « phía đông Ấn Độ Dương » theo thuật ngữ ngoại giao của bộ Quân Lực Pháp. Nhưng ngoài an ninh quốc phòng, còn có vế thứ hai là hợp tác chế tạo vũ khí.

Theo một nguồn tin ngoại giao Nhật, Tokyo muốn cùng Paris ghi dấu một bước tiến cụ thể hơn trong cuộc họp 2+2 tại Brest : đó là tiến hành chế tạo tiềm thủy đỉnh tự hành chống thủy lôi do Thalès và Mitsubishi Heavy Industies thực hiện.

Theo RFI

Trung cộng đưa vào hoạt động loại vũ khí có tầm bắn bao trùm Biển Đông

© AFP 2018 / ANDY WONG

Hỏa tiễn DF-26 được Trung cộng triển khai ở khu vực tây bắc, nhưng có thể vươn tới Biển Đông nhờ tầm bắn 4.000 km, VnExpress đưa tin tham chiếu các phương tiện truyền thông châu Á.

Đài truyền hình quốc gia Trung cộng CCTV ngày 8/1 cho biết hỏa tiễn đạn đạo diệt hạm DF-26 đã được triển khai tại khu vực cao nguyên và sa mạc phía tây bắc nước này, theo Japan Times. Tuy nhiên, CCTV không nói rõ thời gian loại hỏa tiễn này được triển khai.

Thông tin được CCTV công bố chỉ một ngày sau khi hải quân Mỹ điều tàu khu trục tuần tra tự do hàng hải trong phạm vi 12 hải lý quanh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung cộng chiếm đóng trái phép.

Global Times, tờ báo thuộc People’s Daily, dẫn lời một chuyên gia Trung cộng giấu tên cho rằng động thái triển khai hỏa tiễn phát đi thông điệp cứng rắn tới Mỹ.

 “Ngay cả khi được dàn dựng tại các khu vực sâu trong đất liền Trung cộng, hỏa tiễn DF-26 vẫn có tầm bắn đủ xa có thể bao trùm cả Biển Đông”, chuyên gia này nhấn mạnh.

DF-26 là mẫu hỏa tiễn đạn đạo tầm trung, được biên chế cho quân đội Trung cộng vào tháng 4/ 2018. Được mệnh danh là “sát thủ tàu sân bay”, DF-26 có thể thực hiện các cuộc tấn công thông thường và hạt nhân nhằm vào mục tiêu trên bộ và trên biển.

Với tầm bắn 3.000-4000 km và được lắp thiết bị lướt siêu vượt âm có quỹ đạo rất khó đánh chặn, DF-26 được cho là có thể xuyên thủng các hệ thống phòng không tối tân bảo vệ tàu sân bay Mỹ.

Giới phân tích nhận định rằng hỏa tiễn DF-26 khi được phóng từ sâu bên trong nội địa Trung cộng sẽ khó bị đánh chặn hơn so với khi phóng từ các khu vực gần bờ biển, bởi trong giai đoạn đầu hành trình, hỏa tiễn bay ở tầm khá thấp và dễ bị phát hiện.

Sputnik News

Thương chiến Mỹ-Trung và Tranh chấp Biển Đông

Nguyễn Quang Dy

Khi xem xét và lý giải cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung trong bối cảnh trật tự thế giới mới, cần lưu ý mấy điểm cơ bản (làm hệ quy chiếu). Thứ nhất, chiến tranh thương mại chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”, nên xem xét nó trong một bối cảnh lớn hơn. Thứ hai, xung đột về thương mại thực chất phản ánh xung đột về cơ cấu và hệ thống, nên rất nan giải, không thể hóa giải trong vài tháng. Thứ ba, xung đột về thương mại gắn liền với xung đột về lợi ích chiến lược tại Biển Đông và tầm nhìn Indo-Pacific. Thứ tư, tuy người Mỹ phân hóa và chia rẽ sâu sắc, nhưng hầu như tất cả cùng đồng thuận và ủng hộ Trump chống Trung cộng.

Năm mới có gì mới?

Có người nói “năm mới lo lắng mới”. Thực ra, nên vừa mừng vừa lo, vì cơ hội và rủi ro luôn đan xen nhau. Người khôn thường biến nguy thành cơ, còn người dại thường biến cơ thành nguy (vì ngộ nhận và nhầm lẫn). Trong mọi tình huống, phải đặt lợi ích quốc gia lên trên hết  như điều kiện tiên quyết.

Ngày 7/1/2019, đàm phán thương mại Mỹ-Trung cấp thứ trưởng bắt đầu tại Bắc Kinh. Đây là cuộc đàm phán chính thức đầu tiên năm 2019, theo thỏa thuận ngừng bắn 90 ngày. Đoàn Mỹ do phó đại diện thương mại Jeffrey Gerrish dẫn đầu, chắc phản ánh quan điểm cứng rắn của Robert Lighthizer (đại diện thương mại, phụ trách đàm phán với Bắc Kinh).

Nếu đàm phán thương mại lần này (diễn ra trong 3 ngày) chưa có kết quả như mong đợi thì cũng dễ hiểu, không nên ngạc nhiên và thất vọng. Theo thông lệ, đàm phán cấp thứ trưởng thường chỉ là sơ bộ như trù bị để chuẩn bị cho lần đàm phán tiếp theo ở cấp bộ trưởng hoặc thậm chí cao hơn, lần tới khả năng sẽ diễn ra tại Washington vào cuối tháng này.

Lần đàm phán tới, dẫn đầu đoàn Trung cộng chắc là Lưu Hạc (phó thủ tướng, phụ trách kinh tế và Mỹ). Dẫn đầu đoàn Mỹ nhiều khả năng là Robert Lighthizer (được Trump chỉ định phụ trách đàm phán với Bắc Kinh). Nếu lần sau thất bại thì hậu quả mới nghiêm trọng. Tuy cả hai bên đều cần ngừng bắn để đàm phán, nhưng Trung cộng dường như cần hòa hoãn hơn là Mỹ.

Cùng ngày (7/1/2019) Mỹ đã điều khu trục hạm USS McCampbell tuần tra trong khu vực 12 hải lý gần 3 đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa là Tree Island (đảo Cây), Lincohn Island (đảo Linh Côn) và Woody Island (đảo Phú Lâm). Đây là lần tuần tra FONOP đầu tiên năm 2019 như để dẫn chứng quy luật “vừa đánh vừa đàm” và “ngoại giao pháo hạm” của Mỹ.

Trong khi người phát ngôn của hạm đội Thái Bình Dương tuyên bố Mỹ thực hiện “quyền tự do hàng hải”người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Trung cộng gọi đây là một “hành động khiêu khích” của Mỹ, “vi phạm luật pháp của Trung cộng và quốc tế”. Nếu lần này Trung cộng chỉ cảnh cáo mà không điều chiến hạm tới chặn đường như với USS Decatur (30/9/2018), thì chứng tỏ Bắc Kinh không muốn gây căng thẳng với Washington vào lúc này.

Dưới thời Trump, đây là lần tuần tra FONOP thứ 9. Ngoài Mỹ, đã có 8 nước đồng minh điều chiến hạm đến Biển Đông để tuần tra FONOP và tập trận (gồm Nhật, Ấn Độ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Pháp, Anh, Canada). Tuy tần suất và tính chất FONOP có được tăng cường, nhưng giới nghiên cứu Biển Đông cho rằng vẫn chưa đủ.

Theo Gregory Polling (CSIS) tuần tra FONOP “không đủ tác dụng ngăn chặn Bắc Kinh tăng cường ảnh hưởng trong vùng xám”. Theo một kết quả khảo sát gần đây, 2/3 số người được hỏi trong ASEAN cho rằng sự can dự của Mỹ tại khu vực Đông Nam Á đã giảm sút, và 1/3 đã mất lòng tin vào Mỹ như một đối tác chiến lược để bảo vệ an ninh khu vực.

Thực trạng Biển Đông

Biển Đông không chỉ là huyết mạch giao thông cho cả khu vực, mà còn giàu tài nguyên (dầu khí và hải sản). Tranh chấp tại Biển Đông chồng chéo phức tạp, không chỉ giữa các nước khu vực (về chủ quyền biển đảo), mà còn giữa các nước lớn (về lợi ích địa chiến lược). Tại Biển Đông, có nguy cơ Mỹ và Trung cộng bị xô đẩy vào “bẫy Thucydides”.

Suốt mấy thập niên qua, Mỹ đã ngộ nhận về Trung cộng, triển khai “can dự mang tính xây dựng” (constructive engagement) với ảo tưởng Trung cộng “trỗi dậy hòa bình” như một mô hình “dân chủ hóa”. Nhưng kết cục Trung cộng đã trở thành một quái vật “Frankenstein” (như lời Nixon). Nay người Mỹ tỉnh ngộ thì đã quá muộn, nên chính quyền Trump đang tìm cách lật ngược bàn cờ.

Khi thấy Trung cộng lớn mạnh, Tập Cận Bình quyết định từ bỏ kế sách “dấu mình chờ thời” của Đặng Tiểu Bình, theo đuổi “Giấc mộng Trung Hoa” và kế hoạch “Made in China 2025”. Tại Biển Đông, Trung cộng áp đặt “đường lưỡi bò” để bành trướng và bắt nạt các nước láng giềng, không cho họ khai thác dầu khí và đánh cá tại vùng biển của mình.

Đồng thời Trung cộng triển khai chương trình “Vành đai và Con đường” để thao túng các nước nghèo bằng “bẫy nợ”, mà thủ tướng Mã Lai Mahathir gọi là chủ “nghĩa thực dân kiểu mới”. Trung cộng đã từng bước kiểm soát Biển Đông theo kế sách “tầm ăn dâu” như “việc đã rồi” (fait accompli), và tìm mọi cách gạt Mỹ ra khỏi khu vực Biển Đông.

Có thể nói chiến lược của Trung cộng tại Biển Đông khá thành công. Trung cộng từ chỗ không có gì tại Biển Đông, nay họ đã chiếm được Hoàng Sa và một phần Trường Sa. Trung cộng đã áp đặt “đường lưỡi bò”, bất chấp luật quốc tế (UNCLOS và phán quyết của PCA). Trong mấy năm qua, Trung cộng đã ráo riết bồi đắp và quân sự hóa các đảo họ chiếm được thành các cứ điểm quân sự mạnh để kiểm soát Biển Đông như cái ao riêng của họ.

Chính quyền Trump đang tìm cách lật ngược thế cờ bằng cuộc chiến thương mại, có thể trở thành một cuộc chiến tổng lực về kinh tế. Ngừng bắn chỉ là một khoảng lặng tạm thời. Cách đây mấy tháng (30/9/2018) Mỹ đã ký với Mexico và Canada Hiệp định tự do thương mại USMCA (thay thế NAFTA). Trong đó, điều 32.10 là “liều thuốc độc” nhằm cô lập Trung cộng (có nền kinh tế “phi thị trường”). Mỹ sẽ cài điều khoản “thuốc độc” này vào các hiệp định thương mại sẽ ký với các đối tác khác (như Nhật và Tây Âu).

Theo Reuters, năm 2017 nguồn vốn từ Trung cộng đầu tư mạo hiểm vào các dự án khởi nghiệp tại Silicon Valley đã tăng lên 3 tỷ USD. Nhưng từ 8/2018 khi Mỹ áp dụng quy chế mới để ngăn chặn Trung cộng thâu tóm các doanh nghiệp công nghệ cao của Mỹ, tình thế đã đổi chiều. Theo khảo sát của Reuters tại 35 công ty khởi nghiệp của Mỹ, các khoản đầu tư mạo hiểm của Trung cộng đã chững lại. Dường như các nhà đầu tư Trung cộng đang tháo chạy khỏi Silicon Valley.  Đây là một dấu hiệu bất ổn cho triển vọng “Made in China 2025”.

Các bước ngoặt tại Biển Đông

Tháng1/1974, Trung cộng chiếm Hoàng Sa, nhưng Mỹ vì bắt tay với Trung cộng đã không can thiệp để bảo vệ đồng minh. Tháng 3/1988, Trung cộng chiếm mấy đảo Trường Sa, nhưng Liên Xô (đóng quân tại Cam Ranh) đã không can thiệp để bảo vệ đồng minh. Ngày 8/4/2012, Trung cộng chiếm bãi cạn Scarborough của Philippines, nhưng Mỹ (dưới thời Obama) cũng không can thiệp để bảo vệ đồng minh. Đó là vài dẫn chứng lịch sử.

Có lẽ vì vậy mà Trung cộng đã dám đưa dàn khoan HD981 đến vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông (5/2014) để khoan dầu bất hợp pháp, gây ra cuộc khủng hoảng mới tại Biển Đông, làm người Việt Nam bị sốc và buộc phải xích lại gần Mỹ. Đó là một bước ngoặt chiến lược, làm quan hệ Việt-Trung xấu đi, trở thành “nửa bạn nửa thù” (frenemy).

Tháng 7/2017 và tháng 3/2018, Trung cộng đã hai lần đe dọa không cho Việt Nam và hãng Repsol (Tây Ban Nha) khoan dầu khí tại vùng thềm lục địa của mình ở bãi Tư Chính, lô 136-03 và lô 07-03 (mỏ Cá Rồng Đỏ), buộc Repsol phải bỏ cuộc. Trong lần đối đầu đó, Trung cộng đã điều mấy chục tàu đến khu vực bãi Tư Chính để gây áp lực và đe dọa sẽ tấn công các vị trí của Việt Nam tại Trường Sa, nếu không dừng khoan dầu khí tại đây.

Có thể coi sự kiện đó là khủng hoảng Biển Đông lần thứ hai, tiếp theo vụ dàn khoan HD981. Đến nay không những Repsol (Tây Ban Nha) phải bỏ cuộc, mà Rosneft (Nga) và ExxonMobil (Mỹ) cũng phải hoãn kế hoạch khai thác khí tại Biển Đông, do sức ép ngầm của Trung cộng. Trong khi ExxonMobil phải hoãn kế hoạch khai thác tại mỏ khí Cá Voi Xanh (12/2017) thì  Rosneft cũng phải hoãn kế hoạch khai thác tại mỏ khí Lan Tây (2018).

Gần đây, trong khi trả lời phỏng vấn chương trình Hugh Hewitt (11/10/2018), cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton đã tuyên bố “Mỹ sẽ tăng cường khai thác tài nguyên tại Biển Đông dù Trung cộng có hợp tác hay không. Họ nên biết là không thể làm chuyện đã rồi. Đây không phải là một tỉnh của Trung cộng, và không bao giờ”. Tuy Bolton không giải thích cụ thể, nhưng chắc mọi người đều hiểu Bolton đang muốn nói tới điều gì tại Biển Đông.

Ngày 10/10/2018, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu với tỷ lệ áp đảo (87/10) thông qua Đạo luật Chuẩn chi Quốc phòng NDAA (National Defense Authorization Act), với kinh phí $716 tỷ (cho 2019), so với $640 tỷ (cho 2018). Với ngân sách đó, chính quyền Trump hy vọng có đủ nguồn lực để đầu tư vào các chương trình quốc phòng mới, như phát triển năng lực chiến tranh không gian (space warfare), tên lửa tầm trung, máy bay và tàu chiến thế hệ mới, để tăng cường sức mạnh răn đe nhằm đối phó với Trung cộng tại Biển Đông và Indo-Pacific.

Bàn cờ mới, luật chơi mới

Trong mấy năm qua, tình hình Biển Đông có lúc nóng lên làm quan hệ Trung-Việt khủng hoảng khi Trung cộng đưa dàn khoan HD981 vào Biển Đông (5/2014), và ráo riết bồi đắp và quân sự hóa các đảo nhân tạo tại Biển Đông với quy mô lớn. Nhưng cũng có lúc Biển Đông tạm lắng xuống một thời gian, như khoảng lặng trước cơn bão mới. Nhưng chưa bao giờ Trung cộng từ bỏ tham vọng kiểm soát Biển Đông (như cái ao của mình). Thỏa thuận đàm phán về COC của Trung cộng chỉ là chiến thuật hoãn binh nhằm xoa dịu các nước ASEAN. Lập trường cứng rắn hơn của Việt Nam về COC phản ánh một tư duy mới trong ASEAN.

Theo Reuters (31/12/2018), Việt Nam đã đề nghị một số điều khoản mới trong văn bản đàm phán COC, trong đó đáng chú ý nhất là yêu cầu cấm thiết lập bất cứ khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ) mới nào trên Biển Đông. Lập trường cứng rắn mới của Việt Nam về COC phản ánh tư duy đổi mới trong ASEAN, tự tin hơn trước. Theo tiến sỹ Lê Hồng Hiệp, đây là “một động thái phủ đầu khôn ngoan khiến Bắc Kinh chịu nhiều sức ép”.

Ngày 31/12/2018, Trump đã ký sắc lệnh ban hành “Đạo luật Sáng kiến Trấn an châu Á” hay ARIA (Asia Reassurance Initiative Act), sau khi được Hạ Viện thông qua với số phiếu áp đảo, và được Thượng Viện thông qua với số phiếu tuyệt đối 100%. Đây là một đồng thuận cao không chỉ giữa hai đảng, mà còn giữa Chính quyền và Quốc hội, với cam kết $1,5 tỷ (2019-2023) cho khu vực, ưu tiên hỗ trợ đồng minh (ASEAN) và “Bộ tứ” (Quad) gồm Mỹ-Nhật-Úc-Ấn (coi Ấn Độ là “đối tác quốc phòng chính”, và tăng cường hỗ trợ Đài Loan. Trong năm 2019, chắc Biển Đông và Đài Loan sẽ nổi lên như hai điểm nóng, trong khi Triều Tiên nguội bớt.

Theo Carl Thayer, ARIA là “chiến lược ngoại giao chặt chẽ đầu tiên của Mỹ cho khu vực”, được cả hai đảng trong Quốc hội  ủng hộ và đồng thuận, đề cao vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực, coi trọng các giá trị Mỹ trong chính sách đối ngoại, buộc Trump có trách nhiệm thực hiện, báo cáo Quốc hội hàng năm, đề xuất và xem xét lại các chiến lược để đạt mục đích của ARIA.

Nói cách khác, ARIA coi trọng hơn các biện pháp chính trị, ngoại giao, và cam kết tài chính cụ thể, để tăng cường mạng lưới đồng minh và đối tác (cả song phương và đa phương) trong khu vực Indo-Pacific. Trong khi tranh chấp Mỹ-Trung có thể diễn biến khó lường, ARIA có tầm nhìn chiến lược lâu dài và ổn định. Dù ai làm tổng thống Mỹ cũng phải tuân thủ luật mà Quốc Hội đã ban hành. Đối với Việt Nam, ARIA tái khẳng định các văn bản hợp tác song phương quan trọng, như tuyên bố về Đối tác Toàn diện năm 2013, tuyên bố về Tầm nhìn Chung về Quan hệ Quốc phòng 2015, tuyên bố về Tầm nhìn Chung năm 2017…

ARIA là một “thông điệp kép” cảnh báo Trung cộng, tiếp theo sự kiện Quốc hội thông qua dự luật CAATSA (Countering America’s Adversaries Through Sanctions Act, 8/2017), và dự luật BUILD Act (Better Utilization of Investment Leading to Development, 10/2018), lập ra quỹ phát triển quốc tế USIDFC (US International Development Finance Corporation). Quỹ USIDFC được Mỹ lập ra để đối phó với sự trỗi dậy của Trung cộng, nhằm đối trọng lại sáng kiến BRI và AIIB, để giúp các nước tránh “ngoại giao bẫy nợ” của Trung cộng.

Là một công cụ tài chính mới, BUILD Act cam kết tài trợ $60 tỷ cho quỹ USIDFC (trong 7 năm), gấp đôi $29 tỷ của quỹ đầu tư OPIC (Overseas Private Investment Corporation). Tuy con số này còn khiêm tốn so với $60 tỷ mà Trung cộng cam kết sẽ tài trợ riêng cho Châu Phi, nhưng Mỹ hy vọng quỹ đầu tư USIDFC là một mô hình mới tốt hơn mô hình BRI của Trung cộng. Nếu chính quyền Trump kết hợp được ARIA với BUILD Act thì Mỹ sẽ có một khuôn khổ chiến lược toàn diện hơn cho khu vực Indo-Pacific. Với nguồn lực mới này, Mỹ cam kết giúp các nước khu vực xây dựng các dự án hạ tầng hiện đại như hải cảng, sân bay, đường bộ và đường sắt, hệ thống ống dẫn dầu và đường truyền dữ liệu.

Lời cuối

Đối đầu Mỹ-Trung không chỉ về thương mại, mà còn là đối nghịch về hai mô hình kinh tế. Theo chuyên gia kinh tế Nicholas Lardy (Peterson Institute for International Economics), Trung cộng quyết định theo đuổi mô hình “chủ nghĩa tư bản nhà nước” (state capitalism) đã làm suy yếu triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế Trung cộng. Nhưng động cơ Tập Cận Bình bảo hộ doanh nghiệp nhà nước không phải là kinh tế mà là chính trị. Tập lo ngại rằng thất nghiệp, bất ổn xã hội, và bất an về tài chính sẽ làm suy yếu quyền lực của Đảng.

Tuy còn hơi sớm để xác định liệu diễn biến và hệ quả của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung có làm thay đổi bàn cờ Biển Đông hay không, nhưng chắc chắn thế và lực của Trung cộng năm 2019 sẽ không còn như năm 2018. Nếu chiến tranh thương mại tiếp tục leo thang như Trump đe dọa, Trung cộng có thể mắc kẹt trong thế lưỡng nan và lâm vào một cuộc khủng hoảng tài chính. Nguồn lực của Trung cộng tuy rất lớn nhưng không phải vô tận và những giới hạn quyền lực của họ đang bộc lộ rõ do chiến tranh thương mại. Kết cục là Trung cộng có thể sẽ thiếu hụt nguồn lực cho các chương trình địa chiến lược đầy tham vọng của mình như Sáng kiến Vành đai và Con đường hay quá trình quân sự hóa Biển Đông,…

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen