Seite auswählen

Quan điểm của Việt Nam về Biển Đông tại Hội nghị  ASEAN ở Hàng Châu

© Flickr/ Naval Surface Warriors

Phát biểu tại hội nghị ASEAN-Trung cộng về thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) lần thứ 17, vào ngày 17-18.5 tại Hàng Châu,, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng đoàn Việt Nam, ghi nhận tiến triển đạt được trong thực hiện DOC và đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).

Bên cạnh đó, Thứ trưởng chia sẻ quan ngại về những phức tạp ở Biển Đông vốn có nguyên nhân từ cạnh tranh chiến lược các nước lớn, các hành động đơn phương trái với luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển 1982, nhất là các hoạt động quân sự hoá, làm xói mòn lòng tin, cản trở việc duy trì hoà bình, ổn định, ảnh hưởng tới đàm phán COC.

Đồng thời, Thứ trưởng nhấn mạnh Biển Đông cũng đang đứng trước những thách thức khác như nạn đánh bắt cá trái phép, không khai báo và không theo quy định (IUU Fishing), ô nhiễm môi trường biển, rác thải nhựa…

Trước tình hình này, Thứ trưởng kêu gọi các nước đề cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực chung tay thực hiện đầy đủ DOC, kiềm chế và không có các hành động làm phức tạp tình hình, không quân sự hoá và đẩy mạnh hợp tác xử lý những thách thức đang được đặt ra.

Theo đó, Thứ trưởng thông báo Việt Nam sẽ tổ chức hội thảo trong khuôn khổ DOC về đối xử công bằng, nhân đạo với ngư dân.

Về COC, Thứ trưởng khẳng định đây là vấn đề quan trọng được quan tâm rộng rãi, đề nghị ASEAN và Trung cộng nỗ lực đàm phán để đạt được một Bộ quy tắc hiệu lực, thực chất, phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển 1982, được cộng đồng quốc tế ủng hộ.

Trao đổi về tình hình Biển Đông và kiểm điểm thực hiện DOC, nhiều nước nêu rõ tình hình Biển Đông phức tạp là hệ lụy của những diễn biến vừa qua trên thực địa, làm gia tăng căng thẳng, gây xói mòn lòng tin, tạo nguy cơ cho hòa bình, ổn định trên Biển Đông.

Trước tình hình đó, các nước tái khẳng định tầm quan trọng của bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; đồng thời cũng cam kết thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, nhất là tự kiềm chế, đi đôi với hợp tác xây dựng lòng tin.

Hội nghị ghi nhận công việc của Nhóm Công tác chung, hoan nghênh tiến triển trong đàm phán giữa ASEAN và Trung cộng về COC, cho rằng tiến trình này đang được triển khai đúng lộ trình, hướng tới hoàn tất vòng rà soát đầu tiên trước thềm Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung cộng (PMC) dự kiến sẽ được tổ chức cuối tháng 7, đầu tháng 8.2019 tại Bangkok, Thái Lan.

Các nước nhất trí cần duy trì nhịp độ đàm phán, phát huy tinh thần trách nhiệm phấn đấu xây dựng COC thực chất, hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế. Trong quá trình này, các bên cần kiềm chế, nỗ lực duy trì môi trường thuận lợi cho quá trình xây dựng COC.

Trước đó, Nhóm công tác chung ASEAN-Trung cộng về thực hiện DOC cũng đã họp từ 16-17.5. Tại các cuộc họp này, các bên đã trao đổi về tình hình Biển Đông, kiểm điểm thực hiện DOC và tiếp tục đàm phán về COC.

Sputnik (19.05.2019)

Tàu chiến Mỹ đi sát bãi cạn Scarborough trên Biển Đông, thách thức Trung cộng

© Flickr/ Naval Surface Warriors

Hải quân Hoa Kỳ loan báo chiến hạm Mỹ đi qua khu vực bãi cạn Scarborough mà Trung cộng tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, Zing, VnExpress tham chiếu nguổn Reuters thông tin.

Theo Reuters, động thái này có thể khiến Bắc Kinh nổi giận trong bối cảnh Mỹ và Trung cộng đang có những căng thẳng thương mại.

Biển Đông là một trong những điểm nóng ngày càng tăng nhiệt trong mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh, bên cạnh cuộc chiến thương mại, các lệnh trừng phạt của Mỹ và vấn đề Đài Loan.

Một phát ngôn viên lực lượng Mỹ nói với Reuters rằng con tàu thực hiện nhiệm vụ này là tàu khu trục Preble.

“Preble di chuyển trong phạm vi 12 hải lý của bãi cạn Scarborough để thách thức các tuyên bố hàng hải quá mức và bảo vệ quyền tiếp cận các tuyến đường thủy theo luật pháp quốc tế”, Trung tá Clay Doss, người phát ngôn Hạm đội 7 quân đội Mỹ, cho biết.

Đây là hoạt động quân sự thứ hai của Mỹ tại Biển Đông trong tháng qua. Động thái này có thể khiến Bắc Kinh giận dữ vào thời điểm căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang tăng cao. Tuần trước, người đứng đầu Hải quân Mỹ cho hay các hoạt động tự do di chuyển của Mỹ trong khu vực tranh chấp ở Biển Đông đã thu hút chú ý nhiều hơn kỳ vọng.

Hoạt động này nhằm chống lại cái mà Washington cho là nỗ lực hạn chế tự do hàng hải của Bắc Kinh trong vùng biển chiến lược, nơi hải quân Trung cộng, Nhật Bản và một số quốc gia Đông Nam Á hoạt động.

Trung cộng ngang nhiên tuyên bố chủ quyền với nhiều khu vực ở Biển Đông, bất chấp sự phản đối của các quốc gia như Mã Lai, Phi Luật Tân, Việt Nam.

Scarborough là một bãi cạn nhỏ nằm cách đảo Luzon 200 km và cách bờ biển đông nam Trung cộng khoảng 1.000 km. Trung cộng kiểm soát bãi cạn này từ năm 2012 sau cuộc đối đầu với Phi và thường xuyên triển khai tàu hải cảnh tuần tra xung quanh.

Sputnik (Reuters) 19.05.2019

123 ngư dân Việt Nam bị Mã Lai bắt giữ

Cảnh sát biển  Mã Lai bắt giữ một tàu cá Việt Nam hồi tháng 3/2016. Ảnh: NST

Trong một chiến dịch do nhiều cơ quan của Mã Lai phối hợp thực hiện, nhiều tàu cá và ngư dân Việt Nam bị bắt giữ với cáo buộc đánh bắt cá trái phép. 

Bộ Nội vụ Mã Lai hôm 18/5 ra thông cáo cho hay đã bắt 25 tàu cá Việt Nam khi thực hiện chiến dịch truy quét hoạt động đánh bắt trái phép tại các vùng lãnh hải và không phận ở bang Pahang, Trengganu và Kelantan. Chiến dịch có sự phối hợp của nhiều lực lượng gồm Cơ quan Thực thi Hàng hải Mã Lai (MMEA), Hải quân, Không quân, cảnh sát và Cục Ngư nghiệp, kéo dài từ ngày 2 đến 16/5.

Trong khoảng thời gian này, tổng cộng 266 tàu cá đã bị kiểm tra và 25 tàu bị giam giữ”, thông cáo viết. “25 tàu này là tàu cá của Việt Nam và 123 ngư dân đã bị bắt”.

Bộ Nội vụ Mã Lai cho biết các ngư dân Việt Nam đang bị điều tra theo Luật Ngư nghiệp 1985 với cáo buộc đánh bắt trái phép và Luật Di trú với cáo buộc nhập cảnh Mã Lai mà không có giấy tờ hợp lệ.

Mã Lai tuyên bố thành lập lực lượng chuyên trách xử lý các hoạt động của tàu cá nước ngoài, đặc biệt là tàu cá Việt Nam, từ cuối tháng 4. Hôm 11/5, nước này cho biết đã bắt 29 ngư dân và tịch thu hai tàu của Việt Nam với ba tấn cá trị giá 2 triệu RM (gần 480.000 USD). Các tàu này bị cáo buộc đánh bắt trái phép trên vùng biển phía bắc thành phố Kuching của Mã Lai.

Tòa Đại sứ Việt Nam tại Mã Lai đã đề nghị cơ quan thẩm quyền Mã Lai giải quyết thỏa đáng vụ việc, đối xử nhân đạo với các ngư dân.

VietBF (18.05.2019)

Biển Đông : Mã Lai chống chiến thuật « chia rẽ Đông Nam Á » của Bắc Kinh

Thủ tướng Mã Lai Mahathir (T) và đồng nhiệm Trung cộng Lý Khắc Cường. Ảnh chụp tại Bắc Kinh ngày 20/08/2018.Reuters

Sau Phi Luật Tân, Mã Lai là mục tiêu thứ hai của Trung cộng trong chiến thuật bẻ gãy từng thành viên Đông Nam Á để thống trị Biển Đông. Nhưng Mahathir không phải là Duterte. Theo South China Morning Post hôm 18/05/2019, Kuala Lumpur từ chối đàm phán song phương với Bắc Kinh.


Ngoại trưởng Mã Lai Saifuddin Abdullah. Ảnh: AP.

Phát biểu trên đài phát thanh độc lập Mã Lai BFM 89.9 hồi đầu tuần, Ngoại trưởng Saifuddin Abdulla cho biết sẽ không có chuyện đàm phán song phương với Trung cộng. Theo ông, xung khắc chủ quyền tại Biển Đông cần phải được giải quyết trong khuôn khổ đàm phán đa phương, và Trung cộng phải đàm phán với 10 nước ASEAN.

Theo các nguồn tin riêng của South China Morning Post , « Bắc Kinh đã gợi ý với Kuala Lumpur thành lập một cơ chế tham khảo song phương » để hai bên thảo luận « riêng với nhau » những tranh chấp chủ quyền biển đảo. Nhưng Ngoại trưởng Mã Lai bác bỏ ý kiến này. Ông giải thích : Đó là chiến thuật của Bắc Kinh đàm phán riêng với từng nước nhỏ ở Đông Nam Á theo kiểu lấy thịt đè người để rồi khi họp chung lại, ASEAN bị phân hóa lập trường, không thảo luận chung được, cuối cùng chỉ thụ động thông qua theo ý Trung cộng.

Bắc Kinh muốn áp dụng chiến thuật « chia để trị » với Kuala Lumpur nhằm vô hiệu hóa Mã Lai, như đã thành công trong việc trói tay Phi Luật Tân của tổng thống Duterte trong hồ sơ Biển Đông. Phi Luật Tân bỏ qua một bên chiến thắng trên mặt luật pháp quốc tế, đánh đổi chủ quyền quốc gia để được tài trợ xây dựng hạ tầng cơ sở, South China Morning Post nhắc lại.

Tuy nhiên, Trung cộng đụng phải lập trường cứng rắn của Kuala Lumpur từ khi thay đổi đa số cầm quyền.

Thời thế cũng thuận lợi hơn cho các nước Đông Nam Á.

Được South China Morning Post đặt câu hỏi, chuyên gia Trung cộng Trương Minh Lượng, đại học Tế Nam, phân tích : Chiến tranh thương mại với Mỹ buộc Trung cộng tìm cách tạo thế bình ổn với các nước láng giềng, nhưng chiến thuật « chia để trị » có khả năng đụng phải sự đề kháng của Mã Lai.

Với sự lãnh đạo của thủ tướng Mahathir, Kuala Lumpur thấy rõ tình hình sáng sủa hơn và lợi thế của Mã Lai so với Trung cộng. Do vậy, không có lý do để thảo luận riêng với Bắc Kinh.

RFI (19.05.2019)

Biển Đông: Tư lệnh Mỹ kêu gọi Úc hành động để thách thức Trung cộng

 Tàu chiến và phi cơ chiến đấu của hải quân Trung cộng phô trương lục lượng trên Biển Đông, Ảnh chụp ngày 12/4/2018.

Một tư lệnh hải quân Hoa Kỳ khuyến khích các lực lượng biển của Úc và Nam Dương hãy tăng cường tuần tra trong Biển Đông, nơi mà trong những năm gần đây, Trung cộng đã ráo riết củng cố một số đảo.

Đô đốc John Richardson, Tư lệnh Hải quân Mỹ, nói mỗi nước ở Đông Nam Á cần xác định phản ứng của riêng mình trước hành động bành trướng quân sự của Trung cộng.

Nhưng nói với báo Sydney Morning Herald, Đô đốc Richardson hàm ý rằng các nước trong khu vực nên hành động để giám sát Trung cộng, siêu cường trong khu vực.

Ông nói: Tôi nghĩ mỗi quốc gia sẽ phải đánh giá tình hình và lối tiếp cận của riêng họ. Nhưng tới một lúc nào đó, các lực lượng hải quân sẽ phải lên đường, và có mặt để cung cấp những sự lựa chọn cho các nhà lãnh đạo của họ.

“Họ chọn cách nào để làm điều đó là một vấn đề về lối tiếp cận chủ quyền quốc gia của họ”.

Đô đốc Richardson nói Úc và Nam Dương là hai nước mạnh mẽ ủng hộ một nền trật tự quốc tế dựa trên luật pháp.

Đô đốc John Richardson, Tư Lệnh Hải quân Mỹ. Ảnh chụp ở Tokyo, ngày18/12/2017.

Ông Richardson đưa ra những bình luận vừa kể trong một chuyến công du khu vực đã đưa ông tới thăm Nhật Bản, Ấn Độ và Singapore.

Tuần trước, Bắc Kinh nổi giận khi hai tàu hải quân Mỹ tham gia hoạt động khẳng định quyền tự do hàng hải, tiến vào phạm vi 12 hải lý cách một số đảo mà Trung cộng tuyên bố là thuộc chủ quyền của họ trong Biển Đông.

Washington muốn Úc thực hiện các hoạt động tương tự, nhưng chính phủ liên minh do Thủ Tướng Scott Morrison lãnh đạo, cho đến nay vẫn khước từ.

Tháng 7 năm ngoái, phát ngôn viên quốc phòng của Đảng Lao động đối lập Úc, Richard Marles, tuyên bố không loại trừ bất cứ giải pháp nào.

Hoa Kỳ tin rằng các hoạt động tự do hàng hải thể hiện một thách thức quan trọng chống lại chủ nghĩa bành trướng của Trung cộng, và duy trì quyền tiếp cận các tuyến đường thủy được quy định theo luật pháp quốc tế.

Tuy nhiên Bắc Kinh cho rằng các đảo được họ quân sự hóa là một phần thuộc lãnh thổ của Trung cộng, và muốn Hoa Kỳ phải xin phép Trung cộng trước khi sử dụng các tuyến hàng hải này.

Đô đốc Richardson nhấn mạnh các hoạt động hàng hải của Mỹ không nhằm mục đích khiêu khích.

Giám đốc điều hành Viện Chính sách Chiến lược Úc Peter Jennings nói “điều hiển nhiên là Mỹ muốn thấy các nước khác tiến hành các hoạt động tự do hàng hải trong Biển Đông”.

Ông nói thêm: “Tiến vào phạm vi 12 hải lý (cách các đảo), thì về cơ bản, nước đó muốn khẳng định là họ không công nhận tuyên bố chủ quyền của Trung cộng “.

Theo ông Jennings, Úc thường xuyên qua lại trên Biển Đông, nhưng nước ông cho tới giờ, chưa đưa tàu tiến vào bên trong phạm vi 12 hải lý cách các đảo mà Trung cộng tuyên bố chủ quyền.

Ông Jennings cho rằng việc các quốc gia như Úc không làm như vậy đã phần nào gây thất vọng cho.Hoa Kỳ.

Nhưng theo ông, nếu Đảng Lao động đắc cử trong cuộc tổng tuyển cử vào ngày thứ bảy, thì nước Úc có thể cân nhắc việc tiến hành các hoạt động như vậy.

VOA (17.05.2019)

Tư lệnh Hải Quân Mỹ kêu gọi Úc, Nam Dương tuần tra Biển Đông

(Ảnh minh họa) – Một chiến hạm của Mỹ. Ảnh chụp ngày 23/09/2016.U.S. Navy/Mass Communication Specialist 3rd Class Patrick Dionne

Đô đốc John Richardson, tư lệnh Hải Quân Mỹ hôm 16/05/2019 kêu gọi Hải Quân Úc và Nam Dương hiện diện thường xuyên hơn trên Biển Đông, kể cả việc tuần tra vì tự do hàng hải. Theo ông, mỗi quốc gia Đông Nam Á đều phải kiên quyết đáp trả việc Trung cộng quân sự hóa các đảo ở Biển Đông.

Tuyên bố trên đây được đưa ra trong khuôn khổ vòng công du của đô đốc Richardson trong khu vực, trong đó có Nhật Bản, Ấn Độ, Singapore. Theo ông, cả Úc và Nam Dương đều ủng hộ mạnh mẽ trật tự luật pháp quốc tế. Hoa Kỳ nhấn mạnh, các hoạt động tuần tra vì tự do hàng hải sẽ thách đố chủ nghĩa bành trướng của Trung cộng trên biển.

Tuần trước Hoa Kỳ đã khiến Trung cộng tức giận khi điều hai chiến hạm đi vào bên trong khu vực 12 hải lý của Đá Ga Ven và Đá Gạc Ma ở Trường Sa, bị Bắc Kinh chiếm đóng từ năm 1988.

Washington rất muốn Úc cũng có những hoạt động tương tự, nhưng cho đến nay chính quyền của thủ tướng Scott Morisson vẫn chưa đáp ứng. Phát ngôn viên Công Đảng Richard Marles tháng 7/2018 nói rằng mọi khả năng sẽ được xem xét.

Giám đốc điều hành Viện Chính Sách Chiến Lược Úc Peter Jennings nhận định, nếu đi vào bên trong khu vực 12 hải lý sẽ chứng tỏ rằng không công nhận yêu sách chủ quyền của Trung cộng. Úc thường xuyên tuần tra Biển Đông, nhưng chưa bao giờ vào trong khu vực lãnh hải này. Nếu Công Đảng thắng cử, thì rất có thể đề nghị của Mỹ sẽ được thực hiện.

Lần đầu tiên từ 7 năm tuần duyên Mỹ-Phi Luật Tân tập trận

Trong một diễn biến khác, tuần dương hạm Bertholf của lực lượng tuần duyên Hoa Kỳ được bổ sung cho Đệ thất Hạm đội, đã tập trận với Phi Luật Tân tại Biển Đông. Tờ Stars and Stripescủa lực lượng viễn chinh Mỹ hôm 16/05/2019 cho biết đây là lần đầu tiên kể từ 7 năm qua có sự phối hợp với tuần duyên Phi Luật Tân.

Chiếc Bertholf cùng với hai chiến hạm BRP Batangas và BRP Kalanggaman đã thực hiện các kịch bản tìm kiếm, cứu nạn và các hoạt động khác tại bãi cạn Scarborough, bị Trung cộng chiếm từ năm 2012.

Đài truyền hình NHK của Nhật Bản hôm qua ghi nhận, các tàu tuần duyên Trung cộng tại vùng biển này đã dừng lại và quan sát cuộc tập trận Mỹ-Phi Luật Tân nhưng không can thiệp.

Phó đô đốc Linda Fagan thuộc bộ chỉ huy lực lượng tuần duyên khu vực Thái Bình Dương tuyên bố : « Hoa Kỳ là một quốc gia Thái Bình Dương, chúng tôi duy trì các mối quan hệ chặt chẽ và bền vững với các đối tác trong vùng, và quan trọng nhất là kiên quyết bảo vệ khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do, rộng mở ».

RFI (17.05.2019)

Nam Dương đánh chìm tàu cá các nước và nỗi lo cho ASEAN

© ẢNH: MAI THANH HẢI/THANH NIÊN. Các tàu cá dân binh, tàu vũ trang giả dạng tàu cá nằm trong hồ của bãi Huy Gơ

Việc đánh chìm tàu cá các nước có thể khuấy động tinh thần dân tộc tại Nam Dương, nhưng sẽ kéo theo căng thẳng trong ASEAN và không thể giải quyết vấn đề hải sản của nước này, Zing phân tích.

Không có gì nghi ngờ về việc Nam Dương là đất nước của nghề đánh bắt cá và thủy hải sản. Họ nằm ở ngã ba đường của hai đại dương là Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, là đảo quốc lớn nhất thế giới với 17.504 hòn đảo và đường bờ biển 99.093 km.

Trung tâm Phát triển Nghề cá Đông Nam Á dẫn số liệu năm 2015 cho biết nghề cá đóng góp vào 2,46% GDP của Nam Dương, chủ yếu đến từ 964.231 hộ gia đình đánh cá và 1.649.080 hộ gia đình nuôi trồng thủy sản.

Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi một trong những trọng tâm của nhiệm kỳ Tổng thống Joko Widodo là mang lại sự thịnh vượng cho nghề cá và hàng hải của Nam Dương. Nổi tiếng nhất trong chiến lược này là chính sách cho nổ hoặc đánh chìm thuyền cá của các ngư dân nước ngoài bị cho là hoạt động trái phép trong vùng biển và Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Nam Dương. Jakarta cáo buộc các hoạt động này gây ra việc mất 25% sản lượng cá nước này.

Hơn 500 chiếc thuyền các nước bị đánh chìm, bao gồm 284 thuyền Việt Nam, kể từ tháng 10/2014 đến nay, sau khi bị bắt với cáo buộc đánh bắt trái phép trong vùng biển Nam Dương. Chính sách này được người dân ủng hộ nhiệt liệt và khiến Bộ trưởng Hàng hải và Nghề cá Nam Dương Susi Pudjiastuti trở thành gương mặt chính trị gia được yêu thích. Nó cũng gây nên căng thẳng và quan ngại từ các nước láng giềng.

Nam Dương đi ngược với UNCLOS
Tác giả Ahmad Almaududy Amri của Trung tâm Quốc gia Australia về Tài nguyên Biển và An ninh, Đại học Wollongong, phân tích trên Diplomat rằng UNCLOS đề cập đến các biện pháp có thể sử dụng để chống nạn đánh bắt trái phép trong hai khu vực, vùng biển chủ quyền của một quốc gia và EEZ của quốc gia đó, nơi họ chỉ có quyền chủ quyền chứ không có chủ quyền.

Đối với EEZ, Điều 73 UNCLOS cho phép một quốc gia “lên tàu, khám xét, bắt giữ và tiến hành truy tố” đối với con tàu vi phạm, nhưng “các hình phạt cho việc vi phạm không bao gồm bỏ tù, hoặc bất cứ hình thức nào của việc trừng phạt về thân thể”.

“Vì thế, luật pháp quốc tế có vẻ không ủng hộ việc Nam Dương đánh chìm thuyền cá trong phạm vi EEZ của họ”, ông viết.

Trong khi đó, tiến sĩ Jay Batongbacal, Giám đốc Viện nghiên cứu các Vấn đề Hàng hải và Luật Biển (Phi Luật Tân), nói rằng UNCLOS đã cố gắng hạn chế các biện pháp trừng phạt nhằm vào việc vi phạm EEZ.

“Nó nêu rõ rằng các biện pháp có thể được sử dụng không bao gồm việc trừng phạt thân thể đối với thủy thủ đoàn, thậm chí bỏ tù, trừ khi việc đó được cho phép trong thỏa thuận song phương của hai nước”, ông nói với Zing.vn. UNCLOS cũng yêu cầu việc nhanh chóng thả tàu và thuyền viên sau khi có mức phạt tiền hợp lý.

“Có vẻ Nam Dương đang đi ngược lại UNCLOS vì (việc đánh chìm tàu) khiến cho không còn cơ hội nào để nhanh chóng thả hoặc không dùng các biện pháp trừng phạt thân thể đối với thuyền viên”, ông nói.

Hôm 27/4, Nam Dương đã bắt thuyền cá Việt Nam mang số hiệu BĐ 97916 TS cùng 12 ngư dân trên tàu.

Ngoài ra, theo tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, Viện Nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak, (Singapore), một điểm mấu chốt là các tàu cá của Việt Nam bị bắt có thực sự vi phạm vùng biển của Nam Dương hay không, hay nằm trong vùng EEZ chồng lấn chưa được phân định giữa hai nước. Con tàu cá Việt Nam bị bắt ngày 27/4 thuộc khu vực Việt Nam và Nam Dương đang tiến hành phân định vùng đặc quyền kinh tế (toạ độ 06026’N-106047’E, cách đường phân định thềm lục địa năm 2003 5,5 hải lý về phía Bắc).

“Nếu các ngư dân và giới chức Việt Nam chứng minh được là việc bắt giữ của phía Nam Dương là sai, nằm ngoài các vùng biển thuộc quyền tài phán của Nam Dương, thì họ có thể khởi kiện phía Nam Dương và đòi bồi thường cho các thiệt hại đã bị gây ra”, ông nói.

Ông Hiệp cho rằng “Nam Dương cũng cần lưu tâm tới quan ngại của Việt Nam và các nước liên quan, đồng thời cần đối xử nhân đạo với các ngư dân như tinh thần của DOC 2002 (về quy tắc ứng xử trên biển).

Ngày 4/5, chính quyền Nam Dương tiếp tục đánh chìm 51 tàu cá nước ngoài bị nước này bắt. Trong số này có 38 thuyền treo cờ Việt Nam, 6 thuyền Mã Lai, 2 thuyền Trung cộng và 1 thuyền Phi Luật Tân. Số còn lại là những thuyền có chủ người nước ngoài nhưng treo cờ Nam Dương.

Tiến sĩ Gregory Poling, Giám đốc chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS, Mỹ), nói với Zing.vn rằng dù Việt Nam khiến Nam Dương trở thành “gương mặt đại diện cho cuộc chiến toàn cầu chống lại các hoạt động đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không thể kiểm soát”, nó cũng “sẽ làm gia tăng căng thẳng của Jakarta với các láng giềng, đặc biệt khi lực lượng chấp pháp Nam Dương bắt tàu cá nước ngoài trên những vùng (EEZ – PV) tranh chấp”.

Các nhà quan sát đánh giá một trong những đặc trưng trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Widodo là sự thiếu hứng thú của ông với các chính sách đối ngoại và sự nhấn mạnh vào người dân trong nước. So với nhiệm kỳ cựu tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono trước đó, 5 năm cầm quyền vừa qua của ông Widodo cho thấy Jakarta ít tập trung hơn hẳn vào ASEAN, dù họ là nước có vai trò quan trọng với dân số đông nhất hiệp hội.

Tuy nhiên, nhà bình luận Prashanth Parameswaran viết trên Diplomat rằng nội các sắp cải tổ tới dây của ông Widodo sẽ mang lại một vài thay đổi và hướng tiếp cận khác.

“Nam Dương càng bắt nhiều thuyền, quan hệ giữa họ với Việt Nam sẽ càng căng thẳng. Dù vậy, tôi không nghĩ hai nước sẽ leo thang quá xa”, ông Mustafa nói.

Đánh đắm thuyền không “cứu” được cá

Arifsyah Nasution, nhà hoạt động của tổ chức Hòa bình Xanh Nam Dương, nói rằng việc đánh chìm tàu cá tốt hơn cho biển và tài nguyên biển so với việc cho nổ những con thuyền, đặc biệt khi chiến dịch chống lại đánh bắt cá trái phép của họ còn “giương cao ngọn cờ” phát triển bền vững nghề cá và bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, theo ông, việc bảo vệ biển yêu cầu các biện pháp được tiến hành cả trên mặt đất lẫn dưới biển, ngăn chặn các biện pháp gây ô nhiễm, bảo vệ các hệ sinh thái dưới biển…

“Nếu Nam Dương và các quốc gia ASEAN có thể giải quyết các tranh chấm hiện có trên biển, tăng cường minh bạch trong nghề cá và hợp tác trong việc chống lại nạn đánh bắt trái phép trong khu vực, số thuyền cá để đánh chìm sẽ giảm đáng kể”, ông nói với Zing.vn.

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp thì cho rằng các căng thẳng này chủ yếu là do việc hai nước chưa phân định xong khu vực chồng lấn giữa vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của hai nước. Chính vì vậy, thực ra những sự cố như thế này có thể giúp hai nước có thêm động lực để đẩy nhanh quá trình đàm phán này.

Việt Nam cần giao thiệp với phía Nam Dương để vừa thúc đẩy quá trình đàm phán phân định EEZ, vừa thuyết phục Nam Dương dùng các biện pháp ít cực đoan hơn trong việc xử lý các tàu cá và ngư dân Việt Nam mà họ cho là vi phạm các vùng biển của họ. Ngoài ra, bản thân Việt Nam cũng cần hướng dẫn ngư dân để họ hạn chế đánh bắt cá trong các khu vực chồng lấn, nhất là những nơi quá gần EEZ của Nam Dương, để tránh các sự cố không đáng có”.

Tuy nhiên, theo tôi hiểu, sự chậm trễ trong đàm phán ngoài các lý do từ hai nước thì còn do sự can thiệp, cản trở của bên thứ ba”, ông nói. “Vì vậy, có thể những sự cố tương tự vẫn tiếp tục diễn ra trong thời gian tới”.

Sputnik (17.05.2019)

Trung cộng theo dõi tàu tuần duyên Hoa Kỳ tập trận với Phi Luật Tân ở Biển Đông

Tàu tuần duyên Berholf tập trận cùng tàu của Phi Luật Tân gần bãi cạn Scarborough hôm 14/5/2019  AFP

Tàu tuần duyên của Hoa Kỳ vừa có cuộc tập trận với tàu tìm kiếm cứu hộ của Phi Luật Tân gần bãi cạn Scarborough trong tuần này, trong khi Trung cộng điều 2 tàu tuần duyên đến theo dõi từ xa. Giới chức lực lượng tuần duyên Hoa Kỳ và Phi Luật Tân cho BenarNews biết như vậy hôm 15/5.

Theo BenarNews, tàu tuần duyên Cutter Berholf, một trong những tàu tuần duyên hiện đại nhất của Mỹ đã tham gia tập trận cùng tàu cứu hộ Batangas của Phi Luật Tân gần bãi Scarborough hôm thứ Tư ngày 15/5. Cuộc diễn tập được kết thúc với một tình huống giả định tìm kiếm cứu hộ.

Phó Đô đốc Linda Fagan, Chỉ huy hoạt động Tuần duyên của Hoa Kỳ ở Châu Á Thái Bình Dương được BenarNews trích lời cho biết hoạt động phối hợp giữa hai nước tạo cơ hội cho hai bên chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau. Hai bên cam kết phối hợp để tăng cường khả năng cũng như việc quản lý biển, an ninh.

Giới chức tuần duyên Phi Luật Tân cho BenarNews biết trong khi Mỹ và Phi Luật Tân diễn tập, hai tàu của tuần duyên Trung cộng đã đứng từ xa để theo dõi nhưng không có động thái can thiệp.

Phi Luật Tân đã từng kiểm soát bãi Scarborough cho đến khi Trung cộng giành quyền kiểm soát từ Phi Luật Tân vào năm 2012.

Trung cộng đòi chủ quyền phần lớn khu vực Biển Đông, nơi các nước láng giềng khác cũng có chủ quyền, bao gồm Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai, Brunei và Đài Loan.

RFA (17.05.2019)

Hải Quân Mỹ: Không hề tăng tuần tra ở Biển Đông để chống Bắc Kinh

Tiêm kích Mỹ luyện tập cất cánh và hạ cánh trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đang hiện diện tại Biển Đông, ngày 10/04/2018 REUTERS

Tư lệnh Hải Quân Mỹ ngày 15/05/2019 bác bỏ lập luận theo đó Mỹ đã cho tăng cường các chiến dịch tuần tra tại vùng Biển Đông để thách thức các đòi hỏi chủ quyền quá đáng của Trung cộng.

Tại Hội Nghị Quốc Tế về An Ninh Trên Biển tổ chức ở Singapore, trước sự hiện diện của các đại diện hải quân 33 nước trong đó có Trung cộng, đô đốc John Richardson tuyên bố là ông đã phân tích vấn đề và có thể khẳng định chắc chắn rằng cường độ của các chiến dịch tuần tra cũng như sự hiện diện của Hải Quân Mỹ trong vùng đều « nhất quán » trong nhiều thập niên gần đây, và không hề gia tăng đột ngột.

Theo hãng tin Mỹ AP, tuyên bố trên của tư lệnh Hải Quân Mỹ là nhằm trấn an một số đối tác trong khu vực.

Tư lệnh Hải Quân Mỹ, được Reuters trích dẫn, cũng cho rằng các hoạt động bảo vệ quyền tự do hàng hải ở Biển Đông đang bị « chú ý quá mức cần thiết ». Các hoạt động này không chỉ được giới truyền thông theo dõi, mà còn bị Trung cộng chú ý. Tại Biển Đông, ngoài việc tuần tra, lực lượng Mỹ còn có những hoạt động thường lệ khác là tập trận.

Trong một thông báo công bố hôm 14/05, lực lượng Tuần Duyên Mỹ xác nhận là tàu tuần tra cỡ lớn USCG Bertholf của Mỹ vào hôm đó đã tham gia một cuộc diễn tập chung với hai tàu tuần duyên của Phi Luật Tân tại Biển Đông.

Báo chí Phi Luật Tân tiết lộ là cuộc thao diễn được tiến hành gần bãi cạn Scarborough, phía tây đảo Luzon, một điểm nóng ở Biển Đông hiện đang bị Trung cộng kiểm soát. Hai tàu Hải Cảnh Trung cộng được điều đến để theo dõi sát cuộc tập trận, nhưng không có hành vi cản trở.

RFI (16.05.2019)

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen