Seite auswählen

Thường Sơn

(VNTB) – Chóp bu Việt Nam đã thêm một lần nữa bị vuột cơ hội vận động quốc tế về vụ Bãi Tư Chính, nhưng bởi chính thói đớn hèn đã trở thành nan y của chế độ này.

Tại cuộc họp Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc (UNGA) vào ngày 28/9/2019,  Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã cắm đầu đọc một bài diễn văn dài tới 15 phút, với nội dung chủ yếu xoay quanh:

“Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng quan ngại về những diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông bao gồm những vụ xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán ở vùng biển của Việt Nam đã được xác định bởi UNCLOS (Công ước về luật biển của Liên Hiệp Quốc 1982). Các nước liên quan nên kiềm chế, tránh các hành động đơn phương có thể làm phức tạp hoặc làm tăng thêm căng thẳng trên biển, và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình theo luật quốc tế, bao gồm UNCLOS

Phạm Bình Minh ‘đọc bài’ nhưng không một lần dám nhắc cái tên Trung Quốc

 Blogger Phạm Thành bình luận: “Phạm Bình Minh nhắc tới luật quốc tế 6 lần, biển Đông 3 lần, 1 lần Indo-Pacific, 1 lần vùng đặc quyền kinh tế. Không nhắc tới Tàu một lần nào. Ông có nói tới một incident (sự cố?). Tui nghĩ đám ngồi dưới chả hiểu sự cố gì…”

Đã quá đủ để nhìn ra ‘bản lĩnh Việt Nam’!

Cử chỉ bị coi là câm nín của giới lãnh đạo Việt Nam và việc chẳng một quan chức cao cấp nào trong ‘tam trụ’ – từ Nguyễn Phú Trọng đã từng cầu an ‘trà Trung Quốc ngon hơn trà Việt Nam’ đến Nguyễn Xuân Phúc từng nghiêng ngoẹo cụng ly với Tập Cận Bình vào năm 2016, và cả Nguyễn Thị Kim Ngân uốn éo trước mặt họ Tập về ‘đại cục’ ở Bắc Kinh… đã dìm xác suất ‘kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế’ xuống đáy hy vọng, xứng đáng bổ sung thêm một ‘không’ nữa vào chính sách ‘ba không’ gậy ông đập lưng ông của Hà Nội: không kiện Trung Quốc!

Rốt cuộc, tất cả từ không dám nổ súng cảnh cáo, không dám nhắc tên Trung Quốc và không dám kiện Trung Quốc đã khiến Bắc Kinh không chỉ ngày càng coi thường ‘vùng chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam’, mà còn giành ưu thế vượt mặt giới chóp bu Việt Nam trong hoạt động vận động quốc tế.

Đó chính là nguồn cơn khiến Bắc Kinh tự tin và ngạo mạn khi đưa ra tuyên bố mang tính khẳng định về vùng chủ quyền của Trung Quốc tại khu vực Bãi Tư Chính, và bây giờ còn muốn đuổi Việt Nam ra khỏi đó. Điều này rất có thể sẽ khiến một số quốc gia trên thế giới – vốn không am hiểu lắm về lịch sử chủ quyền vùng biển của Việt Nam và những mưu tính lắt léo trong “đường lưỡi bò 9 đoạn,” tỏ ra dè dặt hơn nếu những nước này có ý muốn ủng hộ Việt Nam tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc, hoặc tại một tòa án quốc tế trong trường hợp Việt Nam dám kiện Trung Quốc ra trước thế giới, cho dù Việt Nam được đặt vào ghế “thành viên không thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc” vào năm 2019.

Nếu ngày càng nhiều quốc gia thờ ơ với vụ Bãi Tư Chính, đó sẽ là cơ hội để Bắc Kinh khuếch tán chiến dịch vận động các nước trong Liên Hiệp Quốc ủng hộ ‘chủ quyền’ của Trung Quốc ở khu vực này. Và nếu Trung Quốc đạt được một sự ủng hộ của một số nước nào đó, dưới dạng tuyên bố hoặc nghị quyết quốc tế, đó sẽ là cơ sở và tiền đề cực kỳ quan trọng để ‘Quân giải phóng nhân dân Trung Hoa’ tiến hành một chiến dịch quân sự tốc chiến xâm chiếm Bãi Tư Chính của Việt Nam. Tốc chiến trước khi Việt Nam khai thác hết dầu để nuôi đảng!

Một sự ghẻ lạnh lạ lùng xâm phủ bộ mặt chính thể độc tài ở Việt Nam – luôn tự hào có rất nhiều quan hệ đối tác chiến lược.

‘Kẻ thù lớn bởi vì mi quỳ xuống’

VNTB

Bà mất gà và ông Phạm Bình Minh

Mạc Văn Trang

29-9-2019

Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh bị cư dân mạng chửi ê mặt hai ngày qua. Photo Courtesy

1. Ngày trước ở quê tôi, mỗi khi bị mất trộm buồng chuối, quả mít, con gà … các bà thường hay CHỬI rất dài và chửi mấy ngày liền. Nhưng hay nhất là những bài chửi mất gà, bây giờ vẫn còn được lưu truyền trong sách báo và trên mạng.

Chửi là do KHÔNG BẮT ĐƯỢC KẺ TRỘM, tức quá mới chửi; nghi nhà nào ăn trộm thì cứ chõ vào nhà nó mà chửi: “Cha bố tổ năm đời, mười đời thằng nào, con nào mày bắt trộm gà của bà… Ăn thịt con gà của bà thì cả nhà, cả ổ nhà mày sưng hầu tắc cổ”… Cứ thế mà chửi, chứ không nói TÊN cụ thể đứa nào. Chửi rủa như thế cũng rất tác dụng:

a/ Chửi là để khẳng định mình là người chính nghĩa, bị hại, có quyền chửi; kẻ phi nghĩa là tên ăn trộm, phải bị vạch mặt, lên án.

b/ Chửi là cách xả cơn tức giận để giải tỏa nỗi bực tức, uất ức trong lòng, như xả Stress.

c/ Chửi để cả xóm, cả làng biết để cảm thông chia sẻ với mình và cảnh giác với kẻ trộm; tạo dư luận xã hội đồng thuận, cùng lên án kẻ trộm…

d/ Cả nhà, cả họ đứa ăn trộm thấy nhục nhã, tự kiểm điểm nhau, lục đục với nhau. Có trường hợp đại diện bên ăn trộm phải sang nói với bà mất gà: Thằng cháu trót dại, tôi đã dạy bảo nó, xin lỗi bà và đền bù cho bà, bà bớt giận, đừng chửi nữa…

Còn nếu trường hợp THẤY RÕ KẺ TRỘM thì người ta sẽ đánh đuổi, hô hoán làng xóm ra vây “bắt tận tay, day tận trán” và xử tên trộm chứ ai còn tránh nêu tên kẻ trộm và còn chửi chung chung làm gì nữa…

2. TRUNG QUỐC xâm lược biển đảo của Việt Nam, đem tàu đến thăm dò địa chất tại Bãi Tư Chính, trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, không cho Việt Nam khai thác dầu khí trong vùng biển Việt Nam… Cả nước Việt Nam và trên thế giới, ai cũng biết TÊN CƯỚP, ĐÓ LÀ TRUNG CỘNG.

Thế nhưng ông Phạm Bình Minh, Ngoại trưởng nước ta, phát biểu tại Kỳ họp 74 Đại hội đồng Liên Hiệp quốc, đã không dám gọi đích danh tên cướp TRUNG CỘNG mà cứ nói chung chung như bà mất gà không biết kẻ trộm là “thằng nào, con nào”; mà “khí phách” đâu được như bà mất gà, đâu dám “chửi” như bà mất gà, mà chỉ kể lể, giãi bầy, kêu gọi chung chung…

Mình có chính nghĩa, tên trộm phi nghĩa, mà không dám dũng cảm bảo vệ chính nghĩa, vạch mặt chỉ tên, lên án mạnh mẽ kẻ phi nghĩa, thì ai cảm thông, ủng hộ mình!?

Thực ra ông Phạm Bình Minh cũng tội, ông đâu có được tự do nói theo ý mình, đâu được như bà mất gà, được Tự do suy nghĩ, Tự do bày tỏ chính kiến, cảm xúc! Vậy nên bà con ta cũng nên thông cảm với ông một phần nào!

Tiếng Dân

Phát biểu tại Liên Hiêp quốc, ông Phạm Bình Minh không dám nhắc tên Trung Quốc

 

29-9-2019

 

Trước giờ tôi cứ băn khoăn không biết, có phải chính quyền hiện nay vẫn giữ lối tư duy ngoại giao chư hầu từ hàng nghìn năm trước khi phải đối mặt với người Trung Quốc hay không?

Nhưng sau khi bỏ ra hơn 15 phút nghe Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (đêm qua giờ Việt Nam) thì tôi hết hẳn băn khoăn.

Chính xác là vậy.

Cả bài phát biểu dài hơn 15 phút, người đứng đầu ngành ngoại giao của Việt Nam không một lần dám nhắc đến hai chữ “Trung Quốc” – kẻ đã ngang nhiên coi thường luật pháp quốc tế, quấy rối, xâm phạm nghiêm trọng bờ cõi Việt Nam hàng tháng trời qua.

Đó là lối tư duy gì, nếu không phải là lối tư duy ngoại giao chư hầu phên giậu?

Đánh cho giặc bay giáp rồi sang thần phục nhận làm phên giậu chư hầu, có thể đã là sách lược ngoại giao đúng đắn của cha ông ta, khi Việt Nam ngày trước phải ở cạnh một láng giềng quá mạnh và bạo ngược, khi mà thế giới còn chưa biết đến thứ gọi là công pháp quốc tế.

Nhưng nay chúng ta đã sắp bước sang “thập kỷ thứ ba của thế kỷ 21” (lời của chính ông Phạm Bình Minh trong bài phát biểu hôm qua), vậy mà các ngài vẫn cứ giữ khư khư cái lối tư duy ngoại giao chư hầu đó được hay sao?

Để xem, ai, những kẻ nào, sẽ mừng vui hớn hở vác mặt sang Cộng hòa nhân dân Trung Hoa chúc tụng, ngợi ca quân giặc ngày 1/10 tới.

Để xem ai, những kẻ nào sẽ mừng vui hớn hở tổ chức các buổi lễ rình rang để tụng ca quân giặc ngay trên đất nước mình vào dịp này.

Tôi sẽ đi sưu tầm và lưu giữ các bức hình của những kẻ gọi giặc làm cha này, để một ngày nào đó, sẽ in và dán lên mặt đường, cho các thế hệ con cháu nước Việt tương lai biết, phải cư xử ra sao với những kẻ “gọi giặc làm cha” như thế.

Tiếng Dân

Sao không chỉ mặt gọi tên Trung Quốc?

Nguyễn Ngọc Chu

29-9-2019

1. Bài phát biểu của ông Phạm Bình Minh tại Kỳ họp 74 Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐLHQ) đã làm bao người thất vọng. Không phải chỉ Việt Nam mà cả các nước đang muốn giúp Việt Nam.

Trung quốc xâm lược biển đảo của Việt Nam, đem tàu đến thăm dò địa chất trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, không cho Việt Nam khai thác dầu khí trong vùng biển Việt Nam, mà Việt Nam không dám chỉ mặt gọi tên lên án Trung quốc tại ĐHĐLHQ thì ai sẽ lên án Trung quốc giúp Việt Nam?

2. Dù có ca ngợi bao nhiêu về Việt Nam và vai trò Việt Nam tại LHQ, thì sự né tránh gọi đích danh Trung quốc xâm lược đã hạ thấp uy danh của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Đương nhiên bạn bè quốc tế biết rõ ai là người sợ Trung quốc – đó hiển nhiên không phải là nhân dân Việt Nam – một Dân tộc đã anh dũng đối mặt và chiến thắng hàng chục cuộc xâm lược của Trung quốc.

3. Bài phát biểu của ông Phạm Bình Minh trong suốt thời gian hơn 15 phút không nghe được một lần vỗ tay ở giữa!

Bởi vì đó là một bài diễn văn chung chung, nói điều ai cũng biết. Điều mà mọi người chờ đợi là nghe Việt Nam gay gắt lên án Trung quốc ngang ngược xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, xây đảo nhân tạo, đe dọa tự do hàng hải, mưu toan biến Biển Đông Nam Á thành biên giới lãnh hải của Trung quốc – thì lại nhẹ giọng, không chỉ mặt gọi tên.

4. Sau nhân dân Việt Nam, có lẽ TT Donald Trump là người thất vọng nhất về bài phát biểu của Việt Nam. Hóa ra mỗi chỉ có Mỹ lên án kẻ thù của Việt Nam tại ĐHĐLHQ, mà đến lượt mình Việt Nam lại không biết tận dụng!

5. Qua bài phát biểu của ông Phạm Bình Minh thì ông Donald Trump lại thêm chắc chắn nên giữ quan hệ với chính quyền Việt Nam hiện nay ở mức độ nào!

Mỹ sẽ không chìa tay chân tình cho một người đứng dưới bóng kình địch của Mỹ.

Đó là điều rất bất lợi cho Việt Nam trong hoàn cảnh hiện nay.

Tiếng Dân

Liệu Phạm Bình Minh có đáng trách?

Nguyễn Đình Cống

30-9-2019

Phạm Bình Minh phát biểu tại Liên Hiệp quốc ngày 28/9/2019. Photo Courtesy

Gần đây xảy ra sự kiện, ngày 28 tháng 9 tại Liên Hiệp quốc, Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu 15 phút. Ông Minh nói chung chung về thành tích của VN, về căng thẳng ở Biển Đông, kêu gọi đa phương hóa quan hệ, không dám đụng đến tên Trung Quốc.

Không biết Bộ Chính trị của Đảng đã bàn bạc và chỉ thị như thế nào, có những mưu lược cao cường gì trong chuyện này, nhưng việc ông Minh không dám nói đến Trung Quốc ở LHQ đã làm cho phần đông dân Việt Nam thất vọng.

Không những dân Việt mà chắc rằng Chính phủ nhiều nước cũng thất vọng. Họ chờ đợi sự lên án Trung Quốc một cách mạnh mẽ của VN để tỏ rõ sự ủng hộ, để thể hiện sự đoàn kết chống bọn bành trướng. Nhưng họ đã không được nghe sau thời gian dài chờ đợi.

Bên cạnh những bài phê phán sự hèn nhát của Phạm Bình Minh, có vài ý kiến khuyên rằng, nên thông cảm cho ông ta, vì ông ta không được tự do ăn nói, mà phải chịu sự chỉ đạo của cấp trên.

Tôi không tán thành với sự thông cảm đó. Trước hết, phải biết ý kiến cá nhân của ông. Với tư cách Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, ông Minh có thấy cần phải nêu tên Trung Quốc ra không. Nhiều người cho rằng, không nêu ra thì toàn thế giới cũng đã biết rõ. Vâng, người ta biết rõ, nhưng việc nêu hay không nêu tên Trung Quốc có tác dụng khác nhau rất lớn.

Khi ông Minh cho rằng không cần nêu, thế thì ông đồng lõa với cấp trên, không thể nói là ông bị người ta ép buộc. Khi ông thấy cần phải nêu, phải chỉ thẳng vào mặt Trung Quốc, vậy ông có đề xuất và trao đổi với cấp trên không, có dám thuyết phục để họ chấp nhận ý kiến của ông không, hay ông chỉ ngoan ngoãn một lòng nghe theo họ, chỉ biết vâng dạ?

Cha của ông Minh là Nguyễn Cơ Thạch (tên thật là Phạm Văn Cương) một Bộ trưởng Ngoại giao khá cứng rắn với Trung Quốc, vì thế đã bị Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười loại bỏ. Không biết ông Minh có nghĩ tới cha hay không, có nghĩ rằng gặp trường hợp này Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch sẽ hành động như thế nào, giữ nguyên ý kiến để thể hiện, để bảo vệ tinh thần dân tộc và đồng thời giữ khí tiết, hay là chịu rụt cổ cúi đầu, bên ngoài nói là để giữ đoàn kết, thống nhất tư tưởng mà thực ra là che giấu sự tham quyền cố vị, không dám dũng cảm bảo vệ chính nghĩa.

Nếu quả thật ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị là không dám chỉ rõ tên Trung Quốc, thì tất cả họ đã nấp sau bức màn đen và đẩy một mình Phạm Bình Minh ra trước công luận để hứng chịu búa rìu của dư luận.

Theo lời khuyên “nên thông cảm với Phạm Bình Minh”, tôi tạm đặt vào vị trí của ông và thấy rùng mình. Theo trên thì tạm giữ được địa vị và giàu sang, nhưng… Quyết vạch rõ bộ mặt xâm lược của Trung Quốc thì… Đúng là tiến lên vướng núi, trở lại gặp sông. Nếu là tôi, tôi sẽ noi theo gương cha, thà bị mất chức tước, mất quyền lợi vật chất, thậm chí bị khai trừ khỏi Đảng như Trần Độ, Nguyễn Kiến Giang, Lê Hồng Hà, Trần Xuân Bách v.v… còn hơn ra giữa Liên Hiệp quốc phơi bày sự hèn kém của cá nhân và của Nhà nước.

Phải chăng Phạm Bình Minh đã vì quá sợ cấp trên, hay vì ý thức hệ cộng sản mà phản lại cha ông? Liệu những người có lương tri có thể thông cảm? Nếu PBM bị ép quá mức, tại sao không dám tuyên bố từ chức để chống lại?

Khi Bộ trưởng Ngoại giao tuyên bố từ chức để phản đối việc không dám đụng đến Trung Quốc xâm lược thì đó là một quả bom nổ giữa trời quang. Việt Nam đang rất cần những quả bom như thế để thức tỉnh. Xem trong các quan chức cao cấp của ĐCSVN chưa thấy ai có được dũng cảm để làm việc như vậy.

Tiếng Dân

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen